backup og meta

Bỏ túi ngay những món ăn chữa bệnh gút đơn giản, dễ làm tại nhà

Bỏ túi ngay những món ăn chữa bệnh gút đơn giản, dễ làm tại nhà

Gút (gout hay thống phong) là một bệnh viêm khớp do rối loạn chuyển hóa, liên quan trực tiếp với chế độ ăn uống. Bệnh xảy ra khi axit uric tích tụ trong máu quá nhiều và lắng đọng ở các khớp, gây đau nhức dữ dội. Ngoài dùng thuốc, những món ăn chữa bệnh gút cũng là cách kiểm soát nồng độ axit uric máu, làm giảm nhẹ tình trạng bệnh một cách hiệu quả.

Nếu bạn chưa biết cách xây dựng thực đơn cho người bệnh gout thì hãy cùng tham khảo qua cách chế biến những món ăn chữa bệnh gút và nguyên tắc xây dựng thực đơn cho người bệnh gout dưới đây nhé! 

I. Gợi ý những món ăn chữa bệnh gút đơn giản, dễ làm 

Không chỉ phải quan tâm đến việc lựa chọn thực phẩm ít purin, mà cách chế biến món ăn cũng cần được chú ý trong chế độ ăn cho người bệnh gout. Dưới đây là 6 món ăn chữa bệnh gút mà bạn có thể tham khảo để bổ sung vào thực đơn mỗi ngày. 

1. Cháo đậu đỏ, tim sen: Một trong những món ăn bổ dưỡng giúp chữa bệnh gút 

Đậu đỏ là một trong các nguồn thực phẩm cung cấp protein với hàm lượng purin thấp, rất thích hợp cho người bệnh gút. Bên cạnh đó, phần tim của hạt sen và đậu đỏ đều là những thực phẩm giàu chất xơ, góp phần làm giảm nồng độ axit uric máu, giảm viêm, cải thiện bệnh gút hiệu quả.  

Nguyên liệu cần chuẩn bị cho món cháo đậu đỏ, tim sen:

  • 60 gam đậu đỏ
  • 1 muỗng nhỏ tim sen
  • 50 gam gạo
  • Gia vị.

Cách thực hiện món cháo đậu đỏ tim sen cho người bệnh gút:

  • Vo sạch gạo để ráo, làm sạch đậu đỏ, tim sen.
  • Cho tất cả nguyên liệu vào nồi, thêm 700ml nước.
  • Đun sôi, sau đó hạ lửa và ninh đến khi cháo nhừ, có thể thêm nước nếu cháo quá đặc. 
  • Nêm nếm gia vị vừa với khẩu vị.

Lưu ý về thực đơn cho người bệnh gút

Món cháo đậu đỏ tim sen nên được ăn lúc nóng và nên ăn từ 3 – 4 lần/ tuần. Không chỉ là một trong những món ăn chữa bệnh gút, món cháo này còn giúp bạn giảm bớt cảm giác mệt mỏi, bổ sung năng lượng để làm việc trong ngày. 

những món ăn chữa bệnh gút: cháo đậu đỏ tim sen

2. Cà tím xào – Một trong những món ăn chữa bệnh gút dễ làm nhất

Cà tím là một trong các loại rau củ quả hàm lượng purin thấp. Những món ăn chữa bệnh gút từ cà tím có thể giúp người bệnh kiểm soát các cơn đau do gút cấp. 

Nguyên liệu cần chuẩn bị: 

  • 300 gram cà tím.
  • Một ít hành lá.
  • Dầu ăn (ưu tiên dùng dầu thực vật như dầu ô liu). 
  • Các loại gia vị.

Hướng dẫn cách thực hiện: 

  • Rửa sạch các nguyên liệu: cà tím và hành lá.
  • Cà tím cắt miếng vừa ăn, hành lá thái nhỏ. 
  • Làm nóng chảo vào cho một ít dầu ăn. 
  • Cho cà tím và đảo đều.
  • Thêm gia vị sao cho vừa ăn, cho hành lá đã thái nhỏ vào và tắt bếp.

Bạn cũng có thể chế biến cà tím với tỏi bằng cách hấp chín cà rồi trộn với tỏi và gia vị, hoặc xào tỏi đều rất tốt.

3. Lê nấu rau diếp cá 

Quả lê có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, chứa hàm lượng thấp purin và hỗ trợ làm giảm nồng độ axit uric máu. Rau diếp cá được mệnh danh là kháng sinh tự nhiên, hỗ trợ ngăn ngừa nhiễm trùng, giảm viêm, giảm sưng đau các khớp, giảm tình trạng nóng đỏ ở các khớp. Do đó, có thể nói đây là một trong những sự kết hợp hoàn hảo cho những món ăn chữa bệnh gút. 

Nguyên liệu bạn cần có: 

  • Lê: 1 quả to
  • Diếp cá: 1 nắm vừa
  • Đường trắng với lượng vừa đủ.

Thực hiện: 

  • Rửa sạch lê, bỏ hạt, thái nhuyễn.
  • Rửa sạch rau diếp cá. 
  • Đun sôi rau diếp cá trước với khoảng 800ml nước lọc.
  • Ninh thêm tầm 30 phút. 
  • Tắt bếp, vớt bỏ bã ra ngoài. 
  • Thêm lê và đường trắng vào phần nước còn lại.
  • Đun sôi đến khi lê chín thì tắt bếp. 
  • Ăn mỗi tuần từ 1-2 lần giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh gút. 

4. Những món ăn chữa bệnh gút từ cá

Trong thực đơn dành cho người bệnh gout, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo nên bổ sung 1 món làm từ cá cho mỗi tuần. Bởi vì cá không chỉ là một trong những nguồn cung chất đạm lành mạnh mà còn là thực phẩm giàu các chất béo tốt cho cơ thể, giúp chống viêm và tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý phải lựa chọn các loại cá ít purin như cá lóc, cá chép,…để chế biến những món ăn chữa bệnh gút. 

Nguyên liệu chuẩn bị cho món canh cá chép: 

  • Cá chép: 1 con
  • Cà chua: 2 quả
  • Đậu bắp: 50 gam
  • Giá đỗ: khoảng 1 nắm 
  • Gia vị các loại. 

Hướng dẫn thực hiện những món ăn chứa bệnh gút từ cá như sau: 

  • Sơ chế và rửa sạch các loại nguyên liệu.
  • Cà chua cắt múi cau, đậu bắp cắt khúc. 
  • Để giảm mùi tanh bạn cần chiên sơ cá trong chảo nóng.  
  • Xào xơ cà chua với dầu ăn. 
  • Đổ nước vào nồi và đun sôi. 
  • Thả cá vào, đun thêm 15 phút để cá chín. 
  • Thêm giá đỗ và nêm nếm gia vị sao cho vừa ăn. 

những món ăn chữa bệnh gút: canh cá

5. Canh đậu phụ, nấm rơm

Do chế độ ăn hạn chế purin – có nhiều trong đạm động vật, người bị bệnh gút thường cần bổ sung protein thay thế từ các loại thực phẩm nguồn gốc thực vật như nấm và đậu phụ. Ngoài ra, đây còn là những nguyên liệu cho món ăn giàu chất xơ và vitamin giúp chuyển hóa năng lượng tốt, nâng cao sức khỏe cho người đang chữa bệnh gút. 

Để chế biến món canh đậu phụ, nấm rơm bạn cần có: 

  • Đậu hũ: 4 miếng 
  • Nấm rơm: 200 gam 
  • Một nắm hẹ.
  • Vài củ hành tím.
  • Gia vị.

Cách thực hiện món ăn cho người bệnh gút như sau: 

  • Rửa sạch và sơ chế các nguyên liệu đã chuẩn bị. 
  • Đậu phụ và nấm rơm cắt miếng nhỏ vừa ăn.
  • Cho dầu (nên ưu tiên dùng dầu thực vật) và hành tím vào nồi, phi thơm.
  • Đổ hai lít nước vào nồi, đun sôi.
  • Tiếp tục cho nấm rơm và đậu phụ vào nồi. 
  • Đun cho đến tất cả chín đều, thêm hẹ và nêm nếm gia vị sao cho vừa ăn. 

Món này nên ăn nóng sẽ ngon hơn và bạn có thể thêm món này vào thực đơn cho người bệnh gout từ 2-3 lần/tuần.

6. Thịt lợn hầm củ cải

Thịt lợn cũng là một trong các loại thịt được khuyên hạn chế dùng trong những món ăn cho người bệnh gút. Tuy nhiên, khi kết hợp thịt lợn hầm với củ cải bạn sẽ có được một trong những món ăn chữa bệnh gút ngon mà bổ dưỡng. Theo y học cổ truyền, đây là món ăn có tác dụng kiện tỳ lợi thấp, thanh nhiệt hóa đờm, điều trị bệnh thận do gút. Bên cạnh đó, củ cải còn có tác dụng tăng cường chức năng chuyển hóa và thải trừ của thận và làm giảm axit uric máu.

Nguyên liệu bạn cần chuẩn bị cho món ăn này bao gồm:

  • Thịt nạc heo: 250 gam 
  • Củ cải: 500 gam
  • Một ít gừng và hành
  • Gia vị các loại.

Hướng dẫn nấu món thịt hầm củ cải cho người bệnh gout: 

  • Rửa sạch thịt và thái vừa ăn
  • Gọt vỏ, rửa sạch củ cải và cũng thái thành thái lát vuông
  • Rửa sạch và thái mỏng hành, gừng. 
  • Cho dầu lên chảo, đun nóng; sau đó thêm đường và thịt vào, đảo đều tay.
  • Thêm nước ấm và gia vị cho đến khi thịt ngả màu. 
  • Đậy nắp lại và ninh đến khi thịt gần chín, thêm củ cải và một ít muối.
  • Nêm nếm gia vị sao cho vừa ăn. 

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể nấu củ cải với xương heo hay nấu cháo củ cải cũng có tác dụng hỗ trợ rất tốt khi bị gút.

những món ăn chữa bệnh gút: thịt lợn hầm củ cải

II. Những điều cần biết thêm về thực đơn cho người bệnh gout (gút)

Ngoài những món ăn chữa bệnh gút được gợi ý trên đây, bạn có thể linh hoạt thay đổi nhiều món ăn dựa trên nguyên tắc dinh dưỡng dành cho người bệnh gout. 

1. Người bệnh gút kiêng ăn gì?

Thực phẩm giàu purin (200 gam purin cho mỗi 100 gam trọng lượng) và fructose là “thủ phạm” kích hoạt các cơn gút cấp và làm tăng nguy cơ tích tụ axit uric gây gút mãn tính. Chúng bao gồm: 

  • Tất cả các loại nội tạng động vật (thịt nội tạng) bao gồm: gan, thận, óc,…
  • Thịt đỏ: thịt lợn, thịt bò,..
  • Các loại cá và hải sản bao gồm những động vật giáp xác như cua, tôm và một số loài cá hàm lượng purin cao như cá ngừ, cá cơm, cá mòi, cá trích. 
  • Mật ong, siro, đường bắp (đường ngô) và các chất tạo ngọt tự nhiên khác có chứa nhiều đường fructose. 
  • Rượu, bia làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút và tái phát các cơn gút cấp. 

Ngoài ra, những món ăn chữa bệnh gút hay dành cho người bệnh gút cũng được khuyến cáo hạn chế sử dụng các loại thực phẩm bản chất là carb tinh chế như gạo trắng, bánh mì trắng, bánh ngọt, bánh quy. Dù chúng không chứa nhiều purin và fructose nhưng lại ít chất xơ và chất dinh dưỡng, góp phần làm tăng nồng độ axit uric máu. 

2. Người bệnh gút nên ăn gì?

những món ăn chữa bệnh gút

Chế độ ăn dành cho người bệnh gút cần kiêng khem khá nhiều thứ và gần như đó đều là những thực phẩm giàu protein. Để đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất và năng lượng mỗi ngày, các loại thực phẩm hàm lượng purin thấp (100 gam purin trong mỗi 100 gam) mà lại giàu dưỡng chất sẽ là sự lựa chọn phù hợp cho người bệnh gút. Điển hình như: 

  • Tất cả trái cây và rau xanh.
  • Tất cả các loại đậu bao gồm đậu lăng, đậu đỏ, đậu đen, đậu nành,…
  • Ngũ cốc nguyên cám. 
  • Trứng ăn vừa phải.
  • Cá hồi, cá chép, cá lóc.
  • Các chế phẩm từ sữa đặc biệt là sữa ít béo.
  • 1 – 2 ly rượu vang mỗi ngày.
  • Thực phẩm giàu vitamin C.
  • Dầu thực vật như dầu ô liu, dầu hướng dương, các loại hạt,… 

Dựa trên các nhóm thực phẩm này, bạn hoàn toàn có thể biến tấu để có được những món ăn chữa bệnh gút hay hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng bệnh gút

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. Gout diet: What’s allowed, what’s not

https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/nutrition-and-healthy-eating/in-depth/gout-diet/art-20048524

Ngày truy cập: 4/11/2021

2. Low-purine Diet: Foods to Eat or Avoid – familydoctor.org

https://familydoctor.org/low-purine-diet/

Ngày truy cập: 4/11/2021

3. Nutritional therapy of gout

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/27008448/

Ngày truy cập: 4/11/2021

4. Bệnh Nhân Gout Nên Ăn Gì, Kiêng Gì?

https://syt.bacgiang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/6CWBO9WiZqsQ/content/benh-nhan-gout-nen-an-gi-kieng-gi-cach-chua-hieu-qua-?inheritRedirect=false

Ngày truy cập: 4/11/2021

5. Những món ăn chữa bệnh gút hiệu quả tốt nhất? Bệnh nhân không thể bỏ lỡ

https://www.tapchidongy.org/nhung-mon-an-chua-benh-gut.html

Ngày truy cập: 5/11/2021

Phiên bản hiện tại

23/04/2024

Tác giả: Vi Quỳnh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

Cập nhật bởi: Vi Quỳnh


Bài viết liên quan

Top 4 Bệnh viện, Phòng khám Cơ xương khớp uy tín tại Hà Nội

Chế độ ăn cho người bệnh gout để kiểm soát tốt bệnh trạng


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 23/04/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo