backup og meta

Giải đáp: Không hắt xì hơi được là bệnh gì? Cách khắc phục ra sao?

Giải đáp: Không hắt xì hơi được là bệnh gì? Cách khắc phục ra sao?

Hắt hơi là một phản ứng của cơ thể, giúp làm sạch các chất gây kích ứng, bụi bẩn, virus, vi khuẩn, dị vật… ra khỏi đường hô hấp. Thế nhưng, trong một số trường hợp muốn hắt xì mà không được nên có thể gây ra cảm giác vô cùng khó chịu. Vậy, không hắt xì hơi được là bệnh gì?

Về cơ bản, phản xạ hắt hơi có hai giai đoạn, gồm giai đoạn hít vào co thắt ban đầu và giai đoạn thở ra bằng mũi và miệng. Để hắt hơi đòi hỏi phải có cảm giác đầu vào (cảm giác nhột nhột ở mũi) để kích hoạt cơn hắt hơi. Cảm giác này kết nối với các dây thần kinh khởi động giai đoạn thở nhanh qua mũi và miệng để kết thúc một cơn hắt hơi.

Thông thường, khi phản xạ hắt hơi được kích hoạt, giai đoạn sau cũng sẽ tự động diễn ra. Tuy nhiên, ở một số người, hành động cuối cùng của hắt hơi không thể xảy ra. Điều này dẫn đến băn khoăn: Không hắt xì hơi được là bệnh gì? Để có được câu trả lời cho vấn đề này, cũng như biết được lời đáp cho thắc mắc muốn hắt xì mà không được phải làm sao, mời bạn tham khảo bài viết dưới đây của Hello Bacsi.

Giải đáp: Không hắt xì hơi được là bệnh gì?

Phản xạ hắt hơi bất thường đôi khi có thể liên quan đến rối loạn thần kinh. “Trung tâm hắt hơi” được định vị ở vùng tủy bên. Một số báo cáo lâm sàng trong những năm gần đây cho thấy những trường hợp hắt hơi bất thường thứ phát là do các bệnh về thần kinh. Các chuyên gia y tế cũng cho rằng, vấn đề tâm thần cũng có thể là nguyên nhân khiến nhiều người muốn hắt hơi xì mà không được.

Thực tế, nhiều người buồn hắt xì mà không được nhưng cũng không thể tìm ra được nguyên nhân chính xác. Tuy nhiên, một số trường hợp lâm sàng đã cho thấy, tình trạng tổn thương thân não một bên có thể loại bỏ tạm thời phản xạ hắt hơi ở người. Dưới đây là một số bệnh lý có thể là nguyên nhân khiến bạn muốn hắt xì mà không được:

1. Hội chứng tủy bên (Hội chứng Wallenberg)

Tại sao lời đáp đầu tiên cho thắc mắc “Không hắt xì hơi được là bệnh gì?” là hội chứng Wallenberg? Nguyên nhân là vì đã có báo cáo về trường hợp của 4 bệnh nhân mắc hội chứng tủy bên cho thấy phản xạ hắt hơi không thể xảy ra được mặc dù người bệnh rất muốn hắt xì.

Đặc điểm này của hội chứng tủy bên chưa từng được mô tả trước đây. Tuy nhiên, sau báo cáo này, các chuyên gia sức khỏe đã phát hiện ra rằng đặc điểm này phù hợp với vị trí “trung tâm hắt hơi” ở hành tủy bên của mèo.

Từ đó, có thể thấy, người bị tổn thương thân não một bên có thể gặp phải tình trạng muốn hắt xì mà không được.

2. Không hắt xì hơi được là bệnh gì? Hội chứng Horner một phần

không hắt xì hơi được là bệnh gì

Hội chứng Horner là tình trạng các dây thần kinh đi từ não đến mắt và mặt bị hỏng. Người mắc phải hội chứng này có thể bị sụp mí, co đồng tử và giảm tiết mồ hôi do rối loạn chức năng giao cảm cổ.

Thực tế, đã có báo cáo về một bệnh nhân bị hội chứng Horner một phần bên phải với các triệu chứng như co đồng tử, liệt mặt nhẹ bên phải, mất điều hòa chi phải… Khi được kích thích bên trong mũi bằng đầu bông, người bệnh không thể và cũng không cảm thấy muốn hắt hơi. Khi dùng capsaicin (một chiết xuất từ ớt) để kích thích bên trong mũi phải, cảm giác nóng rát khó chịu và chảy nước mũi cục bộ xảy ra, nhưng không xảy ra phản xạ hắt hơi.

Có thể thấy, khi mắc phải hội chứng Horner một phần, tình trạng hắt hơi khó có thể xảy ra ở một số người do các dây thần kinh của một bên não đã bị ảnh hưởng.

3. Không hắt xì hơi được là bệnh gì? U tủy

U tủy là một bệnh hiếm gặp, xảy ra khi tủy rễ thần kinh trong ống sống và các thành phần liên quan khác bị khối u đè ép. Trong một số trường hợp, khối u nang ở hành tủy có thể làm gián đoạn cung đi của phản xạ hắt hơi, khiến người bệnh muốn hắt xì mà không được.

4. Người đang hồi phục sau đột quỵ có thể không hắt xì hơi được

Khi nhắc đến vấn đề “Không hắt xì hơi được là bệnh gì?”, rất có thể đây là một triệu chứng tạm thời ở những người đang hồi phục sau một cơn đột quỵ. Những đối tượng này có thể tạm thời mất đi khả năng hắt hơi mặc dù có cảm giác rất muốn hắt hơi. Cảm giác nhột nhột ở mũi báo hiệu một cơn hắt hơi sắp xảy ra, nhưng giai đoạn sau của cơn hắt hơi thì không xuất hiện.

Điều này được cho là do người bị đột quỵ đều bị ảnh hưởng đến một bên trái hoặc phải của thân não dưới (còn gọi là tủy). Tình trạng này không ảnh hưởng đến quá trình hắt hơi, nhưng lại ảnh hưởng đến việc hoàn thành cơn hắt xì. Khả năng tự động liên kết cảm giác nhột nhột ở mũi với giai đoạn hắt hơi cuối đã bị suy giảm tạm thời.

Từ bốn nguyên nhân muốn hắt xì mà không được đã kể trên, có thể thấy, phản xạ hắt hơi chỉ có thể xảy ra khi cả bên trái và bên phải của tủy không bị ảnh hưởng. Mặc dù trong hầu hết các trường hợp, bệnh nhân đều có thể phục hồi khả năng hắt hơi trong vòng vài tháng, nhưng tình trạng này cũng gây ra nhiều khó chịu cho người bệnh.

Muốn hắt xì mà không được phải làm sao? Thử ngay 5 biện pháp hữu hiệu

không hắt xì hơi được là bệnh gì

Như vậy là bạn đã có được câu trả lời cho thắc mắc không hắt xì hơi được là bệnh gì. Nếu bạn đột nhiên không thể hắt hơi và đây là triệu chứng mới xảy ra, rất có thể tình trạng này không gây ra bất kỳ vấn đề gì, và đôi khi bạn vẫn có thể hắt xì. Tuy nhiên, nếu bạn nghi ngờ bản thân mắc phải một vấn đề về sức khỏe thần kinh, hãy đi khám để được chẩn đoán và điều trị.

Ngoài ra, trong những trường hợp hắt xì không được bình thường (không liên quan đến vấn đề thần kinh), bạn có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản sau đây để kích thích cơn hắt hơi, từ đó giúp làm sạch đường hô hấp:

1. Muốn hắt xì mà không được phải làm sao? Nhìn vào một nguồn sáng mạnh

Một số người bỗng hắt hơi khi đột nhiên tiếp xúc với ánh sáng chói. Đây gọi là phản xạ hắt hơi quang học, xảy ra do ánh sáng mạnh đã kích thích một phản xạ thần kinh.

Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có tác dụng với khoảng ⅓ dân số thế giới và có liên quan đến yếu tố di truyền. Nghĩa là, nếu cha mẹ của bạn hắt hơi khi nhìn vào một nguồn sáng mạnh, thì bạn cũng có thể xuất hiện phản xạ tương tự.

2. Ngửi mùi gia vị nồng

không hắt xì hơi được là bệnh gì

Không chỉ quan tâm đến vấn đề không hắt xì hơi được là bệnh gì, nhiều người còn muốn tìm ra cách giúp hắt xì hơi dễ dàng hơn. Nếu bạn cũng đang tìm kiếm điều này, hãy thử ngửi các loại gia vị có mùi nồng.

Việc ngửi các loại gia vị như hạt tiêu, quế và ớt cayenne có thể gây hắt hơi. Những gia vị này kích thích các đầu dây thần kinh mũi. Hầu hết mọi người đều sẽ có phản xạ hắt hơi khi ngửi những gia vị này. Tuy nhiên, hãy cẩn thận khi ngửi để không thật sự hít phải các gia vị này bạn nhé!

3. Làm nhột bên trong mũi

Không hắt xì hơi được là bệnh gì và phải làm sao? Nếu muốn hắt xì mà không được, bạn có thể thử se nhỏ một đầu khăn giấy và đưa vào trong mũi để cố gắng kích thích phản xạ nhột của mũi từ bên trong. Phương pháp này sẽ giúp kích thích các đầu dây thần kinh mũi và gây ra phản xạ hắt hơi nhanh chóng ở hầu hết mọi người. Tuy nhiên, lưu ý là bạn không nên đưa giấy vào quá sâu trong mũi nhé!

4. Muốn hắt xì mà không được phải làm sao? Nhổ lông mũi

Việc nhổ lông mũi sẽ kích thích dây thần kinh sinh ba (một phần của hệ thống thần kinh gửi cảm giác đau từ mặt đến não) và có thể gây ra hắt hơi. Tuy nhiên, bạn chỉ nên thực hiện phương pháp này khi đã áp dụng tất cả những biện pháp kia mà vẫn thất bại và chỉ nên làm thử một lần duy nhất, vì nó sẽ gây đau đớn vùng mũi.

5. Muốn hắt xì mà không được thì hãy thử nhổ lông mặt

Đây là một mẹo tương tự với thủ thuật nhổ lông mũi. Hành động nhổ lông mặt, chẳng hạn như tạo hình lông mày, có thể kích thích dây thần kinh sinh ba và gây ra hắt hơi khá nhanh ở một số người. Tuy nhiên, bạn cũng chỉ nên thử phương pháp này 1-2 lần nếu bạn sợ đau.

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được không hắt xì hơi được là bệnh gì và khi muốn hắt xì mà không được phải làm sao. Điều quan trọng là bạn nên đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị nếu nghi ngờ tình trạng không hắt xì hơi được là do một vấn đề về thần kinh.

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Loss of ability to sneeze in lateral medullary syndrome | Request PDF https://www.researchgate.net/publication/12646076_Loss_of_ability_to_sneeze_in_lateral_medullary_syndrome Ngày truy cập: 15/11/2023

Sneeze related area in the medulla: localisation of the human sneezing centre? – PMC https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2077498/ Ngày truy cập: 15/11/2023

Paroxysmal Sneezing at the Onset of Syncopes and Transient Ischemic Attack Revealing a Papillary Cardiac Fibroelastoma https://doi.org/10.1155/2014/734849 Ngày truy cập: 15/11/2023

Sneezing reflex is mediated by a peptidergic pathway from nose to brainstem https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0092867421006346 Ngày truy cập: 15/11/2023

Sneeze reflex: facts and fiction https://journals.sagepub.com/doi/pdf/10.1177/1753465809340571 Ngày truy cập: 15/11/2023

Inability to Sneeze as a manifestation of medullary neoplasm | Neurology https://n.neurology.org/content/41/10/1675 Ngày truy cập: 15/11/2023

Stroke Patients Left Feeling Dissatisfied By Inability To Sneeze | ScienceDaily https://www.sciencedaily.com/releases/2000/01/000125052757.htm Ngày truy cập: 15/11/2023

Stroke Patients: Inability to Sneeze https://www.newswise.com/articles/stroke-patients-inability-to-sneeze#:~:text=%22Aside%20from%20being%20frustrating%2C%20the,inability%20to%20sneeze%20is%20psychiatric Ngày truy cập: 15/11/2023

How To Make Yourself Sneeze When You Can’t – 5 Easy Ways To Try https://www.womenshealthmag.com/health/a39676413/how-to-make-yourself-sneeze/ Ngày truy cập: 15/11/2023

Phiên bản hiện tại

28/11/2023

Tác giả: Minh Châu Văn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Trẻ sơ sinh bị hắt hơi nhiều có sao không, cần khắc phục thế nào?

10 sự thật thú vị về hắt hơi có thể khiến bạn kinh ngạc


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 28/11/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo