backup og meta

Hay chảy máu mũi: Nguyên nhân và cách xử trí bạn cần biết

Hay chảy máu mũi: Nguyên nhân và cách xử trí bạn cần biết

Chảy máu mũi (chảy máu cam) là tình trạng phổ biến đối với trẻ nhỏ lẫn người lớn. Chảy máu mũi hiếm khi là dấu hiệu nguy hiểm nhưng nếu hay chảy máu mũi thì bạn có thể cảm thấy lo lắng. Vì vậy, nhiều người không tránh khỏi thắc mắc liệu hay chảy máu mũi là bệnh gì? Đây có phải là triệu chứng cảnh báo một tình trạng nguy hiểm nào đó?

Để tìm hiểu chi tiết hơn vì sao bạn thường xuyên chảy máu mũi thì hãy xem thông tin được Hello Bacsi tổng hợp qua bài viết sau nhé!

Chảy máu mũi là bệnh gì?

Chảy máu mũi (chảy máu cam) là tình trạng máu chảy ra từ hốc mũi và các xoang cạnh mũi. Đây được xếp loại vào một trong các tình trạng cấp tai – mũi – họng phổ biến nhất.

Phân loại theo mức độ chảy máu mũi

  • Chảy máu mũi nhẹ: Máu nhỏ giọt và có xu hướng tự cầm, thường xuất phát do điểm mạch mũi trước (điểm mạch Kiesselbach)
  • Chảy máu mũi vừa: Máu chảy thành dòng và tràn ra mũi trước, xuống họng và có thể kéo dài.
  • Chảy máu mũi nặng: Máu ồ ạt chảy ra do vỡ mạch lớn, mất máu nhiều, kéo dài và lặp lại. Sức khoẻ toàn thân bị ảnh hưởng với các triệu chứng mạch nhanh, hạ áp, vã mồ hôi, mặt tái nhợt,…

Phân loại theo vị trí chảy máu mũi

Thực chất, chảy máu cam là triệu chứng của nhiều nguyên nhân nhưng không phải nguyên nhân nào cũng đáng lo ngại. Về cơ bản, có 2 vị trí chảy máu mũi đó là:

  • Chảy máu mũi trước (tỷ lệ 80-90%) là do mạch máu trong mũi bị vỡ và thường không nguy hiểm. 
  • Chảy máu mũi sau (chiếm khoảng 10-20%) là máu chảy ra từ phần sâu nhất của mũi và cũng có thể chảy ngược trở lại cổ họng của bạn, nên khá nguy hiểm. 

Vì sao bạn hay chảy máu mũi?

Đôi khi, việc chảy máu mũi đột ngột không khiến bạn cảm thấy lo lắng như tình trạng chảy máu mũi thường xuyên. Sau đây là một số câu trả lời cho vấn đề vì sao hay chảy máu mũi mà bạn có thể quan tâm:

Không khí khô hoặc khói độc gây kích ứng mũi

Một trong những nguyên nhân phổ biến khiến bạn hay chảy máu mũi là do bạn đang sống ở nơi có khí hậu khô hoặc không khí trong nhà bạn thiếu độ ẩm nghiêm trọng. Điều này sẽ góp phần gây khô niêm mạc mũi khiến các mạch máu nhỏ trong mũi dễ bị vỡ hơn dẫn đến chảy máu cam.

Bên cạnh đó, khi mũi thường xuyên bị kích ứng, chẳng hạn như bạn thường xuyên tiếp xúc với mùi khói độc hại, cũng sẽ khiến tần suất chảy máu cam tăng lên.

Ngoáy mũi quá nhiều: Nguyên nhân gây chảy máu cam

hay chảy máu mũi

Nhiều người thường cảm thấy sảng khoái đối với việc ngoáy mũi. Thế nhưng, cần lưu ý rằng bạn sẽ có nguy cơ hay chảy máu mũi nếu ngoáy mũi quá thường xuyên. Nguyên nhân cơ bản là vì móng tay của bạn có thể gây tổn thương các mạch máu nhỏ bên trong mũi và gây chảy máu.

Hay chảy máu mũi liên quan đến việc bạn đang dùng thuốc chống đông máu

Việc dùng một số loại thuốc như aspirin, thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS)…  sẽ ảnh hưởng đến khả năng đông máu. Do đó, nếu đang dùng những loại thuốc này, bạn có thể bị chảy máu cam thường xuyên hơn.

Vách ngăn mũi bị lệch

Vách ngăn mũi là “tấm vách” chia đôi khoang mũi được cấu tạo từ sụn và xương. Nếu bạn có vách ngăn mũi bị lệch, điều này nghĩa là “tấm vách” này bị vẹo hoặc lệch tâm. Đây là một dị tật có thể gây nghẹt mũi, thậm chí là khó thở. Các triệu chứng khác bao gồm đau mặt, đau đầu, hay chảy máu mũi và có thể đó là tình trạng chảy máu mũi sau.

Hay chảy máu mũi liên quan đến một số tình trạng sức khỏe cơ bản

Chảy máu cam thường xuyên cũng có thể là triệu chứng của một số tình trạng sức khỏe như bệnh thận, bệnh gan, suy tim sung huyết hoặc tăng huyết áp. Thêm vào đó, dị ứng hoặc cảm lạnh cũng có thể gây kích ứng niêm mạc mũi dẫn đến chảy máu cam.

Giãn mao mạch xuất huyết di truyền (HHT)

hay chảy máu mũi (chảy máu cam) là gì

Giãn mao mạch xuất huyết di truyền còn được gọi là hội chứng Osler-Weber-Rendu. Đây là một rối loạn di truyền liên quan đến mạch máu gây chảy máu nhiều, nhất là giãn mao mạch trên diện rộng. Nếu bạn chảy máu mũi nhiều lần, tái phát và đang lo lắng vấn đề hay chảy máu mũi là bệnh gì thì cần lưu ý đến nguy cơ mắc phải rối loạn này. Ngoài ra, giãn mao mạch xuất huyết di truyền cũng có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác như não, phổi và hệ tiêu hóa.

Hay chảy máu mũi do lạm dụng chất kích thích

Lạm dụng chất kích thích, chẳng hạn như hít cocaine (một loại ma túy được chiết xuất từ cây coca) có thể gây kích ứng niêm mạc mũi, tổn thương mạch máu trong mũi và dẫn đến chảy máu mũi.

Các nguyên nhân khác gây chảy máu cam thường xuyên

Nếu tự nhiên bị chảy máu mũi, bạn cũng có thể nghĩ đến một số nguyên nhân như: 

  • Dị dạng mạch máu hoặc có khối u trong mũi
  • Lạm dụng thuốc nhỏ mũi
  • Viêm xoang, nhiễm trùng xoang trán hoặc các hốc xoang hai bên gò má
  • Bệnh Von Willebrand, máu khó đông hoặc các bất thường về đông máu khác
  • Bạn từng phẫu thuật mũi
  • Xơ vữa động mạch (sự xơ cứng của động mạch)
  • Thay đổi nội tiết tố khi mang thai cũng khiến một số mẹ bầu bị chảy máu mũi.

Cách xử lý tại nhà khi bị chảy máu mũi tại nhà 

Sau đây là một vài điều cơ bản về xử lý chảy máu cam tại nhà khi bạn chưa cần đến bệnh viện. Nếu hay bị chảy máu mũi thì bạn cần biết một số mẹo sau đây:

  • Người bị chảy máu mũi nên ngồi với tư thế hơi chúi người về phía trước, không ngửa đầu ra sau và tuyệt đối không nằm xuống để tránh khiến cho máu chảy ngược xuống cổ họng hoặc các xoang. Điều này có thể kích thích dạ dày gây nôn mửa.
  • Song song đó, dùng ngón tay ép chặt cánh mũi của bên mũi bị chảy máu khoảng 5 đến 10 phút và lặp lại nếu cần.
  • Bạn cần lưu ý giữ thẳng tư thế cho đến khi máu ngừng chảy. Thêm vào đó, có thể dùng khăn sạch bọc một viên đá để chườm lạnh cho vùng má và mũi nhằm giảm đau nhanh hơn.

Khi nào bạn cần đến bệnh viện?

hay chảy máu mũi là bệnh gì

Hầu hết trường hợp bị chảy máu cam thường không nguy hiểm nên không cần điều trị tại bệnh viện. Tuy nhiên, nếu các vấn đề sau đây xảy ra với bạn thì cách tốt nhất là nên sớm đi khám:

  • Bạn vẫn tiếp tục chảy máu mũi dù cho đã xử lý theo các giải pháp được khuyến nghị
  • Bạn hay chảy máu mũi với tần suất quá thường xuyên
  • Bạn cảm thấy choáng váng và chóng mặt khi chảy máu mũi
  • Nhịp tim tăng cao, khó thở
  • Ho ra máu
  • Sốt trên 38.5 độ C.

Lưu ý: Bạn không nên tự lái xe đến bệnh viện khi đang chảy máu mũi mà nên nhờ người khác chở đi hoặc gọi số điện thoại cấp cứu để được hỗ trợ.

Hay bị chảy máu mũi – Có cách nào giúp bạn ngăn ngừa không?

Đối với các trường hợp hay chảy máu mũi không liên quan đến vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào đó thì bạn có thể phòng ngừa bằng những cách như:

  • Dùng nước muối sinh lý hoặc thuốc xịt, nhỏ mũi để giữ ẩm cho đường mũi nhưng không nên quá lạm dụng. Bạn cũng có thể sử dụng thêm máy tạo độ ẩm trong phòng để bổ sung độ ẩm cho không khí.
  • Không xì mũi quá mạnh và nên tìm cách loại bỏ thói quen ngoáy mũi (nếu có).
  • Nếu đang sử dụng một số thuốc có thể gây loãng máu, bạn cần đảm bảo làm theo đúng lời khuyên của bác sĩ.
  • Không hút thuốc, không sử dụng chất kích thích vì điều này có thể gây kích ứng cho mũi.

Mặt khác, đối với các trường hợp chảy máu cam thường xuyên do dị ứng, viêm xoang mãn tính hoặc bất kỳ bệnh lý nào khác thì bạn nên đi khám để được điều trị cũng như nhận được lời khuyên từ bác sĩ về việc kiểm soát tình trạng chảy máu mũi nhé!

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Why Do I Keep Getting Bloody Noses?

https://www.newhealthadvisor.org/Why-Do-I-Keep-Getting-Bloody-Noses.html Truy cập ngày 22/09/2022

Nosebleeds

https://familydoctor.org/condition/nosebleeds/ Ngày truy cập  22/09/2022

Nosebleeds

https://www.nationwidechildrens.org/conditions/nosebleeds Ngày truy cập 22/09/2022

Nosebleeds

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/13464-nosebleed-epistaxis#:~:text=The%20most%20common%20cause%20of,or%20when%20blowing%20your%20nose. Ngày truy cập  22/09/2022

Nosebleeds

https://kidshealth.org/en/teens/nosebleeds.html Ngày truy cập 22/09/2022

Chảy máu mũi: Những thông tin cần biết

http://bachmai.gov.vn/tin-tuc-va-su-kien/bai-viet-chuyen-mon-menuleft-33/7763-chay-mau-mui-nhung-thong-tin-can-biet-ve-chan-doan-va-dieu-tri.html Ngày truy cập 31/5/2023

Phiên bản hiện tại

31/05/2023

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Vi Quỳnh


Bài viết liên quan

Truy tìm nguyên nhân nghẹt mũi nhưng không chảy nước mũi

Viên xông mũi có hiệu quả không? Cách dùng như thế nào?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 31/05/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo