Hiện tượng sưng lưỡi là một dạng phù mạch. Tùy vào nguyên nhân khiến lưỡi bị sưng mà tình trạng này sẽ đi kèm với đỏ lưỡi, đau lưỡi hoặc các triệu chứng khác.
Việc lưỡi bị sưng thường không phải là một trường hợp cần điều trị khẩn cấp. Tuy nhiên, nếu lưỡi bị phồng to nhanh chóng dẫn đến khó thở, có thể đó là dấu hiệu của sốc phản vệ – một tình trạng nguy hiểm dễ dẫn đến tử vong, cần được chăm sóc y tế kịp thời. Ngoài ra, lưỡi bị sưng có thể là do nhiễm trùng, chấn thương, thậm chí là tác dụng phụ của một số loại thuốc gây ra.
Các biểu hiện thường gặp khi bị sưng lưỡi
Tình trạng sưng có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên lưỡi tùy vào nguyên nhân gây ra. Lưỡi sưng to sẽ gây khó khăn cho quá trình hô hấp. Vì vậy, khi thấy bộ phận này đột nhiên bị phồng (có thể kèm theo cảm giác đau hoặc không), bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra ngay lập tức.
Trong trường hợp nhẹ, lưỡi bị sưng sẽ cản trở việc ăn uống hoặc nói chuyện. Bên cạnh đó, tình trạng này cũng ảnh hưởng đến vị giác của bạn, làm thay đổi mùi vị của thức ăn trong khoang miệng.
Lưỡi bị sưng nặng trong thời gian ngắn có thể là dấu hiệu của sốc phản vệ. Lúc này, nó có thể đi kèm với sưng mặt, môi tím tái, nổi mề đay, khó thở, buồn nôn và nôn.
“Điểm mặt” 8 nguyên nhân gây ra tình trạng sưng lưỡi
Lưỡi bị sưng có thể xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:
1. Dị ứng
Dị ứng thực phẩm và dị ứng hóa chất là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng sưng lưỡi. Việc lưỡi bị sưng do dị ứng thường không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu tình trạng sưng là biểu hiện của tình trạng của sốc phản vệ, điều này có thể đe dọa đến tính mạng. Do đó, bạn nên gọi cho cấp cứu hoặc đến bệnh viện ngay nếu sưng lưỡi đi kèm khó thở, chảy nước dãi hoặc khó nuốt.
Các triệu chứng dị ứng thường bắt đầu trong vòng vài phút hoặc vài giờ sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng (như đậu phộng, sữa, trứng, hạt vừng, cá, động vật có vỏ…). Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường hợp người bệnh bị dị ứng với hương liệu, thuốc nhuộm và phụ gia hóa học trong kem đánh răng, nước súc miệng, sữa rửa mặt và các sản phẩm chăm sóc răng miệng khác.
2. Tác dụng phụ của thuốc gây sưng lưỡi
Bên cạnh dị ứng thực phẩm, phản ứng với thuốc cũng là nguyên nhân phổ biến nhất gây phù mạch ở mặt, môi và lưỡi. Đa phần các trường hợp bị sưng là do người bệnh dị ứng với loại thuốc đang sử dụng. Tuy nhiên, phản ứng cũng có thể xảy ra do cơ thể giải phóng quá nhiều bradykinin (một chất có tác dụng giãn mạch nhưng sẽ gây sưng nếu được sản xuất quá mức).
Bên cạnh đó, việc dùng một số loại thuốc như thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE), thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc điều trị cholesterol cao có thể gây ra tác dụng phụ phù mạch, dẫn đến sưng lưỡi.
3. Các vấn đề về da
Các vấn đề về da cũng có thể gây ra kích ứng và tình trạng sưng nhẹ ở lưỡi, bao gồm:
- Bệnh bọng nước tự miễn Pemphigus: Bệnh tự miễn nguy hiểm có thể gây loét miệng và phồng rộp da
- Bệnh lichen phẳng vùng miệng: Gây ra phát ban trên da hoặc trong khoang miệng
- Bệnh vảy nến ở miệng: Dẫn đến tình trạng lưỡi bản đồ và nứt lưỡi, tạo cảm giác sưng hoặc khó chịu
4. Chấn thương lưỡi khiến lưỡi bị sưng đau
Việc tiêu thụ đồ ăn hoặc đồ uống quá nóng, cắn lưỡi hoặc xỏ khuyên ở lưỡi có thể khiến lưỡi bị sưng tạm thời. Tình trạng này thường sẽ biến mất trong vài ngày. Nếu các triệu chứng không thuyên giảm hoặc trở nên tồi tệ hơn, bạn nên đến bệnh viện để thăm khám.
Trong một số trường hợp, chấn thương nghiêm trọng hoặc xỏ khuyên ở miệng có thể dẫn đến tình trạng viêm tấy lan tỏa và hoại thư ở sàn miệng. Đây là một tình trạng nghiêm trọng, có thể gây tử vong do đường thở bị tắc nghẽn hoàn toàn.
5. Sưng lưỡi do nhiễm trùng
Khoang miệng là nơi rất dễ bị nhiễm trùng, bao gồm cả các bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục nếu người bệnh quan hệ tình dục bằng miệng. Các vết loét, mụn cóc và sưng trong miệng có thể xuất phát từ bệnh giang mai, lậu và HPV, dẫn đến sưng hoặc viêm lưỡi và mô gần đó.
6. Trào ngược dạ dày – thực quản (GERD)
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể gây kích ứng mãn tính ở phía sau cổ họng. Trong một số trường hợp, tình trạng này sẽ khiến cuống lưỡi bị ảnh hưởng và sưng phồng.
7. Hội chứng Sjogren
Hội chứng Sjogren là một bệnh tự miễn liên quan đến các tuyến ngoại tiết trong cơ thể. Các triệu chứng phổ biến nhất của tình trạng này là khô mắt và khô miệng. Ngoài ra, người bệnh mắc phải hội chứng này cũng có khi sưng lưỡi.
8. Hội chứng Melkersson Rosenthal
Hội chứng Melkersson Rosenthal là một rối loạn thần kinh hiếm gặp. Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến cơ mặt nhưng cũng có thể gây sưng lưỡi.
Chẩn đoán tình trạng sưng lưỡi
Để xác định nguyên nhân khiế n lưỡi bị sưng, bác sĩ sẽ kiểm tra lưỡi của bạn và các mô xung quanh. Trong quá trình này, bác sĩ cũng sẽ quan sát để đảm bảo đường thở không bị tắc nghẽn. Họ cũng sẽ xem xét các yếu tố sau:
- Lịch sử điều trị bệnh của bạn
- Các loại thuốc bạn đang sử dụng, chế độ ăn uống và lối sống
- Bạn có đang mắc phải một tình trạng tiềm ẩn (như một bệnh tự miễn) không?
- Bạn có các triệu chứng khác như nổi mề đay không?
- Bạn có nguy cơ bị tắc nghẽn đường thở không?
Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị dị ứng, phản ứng thuốc hoặc vấn đề y tế tiềm ẩn, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện các xét nghiệm bổ sung.
Điều trị tình trạng lưỡi bị sưng
Bạn có thắc mắc cách chữa sưng lưỡi là gì hay lưỡi bị sưng được điều trị như thế nào hay không? Theo các chuyên gia sức khỏe, tùy theo mức độ sưng mà bạn có thể điều trị tình trạng này tại nhà hoặc bệnh viện.
Các biện pháp khắc phục tại nhà
Nếu lưỡi bạn chỉ bị sưng nhẹ, bạn có thể thử một số biện pháp đơn giản sau để giảm sưng:
- Dùng thức ăn hoặc đồ uống lạnh để làm dịu tình trạng sưng
- Vệ sinh răng miệng bằng cách đánh răng đúng cách và dùng chỉ nha khoa. Tuy nhiên, bạn nên tránh dùng các loại nước súc miệng có chứa cồn vì sẽ làm tăng cảm giác đau rát trong miệng
- Súc miệng với dung dịch nước muối ấm
- Tránh ăn đồ chua, cay hay quá mặn
- Nếu bạn bị khô miệng và gây khó chịu ở lưỡi, hãy uống nhiều nước và nhai kẹo cao su hoặc ngậm kẹo cứng không đường. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng dung dịch nước bọt nhân tạo để giúp tăng độ ẩm cho khoang miệng.
Trong trường hợp các triệu chứng không thuyên giảm, bạn nên đến bệnh viện để thăm khám ngay lập tức.
Điều trị bằng thuốc
Cách chữa sưng lưỡi bằng thuốc cụ thể là như thế nào? Câu trả lời sẽ có ngay sau đây!
Tình trạng phù mạch nhanh chóng dẫn đến tắc nghẽn đường thở có thể là dấu hiệu của sốc phản vệ. Trong trường hợp này, bạn cần gọi ngay cho cấp cứu. Đối với các phản ứng dị ứng ít nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng histamine đường uống để điều trị.
Nếu sưng lưỡi không liên quan đến dị ứng, bác sĩ có thể sử dụng một trong các phương pháp điều trị sau:
- Đối với tình trạng sưng do cơ thể tiết quá nhiều bradykinin (một polipeptit tham gia vào quá trình điều hòa huyết áp và phản ứng viêm trong cơ thể ), bạn có thể được cho dùng một loại thuốc giúp ngưng việc sản xuất chất này.
- Đối với loét miệng và viêm, bác sĩ sẽ chỉ định corticosteroid hoặc axit retinoic tại chỗ để làm giảm các tổn thương.
- Đối với lưỡi bị sưng liên quan đến nhiễm trùng hoặc bệnh đã có từ trước, bác sĩ cũng sẽ tiến hành các phương pháp điều trị phù hợp để kiểm soát tình trạng chung.
Lưỡi là một bộ phận đóng vai trò quan trọng trong việc ăn uống, nói và thở. Do đó, bất kỳ tổn thương nào ở lưỡi cũng có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bạn. Lưỡi bị sưng nhẹ cũng có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng. Do đó, nếu thấy lưỡi đột nhiên bị phồng lên, bạn hãy đến bệnh viện để kiểm tra ngay lập tức.
[embed-health-tool-heart-rate]