Thực phẩm có mối liên hệ chặt chẽ với cơ thể vì cung cấp các dưỡng chất cần thiết, song khi tiêu thụ quá nhiều một loại thực phẩm nào đó lại gây bệnh cho bản thân. Gút (gout) là loại bệnh “nhà giàu” do cơ thể dư thừa axit uric.
Bạn có từng nghe chữa bệnh gút bằng nghệ? Nó có thực sự hiệu quả? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu thực hư vấn đề này nhé.
Gút là gì?
Gút (gout) là một loại viêm khớp xuất hiện khi cơ thể thừa axit uric. Khoảng 2/3 axit uric trong máu do cơ thể tạo ra một cách tự nhiên. Phần còn lại được tạo ra do cơ thể phá vỡ chất purin, được tìm thấy ở nhiều thực phẩm như hải sản, thịt đỏ và rượu.
Thông thường, thận sẽ loại bỏ lượng axit uric nhưng nếu thận không thực hiện hết chức năng sẽ để lại lượng axit uric dư thừa, chúng tích tụ và hình thành các tinh thể trong khớp. Những tinh thể axit uric được gọi là monosodium urate gây ra những cơn đau dữ dội.
Các phương pháp điều trị tại nhà bao gồm thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs), các loại thực phẩm bổ trợ. Một trong những thực phẩm giúp hạn chế những cơn đau đó là nghệ.
Củ nghệ thường được dùng làm gia vị trong các món ăn của người Việt, cũng là một trong những phương thuốc chữa bệnh gút được khoa học chứng minh.
Nghệ có tốt cho bệnh gút không?
Củ nghệ (có tên Latinh: curcuma longa) là cây thân thảo lâu năm thuộc họ gừng (zingiberaceae). Hàng ngàn năm trước, nghệ được sử dụng trong các bài thuốc trị viêm.
1. Đặc tính chống viêm
Curcumin là chất có trong củ nghệ có khả năng kháng viêm, chống nhiễm trùng cực mạnh. Theo nghiên cứu năm 2019 tại Arthritis Research & Therapy, curcumin có thể ức chế được một protein là nhân tố hạt nhân – kappa B (NF – kappa B). NF – kappa B được xem là một nguyên nhân gây viêm.
Trong thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã tiêm curcumin vào cơ thể chuột. Sau một giờ, các nhà nghiên cứu tiếp tục tiêm axit uric vào một chân chuột. Kết thúc thí nghiệm, các nhà nghiên cứu phát hiện chất curcumin đã ngăn được NF-kappa B và viêm do dư thừa axit uric.
Một nghiên cứu khác năm 2013 cũng ghi nhận tác dụng chống viêm của curcumin. Những người bị gút cảm thấy thoải mái sau khi sử dụng flexofytol – một chiết xuất curcumin tinh khiết.
2. Giảm đau
Bằng cách ức chế viêm, curcumin có thể giúp giảm những cơn đau do viêm khớp gây ra. Năm 2018, một nghiên cứu cho sử dụng curcumin trong ba tháng giúp các tình nguyện viên giảm những cơn đau vào buổi sáng một cách hiệu quả.
3. Chất chống oxy hóa
Chất chống oxy hóa bảo vệ các tế bào bị các gốc tự do gây hại. Mất cân bằng các gốc tự do gây căng thẳng oxy hóa gây viêm. Nghệ là một chất chống oxy hóa mạnh, bao gồm flavonoid, axit ascorbic, polyphenol và curcumin.
Một cách kiểm soát bệnh gút là giảm căng thẳng oxy hóa gây ra viêm khớp trầm trọng.
Cách dùng nghệ trị gút
1. Dùng vào thực đơn mỗi ngày
Thông thường nghệ được chế biến thành tinh bột nghệ dùng làm gia vị cho các món ăn hàng ngày trên mâm cơm Việt như: cơm chiên, cá kho, trứng chiên, đặc biệt kết hợp nghệ với tiêu đen có thể tăng khả năng hấp thụ curcumin… Bạn cũng có thể pha loãng bột nghệ với nước ấm, thêm một ít mật ong để uống.
2. Thoa trực tiếp lên vùng bị gút
Một số người điều trị bệnh gút bằng cách bôi nghệ lên các khớp bị viêm. Hiệu quả của phương pháp này chưa được khoa học chứng minh nhưng những người thử người đều cảm thấy thoải mái sau mỗi lần thực hiện.
Bạn có thể thử áp dụng công thức sau để làm một hỗn hợp kem bôi trực tiếp. Trộn 2 thìa sữa chua, 1 thìa mật ong nguyên chất (có thể thay bằng dầu dừa) với 1 thìa cà phê bột nghệ. Thoa lên các khớp bị ảnh hưởng do gút, để 15 phút, sau đó rửa sạch.
Nên dùng bao nhiêu củ nghệ điều trị gút (gout)?
Hiện nay, không có một liều lượng cụ thể dùng nghệ điều trị bệnh gút. Tuy nhiên, đối với bệnh viêm xương khớp, Tổ chức Viêm khớp khuyên nên uống 400-600 viên nang 3 lần/ngày. Họ cũng khuyên nên dùng 500mg 2 lần/ngày cho bệnh viêm khớp nhẹ.
Tác dụng phụ của nghệ
Củ nghệ là loại củ khá an toàn khi ăn hoặc bôi lên cơ thể nhưng cũng có thể có tác dụng phụ lên cơ thể bạn.
Bạn không nên dùng nghệ trong các trường hợp sau:
- Rối loạn chảy máu: Nghệ có thể làm loãng máu, nếu bạn thuộc nhóm bị rối loạn chảy máu, máu khó đông, bạn không nên sử dụng nghệ.
- Các vấn đề về dạ dày: Đối với một vài người, nghệ có thể gây ra những cơn buồn nôn, tiêu chảy, xót ruột. Khi bạn có dạ dày không tốt hoặc tình trạng rối loạn tiêu hóa, bạn không nên dùng nghệ.
- Sỏi thận: Không dùng nghệ nếu bạn có tiểu sử bị sỏi thận. Trong nghệ có nhiều oxalate có thể liên kết với các khoáng chất trong cơ thể hình thành các viên sỏi.
- Bệnh túi mật: Nghệ làm xấu đi các vấn đề về túi mật.
- Thiếu sắt: Ở liều cao, nghệ phá vỡ sự hấp thụ sắt, bạn nên cân nhắc nếu bạn bị thiếu sắt.
- Mang thai hoặc cho con bú: Do nghệ vẫn còn chưa được chứng minh là an toàn cho các mẹ bầu và cho con bú, vì thế bạn không nên dùng nếu thuộc nhóm này.
Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Nếu bạn đang bị gút, hãy thử dùng nghệ như một phương pháp hỗ trợ điều trị tại nhà.
Ngoài ra, bạn có thể kết hợp với một số thực phẩm khác, tập thể dục điều độ và hạn chế các thực phẩm tăng axit uric. Nhìn chung nghệ khá an toàn nhưng nếu bạn dùng quá nhiều đôi khi sẽ dẫn đến những tác dụng phụ không mong muốn. Trường hợp nếu cơn đau trở nên tồi tệ hơn và không giảm, bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế.
LUYẾN TRẦN/ HELLO BACSI
[embed-health-tool-bmi]