Liệt dây thần kinh số 7 có nguy hiểm không?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Hồ Văn Hùng · Thần kinh · Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội


Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 23/02/2022

    Liệt dây thần kinh số 7 có nguy hiểm không?
    Quảng cáo

    Bạn đọc hỏi:

    Chào bác sĩ! Con tôi mới 20 tuổi, cháu bị méo một bên mặt, đưa đi khám thì bị liệt dây thần kinh số 7. Không biệt liệt dây thần kinh số 7 có nguy hiểm không, có cách nào chữa khỏi không?

    Bác sĩ trả lời:

    Chào bạn,

    Với câu hỏi liệt dây thần kinh số 7 có nguy hiểm không, có cách nào chữa khỏi không, bác sĩ Hồ Văn Hùng – Khoa Thần kinh và Alzheimer, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Trung tâm thần kinh bệnh viện Bạch Mai giải đáp như sau:

    Chào bạn,

    Dây thần kinh số VII (số 7) là dây thần kinh chi phối vận động cơ mặt và chi phối cảm giác vị giác. Liệt thần kinh số 7 bao gồm liệt thần kinh 7 trung ương và thần kinh 7 ngoại biên. Liệt thần kinh 7 ngoại biên là tình trạng liệt vận động các cơ ở một bên mặt, do tổn thương nhân hoặc dây thần kinh số 7. Ngược lại, liệt 7 trung ương là tình trạng liệt vận động các cơ ở nửa dưới của một bên mặt, do tổn thương liên quan đến não.

    Nguyên nhân:

    • Liệt 7 trung ương: do các tổn thương trong não gây ra như đột quỵ não, u não, apxe não, viêm não,…
    • Liệt 7 ngoại biên: thường do lạnh, hoặc do viêm, nhưng cũng có thể do các nguyên nhân như trên.

    Trong trường hợp con của bạn, bạn cần cho con đi khám tại các cơ sở y tế để xác định xem bị liệt 7 trung ương hay ngoại biên, tìm nguyên nhân gây tình trạng này và có phương pháp điều trị phù hợp. Liệt dây thần kinh số 7 có nguy hiểm không cũng sẽ phụ thuộc vào loại mà con bạn mắc phải. Cụ thể như sau:

    • Liệt 7 ngoại biên do lạnh/viêm: Nhóm bệnh này thường không gây nguy hiểm nếu được điều trị đúng, sớm, hiệu quả. Tuy nhiên, nó có thể để lại biến chứng như viêm kết mạc, khô giác mạc, loét giác mạc, co thắt cơ nửa mặt … nếu không được điều trị phù hợp. Điều trị nội khoa như sử dụng corticoid sớm nếu không có chống chỉ định. Ngoài ra bác sĩ có thể chỉ định dùng các thuốc kháng virus tùy theo từng trường hợp. Các phương pháp khác như vật lý trị liệu, châm cứu và bài tập cơ mặt cũng có hiệu quả nhất định giúp tình trạng liệt dây thần kinh số 7 nhanh chóng hồi phục. Ngoài ra, bạn cần chú ý chăm sóc, vệ sinh mắt, tránh biến chứng như: khô giác mạc, loét giác mạc,… do liệt cơ vòng mắt, mắt nhắm không kín gây ra.
    • Liệt dây thần kinh số 7 trung ương hoặc liệt ngoại biên do đột quỵ não, u chèn ép, …: Liệt dây thần kinh số 7 có nguy hiểm không phải đặc biệt quan tâm đến nhóm này. Vì liệt VII trong trường hợp này có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, người bệnh có thể bị liệt tiến triển nặng hơn, tổn thương đột quỵ não tiến triển, u chèn ép nhiều vào các cấu trúc khác của não. Đặc biệt khi tổn thương đến vùng thân não, nơi có chứa các trung tâm hô hấp, tuần hoàn, có thể gây rối loạn nhịp tim, hô hấp và ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Bác sĩ sẽ chỉ định điều trị phù hợp tùy theo từng nguyên nhân.

    Trong trường hợp con của bạn, người trẻ tuổi nguyên nhân thường gặp là liệt thần kinh số 7 ngoại biên do lạnh/ viêm, thường ít nguy hiểm. Tuy nhiên, cũng chưa thể loại trừ các thủ phạm nguy hiểm như đã kể trên. Do vậy, tốt nhất bạn nên đưa con đi khám để xác định chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng của con mình và tuân thủ theo chỉ định điều trị của bác sĩ.

    >> Bạn có thể muốn xem thêm:

    Liệt dây thần kinh số 7 có tự khỏi không?

    Liệt dây thần kinh số 7 bao lâu thì khỏi?

    Trân trọng!

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Hồ Văn Hùng

    Thần kinh · Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội


    Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 23/02/2022

    Quảng cáo
    Quảng cáo
    Quảng cáo
    Quảng cáo