backup og meta

Viêm amidan có tự khỏi không? Khi nào cần đi khám?

Viêm amidan có tự khỏi không? Khi nào cần đi khám?

Viêm amidan có tự khỏi không là băn khoăn thường gặp của nhiều người khi mắc phải bệnh lý này. Thực tế, câu trả lời cho câu hỏi này sẽ là “Có” hoặc “Không” tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm amidan. 

Vậy amidan có tự khỏi không? Người bị viêm amidan khi nào cần đi khám? Để hiểu rõ hơn, mời bạn cùng xem tiếp những thông tin mà Hello Bacsi tổng hợp được trong bài viết bên dưới nhé!

Bị viêm amidan là do đâu?

Amidan là tuyến phòng thủ đầu tiên của hệ thống miễn dịch, giúp chống lại vi khuẩn và virus xâm nhập vào miệng. Do đó, amidan rất dễ bị viêm và nguyên nhân gây viêm phổ biến nhất là vi khuẩn hoặc virus.

Viêm amidan do virus chiếm khoảng 70% các trường hợp. “Thủ phạm” thường là virus gây bệnh cảm lạnh hoặc virus cúm. Ngoài virus, cũng có trường hợp amidan bị viêm do sự tấn công của vi khuẩn. Trong đó, loại vi khuẩn phổ biến nhất gây viêm amidan là Streptococcus pyogenes (liên cầu khuẩn nhóm A). Ngoài ra, các chủng liên cầu khuẩn và vi khuẩn khác cũng có thể gây viêm amidan.

Khi bị nhiễm trùng, amidan sẽ có biểu hiện sưng, đau và khiến bệnh nhân gặp phải một số triệu chứng như sốt, khó nuốt, đau họng, đau khi nuốt… Bệnh lý này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị viêm amidan nhất. 

Trong một số trường hợp, tình trạng amidan bị viêm cũng có thể do các bệnh lý về đường hô hấp. Ngoài ra, nếu môi trường sống bị ô nhiễm hoặc nếu bạn có sức đề kháng kém thì cũng có nguy cơ bị viêm amidan cao hơn. 

Giải đáp thắc mắc: Viêm amidan có tự khỏi không?

viêm amidan có tự khỏi không

Nếu bạn đang đi tìm lời đáp cho vấn đề “viêm amidan có tự khỏi không?” thì câu trả lời là “Có” hoặc “Không” tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm amidan. Cụ thể:

1. Trường hợp bị viêm amidan do virus

Viêm amidan có tự khỏi không, nếu nguyên nhân là do virus? Theo các chuyên gia, viêm amidan do virus có thể tự khỏi sau 3 – 4 ngày mà không cần điều trị y tế nếu được chăm sóc đúng cách. Với các trường hợp này, chuyên gia y tế khuyên người bệnh nên thực hiện một số biện pháp sau để giảm nhẹ triệu chứng:

  • Nghỉ ngơi nhiều
  • Uống nhiều nước để giữ ẩm cho họng và ngăn ngừa mất nước
  • Súc miệng bằng nước muối sinh lý 
  • Làm ẩm không khí sinh hoạt bằng cách sử dụng máy tạo độ ẩm
  • Dùng thuốc giảm đau, hạ sốt như paracetamol, ibuprofen… theo đúng liều lượng ghi trên bao bì hay theo hướng dẫn của bác sĩ/dược sĩ 
  • Dùng các loại viên ngậm… 

Nếu sau thời gian 3-4 ngày tình trạng viêm, đau không giảm thì người bệnh nên đi thăm khám để được bác sĩ tư vấn và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

2. Viêm amidan do vi khuẩn

Trường hợp viêm amidan do vi khuẩn thì bệnh khó có thể tự khỏi. Với trường hợp này, bạn nên đi khám. Khi đi khám, bác sĩ sẽ kê toa kháng sinh, thường dùng trong khoảng 7-10 ngày. Các loại kháng sinh phổ biến thường được dùng để điều trị viêm amidan là penicillin, clindamycin và cephalosporin.

Nếu được kê toa kháng sinh, bạn cần uống đúng theo hướng dẫn về liều lượng, thời gian. Tránh tự ý ngưng thuốc khi thấy bệnh thuyên giảm vì điều này có thể khiến tình trạng nhiễm trùng quay lại, nghiêm trọng hơn hoặc lan sang các bộ phận khác trên cơ thể. Không những thế, việc dùng thuốc kháng sinh bừa bãi có thể dẫn đến tình trạng “lờn thuốc”.

Khi nào cần đi khám khi bị viêm amidan?

viêm amidan có tự khỏi không

Như đã đề cập ở trên, viêm amidan do virus có thể tự khỏi sau 3 – 4 ngày mà không cần điều trị y tế, trong khi viêm amidan do vi khuẩn sẽ cần điều trị bằng kháng sinh. Do đó, khi thấy có các biểu hiện viêm amidan, tốt nhất, bạn nên thực hiện các biện pháp giúp giảm triệu chứng kể trên. Nếu các triệu chứng không khỏi sau khoảng 4 ngày hoặc bạn vẫn tiếp tục bị đau họng, hãy đi khám để được chẩn đoán và kê đơn thuốc điều trị. Ngoài ra, bạn nên sắp xếp đi khám ngay nếu:

  • Quan sát thấy trên amidan xuất hiện những đốm mủ
  • Bạn bị đau họng dữ dội và không thể ăn hoặc uống
  • Có các biểu hiện như khó nói, không thể nuốt, khó thở, khó mở miệng

Một số người thắc mắc “viêm amidan hốc mủ có tự khỏi không?”. Theo các chuyên gia, viêm amidan hốc mủ được đánh giá là một tình trạng nghiêm trọng và cần được thăm khám ngay. Do đó, bệnh sẽ không thể tự khỏi, thậm chí nếu để lâu, không điều trị còn dẫn đến các biến chứng như áp xe amidan, hoại tử mô, viêm phổi, viêm phế quản, thấp tim, viêm cầu thận, thấp khớp…

Viêm amidan có thể gây ra các biến chứng nào? 

Việc amidan thường xuyên bị viêm có thể dẫn đến các tình trạng như:

  • Hội chứng ngưng thở khi ngủ
  • Viêm mô tế bào amidan (tình trạng nhiễm trùng lan sâu vào các mô xung quanh)
  • Áp xe quanh amidan (tình trạng nhiễm trùng dẫn đến tụ mủ phía sau amidan).

Đối với trường hợp viêm amidan do liên cầu khuẩn gây ra, nếu không được điều trị kịp thời hoặc điều trị bằng kháng sinh không đầy đủ thì có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng như:

  • Sốt thấp khớp: Tình trạng viêm nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến tim, khớp, hệ thần kinh và da
  • Viêm cầu thận sau nhiễm khuẩn liên cầu
  • Sốt tinh hồng nhiệt
  • Viêm khớp sau nhiễm khuẩn liên cầu

Ngoài ra, nếu không được điều trị, liên cầu khuẩn còn có thể lây lan từ cổ họng đến tai giữa, xoang hoặc các bộ phận khác trên cơ thể và dẫn đến các biến chứng như viêm xoang, viêm cầu thận hoặc viêm hoại tử.

Các biện pháp giúp phòng ngừa viêm amidan

viêm amidan có tự khỏi không

Các loại virus, vi khuẩn gây viêm amidan thường rất dễ lây lan. Vì vậy, cách phòng ngừa tốt nhất là chú ý giữ vệ sinh bằng cách thực hiện các biện pháp như:

  • Rửa tay kỹ và thường xuyên, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn
  • Tránh dùng chung đồ ăn, ly uống nước, chai nước hoặc đồ dùng cá nhân với người khác
  • Thay bàn chải đánh răng thường xuyên
  • Đeo khẩu trang khi ở nơi đông người hoặc nơi có nhiều khói bụi ô nhiễm…

Tóm lại, câu trả lời cho câu hỏi “Viêm amidan có tự khỏi không?” là “Có thể” nếu bạn bị viêm amidan do virus. Trường hợp viêm amidan do vi khuẩn hoặc viêm amidan hốc mủ thì sẽ không thể tự khỏi nếu không được điều trị. Khi có các dấu hiệu viêm amidan, bạn cần chú ý theo dõi, nếu các triệu chứng không hết sau 4 ngày hoặc có các biểu hiện bất thường, tốt nhất bạn nên đi khám để được chẩn đoán và có hướng điều trị phù hợp.

Bài viết được tham vấn y khoa bởi Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn. Được xây dựng theo mô hình bệnh viện – khách sạn hiện đại, quy tụ đội ngũ y bác sĩ hàng đầu trong và ngoài nước, bệnh viện được khách hàng lựa chọn cho nhiều dịch vụ thăm khám như khám tổng quát, tầm soát ung thư, thai sản trọn gói,… vì chất lượng và sự tận tâm.

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tonsillitis https://www.nhs.uk/conditions/tonsillitis/ Ngày truy cập: 15/10/2023

Tonsillitis https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21146-tonsillitis Ngày truy cập: 15/10/2023 

Tonsillitis https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/tonsillitis/symptoms-causes/syc-20378479#complications Ngày truy cập: 15/10/2023

VIÊM AMIDAN CÓ TỰ KHỎI KHÔNG?

https://benhvientthhatinh.vn/tin-tuc/viem-amidan-co-tu-khoi-khong Ngày truy cập: 15/10/2023 

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC VIÊM AMIDAN HỐC MỦ CÓ TỰ KHỎI KHÔNG? https://benhvientthhatinh.vn/tin-tuc/giai-dap-thac-mac-viem-amidan-hoc-mu-co-tu-khoi-khong# Ngày truy cập: 15/10/2023

Phiên bản hiện tại

09/11/2023

Tác giả: Phương Quỳnh

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Song Hào

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Phân biệt viêm amidan và viêm họng do liên cầu khuẩn

Viêm amidan hốc mủ là gì? Có cắt được được không?


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Song Hào

Tai - Mũi - Họng · Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn


Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 09/11/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo