backup og meta

Hội chứng sau bại liệt

Hội chứng sau bại liệt

Tìm hiểu chung

Hội chứng sau bại liệt là gì?

Hội chứng sau bại liệt là một bệnh lý của hệ thần kinh có thể xuất hiện 15 – 50 năm sau khi bị bệnh bại liệt. Bệnh ảnh hưởng đến cơ bắp và dây thần kinh đồng thời làm cho người bị ảnh hưởng yếu, mệt mỏi và đau cơ hoặc đau khớp.

Mặc dù hội chứng sau bại liệt có thể làm cho một số hoạt động ngày càng khó khăn hơn, điều trị có thể giúp kiểm soát các triệu chứng và giúp người bệnh giữ được sự năng động. Các triệu chứng có thể không xấu đi trong nhiều năm. Hội chứng sau bại liệt thường tiến triển rất chậm.

Chỉ có những người đã bị bệnh bại liệt mới bị hội chứng sau bại liệt. Tuy nhiên, có hội chứng sau bại liệt không có nghĩa là bạn sẽ bị bại liệt một lần nữa. Không giống như bại liệt, hội chứng này không lây lan từ người này sang người khác.

Mức độ phổ biến của hội chứng sau bại liệt

Tỷ lệ chính xác và mức độ phổ biến của hội chứng này không rõ. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng tình trạng này ảnh hưởng từ 25 – 40% những người sống sót sau bại liệt. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng sau bại liệt là gì?

Các triệu chứng phổ biến của hội chứng sau bại liệt là:

  • Cơ, khớp yếu và đau tiến triển
  • Mệt mỏi toàn thân và kiệt sức với các hoạt động tối thiểu
  • Cơ bắp teo
  • Các vấn đề về thở hoặc nuốt
  • Rối loạn thở liên quan đến giấc ngủ như ngưng thở khi ngủ
  • Giảm khả năng chịu lạnh

Trong hầu hết mọi trường hợp, hội chứng hậu bại liệt có xu hướng tiến triển chậm với những dấu hiệu và triệu chứng mới theo sau các giai đoạn ổn định.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn cảm thấy thường xuyên yếu hay mệt mỏi, hãy đi khám bệnh. Điều này giúp loại trừ các nguyên nhân khác của dấu hiệu và triệu chứng của bạn và xác định xem bạn có hội chứng sau bại liệt hay không.

Nguyên nhân

Nguyên nhân nào gây ra hội chứng sau bại liệt?

Hội chứng sau bại liệt rất có thể phát sinh từ những tổn thương còn sót lại từ bệnh bại liệt. Virus bại liệt gây tổn thương các dây thần kinh điều khiển các cơ bắp và làm cho các cơ yếu đi. Nếu khỏi bệnh bại liệt, bạn có thể đã phục hồi việc sử dụng các cơ bắp. Tuy nhiên, các dây thần kinh kết nối với các cơ có thể bị tổn thương mà bạn không biết. Các dây thần kinh có thể bị phá vỡ theo thời gian và làm cơ bắp yếu dần đi.

Các nhà khoa học đang nghiên cứu các nguyên nhân khác có thể gây ra hội chứng sau bại liệt. Một giả thuyết cho rằng có vai trò của hệ thống miễn dịch.

Nguy cơ mắc phải

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc hội chứng sau bại liệt?

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây hội chứng sau bại liệt như:

  • Mức độ nhiễm trùng nghiêm trọng của bệnh bại liệt ban đầu. Nhiễm trùng càng nặng lúc ban đầu thì khả năng có các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng sau bại liệt càng cao.
  • Tuổi khởi phát bệnh bại liệt. Nếu bệnh bại liệt phát triển ở trẻ vị thành niên hoặc người lớn chứ không phải trẻ nhỏ, thì cơ hội phát triển hội chứng sau bại liệt càng cao.
  • Phục hồi. Phục hồi sau khi bị bại liệt cấp tính càng nhanh, nhiều khả năng phát triển hội chứng sau bại liệt càng cao, có lẽ do sự phục hồi nhanh làm tăng áp lực cho các tế bào thần kinh vận động.
  • Hoạt động thể chất quá mức. Nếu bạn thường xuyên tập thể dục đến mức kiệt sức hay mệt mỏi, nguy cơ phát triển hội chứng sau bại liệt càng cao do tạo áp lực cho các dây thần kinh vận động.

Chẩn đoán & điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán hội chứng sau bại liệt?

Các bác sĩ chẩn đoán hội chứng sau bại liệt dựa trên các triệu chứng, bệnh sử và các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm. Bác sĩ sẽ xem xét bệnh bại liệt ảnh hưởng đến bạn như thế nào và cách bạn phục hồi sau bệnh. Các xét nghiệm sẽ được thực hiện để kiểm tra các nguyên nhân khác gây ra các triệu chứng. Nếu các triệu chứng của bạn và bệnh sử đặc trưng cho hội chứng sau bại liệt, kèm theo nếu kiểm tra không tìm thấy các nguyên nhân khác, bác sĩ có thể chẩn đoán hội chứng sau bại liệt.

Bạn có thể cần thêm nhiều xét nghiêm hoặc khám lâm sàng nếu các triệu chứng của bạn thay đổi.

Những phương pháp nào dùng để điều trị hội chứng sau bại liệt được?

Không có một cách điều trị cho tất cả các dấu hiệu và các triệu chứng khác nhau của hội chứng sau bại liệt. Mục tiêu của điều trị là quản lý các triệu chứng, giúp cho bạn thoải mái và độc lập:

  • Tiết kiệm năng lượng. Hãy duy trì nhịp hoạt động thể chất của mình và thường xuyên nghỉ ngơi để giảm mệt mỏi. Hãy dùng các thiết bị trợ giúp như gậy, khung tập đi, xe lăn hoặc xe tay ga động cơ có thể giúp bạn tiết kiệm năng lượng. Lắp đặt tay vịn trong phòng tắm hoặc nâng ghế nhà vệ sinh lên cũng có thể hữu ích. Một bác sĩ chuyên khoa có thể hướng dẫn cách thở giúp bảo tồn năng lượng.
  • Vật lý trị liệu. Bác sĩ hoặc bác sĩ chuyên khoa có thể hướng dẫn các bài tập tăng cường cơ mà không gây mệt mỏi. Những hoạt động nhẹ nhàng như bơi lội hay các bài thể dục dưới nước cách ngày một lần với một cường độ thoải mái. Tập thể dục để duy trì cơ thể khỏe mạnh là rất quan trọng, nhưng tránh lạm dụng cơ bắp, khớp xương và tuyệt đối không tập thể dục đến mức đau đớn hay mệt mỏi.
  • Trị liệu ngôn ngữ. Một chuyên gia về phát âm có thể hướng dẫn bạn cách giảm những khó khăn khi nuốt. Tăng cường các bài tập phát âm có thể hữu ích.
  • Điều trị ngưng thở khi ngủ. Thay đổi tư thế ngủ như tránh nằm ngửa hoặc sử dụng thiết bị giúp mở thông đường thở khi ngủ.
  • Các loại thuốc. Thuốc giảm đau – như aspirin, acetaminophen (Tylenol và những biệt dược khác) và ibuprofen (Advil, Motrin IB và những biệt dược khác) – có thể làm dịu cơ bắp và đau khớp.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn quản lý hội chứng sau bại liệt?

Lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà sau có thể giúp bạn đối phó với hội chứng sau bại liệt:

  • Hạn chế các hoạt động gây đau đớn hay mệt mỏi. Sự điều độ là then chốt. Hoạt động quá mức trong một ngày có thể dẫn đến sức khỏe xấu ở những ngày tiếp theo.
  • Hãy sử dụng năng lượng một cách thông minh. Tiết kiệm năng lượng thông qua thay đổi lối sống và dụng cụ hỗ trợ không có nghĩa là bạn chào thua với bệnh tật. Điều này cho thấy bạn đã tìm được cách đối phó với bệnh của mình một cách thông minh hơn.
  • Giữ ấm. Lạnh làm cơ bắp nhanh mệt. Giữ nhiệt độ trong nhà thoải mái và mặc nhiều lớp, đặc biệt khi bạn đi ra ngoài.
  • Tránh bị ngã. Loại bỏ thảm hay các vật dụng lộn xộn trên sàn nhà, mang giày tốt và tránh các bề mặt trơn hay đóng băng.
  • Duy trì một lối sống lành mạnh. Có một chế độ ăn uống cân bằng, ngừng hút thuốc và giảm lượng caffeine để giữ cho cơ thể khỏe mạnh, hít thở tốt hơn và ngủ sâu hơn.
  • Bảo vệ phổi của bạn. Nếu hơi thở của bạn bị yếu đi, hãy chú ý các dấu hiệu nhiễm trùng đường hô hấp để được điều trị kịp thời. Không hút thuốc, tiêm phòng vắc xin cúm và viêm phổi đều đặn.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Post-polio syndrome. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/post-polio-syndrome/symptoms-causes/syc-20355669. Ngày truy cập 01/12/2017

Post-Polio Syndrome – Topic Overview. https://www.webmd.com/brain/tc/post-polio-syndrome-topic-overview#1. Ngày truy cập 01/12/2017

Phiên bản hiện tại

11/05/2020

Tác giả: Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng

Cập nhật bởi: Hoàng Diệu Thu


Bài viết liên quan

Khi cơn chóng mặt nguy hiểm hơn bạn nghĩ: Những triệu chứng nào đáng chú ý?

Giải pháp giúp người rối loạn tiền đình kiểm soát các triệu chứng hiệu quả


Tác giả:

Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng

Đa khoa · Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội


Ngày cập nhật: 11/05/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo