backup og meta

Bị giật nhói ở đầu bên trái và bên phải là bệnh gì? Cách xử lý

Bị giật nhói ở đầu bên trái và bên phải là bệnh gì? Cách xử lý

Đau đầu là tình trạng phổ biến đến mức tất cả mọi người đều gặp phải một vài lần trong đời. Bị đau đầu đã rất mệt mỏi, nhưng bị giật nhói ở đầu còn khó chịu hơn rất nhiều. Dù phần lớn nguyên nhân bị đau giật nhói ở đầu không nguy hiểm, nhưng đôi khi nó cũng cảnh báo tình trạng phình vỡ mạch máu não, khối u não,… cần được xử trí sớm, bảo toàn chức năng não và tính mạng cho bệnh nhân.

Biết được bị đau đầu giật nhói từng cơn là do bệnh gì, khi nào thì nghi ngờ đến tình huống nguy hiểm sẽ giúp bạn chủ động tìm cách xử trí khi gặp phải.

Tại sao bạn bị giật nhói ở đầu?

Cảm giác bị giật nhói ở đầu đôi khi là triệu chứng của những rối loạn đau đầu nguyên phát. Ngoài ra, bị giật nhói ở đầu còn là hệ quả của cơn đau đầu thứ phát – ví dụ như bệnh tật hoặc do phản ứng với thuốc.

Đau nửa đầu migraine

Đau nửa đầu migraine là bệnh mạn tính, khiến bạn bị giật nhói ở 1 điểm trên đầu bên phải hoặc bên trái; kèm theo tê, yếu hoặc liệt một bên cơ thể, buồn nôn, nôn, chóng mặt, mất thăng bằng, khó nói, rối loạn thị giác, nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh và mùi.

Việc điều trị đau nửa đầu migraine tập trung vào điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt nhằm tránh những yếu tố có thể gây khởi phát cơn đau. Chẳng hạn như tiếng động mạnh, mất ngủ, thiếu magie, ăn một số thực phẩm…

Bác sĩ cũng sẽ chỉ định một số loại thuốc giúp bạn kiểm soát cơn đau, hiệu quả nhất hiện nay là topiramate, axit valproic và thuốc chẹn kênh canxi. Cuối cùng, bạn cũng nên tập thể dục hằng ngày để tăng cường sức khỏe chung và ngủ ngon hơn.

Đau đầu từng cơn

Đau đầu từng cơn ít khi gây ra triệu chứng bị giật nhói ở đầu. Nếu có, bạn sẽ cảm thấy cơn đau nghiêm trọng và tập trung ở trong hoặc xung quanh mắt hoặc ở một bên thái dương.

Tại sao bạn bị giật nhói ở đầu

Sử dụng caffein và rượu

Sau khi bạn uống một lượng lớn caffein, có thể trong cà phê, nước tăng lực, quá liều thuốc… gây ra cơn đau nhói đầu do sự giãn nở hồi phục của các mạch máu. Lúc này, hãy ngừng ngay việc sử dụng quá nhiều caffein nhé!

Triệu chứng khá giống với đau nửa đầu migraine, bạn bị giật nhói ở đầu và buồn nôn, nhưng không cố định ở nửa bên nào của đầu mà có thể bị giật nhói ở đầu trái, đầu phải, đỉnh đầu hoặc đau đầu giật sau gáy. Nguyên nhân do rượu gây giãn nở và kích thích các mạch máu của não cũng như những mô ở xung quanh.

Bạn nên giảm rượu tối đa có thể, uống nhiều nước, bổ sung đường fructose có trong mật ong, nước ép cà chua…

Đau đầu do bị lạnh

Một số người có hiện tượng đầu bị giật nhói bên phải phía sau trong thời gian ngắn, dưới 1 phút khi ăn kem và những món quá lạnh. Nếu gặp tình huống này, hãy để đồ ăn nguội bớt trước khi thưởng thức.

Viêm động mạch tế bào khổng lồ

Bạn sẽ gặp triệu chứng bị giật nhói ở đầu vùng quanh tai, đặc biệt là khi nhai; sụt cân, rối loạn về thị lực.

Bác sĩ cần tiến hành làm xét nghiệm máu, sinh thiết động mạch thái dương (đông mạch tế bào khổng lồ) để chẩn đoán viêm động mạch tế bào khổng lồ và điều trị bằng thuốc uống corticosteroid.

Đau đầu khi gắng sức

Bị giật nhói ở đầu có thể xảy ra trong thời gian rất ngắn, trong hoặc sau khi thực hiện những hoạt động gắng sức. Bao gồm:

  • Gắng sức chủ động: chạy, nhảy hoặc quan hệ tình dục.
  • Gắng sức thụ động: ho, hắt hơi, ruột co bóp.

Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn trước khi thực hiện những hoạt động này có thể giúp ích cho những người bị giật nhói ở đầu sau khi quan hệ tình dục (thường là nam giới khi lên đỉnh). Bên cạnh đó, nếu đau đầu xảy ra sau tập thể dục, bạn cũng nên lựa chọn những bài tập nhẹ nhàng hơn như đi bộ, yoga…

Bị giật nhói ở đầu do viêm xoang

Cơn đau viêm xoang rất điển hình, đau nhói ở vùng mũi và thông thường sẽ tăng nặng suốt cả ngày. Đau là do nhiễm trùng xoang cấp tính nên phần lớn sẽ kèm theo sốt. Dù vậy, bị giật nhói ở đầu do viêm xoang rất hiếm gặp.

Viêm xoang được điều trị bằng kháng sinh, thuốc thông mũi và nếu cần phải phẫu thuật dẫn lưu dịch ứ đọng trong xoang ra ngoài.

Viêm xoang

Đau dây thần kinh sinh ba

Đây cũng là tình huống tương đối hiếm gặp. Đau dây thần kinh sinh ba là những cơn đau nhói ngắn ở các vùng trên mặt, xung quanh miệng hoặc hàm. Với mỗi người, cơn đau có tần suất và thời gian khác nhau. 

Nguyên nhân đau dây thần kinh sinh ba không rõ ràng, thường gặp ở phụ nữ trên tuổi 55. Nếu bạn dưới 55 tuổi có thể bạn đã mắc các bệnh về thần kinh. Tình trạng này được điều trị bằng thuốc chống co giật và giãn cơ hoặc phẫu thuật.

Do chấn thương vùng đầu

Cơn đau có thể xảy ra sau những chấn thương đầu tương đối nhỏ, nhưng thường khó chẩn đoán nguồn gốc là từ đâu. Chấn thương khiến đầu bị đau giật giật hoặc đau âm ỉ, tương tự triệu chứng đau nửa đầu hoặc đau đầu kiểu căng thẳng. Đau xảy ra hằng ngày và thường xuyên không đáp ứng với thuốc.

Phương pháp điều trị bao gồm thuốc chống viêm, propranolol hoặc liệu pháp phản hồi sinh học.

Bị giật nhói ở đầu có nguy hiểm không?

Đa phần, bị giật nhói ở đầu chỉ gây cản trở tạm thời, bạn có thể giải quyết tình trạng này tại nhà. Tuy nhiên, một số cơn bị giật nhói ở đầu có thể do những nguyên nhân nghiêm trọng tiềm ẩn như đột quỵ, khối u não hoặc viêm màng não. Hãy hỏi kiến bác sĩ nếu bạn bị đau đầu thường xuyên hoặc đau đớn.

Các bệnh nguy hiểm khiến bạn bị giật nhói ở đầu

Có 10% nguyên nhân gây đau đầu là do những bệnh như phình vỡ động mạch, khối u não hoặc dị dạng mạch máu não. Nó có thể gây ra những cơn đau đầu sấm sét, đau nhói và dữ dội như bị sét đánh. Đau lên đến đỉnh điểm trong vòng chưa đầy một phút, sau đó vẫn có thể kéo dài trong vài giờ. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp cơn đau xảy ra âm ỉ.

Bên cạnh đó, bị giật nhói ở đầu do thiếu máu não còn kèm theo các tiệu chứng như hoa mắt, chóng mặt đặc biệt là khi thay đổi tư thế. Người bệnh cũng thường khó để giữ cân bằng, thường xuyên loạng choạng và có nguy cơ té ngã cao.

Đây đều là những tình huống bị đau nhói ở đầu cần được cấp cứu càng sớm càng tốt. Đừng chần chờ mà hãy gọi 115 hoặc nhờ người bên cạnh đưa ngay đến bệnh viện gần nhất.

Bị giật nhói ở đầu có nguy hiểm không?

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ để khám đau đầu?

Nếu bạn thuộc trường hợp sau đây khi bị đau nhói ở đầu, hãy đi thăm khám bác sĩ:

  • Cơn đau đầu diễn ra thường xuyên hơn hoặc nặng hơn.
  • Bạn đang bị đau đầu dữ dội do dùng thuốc giảm đau thường xuyên.
  • Bị giật nhói ở đầu thường khởi phát khi bạn hắt hơi, ho hoặc tập thể dục.
  • Trên 65 tuổi và tình trạng bị giật nhói ở đầu khác biệt với những cơn đau đầu trước đó.
  • Bạn đang mang thai, mới sinh hoặc có tiền sử ung thư, hệ miễn dịch yếu bị đau giật nhói ở đầu.

Hãy đến phòng cấp cứu hoặc gọi 115 ngay nếu:

  • Bạn bị đau đầu sau một cú đánh hoặc chấn thương ở đầu.
  • Bạn bị đau giật nhói ở đầu trầm trọng hơn trong vòng vài giây hoặc vài phút.
  • Bạn bị đau đầu và sốt/cứng cổ, đau mắt đỏ, co giật, ngất xỉu hoặc có triệu chứng của đột quỵ.

Qua bài viết, hy vọng bạn đã hiểu rõ hơn về dấu hiệu bị giật nhói ở đầu của mình. Nếu bạn cảm thấy lo lắng cho cơn đau đầu, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để xác định nguyên nhân và có cách điều trị hiệu quả.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

The Complete Headache Chart https://headaches.org/resources/the-complete-headache-chart/ Ngày truy cập: 18/10/2021

Understanding what causes headaches and finding treatments to relieve the pain https://www.health.harvard.edu/pain/headache-when-to-worry-what-to-do Ngày truy cập: 18/10/2021

Could Your Headache Be Dangerous? 5 Signs To Watch For https://www.npr.org/sections/health-shots/2021/05/05/993565468/could-your-headache-be-dangerous-5-signs-to-watch-for Ngày truy cập: 18/10/2021

Headaches https://www.thebraintumourcharity.org/brain-tumour-signs-symptoms/adult-brain-tumour-symptoms/headaches/ Ngày truy cập: 18/10/2021

Types of Headache https://www.uofmhealth.org/health-library/ty7017 Ngày truy cập: 18/10/2021

Phiên bản hiện tại

23/08/2023

Tác giả: Lương Lan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Linh Do


Bài viết liên quan

Khi nào thì đau đầu là triệu chứng khối u não?

Hay bị đau đầu là triệu chứng của bệnh gì? Đọc và cảnh giác!


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 23/08/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo