backup og meta

Chia sẻ

Zalo

Sao chép đường dẫn

Vì sao nằm điều hòa bị nghẹt mũi? 6+ mẹo cần biết khi ngủ máy lạnh

Nghe bài viết

Vì sao nằm điều hòa bị nghẹt mũi? 6+ mẹo cần biết khi ngủ máy lạnh

Bạn có thường bị nghẹt mũi, sụt sịt mũi sau khi nằm điều hòa? Nhiều người than phiền rằng máy điều hòa là một trong những nguyên nhân kích hoạt các triệu chứng của viêm mũi. Vậy vì sao nằm điều hòa bị nghẹt mũi và làm thế nào để khắc phục?

Nếu đang gặp phải các vấn đề kể trên, hãy cùng tìm hiểu những thông tin mà Hello Bacsi tổng hợp được trong bài viết sau đây nhé!

Vì sao nằm điều hòa bị nghẹt mũi?

Mọi người thường thắc mắc vì sao nằm điều hòa bị nghẹt mũi hay bị nghẹt mũi khi nằm điều hòa là do đâu? Theo các chuyên gia sức khỏe, có 3 nguyên nhân chính sau:

1. Không khí khô (thiếu độ ẩm)

Khi bạn mở điều hòa, nhất là vào mùa hè thì không khí bên trong phòng sẽ khô và lạnh hơn bên ngoài. Sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ và độ ẩm này sẽ kích hoạt các tuyến trong niêm mạc mũi tăng tiết chất nhầy, dẫn đến nghẹt mũi. Đây cũng chính là nguyên nhân lớn nhất giải đáp cho hiện tượng khi nằm điều hòa bị nghẹt mũi, hắt hơi và sổ mũi liên tục. Đặc biệt nếu bạn đặt điều hòa đối diện giường ngủ thì gió sẽ phả thẳng vào mặt, mũi có thể khiến tình trạng khô mũi và nghẹt mũi trở nên trầm trọng hơn. 

2. Điều hòa là nguồn tích tụ vi khuẩn gây bệnh 

nằm điều hòa bị nghẹt mũi

Bên cạnh việc làm giảm độ ẩm trong không khí, nếu máy điều hòa không được vệ sinh và bảo trì định kỳ thì bộ lọc của nó sẽ tích tụ các bào tử nấm, phấn hoa, bụi bẩn, vi khuẩn… và phát tán chúng vào không khí trong phòng. Các tác nhân gây hại này sẽ kích hoạt quá trình viêm ở niêm mạc mũi và đường hô hấp cho bất kỳ ai có nguy cơ bị dị ứng, gây nên hàng loạt triệu chứng rối loạn hô hấp như nghẹt mũi, sổ mũi hay ho, đau rát họng. 

3. Thông khí kém, tăng nguy cơ rối loạn hô hấp 

Khi sử dụng điều hòa, bạn thường phải đóng kín các cửa kể cả cửa sổ. Việc không khí không được lưu thông dễ dẫn đến tích tụ bụi bẩn, vi khuẩn và đây cũng là lý do bạn nằm điều hòa bị nghẹt mũi thường xuyên. 

Nằm điều hòa bị nghẹt mũi phải làm sao?

nằm điều hòa bị nghẹt mũi

Trong những mùa nắng nóng đỉnh điểm tại Việt Nam, ngủ mà không có điều hòa đôi khi là một thử thách. Nhưng nếu cứ mỗi khi nằm điều hòa bị nghẹt mũi thì phải làm sao? Dưới đây là 6 cách giúp bạn cải thiện tình trạng nghẹt mũi khi nằm điều hòa:  

1. Cân bằng độ ẩm cho không khí trong phòng 

Để khắc phục tình trạng nằm điều hòa bị nghẹt mũi, điều quan trọng và hiệu quả nhất là tăng độ ẩm trong phòng. Nếu bạn thường xuyên làm việc trong phòng điều hòa hay ngủ máy lạnh suốt đêm thì có thể trang bị máy phun sương tạo độ ẩm, kết hợp việc tăng độ ẩm và làm sạch không khí. Khi độ ẩm trong không khí tăng lên thì niêm mạc mũi và cổ họng của bạn cũng được xoa dịu, cải thiện tình trạng nghẹt mũi do khô mũi. 

2. Không để nhiệt độ trong phòng và bên ngoài chênh lệch quá lớn 

Yếu tố thứ hai liên quan đến tình trạng nghẹt mũi khi nằm điều hòa là sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn giữa bên trong và ngoài phòng. Vì vậy, bạn nên để nhiệt độ trong phòng gần nhất với nhiệt độ môi trường bên ngoài. Đây cũng là một mẹo giúp bạn tiết kiệm điện khi sử dụng điều hòa liên tục. 

3. Kiểm tra và bảo trì máy lạnh thường xuyên 

Bạn nên kiểm tra, bảo trì và vệ sinh bộ lọc máy lạnh thường xuyên. Điều này giúp cho bộ lọc không khí của máy làm việc ở mức tối ưu nhất. Từ đó hạn chế nguy cơ phát tán bụi bẩn, nấm mốc và các tác nhân gây bệnh, ngăn ngừa tình trạng nằm điều hòa bị nghẹt mũi. 

4. Giữ gìn vệ sinh phòng ốc, nhà cửa 

Môi trường sống kém vệ sinh là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn, nấm mốc trú ngụ, sinh sôi. Khi đó việc sử dụng máy điều hòa sẽ “tiếp tay” cho quá trình phát tán chúng vào không khí, dẫn đến các vấn đề về dị ứng và viêm nhiễm đường hô hấp của gia đình bạn trở nên trầm trọng hơn. 

Vì vậy, bên cạnh việc đảm bảo ngăn chặn nguồn lây bệnh từ máy lạnh, bạn cũng cần vệ sinh phòng ốc, nhà cửa thường xuyên, tránh để bụi bẩn hay các nhân tố gây bệnh khác có cơ hội trú ẩn. 

5. Uống nhiều nước 

Thói quen uống nhiều nước, nước ép trái cây cũng làm thông mũi, cải thiện tình trạng chất nhầy đường hô hấp ứ đọng gây nghẹt xoang. Tuy nhiên nên hạn chế uống nhiều thức uống chứa caffeine nếu bạn đang bị nghẹt mũi vì ngược lại, chúng sẽ làm cơ thể mất nước nhiều hơn. 

6. Vệ sinh mũi đúng cách 

nằm điều hòa bị nghẹt mũi

Trong nhiều trường hợp, để loại bỏ dịch nhầy ứ đọng gây ngạt mũi, các chuyên gia y tế khuyến cáo bệnh nhân dùng dung dịch xịt mũi hoặc rửa mũi chứa thành phần nước muối sinh lý, xịt mũi 3-4 lần mỗi ngày. Dung dịch xịt mũi này góp phần làm thông thoáng đường thở, cải thiện tình trạng ngạt mũi và cung cấp độ ẩm cần thiết cho niêm mạc mũi. 

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo rằng bạn không nên lạm dụng các dung dịch xịt mũi vì chúng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng kích ứng ở mũi và đường hô hấp. 

Khi nào cần đến gặp bác sĩ? 

Nghẹt mũi thông thường chỉ kéo dài vài ngày. Tuy nhiên nếu tình trạng nghẹt mũi kéo dài hoặc xuất hiện các triệu chứng bất thường sau đây, bạn nên nhanh chóng đi khám với bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng: 

  • Tình trạng nghẹt mũi kéo dài quá 10 ngày. 
  • Sốt cao
  • Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi không thể bú mẹ hoặc bú bình. 
  • Dịch nhầy của mũi tiết ra có màu vàng, xanh hoặc có lẫn máu. 

Nằm điều hòa bị nghẹt mũi nhưng không nằm điều hòa thì thời tiết quá nóng khiến bạn khó ngủ. Vậy nên Hello Bacsi hy vọng rằng những lời khuyên kể trên có thể giúp bạn hạn chế tình trạng nghẹt mũi khi nằm máy lạnh, để góp phần bảo vệ sức khỏe và giấc ngủ ngon cho cả gia đình bạn nhé!

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nasal Congestion (Stuffy Nose): What It Is, Causes & Treatment

https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/17980-nasal-congestion Ngày truy cập 25/5/2023

Medical Mythbuster: Does Air Conditioning Cause Sinus Problems?

https://reliantmedicalgroup.org/blog/2017/07/09/medical-mythbuster-air-conditioning-cause-sinus-problems/ Ngày truy cập 25/5/2023

Nonallergic rhinitis – Symptoms and causes – Mayo Clinic

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/nonallergic-rhinitis/symptoms-causes/syc-20351229 Ngày truy cập 25/5/2023

Winter dry sinuses and what you can do | OSF HealthCare

https://www.osfhealthcare.org/blog/winter-dry-sinuses-and-what-you-can-do/ Ngày truy cập 25/5/2023

Stuffy or runny nose – adult Information | Mount Sinai – New York

https://www.mountsinai.org/health-library/symptoms/stuffy-or-runny-nose-adult Ngày truy cập 25/5/2023

Phiên bản hiện tại

09/06/2023

Tác giả: Vi Quỳnh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan

avatar

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 09/06/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo