backup og meta

Sưng dái tai: Nguyên nhân và điều trị

Sưng dái tai: Nguyên nhân và điều trị

Nguyên nhân gây sưng dái tai rất đa dạng, trong đó điển hình nhất là nhiễm trùng, dị ứng và chấn thương. Hầu hết trường hợp dái tai bị sưng ngứa đều có thể điều trị bằng thuốc không kê đơn và các biện pháp khắc phục tại nhà.

Tuy nhiên, trong trường hợp nghiêm trọng, bạn cần đến bệnh viện để kiểm tra và điều trị.

Nguyên nhân gây sưng dái tai

Có rất nhiều nguyên nhân gây dái tai bị sưng và đau, bao gồm:

Xỏ khuyên tai

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất khiến dái tai bị sưng ngứa. Tình trạng dái tai bị sưng và đau  thường xảy ra ngay sau khi bạn xỏ khuyên tai và biến mất sau vài ngày. Tuy nhiên, dái tai vẫn có thể bị sưng trở lại do vị trí xỏ khuyên bị nhiễm trùng. Vì vậy, sau khi xỏ khuyên, nếu dái tai bị sưng kéo dài, bạn nên đến các cơ sở y tế để kiểm tra.

Xỏ khuyên tai gây sưng dái tai

Dị ứng

Dị ứng, đặc biệt là dị ứng với trang sức cũng là nguyên nhân phổ biến gây sưng dái tai. Chất niken có trong khuyên tai có thể khiến dái tai bị viêm và sưng. Trong trường hợp này, bạn nên tháo bỏ và thay thế bằng những loại khuyên tai khác không chứa niken.

Chấn thương

Bất kỳ tổn thương nào ở dái tai đều có thể dẫn đến sưng và đau, kể cả những tổn thương nhỏ do đeo khuyên tai quá chật.

Khối tụ máu tai

Khối tụ máu tai là một biến dạng ngoài của tai. Nó thường xảy ra sau khi bạn bị chấn thương tai. Đấu vật, đấm bốc và võ thuật là những môn thể thao có thể gây ra tình trạng tụ máu tai.

Nếu không được xử lý đúng cách, khối tụ máu tai có thể bị nhiễm trùng và biến dạng, gây đau, sưng và bầm tím.

Nguyên nhân sưng dái tai: Viêm tai xương chũm

Viêm tai xương chũm là tình trạng nhiễm trùng xương chũm nằm ở tai trong. Xương chũm có cấu trúc khác với các xương khác trong cơ thể. Nó hình thành từ các túi khí và có hình dạng như miếng bọt biển.

Viêm tai xương chũm

Viêm tai xương chũm thường dẫn đến các vấn đề như:

  • Đỏ và sưng tai
  • Thoát dịch từ tai bị ảnh hưởng
  • Đau tai
  • Sốt
  • Đau đầu
  • Mất thính giác

Nhiễm trùng tai ngoài

Nhiễm trùng tai ngoài phổ biến ở trẻ từ 7 đến 12 tuổi và những người thường xuyên bơi lội. Ngoài gây sưng dái tai, nhiễm trùng tai ngoài còn có các triệu chứng như:

  • Đau tai
  • Ngứa tai
  • Đỏ tai
  • Tai nhạy cảm

Côn trùng cắn

Các vết côn trùng cắn trên dái tai có thể gây ra tình trạng sưng và ngứa. Cách sơ cứu cho vết sưng dái tai do nguyên nhân này tùy thuộc vào loại côn trùng đã cắn bạn.

Côn trùng cắn

Áp xe

Áp xe là tình trạng sưng xảy ra ở bên trên hoặc bên dưới bề mặt của da. Bên cạnh đó, áp xe còn được đặc trưng bởi tình trạng tụ mủ và chất dịch. Thông thường, áp xe là hậu quả của nhiễm trùng do vi khuẩn.

Áp xe da có thể xuất hiện trên bất kỳ bộ phận nào của cơ thể. Do đó, chúng cũng có thể xảy ra ở dái tai. Tình trạng sưng dái tai do áp xe có thể tiến triển theo thời gian, đặc biệt là khi chúng không được điều trị đúng cách.

Các triệu chứng kèm theo áp xe dái tai thường là:

  • Sốt
  • Buồn nôn
  • Ớn lạnh
  • Tổn thương da
  • Viêm tai
  • Chảy dịch tại vị trí áp xe

Nhọt

Nhọt là tình trạng nhiễm trùng da phát triển sâu bên dưới bề mặt da và có thể kèm theo mủ. Tình trạng này thường liên quan đến các nang lông và gây đau khi chạm vào. Kích thước của những nốt nhọt có thể thay đổi theo thời gian. Các triệu chứng khác của sưng dái tai do nhọt gồm:

  • Ngứa tai
  • Nhức mỏi cơ thể
  • Mệt mỏi
  • Sốt
  • Ảnh hưởng đến các vùng da xung quanh

Ngứa tai

U nang bã nhờn

U nang bã nhờn là tình trạng bất thường khi da chứa đầy chất lỏng hoặc chất bán lỏng. Tuy không đe dọa đến tính mạng nhưng u nang có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu. U nang da do bã nhờn thường xuất hiện tại da đầu, mặt, cổ và lưng. Do đó, u nang ở dái tai cũng là một trường hợp khá hiếm gặp. Mức độ gây đau của các u nang này thường tỷ lệ thuận với kích thước của chúng.

Nguyên nhân sưng dái tai: Viêm da tiếp xúc

Một số chất khi tiếp xúc với bề mặt da có thể gây ra tình trạng viêm da tiếp xúc. Biểu hiện chính của viêm da tiếp xúc là sưng, ngứa, đỏ và viêm.

Tiếp xúc với cây sơn độc, cây thường xuân độc hoặc cây sumac độc

Sưng dái tai có thể xuất phát từ việc tiếp xúc với lá hoặc thân cây sơn độc, cây thường xuân độc hoặc cây sumac độc. Việc tiếp xúc này có thể dẫn đến phản ứng dị ứng, cụ thể là gây phát ban tại vùng da tiếp xúc.

Nguyên nhân là bởi những loại cây này tiết ra một loại dầu gây kích ứng da, khiến da có cảm giác bị châm chích và ngứa. Sau một thời gian, ban đỏ sẽ phát triển và lan rộng. Đồng thời, tình trạng ngứa cũng trở nên nghiêm trọng hơn. Cuối cùng, vết sưng sẽ hình thành, biến thành mụn nước trước khi khô và đóng vảy.

Chính vì thế, khi tiếp xúc với những loại cây này, dái tai của bạn có thể xuất hiện tình trạng sưng hoặc các triệu chứng khác của dị ứng.

Phát ban

Phát ban là tình trạng thay đổi kết cấu của làn da. Các nguyên nhân gây phát ban dái tai thường là:

  • Dị ứng
  • Thuốc
  • Mỹ phẩm
  • Một số căn bệnh như thủy đậu và sởi

Dị ứng mỹ phẩm gây sưng dái tai

Tùy vào nguyên nhân mà phát ban có thể đi kèm với một số triệu chứng khác.

Viêm mô tế bào

Viêm mô tế bào là căn bệnh nhiễm trùng da do vi khuẩn khá phổ biến. Bệnh được biểu hiện bằng tình trạng sưng nóng vùng viêm, đỏ và đau khi chạm vào. Viêm mô tế bào có thể xuất phát tại bất cứ vị trí nào trên cơ thể, kể cả dái tai.

Viêm mô tế bào có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Do đó, bạn nên liên hệ với các bác sĩ chuyên khoa nếu nghi ngờ mình mắc bệnh.

Điều trị tình trạng sưng dái tai

Cách điều trị sưng dái tai phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra nó.

Đầu tiên, bạn nên thử giảm sưng bằng một vài biện pháp khắc phục tại nhà. Phương pháp chườm lạnh có thể giúp giảm sưng bằng cách giảm lưu lượng máu đến vị trí sưng. Trong trường hợp nghi ngờ có u nang trên dái tai, bạn có thể sử dụng gạc ấm để khắc phục nó. Nếu tai bị đau, bạn có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn có bán tại bất kỳ cửa hiệu thuốc tây nào.

Trong trường hợp nhiễm khuẩn, bạn có thể dùng thuốc kháng sinh dạng uống hoặc dạng bôi. Đối với tình trạng sưng dái tai do côn trùng cắn hoặc dị ứng, bạn có thể sử dụng thuốc kháng histamine hoặc kem bôi ngoài da hydrocortison.

Thuốc bôi

Khi nào bạn cần tìm đến bác sĩ?

Phần lớn các trường hợp sưng dái tai đều có thể được điều trị bằng các biện pháp đơn giản tại nhà. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sự chăm sóc của bác sĩ chuyên khoa là điều cần thiết. Do đó, nếu các biện pháp khắc phục tại nhà không hiệu quả, bạn nên tìm đến các cơ sở y tế để điều trị.

Bác sĩ tư vấn bị khản tiếng uống thuốc gì cho mau khỏi

Khi dái tai của bạn chảy mủ màu xanh, vàng hoặc bị dị ứng nghiêm trọng, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay. Trong trường hợp dái tai có u nang hoặc áp xe, bác sĩ có thể xả dịch và mủ ra ngoài. Bác sĩ cũng sẽ kê toa thuốc kháng sinh nếu dái tai của bạn bị nhiễm trùng.

Các mẹo phòng ngừa sưng dái tai

Để phòng ngừa tình trạng này, bạn nên tránh xa những thứ có thể gây kích ứng và phát ban, chẳng hạn như khuyên tai có chứa niken (nếu bạn từng có phản ứng dị ứng với vật liệu này). Bên cạnh đó, bạn cũng nên thường xuyên vệ sinh tai ngoài bằng bông gòn hoặc khăn mềm thấm nước.

Dái tai bị sưng có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. Vì vậy, bạn nên chú ý theo dõi sự phát triển của vết sưng.

Sưng dái tai có thể được điều trị tại nhà mà không cần sự giúp đỡ của bác sĩ. Tuy nhiên, nếu vết sưng không thuyên giảm theo thời gian hoặc nghi ngờ đó là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn, bạn hãy đến bệnh viện để kiểm tra và điều trị.

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Swollen earlobe

https://www.healthline.com/health/swollen-ear-lobe#causes

Ngày truy cập: 04-03-2020

Swollen earlobe

https://www.medicalnewstoday.com/articles/321359

Ngày truy cập: 04-03-2020

Swollen ear

https://www.buoyhealth.com/symptoms-a-z/swollen-ear/

Ngày truy cập: 04-03-2020

Swollen earlobe. https://www.healthgrades.com/right-care/ear-nose-and-throat/ear-swelling. Ngày truy cập 28/4/2020

Swollen earlobe. https://www.specsavers.co.uk/hearing/ear-health/swollen-ear. Ngày truy cập 28/4/2020

Phiên bản hiện tại

28/04/2021

Tác giả: Dung Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

Hello Bacsi | 7 Mẹo hay giúp đẩy nước khỏi tai nhanh chóng

Góc giải đáp: Ngứa tai có phải dấu hiệu nguy hiểm, cách chữa là gì?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Dung Nguyễn · Ngày cập nhật: 28/04/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo