Tìm hiểu chung
Viêm tuyến mồ hôi mủ là gì?
Viêm tuyến mồ hôi mủ là một căn bệnh tạo thành các khối u sưng nhỏ, đau đớn ở dưới da. Khối u này có thể vỡ ra hoặc tạo thành thương tổn sâu nằm dưới da và mưng mủ. Tình trạng này chủ yếu ảnh hưởng đến khu vực mà da tiếp xúc nhiều với nhau, chẳng hạn như nách, háng, mông và ngực.
Viêm tuyến mồ hôi mủ thường xuất hiện sau độ tuổi dậy thì. Tình trạng này có thể tồn tại trong nhiều năm và tiến triển xấu dần theo thời gian, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày. Thuốc và phẫu thuật có thể giúp kiểm soát các triệu chứng bệnh và ngăn ngừa biến chứng.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng viêm tuyến mồ hôi mủ
Viêm tuyến mồ hôi mủ có khả năng xảy ra ở một hoặc nhiều khu vực trên cơ thể. Những dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng này gồm:
- Mụn đầu đen. Trên da sẽ xuất hiện những vùng nhỏ bị rỗ có mụn đầu đen, thường đi chung thành cặp. Đây là một đặc điểm thường thấy trong căn bệnh này.
- Những khối u bằng cỡ hạt đậu, gây đau. Đầu tiên, một khối u nhỏ sẽ xuất hiện, gây đau và nằm dưới da hàng tuần hoặc hàng tháng liền. Theo thời gian, nhiều khối u khác xuất hiện xung quanh (như nổi da gà). Khối u thường xuất hiện ở những vùng có nang lông tiết nhiều dầu và mồ hôi, chẳng như nách, háng và hậu môn. Khi da cọ xát với nhau cũng khiến khối u phát triển, như ở mặt trong đùi, ngực và khe mông.
- Tổn thương sâu dưới da, chảy mủ. Giữa những khối u gần nhau có thể tạo thành một tổn thương sâu (ổ mủ) nằm dưới da. Vết thương này rất lâu lành và có thể chảy dịch mủ, có khi có mùi hôi.
Một số người bệnh chỉ gặp phải vài triệu chứng nhẹ. Thế nhưng, các yếu tố như thừa cân, căng thẳng, thay đổi nội tiết tố, nóng hoặc ẩm có thể khiến các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn. Ở phụ nữ, mức độ nghiêm trọng của bệnh thường giảm bớt sau khi mãn kinh.
Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?
Phát hiện sớm tình trạng viêm tuyến mồ hôi mủ là điều quan trọng để việc điều trị có hiệu quả tối ưu. Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn cảm thấy:
- Đau đớn, khó chịu
- Các triệu chứng không cải thiện trong một vài tuần
- Các khối u xuất hiện trở lại sau vài tuần điều trị
- Nhiều vùng da bị ảnh hưởng
- Bùng phát các triệu chứng thường xuyên
Nếu bạn đã được chẩn đoán bị viêm tuyến mồ hôi mủ, các dấu hiệu cảnh báo bùng phát cũng sẽ tương tự với các dấu hiệu xuất hiện lần đầu tiên. Do đó, hãy để ý đến các dấu hiệu xuất hiện trên da.
Nguyên nhân
Nguyên nhân viêm tuyến mồ hôi mủ là gì?
Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết được nguyên nhân chính xác dẫn đến viêm tuyến mồ hôi mủ. Tình trạng này có thể xuất hiện khi các nang lông trên da bị tắc nghẽn.
Người ta cho rằng hormone, gene di truyền và các vấn đề trong hệ miễn dịch có liên quan với viêm mồ hôi mủ. Ngoài ra, hút thuốc, thừa cân và hội chứng chuyển hóa cũng được cho là góp phần gây ra tình trạng trên.
Viêm tuyến mồ hôi mủ không phải do nhiễm trùng hay mất vệ sinh gây nên. Vì vậy, bệnh này không lây truyền cho người khác.
Các yếu tố nguy cơ gây viêm tuyến mồ hôi tuyến mủ
Một số yếu tố làm tăng khả năng phát triển tình trạng viêm trên là:
- Tuổi tác. Viêm tuyến mồ hôi mủ thường xảy ra phụ nữ trong độ tuổi từ 18–29. Những đối tượng mắc bệnh từ khi còn nhỏ có nguy cơ bị lan rộng hơn.
- Giới tính. Phụ nữ có nhiều khả năng mắc phải tình trạng này hơn so với đàn ông.
- Tiền sử gia đình. Bệnh này có thể được di truyền trong gia đình.
- Béo phì. Một số nghiên cứu đã cho thấy mối quan hệ giữa thừa cân và viêm tuyến mồ hôi mủ.
- Hút thuốc. Hút thuốc lá cũng có liên quan đến viêm tuyến mồ hôi mủ.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán viêm tuyến mồ hôi mủ?
Bác sĩ sẽ kiểm tra các dấu hiệu và triệu chứng trên da, đồng thời hỏi về cảm giác và tiền sử bệnh của bạn.
Không có xét nghiệm nào giúp chẩn đoán tình trạng viêm tuyến mồ hôi mủ. Tuy nhiên, khi có mủ chảy ra từ các vết thương trên da, bác sĩ có thể thu thập mẫu dịch mủ và làm xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm giúp loại trừ những vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như nhiễm trùng.
Những phương pháp điều trị viêm tuyến mồ hôi mủ
Điều trị bằng thuốc, phẫu thuật hay cả hai là những cách giúp kiểm soát được triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng xảy ra. Bạn nên trao đổi với bác sĩ về những rủi ro và lợi ích của các lựa chọn điều trị và tìm ra hướng trị liệu phù hợp nhất.
Sử dụng thuốc
Bác sĩ có thể kê đơn cho bạn một hoặc nhiều loại thuốc, bao gồm:
- Kem bôi có chứa kháng sinh. Khi bạn có những triệu chứng nhẹ, bác sĩ có khi cho bạn sử dụng kem bôi da chứa kháng sinh để phòng ngừa nhiễm trùng, chẳng hạn như clindamycin và gentamicin.
- Thuốc uống có tác dụng toàn thân. Các thuốc kháng sinh đường uống như clindamycin, rifampin và doxycycline cũng mang lại hiệu quả.
- Thuốc giảm đau. Nếu các thuốc giảm đau không kê đơn không hiệu quả, bác sĩ có thể kê đơn thuốc có tác dụng mạnh hơn.
Phẫu thuật
Các lựa chọn phẫu thuật bao gồm:
- Loại bỏ tổn thương sâu. Thủ thuật này giúp loại bỏ các mô trên bề mặt da để lộ ra những tổn thương bên trong. Những người bị viêm tuyến mồ hôi mủ vừa và nặng thường cần làm thủ thuật này và không cần tiến hành nhiều lần.
- Phẫu thuật bóc khối u. Cách này được dùng để loại bỏ một khối u bị viêm.
- Cắt bỏ mô tế bào với dao điện. Đây có thể là lựa chọn dành cho những người bị viêm tuyến mồ hôi mủ nghiêm trọng. Bác sĩ sẽ kết hợp cắt bỏ mô da bị tổn thương bằng dao điện.
- Liệu pháp laser. Laser CO₂ có thể được dùng để loại bỏ tổn thương.
- Phẫu thuật cắt bỏ. Phương pháp thường dành cho những trường hợp có triệu chứng dai dẳng hoặc nghiêm trọng. Các vùng da bị ảnh hưởng đều sẽ được loại bỏ và có thể ghép một mảnh da khác đắp vào vết thương. Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật thì các vết loét vẫn có thể xảy ra ở những khu vực khác. Ở nam giới, khi tình trạng này xuất hiện ở khu vực giữa hậu môn và bìu thì hầu như sẽ cần phẫu thuật cắt bỏ bìu.
- Rạch và dẫn lưu. Hiện nay, cách thức này không còn được xem là một lựa chọn hiệu quả để điều trị viêm tuyến mồ hôi mủ. Tuy giúp giảm đau tạm thời nhưng các triệu chứng có xu hướng bùng phát trở lại.
Biến chứng
Viêm tuyến mồ hôi mủ có thể gây ra những biến chứng nào?
Nếu tình trạng này xảy ra dai dẳng và nghiêm trọng thì thường gây ra các biến chứng như:
- Nhiễm trùng. Vùng da bị ảnh hưởng rất dễ nhiễm trùng.
- Tạo thành sẹo và thay đổi cấu trúc da. Các vết thương có thể lành nhưng sau đó để lại sẹo dì hoặc rỗ trên da.
- Hạn chế vận động. Các vết loét và sẹo có thể khiến các cử động bị hạn chế hoặc gây đau đớn do cọ xát, nhất là khi xuất hiện ở nách hoặc đùi.
- Tắc nghẽn hệ bạch huyết. Các vị trí viêm tuyến mồ hôi phổ biến thường có chứa nhiều hạch bạch huyết. Khi mô sẹo tác động vào hệ bạch huyết có thể gây sưng ở cánh tay, chân hay bộ phận sinh dục.
Thay đổi lối sống
Bạn nên làm gì khi bị viêm tuyến mồ hôi mủ?
Nếu bị viêm tuyến mồ hôi mủ, bạn nên:
- Giảm cân nếu trọng lượng cơ thể đang vượt quá mức khỏe mạnh bình thường
- Bỏ hút thuốc
- Sử dụng các dung dịch vệ sinh, sát trùng ngoài da
- Chườm khăn ấm lên trên các khối u để thúc đẩy dịch mủ chảy ra ngoài
- Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái
- Tránh cạo hay cọ xát với vùng da đang tổn thương
- Tránh dùng nước hoa hay chất khử mùi tại vùng da tổn thương
Mặc dù tình trạng viêm tuyến mồ hôi mủ có thể tồn tại trong nhiều năm nhưng nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, các triệu chứng có thể cải thiện tích cực.
Chất lượng cuộc sống của người bệnh thường bị ảnh hưởng tương đối nhiều khi phải liên tục thay băng cho vùng da tổn thương và chịu những đau đớn, khó chịu. Điều này có thể dẫn đến trầm cảm. Vì vậy, hãy trò chuyện cùng người thân hay tìm kiếm cộng đồng hỗ trợ cho người bị viêm tuyến mồ hôi mủ để được chia sẻ, động viên tinh thần.
Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.
[embed-health-tool-bmi]