backup og meta

Concha bullosa là gì và khi nào cần phải phẫu thuật loại bỏ nó đi?

Concha bullosa là gì và khi nào cần phải phẫu thuật loại bỏ nó đi?

Concha bullosa là gì? Đây là thắc mắc phổ biến của những người được bác sĩ chẩn đoán vì tên của nó nghe khá lạ. Bạn có thể sống chung với concha bullosa cả đời không có bất kỳ triệu chứng nào, nhưng cũng có trường hợp cần phải phẫu thuật.

Chị Thu Hà, 28 tuổi, ở quận 6, TP. HCM thường bị sổ mũi, nghẹt mũi. Những hôm thời tiết thay đổi, tình trạng bệnh của chị nặng hơn. Một lần bị bệnh hành gây mệt mỏi, ho nhiều, đàm có lẫn máu, nhức đầu kinh khủng, chị quyết định đến bệnh viện khám. Sau khi cho chị chụp X-quang mặt và phổi, nội soi mũi, bác sĩ chẩn đoán chị bị viêm xoang và trong mũi có túi concha bullosa. Trước mắt, bác sĩ cho chị uống thuốc để điều trị các triệu chứng của bệnh và dặn khi nào sắp xếp được thời gian thì đến bệnh viện làm phẫu thuật cắt bỏ túi này đi.

Thế nhưng, khi các triệu chứng biến mất, chị không đến bệnh viện phẫu thuật. Trong một năm sau đó, chị lại bị tái phát sổ mũi, ho, nhức đầu, mệt mỏi nhiều lần. Chị nhớ lại lời bác sĩ dặn là phẫu thuật concha bullosa nên chuẩn bị tinh thần làm phẫu thuật để thoát khỏi tình trạng bị bệnh hành. Vậy concha bullosa là gì? Khi có concha bullosa, bạn có cần phải phẫu thuật không? Nếu cũng là bệnh nhân của tình trạng này, bạn hãy đọc bài viết sau của Hello Bacsi.

Concha bullosa là gì?

Cuốn mũi (xương xoắn mũi) là cấu trúc hình thành từ xương bên trong mũi. Chúng giúp kiểm soát luồng khí vào mũi, làm sạch và làm ấm không khí mà bạn hít vào trước khi đi vào phổi. Concha bullosa xảy ra khi một trong những cuốn mũi có túi khí gây phì đại. Có ba cặp cuốn mũi trong mũi nằm ở hai bên của vách ngăn:

  • Cuốn mũi trên: Nằm cao nhất trong mũi, gần não, có chức năng bảo vệ khứu giác, phần não giúp bạn ngửi.
  • Cuốn mũi giữa: Nằm giữa cuốn mũi trên và cuốn mũi dưới, giúp không khí hít vào không di chuyển trực tiếp đến xoang mũi.
  • Cuốn mũi dưới: Nằm thấp nhất trong mũi, giúp giữ ẩm và làm ấm không khí hít vào trước khi đi vào phổi.

Bạn có thể thấy đau hoặc khó chịu xung quanh xoang mũi khi cuốn mũi giữa lấp đầy bằng một túi khí concha bullosa. Trong nhiều trường hợp, bạn không cần điều trị concha bullosa. Tuy nhiên, khi túi khí này càng lớn, bạn càng cảm thấy khó chịu. Nếu không được điều trị, concha bullosa có thể gây ra các tình trạng khó chịu hơn và gây viêm xoang.

Cách nhận biết triệu chứng concha bullosa

Túi concha bullosa nhỏ thường không gây ra bất kỳ triệu chứng đáng chú ý nào. Nhiều trường hợp có concha bullosa trong mũi suốt cuộc đời nhưng không bao giờ nhận ra sự hiện diện của nó. Còn khi concha bullosa lớn, bạn sẽ cảm thấy đau và khó chịu. Các triệu chứng phổ biến bao gồm:

  • Đau quanh xoang và vùng quanh mắt
  • Cảm giác giống như bạn không thể hít thở dễ dàng
  • Cảm thấy có gì đó cản đường bên trong lỗ mũi

Các triệu chứng của concha bullosa gần giống viêm xoang là khiến bạn cảm thấy không thể thở bằng mũi được. Tuy nhiên, concha bullosa thường không gây đau tai và quai hàm, tiết dịch nhầy hoặc các triệu chứng viêm xoang khác.

Nguyên nhân gây concha bullosa

Không rõ nguyên nhân chính xác gây ra concha bullosa. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Thần kinh học Hoa Kỳ cho thấy concha bullosa có mối liên quan đến vẹo vách ngăn. Tình trạng này có nghĩa là vách ngăn không thẳng, có thể khiến bạn khó thở một bên mũi. Vách ngăn lệch có thể gây ra các triệu chứng khác như ngáy to và ngưng thở khi ngủ.

Làm thế nào để chẩn đoán concha bullosa?

Nếu concha bullosa không làm ảnh hưởng đến khả năng thở bình thường của bạn, bạn không cần phải gặp bác sĩ. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, bạn nên đến bác sĩ khám để bác sĩ có hướng điều trị thích hợp. Muốn chẩn đoán concha bullosa, bác sĩ có thể cho bạn nội soi mũi. Dưới đây là hình nội soi mũi của một bệnh nhân có concha bullosa.

Những lựa chọn điều trị concha bullosa

Nếu concha bullosa gây ra các tình trạng khác chẳng hạn như viêm xoang, bác sĩ sẽ đưa ra một phác đồ điều trị thích hợp với viêm xoang. Nếu sau khi điều trị viêm xoang không hiệu quả, các triệu chứng như đau đầu hoặc khó thở ngày càng trở nên tồi tệ hơn, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật concha bullosa. Các thủ thuật điều trị bao gồm:

  • Ép cuốn mũi: Bác sĩ sử dụng dụng cụ để ép concha bullosa cho đến khi giải phóng khí ra ngoài. Phẫu thuật này có thể yêu cầu gây tê tại chỗ. Phương pháp này được xem là an toàn và có ít biến chứng.
  • Chỉnh hình cuốn mũi: Bác sĩ định hình lại xương và mô xung quanh concha bullosa để không khí lưu thông qua túi khí này dễ dàng hơn. Phẫu thuật này thường cần gây mê toàn thân.
  • Cắt bớt cuốn mũi: Bác sĩ sử dụng các thiết bị để loại bỏ một hoặc tất cả concha bullosa. Phẫu thuật này thường cần gây mê toàn thân.
  • Điều chỉnh vách ngăn lệch: Bác sĩ cũng có thể đề nghị phẫu thuật điều chỉnh vách ngăn bị lệch giúp bạn thở dễ hơn.

Concha bullosa có thể dẫn đến các biến chứng nào?

Khi túi concha bullosa lớn và không được điều trị, có thể gây viêm xoang và khiến bạn bị:

  • Đau đầu
  • Chảy chất nhầy ra từ mũi
  • Viêm họng
  • Ho không khỏi

Viêm xoang có thể trở thành mạn tính và khiến bạn khó thở hơn vì đường thở mũi bị viêm, gây mệt mỏi, buồn nôn, đau đầu, đau cổ họng và tai. Theo thời gian, các biến chứng có thể gây ra viêm màng não hoặc khiến bạn mất khứu giác hoặc thị lực.

Lời khuyên dành cho bạn khi bị concha bullosa

Khi được chẩn đoán bị concha bullosa và được bác sĩ yêu cầu phẫu thuật, bạn nên đến 1 – 2 bệnh viện uy tín khác, ví dụ như Bệnh viện Tai mũi họng TP. HCM; Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM để kiểm tra lại lần nữa. Nếu các bác sĩ đều có chung chỉ định phẫu thuật, thì phẫu thuật có thể là một lựa chọn tốt cho bạn. Phẫu thuật không chỉ giúp làm giảm các triệu chứng mà có thể ngăn ngừa các biến chứng xảy ra.

Những rủi ro khi phẫu thuật xoang mũi

Concha bullosa là gì và có cần phải phẫu thuật loại bỏ nó đi?

Tuy phẫu thuật xoang có thể làm thay đổi cuộc sống của một người nhưng sau phẫu thuật, bạn sẽ có cảm giác đau đớn, chảy máu mũi liên tục trong khoảng 24 giờ sau đó, cảm giác tắc nghẽn và sưng trong vài ngày. Ngoài ra, phẫu thuật còn có thể tiềm ẩn những rủi ro sau đây:

  • Xuất huyết: Sau phẫu thuật, tình trạng chảy máu là bình thường, nhưng trong một số trường hợp hiếm, bạn có thể bị chảy máu quá nhiều hoặc kéo dài và đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của bạn.
  • Nhiễm trùng: Hầu hết nhiễm trùng sau phẫu thuật không nghiêm trọng và có thể điều trị bằng kháng sinh, nhưng trong một số trường hợp hiếm, nhiễm trùng có thể xâm nhập vào máu và đe dọa tính mạng. Bạn cũng có thể bị nhiễm loại vi khuẩn kháng kháng sinh, chẳng hạn như MRSA, việc điều trị sẽ trở nên tốn kém hơn.
  • Tổn thương mô xung quanh: Xoang nằm gần não và mắt nên các mô tại vị trí này có thể bị tổn thương. Tuy hiếm gặp nhưng tình trạng thâm tím quanh mắt sau phẫu thuật xoang là không bình thường và bạn cần báo cho bác sĩ phẫu thuật ngay lập tức.
  • Tê liệt: Bạn có thể bị tê liệt ở mặt, môi và mũi. Tình trạng này thường là tạm thời, nhưng hiếm khi xảy ra. Nếu có tổn thương thần kinh, bạn có thể bị tê liệt vĩnh viễn.
  • Dịch não tủy: Đây là một biến chứng hiếm gặp, trong đó dịch não và tủy rò rỉ từ não, chảy ra mũi. Dịch não tủy thường được chữa khỏi bằng phẫu thuật.

Ngoài những rủi ro trên, bệnh xoang có thể tái phát và đòi hỏi phải phẫu thuật xoang lần nữa. Thêm nữa, việc gây mê toàn thân cũng tiềm ẩn rủi ro như tăng thân nhiệt ác tính và thậm chí tử vong. Dù vậy, theo các số liệu thống kê, các biến chứng nghiêm trọng sau phẫu thuật xoang rất hiếm gặp. Phẫu thuật xoang không nguy hiểm bằng những loại phẫu thuật khác mà nhiều người trải qua hằng ngày.

Vi Cao/HELLO BACSI

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

What Is Concha Bullosa and How Is It Managed? https://www.healthline.com/health/concha-bullosa Ngày truy cập 24/1/2019

The Complications of Sinus Surgery https://www.verywellhealth.com/what-are-the-complications-of-sinus-surgery-1192055  Ngày truy cập 24/1/2019

Concha bullosa of the inferior turbinate: an unusual cause of nasal obstruction https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3146328/ Ngày truy cập 24/1/2019

 

Phiên bản hiện tại

22/01/2020

Tác giả: Cao Nguyen Bich Vi

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

7 cách đơn giản làm giảm viêm xoang tại nhà

Viêm xoang khi mang thai có được dùng thuốc? Làm sao để nhanh khỏi?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Cao Nguyen Bich Vi · Ngày cập nhật: 22/01/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo