backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Giải đáp thắc mắc thời gian phục hồi sau tai biến mất bao lâu?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 07/10/2021

    Giải đáp thắc mắc thời gian phục hồi sau tai biến mất bao lâu?

    Điều gì sẽ xảy ra trong những ngày đầu tiên, hay vài tuần hoặc thậm chí là vài tháng sau cơn tai biến? Thời gian phục hồi sau tai biến mất bao lâu?

    Tùy theo thể trạng, cơ địa mà mỗi bệnh nhân sẽ có tốc độ phục hồi hoàn toàn khác nhau. Mặc dù vậy, nhưng nếu bạn hiểu được thời gian trung bình và tiến trình phục hồi sau tai biến sẽ giúp bạn chủ động hơn rất nhiều trong việc lập kế hoạch điều trị, chăm sóc trong giai đoạn này. 

    Những di chứng để lại sau cơn tai biến

    Trước khi tìm hiểu về thời gian phục hồi sau tai biến, bạn nên hiểu rõ hơn những di chứng để lại sau cơn tai biến. Những ảnh hưởng lâu dài của tai biến mạch máu não có thể nặng nhẹ và khác nhau ở mỗi người, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng cũng như vùng não bị ảnh hưởng. Phổ biến bao gồm:

    • Các triệu chứng về nhận thức như gặp vấn đề về trí nhớ, rắc rối về tư duy, kém tập trung, khó hiểu và khó nói.
    • Các triệu chứng về thể chất như suy nhược cơ thể, tê liệt ở một hoặc cả hai bên cơ thể, khó nhai, khó nuốt.
    • Các triệu chứng về cảm xúc như trầm cảm, phiền muộn, khó kiểm soát hoặc thể hiện cảm xúc.
    • Một số các triệu chứng khác như: tê hoặc có cảm giác lạ, đau ở bàn tay và bàn chân, cơn đau nghiêm trọng hơn khi cử động và thay đổi nhiệt độ; đại tiểu tiện không tự chủ.

    thời gian phục hồi sau tai biến và những di chứng

    Thời gian phục hồi sau tai biến mất bao lâu?

    Thời gian phục hồi sau tai biến trong bao lâu, tốc độ phục hồi nhanh hay chậm, có thể phục hồi hoàn toàn hay không sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bao gồm: mức độ nghiêm trọng của cơn tai biến, vùng não bị ảnh hưởng, các biến chứng liên quan, hiệu quả của việc điều trị ban đầu và phương pháp phục hồi chức năng được áp dụng.

    Một số người nhanh chóng khỏe lại sau đột quỵ nhưng hầu hết đều cần phục hồi chức năng lâu dài. Thời gian phục hồi sau tai biến ở mỗi người là hoàn toàn khác nhau, có thể mất vài tuần, vài tháng hoặc thậm chí đến vài năm.

    Tốc độ phục hồi thường cao nhất trong tháng đầu tiên sau khi bị tai biến. Tuy nhiên, nhiều trường hợp vẫn tiếp tục cải thiện trong 12 đến 18 tháng sau đó. Một số người thì phải chấp nhận sống chung với di chứng đến suốt đời.

    Tiến trình phục hồi sau đột quỵ

    1. Ngày đầu tiên

    Người bệnh được cấp cứu tại bệnh viện để giải quyết vấn đề lưu thông máu trong não, ổn định tình trạng, kiểm soát các triệu chứng. Nếu nguyên nhân gây tai biến là do cục máu đông (đột quỵ do thiếu máu cục bộ), bác sĩ sẽ kê đơn thuốc làm tan cục máu đông. Còn do xuất huyết não cần phải phẫu thuật.

    Cần bắt đầu phục hồi chức năng càng sớm càng tốt, thường là sau ngày đầu tiên. Nhóm các bác sĩ từ nhiều chuyên khoa sẽ theo dõi, thảo luận tình trạng của người bệnh và đưa ra phương pháp trị liệu phù hợp.

    2. Tuần đầu tiên 

    Thời gian nằm viện của người bị tai biến thường là từ 5 đến 7 ngày. Trong tuần đầu tiên này, bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi, áp dụng các buổi trị liệu và điều chỉnh kế hoạch phục hồi chức năng cho từng bệnh nhân. Thời gian phục hồi sau tai biến này chủ yếu nhằm tìm được các liệu pháp phù hợp nhất.

    thời gian phục hồi sau tai biến: Ngày đầu tiên

    Kế hoạch phục hồi chức năng sau tai biến có thể bao gồm:

    • Liệu pháp ngôn ngữ: cải thiện khả năng nói, nghe và hiểu lời nói của người khác.
    • Vật lý trị liệu bao gồm các bài tập phục hồi chức năng sau tai biến: giúp bệnh nhân học lại các kỹ năng vận động cơ bản và sự phối hợp cơ bắp đã mất. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể cần học cách sử dụng các thiết bị hỗ trợ di chuyển, chẳng hạn như khung tập đi, gậy chống, xe lăn hoặc nẹp mắt cá chân.
    • Liệu pháp nghề nghiệp: tập trung cải thiện các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như ăn, uống, mặc quần áo, tắm rửa, đọc và viết.
    • Liệu pháp tâm lý: giúp phục hồi chức năng nhận thức chẳng hạn như trí nhớ, xử lý, giải quyết vấn đề, kỹ năng xã hội, khả năng phán đoán và nhận thức về độ an toàn.
    • Sử dụng thuốc: để điều trị chấn thương não, chứng trầm cảm hoặc các tình trạng sức khỏe tâm thần khác liên quan đến cơn tai biến.

    Sau 1 tuần, bác sĩ có thể cho bệnh nhân xuất viện và thời gian phục hồi chức năng sau tai biến tiếp theo sẽ diễn ra tại nhà. Khi xuất viện, họ không nhất thiết phải khỏe hoàn toàn mà chỉ cần thực hiện được hầu hết các hoạt động thường ngày dưới sự giúp đỡ của người thân.

    3. 3 tháng đầu – thời gian phục hồi sau tai biến cho hiệu quả tốt nhất

    Trong thời gian này, hầu hết bệnh nhân sẽ tham gia và hoàn thành chương trình trị liệu tại trung tâm phục hồi chức năng. Mục tiêu là lấy lại các chức năng cơ bản càng giống như trước đây càng tốt.

    Một số bệnh nhân gặp hiện tượng phục hồi tự phát. Đây là tình trạng mà một kỹ năng hoặc khả năng tưởng như đã mất do tai biến lại trở lại đột ngột khi não tìm ra những cách thức mới để thực hiện các nhiệm vụ đó.

    Một số bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng viêm phổi, cơn nhồi máu cơ tim hoặc bị tai biến lần thứ 2 trong thời gian phục hồi sau cơn tai biến. Đôi khi họ phải tạm dừng các phương pháp trị liệu lại và khám bác sĩ để tìm ra phương án tốt hơn.

    Ngoài các liệu pháp kể trên, bác sĩ có thể đề nghị các phương pháp điều trị bổ sung khác nhằm rút ngắn thời gian phục hồi sau tai biến và nâng cao khả năng phục hồi hoàn toàn. Chẳng hạn như: kích thích điện, kích thích não không xâm lấn, xoa bóp, châm cứu, dùng thảo dược,…. 

    4. Sau 6 tháng bị đột quỵ

    thời gian phục hồi sau tai biến: Sau 6 tháng

    Thời gian phục hồi sau tai biến của nhiều bệnh nhân có thể kéo dài lên đến 6 tháng hoặc lâu hơn. Phần lớn bệnh nhân đều đạt tình trạng sức khỏe tương đối ổn định. Sau 6 tháng, việc phục hồi vẫn diễn ra nhưng sẽ chậm hơn rất nhiều.

    Một số người có thể phục hồi hoàn toàn nhưng vẫn nên thăm khám định kỳ để bác sĩ theo dõi và đưa ra các bước để ngăn ngừa đột quỵ trong tương lai. Nhìn chung bạn nên thực hiện điều này trong suốt quãng đời còn lại.

    Trong trường hợp, bệnh nhân chưa hồi phục hoàn toàn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc hoặc yêu cầu bệnh nhân thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục và áp dụng các thói quen sống lành mạnh. Tất cả nhằm nâng cao khả năng giao tiếp, làm việc, cải thiện thói quen ngủ, xây dựng cơ bắp, giảm thiểu nguy cơ té ngã và hạn chế cơn tai biến tái phát.

    Kế hoạch trị liệu có thể thay đổi tùy theo tốc độ và thời gian phục hồi sau tai biến. Bệnh nhân cũng có thể cần học lại các kỹ năng mới khi nhu cầu thay đổi. 

    Thời gian phục hồi sau tai biến có thể kéo dài và nhiều bệnh nhân dễ chán nản. Tuy nhiên, sự kiên trì và tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ là thực sự quan trọng để giúp bệnh nhân có thể trở lại cuộc sống như bình thường. Bên cạnh đó, người thân và những người xung quanh hãy tạo thêm động lực để giúp bệnh nhân luôn tích cực, lạc quan trong quá trình điều trị và phục hồi sức khỏe.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 07/10/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo