
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây teo cơ delta là gì?
Cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa kết luận được nguyên nhân chính xác khiến cơ delta bị xơ hóa. Một số nhà nghiên cứu cho rằng đây có thể là hậu quả của việc tiêm thuốc trong cơ quá nhiều, dẫn đến cơ thay đổi. Những thuốc bị nghi ngờ nhiều nhất về tác dụng không mong muốn này là dramamine, penicillin, lincomycin, streptomycin, tetracyclin, pentazocin, hypodermoclyses và các thuốc chống sốt rét.
Nguyên nhân thứ 2 là do tổn thương thần kinh nách sau tai nạn trật khớp vai hoặc rách dây thần kinh nách. Bên cạnh đó, những bệnh về thần kinh vận động cũng có thể ảnh hưởng tới dây thần kinh này.
Nguyên nhân thứ 3 là do rối loạn dưỡng cơ, thường gặp nhất là loạn dưỡng cơ dạng mặt – vai – cánh tay.
Ngoài ra, kết quả một số nghiên cứu nhỏ cho thấy bệnh tập trung ở một số dân tộc ít người và một số vùng. Do đó, các nhà nghiên cứu cũng đưa ra hướng suy luận rằng môi trường sống, yếu tố di truyền cũng có thể ảnh hưởng tới cơ delta.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán teo cơ delta?
Bước đầu trong chẩn đoán, bác sĩ sẽ khai thác một số yếu tố lâm sàng như:
- Lịch sử tiêm thuốc, kể cả tiêm vắc xin, tại những vùng xung quanh vai
- Gia đình có ai mắc chứng xơ hóa cơ hay không
- Có xơ cứng cơ khác trên cơ thể không
- Khả năng vận động của tay chân, xương vai thế nào, liệu có bị hạn chế
- Kiểm tra vận động cổ, tìm xem có dấu hiệu biến dạng Sprengel (một dị tật bẩm sinh khiến xương bả vai nhỏ và nhô cao hơn vai) hay dị tật bẩm sinh nào khác không
- Kiểm tra thần kinh cơ
- Xem xét xương ngực và cột sống xem có bị vẹo hay bất thường không
Các triệu chứng gợi ý tình trạng teo cơ delta là không giang tay ra được quá 40 – 50 độ, không nhấc được cánh tay lên cao hơn vai, cơ quanh vai teo khiến xương đầu cánh tay lộ ra ngoài.
Tiếp theo, bệnh nhân cần làm một số xét nghiệm như chụp X quang, huỳnh quang và chụp cắt lớp vi tính (CT scan). Chụp X quang trước, nếu kết quả không rõ thì tiến hành xét nghiệm huỳnh quang, tìm xem ổ khớp cánh tay và xương sống ngực có vấn đề gì không. Nếu vẫn không tìm ra bất thường mới làm CT scan. Hình ảnh CT scan cho thấy rõ ràng sự thay đổi (nếu có) khi cơ delta bị teo.
Cuối cùng là xét nghiệm mô học, 100% trường hợp xơ hóa cơ này cho kết quả mật độ mô dày đặc và teo cơ.

Những phương pháp điều trị xơ hóa cơ delta
Phẫu thuật teo cơ delta được coi là “tiêu chuẩn vàng” trong điều trị, giúp giải thoát các sợi cơ bị xơ cứng. Không phải bệnh nhân nào cũng cần phẫu thuật mà chỉ ở trẻ nhỏ trên 5 tuổi, có dấu hiệu dị dạng trong quá trình trưởng thành (như thay đổi xương mỏm cùng vai, vẹo xương sống, đầu xương bị phẳng…), độ giạng ra của tay từ 25 độ trở lên.
Phẫu thuật teo cơ delta có tỷ lệ thành công là 96 – 100% nhưng một vài nghiên cứu ghi nhận có 6% sẽ tái phát sau này.
Rất đáng tiếc là hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu nào giúp trì hoãn quá trình xơ hóa cơ delta. Bệnh nhân chỉ có thể sử dụng thuốc không steroid để giảm đau, bên cạnh đó là theo dõi thường xuyên và vật lý trị liệu.
Phòng ngừa
Những biện pháp nào giúp phòng ngừa xơ hóa cơ delta?
Vẫn chưa có biện pháp nào phòng ngừa được bệnh teo cơ delta vì nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được xác định rõ ràng cũng như khó để tác động. Bạn có thể giảm phần nào nguy cơ teo cơ nói chung bằng việc ăn uống đủ chất dinh dưỡng, nhất là chất đạm để xây dựng cơ bắp vững chắc; lao động, đi lại cẩn thận để hạn chế chấn thương bả vai. Bên cạnh đó, các cha mẹ nên theo dõi con từ khi còn nhỏ, thăm khám ngay nếu thấy dấu hiệu bất thường để tiến hành chữa trị sớm.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!