backup og meta

Bình rửa mũi: Sử dụng như thế nào, cần lưu ý gì khi dùng?

Bình rửa mũi: Sử dụng như thế nào, cần lưu ý gì khi dùng?

Việc sử dụng bình rửa mũi có thể giúp bạn đẩy bớt chất nhầy khi bị nghẹt mũi do cảm lạnh, dị ứng hay viêm xoang. Chiếc bình này tuy nhỏ gọn nhưng lại là “cứu tinh” giúp bạn đi qua những ngày khổ sở vì thời tiết thay đổi thất thường đấy.

Bình rửa mũi là dụng cụ giúp bạn điều trị nghẹt mũi tại nhà khá phổ biến hiện nay, không chỉ dành cho đối tượng trẻ em. Nếu bị nghẹt mũi hay đang trong quá trình hồi phục sau phẫu thuật mũi, bạn có thể cần tới bình rửa mũi giúp loại bỏ chất nhầy trong mũi. Bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về dụng cụ này để có thể sử dụng ngay khi cần nhé.

Các loại bình rửa mũi cho người lớn trên thị trường

Dụng cụ này có lẽ chưa phổ biến lắm ở các gia đình Việt tuy nhiên ngày càng có nhiều người quan tâm và tìm mua. Chất liệu, mẫu mã của chúng cũng rất đa dạng.

1. Bình rửa mũi bằng gốm

bình rửa mũi

Loại bình này trông khá đẹp mắt và chắc chắn. Ưu điểm là dễ dàng làm vệ sinh nên giảm thiểu nguy cơ tích tụ nhiều vi khuẩn. Hơn nữa, bình gốm chịu nhiệt rất tốt nên bạn có thể thoải mái rửa bình bằng nước nóng.

2. Bình rửa mũi bằng nhựa

bình rửa mũi

Bạn đang tìm mua 1 chiếc bình rửa mũi nhưng nếu bạn nghĩ mình khá hậu đậu và có khả năng làm rơi vỡ đồ dùng thì hãy chọn bình rửa mũi bằng nhựa. Đây là loại bình khá chắc chắn, không rơi vỡ nhưng tương đối khó vệ sinh. Bên cạnh đó, bạn cũng cần tìm hiểu loại nhựa được sử dụng để làm bình rửa khi muốn sử dụng lâu dài.

3. Bình rửa mũi dạng đứng

bình rửa mũi

Loại bình này tạo áp lực nước rất nhẹ nhàng lên khoang mũi và cũng dễ vệ sinh. Hơn nữa, một số loại bình dạng đứng còn có thể tiệt trùng được bằng lò vi sóng đấy.

Tác dụng của việc rửa mũi thường xuyên

Nhiều người thường thắc mắc nghẹt mũi có nên rửa mũi không, có hiệu quả không? Câu trả lời sẽ có ngay dưới đây!

Khi bạn bị nghẹt mũi, việc vệ sinh bằng cách rửa mũi mang lại các tác dụng sau đây:

  • Làm sạch khoang mũi
  • Loại bỏ các yếu tố gây viêm
  • Cải thiện khả năng tự làm sạch của hệ thống hô hấp

Nếu bạn bị nghẹt mũi do cảm lạnh hoặc dị ứng thì đây có thể là cách chữa đơn giản tại nhà, giúp cảm thấy dễ chịu hơn một cách nhanh chóng. Bạn hãy sử dụng dung dịch nước muối sinh lý để rửa mũi vì dung dịch này giúp giảm kích ứng tốt hơn nước thường. Bạn có thể sử dụng bình rửa mũi 1 lần/ ngày và nếu thấy mũi đỡ nghẹt hơn thì bạn có thể rửa mũi 2 lần/ ngày cho hết hẳn.

Bình rửa mũi có hình dáng gần giống một bình trà. Khi sử dụng, bạn sẽ đổ dung dịch nước muối vào trong bình và cho dung dịch này chảy vào khoang mũi để đẩy các chất nhầy trong mũi ra. Phương pháp rửa mũi này đã được áp dụng hàng trăm năm nay và rất tiện lợi, an toàn nếu bạn làm đúng theo hướng dẫn sử dụng của sản phẩm.

Đối với những người đang trong quá trình phục hồi sau phẫu thuật mũi, bác sĩ có thể kê toa một dung dịch rửa mũi đặc biệt để bạn dùng với bình rửa mũi.

Hướng dẫn cách dùng bình rửa mũi cho người lớn

bình rửa mũi

chắc hẳn đọc đến đây bạn không còn thắc mắc nghẹt mũi có nên rửa mũi không? Vậy cách dùng bình rửa mũi như thế nào cho đúng? Câu trả lời sẽ có ngay sau đây!

Để bắt đầu quá trình vệ sinh mũi, bạn sẽ cần đổ dung dịch rửa mũi vào bình rồi kê vòi bình vào một bên lỗ mũi. Dung dịch sẽ chảy qua khoang mũi và đi ra ngoài qua lỗ mũi bên kia cùng với các chất nhầy ở trong mũi.

Bạn hãy tham khảo hướng dẫn cụ thể sau đây:

Bước 1

Bạn chọn một phòng có bồn rửa mặt để thực hiện các bước sau:

  • Rửa sạch, lau khô bình rồi đổ dung dịch vệ sinh mũi vào bình.
  • Cúi người về phía bồn rửa, mắt hướng xuống dưới.
  • Nghiêng đầu một góc 45 độ.
  • Nhẹ nhàng kê vòi bình vào lỗ mũi ở phía trên. Bạn hãy kê cẩn thận sao cho vòi bình không chạm trực tiếp vào vách ngăn mũi.

Bước 2

Bạn sẽ cần thở bằng miệng ở bước này:

  • Nghiêng bình để dung dịch rửa mũi chảy vào lỗ mũi.
  • Giữ nghiêng bình và đợi dung dịch chảy sang lỗ mũi bên kia.

Bước 3

Sau khi hoàn thành các bước trên, bạn sẽ vệ sinh lại mũi:

  • Bạn tiếp tục đổ dung dịch vào lỗ mũi cho đến khi hết bình.
  • Khi bạn đã dùng hết dung dịch, hãy lấy bình ra khỏi lỗ mũi và ngẩng đầu lên.
  • Thở mạnh bằng cả hai lỗ mũi (hỉ mũi) để đẩy hết những gì còn sót lại trong mũi ra ngoài.
  • Dùng khăn giấy lau khô dung dịch và chất nhầy vừa chảy ra khỏi mũi.

Bước 4

Bạn lặp lại các bước trên để rửa bên mũi còn lại.

Lưu ý khi dùng bình rửa mũi

Cách thức này có thể giải quyết tình trạng nghẹt mũi rất tốt nhưng bạn cần rất cẩn thận khi dùng để đảm bảo an toàn. Bạn hãy lưu ý những điều sau đây khi sử dụng nhé:

  • Dùng nước sạch để rửa mũi: Bạn chỉ nên dùng nước đã tiệt trùng, nước đun sôi để nguội, nước muối sinh lý hay dung dịch rửa mũi chuyên dụng.
  • Để ý đến nhiệt độ nước: Bạn không nên dùng nước quá nóng hoặc quá lạnh. Nước hơi ấm hoặc nước ở nhiệt độ phòng là thích hợp nhất cho việc rửa mũi.
  • Giữ vệ sinh bình rửa mũi: Bạn hãy vệ sinh và lau khô bình rửa sau mỗi lần sử dụng. Bạn có thể dùng nước nóng và xà phòng kháng khuẩn để vệ sinh. Sau đó, bạn có thể lau khô bình bằng khăn giấy hoặc để bình tự khô.
  • Thay bình rửa mũi: Bạn nên thay bình thường xuyên như thay bàn chải đánh răng để tránh vi khuẩn tích tụ nhiều bên trọng.
  • Quan sát phản ứng của cơ thể: Bạn nên ngừng sử dụng nếu bạn thấy mũi khó chịu, đau tai hoặc các triệu chứng không bớt.
  • Cẩn thận khi rửa mũi cho trẻ: Trường hợp bạn muốn vệ sinh mũi cho trẻ em, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bình rửa mũi và tuyệt đối không sử dụng dụng cụ này cho trẻ sơ sinh.

Bạn có thể quan tâm: Bật mí 5 cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh vừa nhanh vừa hiệu quả.

Cách tự làm dung dịch rửa mũi

bình rửa mũi

Thay vì mua nước muối sinh lý ở hiệu thuốc, bạn có thể tự chuẩn bị dung dịch rửa mũi tại nhà. Tuy nhiên, bạn cần chú ý loại nước mình dùng và nhiệt độ của nước. Một số loại nước có thể không đủ sạch và sẽ gây hại tới sức khỏe. Để an toàn hơn, bạn có thể tham khảo một số loại nước sau:

  • Nước cất hoặc nước đã tiệt trùng.
  • Nước máy đã đun sôi trong vài phút và để nguội ở nhiệt độ phòng. Bạn lưu ý không dùng nước đun sôi để nguội đã để ngoài không khí hơn một ngày.
  • Nước đã được lọc cẩn thận với các đồ lọc cực nhỏ khoảng 1 micron (1/1.000mm).

Khi đã đảm bảo những lưu ý về chất lượng nước, bạn có thể tự làm dung dịch rửa mũi theo các bước sau:

  • Đổ khoảng 5,5g muối Kosher vào khoảng 16ml nước ấm
  • Cho thêm khoảng 2g baking soda vào dung dịch trên
  • Khuấy đều dung dịch

Nếu dùng một lần không hết, bạn có thể trữ dung dịch này ở nhiệt độ phòng trong tối đa 2 ngày. Ngoài ra, nếu bạn thấy mũi bị khó chịu hay châm chích khi dùng dung dịch trên thì hãy giảm lượng muối xuống một nửa trong lần rửa sau.

Sử dụng bình rửa mũi là cách chữa nghẹt mũi an toàn tại nhà cho người lớn nếu bạn dùng dung dịch rửa mũi phù hợp và vệ sinh bình sau mỗi lần sử dụng. Tuy nhiên, bạn chỉ nên tiếp tục sử dụng nếu thấy các triệu chứng giảm nhẹ. Nếu thấy cách thức này không hiệu quả hoặc gây kích ứng mũi, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ ngay nhé!

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Neti pot: Can it clear your nose?

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/common-cold/expert-answers/neti-pot/faq-20058305 Ngày truy cập 23/3/2023

Neti Pots Explained: How the Device Helps Clear Your Nasal Passages

https://health.clevelandclinic.org/what-are-neti-pots-and-do-they-work/ Ngày truy cập 23/3/2023

Is Rinsing Your Sinuses With Neti Pots Safe?

https://www.fda.gov/consumers/consumer-updates/rinsing-your-sinuses-neti-pots-safe Ngày truy cập 23/3/2023

Sinus Rinsing For Health or Religious Practice

https://www.cdc.gov/parasites/naegleria/sinus-rinsing.html Ngày truy cập 23/3/2023

It’s safe to use Neti pot for COVID-19 congestion

https://www.uclahealth.org/news/its-safe-to-use-neti-pot-for-covid-19-congestion Ngày truy cập 23/3/2023

How to Use a Neti Pot Correctly
https://www.healthline.com/health/how-to-use-a-neti-pot#Step-by-step-guide Ngày truy cập: 31.01.2019

Nasal Irrigation and Neti Pots
https://www.healthline.com/health/allergies/neti-pots#4 Ngày truy cập: 31.01.2019

The Best Neti Pot
https://thewirecutter.com/reviews/best-neti-pot/ Ngày truy cập: 31.01.2019

Phiên bản hiện tại

23/03/2023

Tác giả: Như Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

[Infographic] 8 cách giảm nghẹt mũi không cần dùng thuốc

8 cách giảm nghẹt mũi cấp tốc, đơn giản, hiệu quả bất ngờ


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 23/03/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo