backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Sa sút trí tuệ trán – thái dương

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 21/05/2019

Sa sút trí tuệ trán – thái dương

Tìm hiểu về sa sút trí tuệ trán – thái dương

Sa sút trí tuệ trán – thái dương là gì?

Chứng sa sút trí tuệ trán – thái dương (thoái hóa thùy trước trán) là một thuật ngữ mô tả một nhóm các rối loạn không phổ biến, chủ yếu ảnh hưởng đến thùy trán và thái dương – những khu vực thường liên quan đến tính cách, hành vi và ngôn ngữ của một người.

Ở người bị sa sút trí tuệ trán – thái dương, các phần của thùy này co lại (teo). Các dấu hiệu và triệu chứng của chứng sa sút trí tuệ sẽ khác nhau, tùy thuộc vào phần não bị ảnh hưởng.

Một số người mắc chứng sa sút trí tuệ trán – thái dương có những thay đổi mạnh trong tính cách, khiến họ khác biệt với xã hội, bốc đồng hoặc vô cảm. Một số khác lại mất khả năng sử dụng ngôn ngữ.Chứng sa sút trí tuệ trán – thái dương thường bị chẩn đoán nhầm với một vấn đề tâm thần hoặc bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, chứng sa sút trí tuệ này có xu hướng xảy ra ở độ tuổi trẻ hơn so với bệnh Alzheimer, thường ở độ tuổi từ 40 – 45.

Triệu chứng sa sút trí tuệ trán – thái dương

Triệu chứng sa sút trí tuệ trán – thái dương là gì?

Các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm cách xác định chính xác những bệnh nào thuộc nhóm sa sút trí tuệ trán – thái dương. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể khác nhau ở mỗi người. Các nhà nghiên cứu đã xác định một số cụm triệu chứng có xu hướng xảy ra cùng nhau và chiếm ưu thế trong các nhóm nhỏ những người mắc chứng rối loạn này.

Một người có thể có nhiều triệu chứng. Các dấu hiệu và triệu chứng sa sút trí tuệ trán – thái dương ngày càng xấu đi qua nhiều năm. Cuối cùng, người bệnh cần phải được chăm sóc 24 giờ.

Những thay đổi hành vi

Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến nhất của chứng sa sút trí tuệ trán – thái dương liên quan đến những thay đổi tiêu cực trong hành vi và tính cách, bao gồm:

  • Hành động ngày càng không phù hợp với chuẩn mực
  • Mất sự đồng cảm và các kỹ năng giao tiếp khác
  • Mặc cảm và thiếu quyết đoán
  • Sự thờ ơ
  • Hành vi cưỡng chế lặp đi lặp lại
  • Giảm khả năng vệ sinh cá nhân
  • Thay đổi thói quen ăn uống, chủ yếu là ăn quá nhiều
  • Ăn những đồ vật không thể ăn được
  • Thiếu nhận thức về suy nghĩ hoặc thay đổi hành vi

Vấn đề về ngôn ngữ và ngôn ngữ

Một số loại của sa sút trí tuệ trán – thái dương có dấu hiệu đặc trưng là suy yếu, mất giọng hoặc gặp khó khăn về ngôn ngữ.

Chứng mất ngôn ngữ tiến triển nguyên phát là một dạng của sa sút trí tuệ trán – thái dương, đặc trưng bởi sự khó khăn ngày càng tăng trong việc sử dụng và hiểu ngôn ngữ viết và nói. Ví dụ như người bệnh có thể gặp khó khăn khi tìm đúng từ để sử dụng trong lời nói hoặc gọi tên đối tượng.

Sa sút trí tuệ ngữ nghĩa là một nhóm của chứng mất ngôn ngữ tiến triển nguyên phát. Người mắc chứng này sẽ gặp khó khăn trong việc đặt tên đồ vật và có thể thay thế một từ cụ thể bằng một từ chung chung hơn, như “nó’. Họ cũng có thể mất kiến ​​thức về nghĩa của từ.

Mất ngôn ngữ không liên tục tiến triển là một loại khác của chứng mất ngôn ngữ tiến triển nguyên phát, đặc trưng bởi lời nói do dự và không mạch lạc.

Các rối loạn chuyển động

Các dạng hiếm hơn của chứng sa sút trí tuệ trán – thái dương được đặc trưng bởi các vấn đề về vận động, tương tự như các bệnh liên quan đến Parkinson hoặc xơ cứng teo cơ một bên.

Các dấu hiệu và triệu chứng liên quan đến rối loạn vận động có thể bao gồm:

  • Rung lắc
  • Cứng chi
  • Co thắt cơ bắp
  • Phối hợp kém
  • Khó nuốt
  • Yếu cơ

Nguyên nhân sa sút trí tuệ trán – thái dương

Nguyên nhân sa sút trí tuệ trán – thái dương là gì?

Ở người bị sa sút trí tuệ trán – thái dương, thùy trán và thái dương của não co lại. Thông thường, nguyên nhân gây ra tình trạng này không rõ.

Một loạt các đột biến trên một số gen khác nhau có liên quan đến một số dạng sa sút trí tuệ trán – thái dương cụ thể. Tuy nhiên, hơn một nửa số người mắc chứng sa sút trí tuệ trán – thái dương không có tiền sử gia đình mắc chứng mất trí nhớ.

Thoái hóa thùy trán được chia thành hai loại chính, một loại liên quan đến sự tích lũy protein tau trong não và một loại liên quan đến protein TDP-43.

Trong một số trường hợp, những phần não bị ảnh hưởng có các cấu trúc chứa protein tau bất thường siêu nhỏ phát triển bên trong các tế bào não.

Nguy cơ mắc sa sút trí tuệ trán – thái dương

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc sa sút trí tuệ trán – thái dương?

Bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu gia đình có tiền sử mắc chứng trí nhớ. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định thêm các yếu tố nguy cơ khác.

Chẩn đoán và điều trị sa sút trí tuệ trán – thái dương

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán sa sút trí tuệ trán – thái dương?

Không có xét nghiệm chuyên biệt nào có thể xác định chứng sa sút trí tuệ trán – thái dương, vì vậy các bác sĩ cố gắng xác định các đặc điểm đặc trưng nhất định trong khi loại trừ các nguyên nhân có thể khác.

Rối loạn có thể đặc biệt khó khăn để chẩn đoán trong giai đoạn đầu, vì các triệu chứng của sa sút trí tuệ trán – thái dương thường chồng chéo với các tình trạng khác.

Xét nghiệm máu

Bác sĩ có thể yêu cầu làm xét nghiệm máu để xác định các triệu chứng của bạn có phải do các tình trạng sức khỏe gây ra không, chẳng hạn như bệnh gan hoặc thận.

Xét nghiệm thần kinh

Đôi khi, bác sĩ có thể thực hiện một đánh giá sâu rộng về khả năng lý luận và ghi nhớ của bạn. Loại xét nghiệm này đặc biệt hữu ích để giúp bác sĩ xác định loại mất trí nhớ trong giai đoạn đầu.

Chụp não

Bằng cách quan sát hình ảnh của não, các bác sĩ có thể xác định được bất kỳ dấu hiệu bất thường – chẳng hạn như cục máu đông, chảy máu hoặc khối u – có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng bệnh.

  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) giúp tạo ra hình ảnh chi tiết về bộ não.
  • Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET). Trong chụp PET, bác sĩ sẽ tiêm một lượng nhỏ chất phóng xạ liều thấp vào tĩnh mạch để giúp nhìn thấy sự chuyển hóa đường huyết trong não, có thể giúp xác định các bất thường ở thùy trán hoặc thái dương.
  • Những phương pháp nào giúp điều trị sa sút trí tuệ trán – thái dương?

    Chứng sa sút trí tuệ trán – thái dương không thể chữa khỏi. Thậm chí, không có một cách hiệu quả nào để làm chậm sự tiến triển của nó. Việc điều trị nhằm mục đích kiểm soát các triệu chứng.

    Thuốc

    • Thuốc chống trầm cảm. Một số loại thuốc chống trầm cảm, chẳng hạn như trazodone, có thể làm giảm các vấn đề hành vi liên quan đến chứng sa sút trí tuệ trán – thái dương..
    • Các chất ức chế tái hấp thu có chọn lọc serotonin (SSRI) – như sertraline (Zoloft) hoặc fluvoxamine (Luvox) – cũng có hiệu quả ở một số người.
    • Thuốc chống loạn thần. Thuốc chống loạn thần, chẳng hạn như olanzapine (Zyprexa) hoặc quetiapine (Seroquel), đôi khi được sử dụng để điều trị các vấn đề hành vi của chứng sa sút trí tuệ trán – thái dương.

    Tuy nhiên, những thuốc này phải được sử dụng thận trọng vì có thể khiến bạn tăng nguy cơ tử vong.

    Trị liệu

    Những người gặp khó khăn về ngôn ngữ có thể thực hiện trị liệu lời nói để biết cách giao tiếp hiệu quả.

    Kiểm soát sa sút trí tuệ trán – thái dương

    Những biện pháp nào giúp bạn kiểm soát chứng sa sút trí tuệ trán – thái dương?

    Khi bệnh tiến triển, bạn có thể cần người chăm sóc để hỗ trợ các hoạt động sinh hoạt hàng ngày và giúp bạn an toàn.

    Bác sĩ sẽ thảo luận với bạn về việc thay đổi lối sống, chẳng hạn như khi nào bạn có thể dừng lái xe.

    Các bài thể dục cho tim mạch cũng có thể giúp cải thiện tâm trạng và kỹ năng suy nghĩ của bạn.

    Bạn cũng có thể sắp xếp đồ đạc trong nhà việc sinh hoạt hàng ngày dễ dàng hơn và giảm nguy cơ chấn thương, chẳng hạn như loại bỏ thảm.

    Trong một số trường hợp, người chăm sóc có thể giảm các vấn đề về hành vi bằng cách thay đổi cách họ tương tác với người bệnh, ví dụ như:

    • Tránh các sự kiện hoặc hoạt động kích hoạt hành vi không mong muốn
    • Dự đoán nhu cầu và đáp ứng kịp thời
    • Tạo một môi trường yên tĩnh
    • Đơn giản hóa công việc hàng ngày

    Triển vọng cho người mắc sa sút trí tuệ trán – thái dương

    Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng và dấu hiệu của chứng sa sút trí tuệ trán – thái dương có thể được chăm sóc và điều trị với kết quả tốt. Chứng mất trí ở giai đoạn cuối có thể mất nhiều năm để phát triển.

    Chứng sa sút trí tuệ trán – thái dương có thể rút ngắn tuổi thọ của một người. Cuối cùng, sẽ khiến người bệnh gặp khó khăn với các chức năng cơ thể như:

    • Nuốt
    • Nhai
    • Di chuyển xung quanh
    • Kiểm soát bàng quang và ruột

    Những thay đổi này có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng ở phổi, đường tiết niệu và da.

    Theo Hiệp hội Alzheimer, hầu hết những người mắc chứng sa sút trí tuệ trán – thái dương sống trung bình từ 6-8 năm sau khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện. Trong một số trường hợp, người bệnh sống ít nhất 2 năm.

    Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 21/05/2019

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo