backup og meta

Viêm hạch bạch huyết mãn tính: Những thông tin cần biết!

Viêm hạch bạch huyết mãn tính: Những thông tin cần biết!

Viêm hạch bạch huyết là biểu hiện của tình trạng nhiễm trùng do nhiều nguyên nhân như vi khuẩn, vi rút, nấm gây ra. Viêm hạch bạch huyết mãn tính là viêm hoặc nhiễm trùng hạch bạch huyết diễn ra trong thời gian dài. 

Đối với cơ thể, hạch bạch huyết giữ vai trò như đôi quân lính gác để bảo vệ các hệ thống cơ quan trước sự xâm nhập của tác nhân lạ. Đây chính là một phần không thể thiếu của hệ miễn dịch nên khi hệ thống hạch bạch huyết có vấn đề bất thường thì cơ thể rất dễ bị nhiễm trùng. Những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi sẽ giúp bạn hiểu hiểu chi tiết hơn tình trạng viêm hạch bạch huyết mãn tính.

Viêm hạch bạch huyết mãn tính là gì?

Viêm hạch bạch huyết là thuật ngữ y học để chỉ tình trạng phì đại ở một hoặc nhiều hạch bạch huyết, thường là do nhiễm trùng. Các hạch bạch huyết thường tập trung ở cổ, nách và háng và chứa đầy các tế bào bạch cầu giúp cơ thể bạn chống lại nhiễm trùng. Việc các hạch bạch huyết bị nhiễm trùng thường là do nhiễm trùng bắt đầu ở một nơi khác trong cơ thể lây lan sang. Hiếm khi, các hạch bạch huyết có thể to ra do ung thư.

Viêm hạch bạch huyết mãn tính là tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng hạch bạch huyết diễn ra trong một thời gian dài. Nhiễm trùng lây lan đến các hạch bạch huyết thường do vi khuẩn, vi rút hoặc nấm gây ra. Điều quan trọng là phải tìm hiểu xem nhiễm trùng lây lan vào các hạch bạch huyết của bạn như thế nào để có thể bắt đầu điều trị đúng cách.

Viêm hạch bạch huyết có thể là một trong hai loại:

  • Viêm hạch khu trú: Đây là loại phổ biến nhất. Viêm hạch khu trú liên quan đến một hoặc chỉ một vài hạch ở gần khu vực bắt đầu nhiễm trùng. Ví dụ, các hạch sưng to do nhiễm trùng amidan có thể được cảm nhận ở vùng cổ.
  • Viêm hạch toàn thân: Loại nhiễm trùng hạch này xảy ra ở hai hoặc nhiều nhóm hạch bạch huyết và có thể do nhiễm trùng lây lan qua đường máu hoặc một bệnh khác ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể.

Viêm hạch bạch huyết mãn tính có những triệu chứng gì?

triệu chứng viêm hạch bạch huyết

Triệu chứng chính của viêm hạch là hạch bạch huyết sưng to, đôi khi người bệnh có thêm triệu chứng sốt hay ớn lạnh. Một hạch bạch huyết được coi là to nếu nó rộng khoảng hơn 1cm. Các triệu chứng do hạch hoặc nhóm hạch bị nhiễm trùng có thể bao gồm:

  • Các hạch tăng kích thước
  • Bị đau khi chạm vào
  • Sờ thấy các hạch mềm hoặc dính vào nhau
  • Vùng da trên hạch bị viêm có màu đỏ
  • Các hạch chứa đầy mủ (áp xe)
  • Dịch lỏng chảy ra từ hạch

Các triệu chứng khác của tình trạng viêm này có thể bao gồm:

  • Một vết thương gần đây không lành
  • Cảm thấy ốm yếu, không khỏe
  • Đau đầu
  • Cảm thấy không có năng lượng hoạt động và chán ăn
  • Sưng gần khu vực chấn thương, ở háng hoặc nách…

Các triệu chứng của viêm hạch bạch huyết có thể trông giống với các tình trạng hoặc vấn đề y tế khác. Do đó, nếu bạn cảm thấy không khỏe sau chấn thương hoặc bị sốt cao và có các triệu chứng của viêm hạch bạch huyết, hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ. Bởi tình trạng viêm hạch bạch huyết có thể lan đến máu nếu không được điều trị. Khi bị nhiễm trùng huyết, người bệnh có thể gây sốt rất cao, các triệu chứng giống như cúm và thậm chí là suy nội tạng.

Ngoài ra, những người có hệ miễn dịch yếu có thể dễ bị viêm bạch huyết hơn. Một số tình trạng sức khỏe, chẳng hạn như bệnh đái tháo đường, HIV, ung thư, dùng thuốc ức chế hệ miễn dịch đều có thể làm tăng nguy cơ viêm bạch huyết.

Nguyên nhân gây viêm hạch bạch huyết mãn tính là gì?

Viêm hạch bạch huyết là biểu hiện của nhiều nguyên nhân nhiễm trùng như vi khuẩn, virus, nấm. Viêm hạch khu trú nổi bật ở nhiễm trùng liên cầu, bệnh lao hoặc nhiễm vi khuẩn lao không lao, bệnh sốt mò, bệnh dịch hạch, bệnh mèo cào, giang mai nguyên phát, u hạt Lympho sinh dục, săng giang mai và herpes sinh dục. Trong trường hợp nhiễm trùng nghiêm trọng, sưng có thể kéo dài. Viêm hạch thường do nhiễm trùng lan đến các hạch bạch huyết từ da, tai, mũi hoặc nhiễm trùng mắt. Các nguyên nhân khác của viêm hạch bao gồm:

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị viêm hạch bạch huyết mãn tính?

Bệnh viêm hạch bạch huyết mãn tính phổ biến hơn ở trẻ em dưới 12 tuổi. Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển viêm hạch bạch huyết mãn tính bao gồm:

  • Có một trong những nguyên nhân gây viêm hạch bạch huyết
  • Tiếp xúc với người có một trong những nguyên nhân gây viêm hạch bạch huyết
  • Tiếp xúc với động vật, cụ thể là mèo, chuột hoặc bò.

Viêm hạch bạch huyết mãn tính được chẩn đoán và điều trị như thế nào?

chẩn đoán viêm hạch bạch huyết mãn tính

Viêm hạch bạch huyết mãn tính được chẩn đoán như thế nào?

Để chẩn đoán xem bạn đang bị viêm hạch bạch huyết mãn tính hay một tình trạng sức khỏe nào khác, ngoài việc khám lâm sàng, các bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng mà bạn đã và đang gặp phải cũng như tiền sử bệnh. Chẳng hạn như, bạn cần cho bác sĩ biết bạn có ớn lạnh và sốt, gần đây có đi du lịch không, bất kỳ vết thương nào trên da, có tiếp xúc với mèo hoặc động vật khác hay không.

Sau đó, bác sĩ sẽ khám lâm sàng để tìm kiếm các dấu hiệu nhiễm trùng gần các hạch bạch huyết bị sưng. Tiếp theo,  các bác sĩ có thể yêu cầu bạn làm các xét nghiệm chẩn đoán sau:

  • Xét nghiệm máu để tìm dấu hiệu nhiễm trùng
  • Lấy mẫu mô từ hạch bạch huyết hoặc dịch từ bên trong hạch bạch huyết để nghiên cứu dưới kính hiển vi
  • Nuôi cấy dịch lỏng từ hạch bạch huyết vào môi trường nuôi cấy để xem loại vi trùng nào phát triển
  • Chẩn đoán hình ảnh có thể được thực hiện bằng siêu âm.

Những phương pháp nào dùng để điều trị viêm hạch bạch huyết mãn tính?

Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào loại nhiễm trùng đã lan vào các hạch bạch huyết. Khi nhiễm trùng đã lan đến một số hạch bạch huyết, nó có thể lây lan nhanh chóng sang các hạch khác và các bộ phận khác trên cơ thể. Do đó, điều quan trọng là phải tìm ra nguyên nhân nhiễm trùng và bắt đầu điều trị nhanh chóng.

Điều trị viêm hạch có thể bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh dùng qua đường uống hoặc tiêm để chống nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra
  • Thuốc chống nấm hoặc chống ký sinh trùng (tùy theo căn nguyên gây bệnh hoặc nghi ngờ lâm sàng)
  • Thuốc để kiểm soát cơn đau và sốt
  • Thuốc giảm sưng tấy
  • Tiểu phẫu để dẫn lưu dịch trong hạch bạch huyết chứa đầy mủ.

Để nâng cao hiệu quả điều trị, bạn nên:

  • Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, tuân thủ lịch tái khám đúng hẹn
  • Tuyệt đối không sử dụng bất kỳ loại thuốc không kê đơn nào mà không có sự chấp thuận của bác sĩ
  • Chườm mát hoặc chườm ấm và nâng cao phần cơ thể bị ảnh hưởng có thể giúp giảm sưng đau.

Trong hầu hết các trường hợp, viêm hạch sẽ khỏi nhanh chóng nếu được điều trị thích hợp, nhưng có thể phải mất nhiều thời gian hơn để tình trạng sưng hạch biến mất hoàn toàn.

Hãy đi tái khám ngay nếu:

  • Các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn hoặc bạn có các triệu chứng mới
  • Các triệu chứng viêm hạch của bạn tái phát trở lại.

Bí quyết giúp ngăn ngừa nguy cơ bị viêm hạch bạch huyết

Để ngăn ngừa nguy cơ bị viêm hạch, hãy:

  • Đảm bảo làm sạch và sử dụng chất khử trùng trên bất kỳ vết trầy xước hoặc vết thương nào trên da, đảm bảo luôn thực hành vệ sinh tốt.
  • Đi khám ngay có dấu hiệu đầu tiên của bất kỳ tình trạng nhiễm trùng nào hoặc nếu bạn nhận thấy vết sưng tấy giống như một cục u nhỏ ngay dưới da.
  • Thực hiện các bước để ngăn ngừa nhiễm trùng:
    • Thực hành các biện pháp vệ sinh tốt như rửa tay thường xuyên.
    • Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh.
    • Có một chế độ ăn uống lành mạnh, ít chất béo bão hòa và giàu ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Diagnosis of nontuberculous mycobacterial lymphadenitis: the role of fine-needle aspiration

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/33205252/ Ngày truy cập 25/9/2023

Chronic Lymphadenitis

https://froemkelab.med.nyu.edu/surgery/content?ChunkIID=96740 Ngày truy cập 25/9/2023

Lymphadenitis

https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/lymphadenitis Ngày truy cập 25/9/2023

Lymphadenitis

https://medlineplus.gov/ency/article/001301.htm Ngày truy cập 25/9/2023

Chronic lymphadenitis. http://www.winchesterhospital.org/health-library/article?id=96740. Ngày truy cập 13/06/2018

Phiên bản hiện tại

03/11/2023

Tác giả: Lan Quan

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Song Hào

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Viêm hạch bạch huyết và những điều cần biết

Sưng hạch bạch huyết: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị hiệu quả


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Song Hào

Tai - Mũi - Họng · Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 03/11/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo