backup og meta

Gãy (Vỡ) xương hốc mắt là gì? Có nguy hiểm không?

Gãy (Vỡ) xương hốc mắt là gì? Có nguy hiểm không?

Vỡ xương hốc mắt (ổ mắt) là một tình trạng khá nguy hiểm và do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó phổ biến nhất là do tai nạn hoặc bị đánh vào mắt. Việc điều trị gãy xương sẽ phụ thuộc vào mức độ nặng và loại gãy xương hốc mắt.

Cùng HelloBacsi tìm hiểu về tình trạng vỡ xương hốc mắt là gì và nó có nguy hiểm không qua bài viết dưới đây nhé.

Vỡ xương hốc mắt là gì?

Gãy xương hốc mắt xảy ra khi một hoặc nhiều xương xung quanh nhãn cầu bị gãy. Hốc mắt thường bao gồm nhãn cầu, cơ mắt, mạch máu, dây thần kinh và các cấu trúc khác. 

Gãy xương ổ mắt thường xảy ra sau một số loại chấn thương hoặc bị đánh vào mặt. Tùy thuộc vào vị trí gãy xương, nó có thể dẫn đến chấn thương mắt nghiêm trọng và tổn thương mắt.

Các dạng vỡ xương hốc mắt

Vỡ sàn ổ mắt

Đây là loại gãy xương hốc mắt thường gặp nhất xảy ra ở hốc mắt dọc theo sàn hoặc thành trong gần mũi và thường do vật gì đó đập mạnh vào mắt, chẳng hạn như quả bóng. Những vết gãy này có thể không có triệu chứng và có thể nhìn thấy được hoặc gây ra các vấn đề về nhìn đôi hoặc thay đổi vị trí của nhãn cầu và cần phải phẫu thuật sửa chữa.

Gãy xương bờ ngoài ổ mắt

Những vết gãy này thường nằm ở rìa ngoài của hốc mắt và do một lực lớn để gây ra như tai nạn ô tô, kèm theo các chấn thương khác ở đầu và mặt. Biểu hiện của dạng gãy xương này là những đường viền không đều dọc theo mép hốc mắt.

Gãy xương cửa lật 

Gãy xương cửa lật thường xảy ra ở trẻ em vì xương trẻ mềm hơn. Thay vì gãy xương, xương uốn cong ra ngoài, sau đó lật trở về vị trí bình thường của chúng. Mặc dù không hẳn là gãy xương thông thường, gãy xương cửa lật vẫn có thể dẫn đến tổn thương nghiêm trọng và đôi khi vĩnh viễn.

triệu chứng vỡ xương hốc mắt

Triệu chứng vỡ xương hốc mắt là gì?

Một số người bị vỡ xương hốc mắt không có triệu chứng, nhưng một số khác lại bị đau đớn. Điều này phụ thuộc vào loại gãy xương và mức độ nghiêm trọng của vết thương. Các triệu chứng gãy xương ổ mắt có thể bao gồm:

  • Nhìn mờ, nhìn đôi hoặc giảm thị lực.
  • Sưng dưới mắt.
  • Vết bầm đen, xanh hoặc tím quanh mắt.
  • Máu ở tròng trắng của mắt.
  • Sưng má hoặc trán.
  • Tê liệt.
  • Khó di chuyển mắt theo bất kỳ hướng nào.
  • Nhãn cầu bị trũng hoặc lồi.
  • Chảy máu cam.

Nguyên nhân gây gãy xương hốc mắt

Gãy xương ổ mắt có thể xảy ra ở người lớn và trẻ em. Nguyên nhân thường gặp nhất ở người lớn bao gồm đánh nhau và tai nạn ô tô. Các nguyên nhân phổ biến ở trẻ em bao gồm tai nạn ô tô và bị bóng đập vào mặt. 

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng gây vỡ xương ở mắt như tai nạn lao động, té ngã và tai nạn lao động.

Gãy xương hốc mắt có nguy hiểm không?

Vỡ xương hốc mắt nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng sau:

  • Không thể cử động hoặc mất cảm giác ở một phần trên khuôn mặt (nếu bạn cũng bị thương ở dây thần kinh hoặc cơ).
  • Khó thở, nhìn, nghe hoặc nói, tùy thuộc vào vị trí gãy xương.

Chấn thương nghiêm trọng cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng, co giật, chảy máu não và tổn thương não.

nguyên nhân vỡ xương hốc mắt

Làm gì khi bị vỡ xương hốc mắt?

Nếu bạn có triệu chứng gãy xương sau một vụ tai nạn hoặc cú đánh vào mắt thì hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và điều trị kịp thời. 

Để chẩn đoán gãy xương hốc mắt, bác sĩ sẽ kiểm tra mắt của bạn và khu vực xung quanh để xem mắt có di chuyển bình thường không và bạn có gặp vấn đề gì về thị lực không. 

Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ hỏi bạn về các triệu chứng và yêu cầu làm các xét nghiệm hình ảnh, như chụp X-quang và chụp CT (chụp cắt lớp vi tính).

Các cách điều trị gãy xương ổ mắt

Điều trị gãy xương ổ mắt phụ thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của chấn thương mắt và không phải lúc nào cũng cần phẫu thuật. Nếu bạn bị gãy xương nhỏ, bác sĩ có thể khuyên bạn sử dụng túi nước đá để giảm đau và sưng mắt. Hốc mắt có thể tự lành theo thời gian.

Bác sĩ cũng có thể kê toa thuốc kháng sinh hoặc thuốc thông mũi. Họ sẽ khuyên bạn không nên hoặc hạn chế xì mũi trong khi vết thương lành lại vì điều này có thể gây sưng tấy nếu không khí thổi ra tích tụ dưới vùng da quanh mắt.

Gãy xương hốc mắt nghiêm trọng hơn khi nó ngăn cản việc di chuyển mắt chính xác hoặc nếu bạn cũng bị song thị. Lúc này bạn có thể cần làm phẫu thuật.

Sau phẫu thuật, mắt có thể bị bầm tím và sưng tấy và tầm nhìn của bạn có thể bị mờ trong vài ngày. Bác sĩ có thể chỉ định chườm lạnh, dùng thuốc kháng sinh hoặc thuốc chống viêm để hỗ trợ trong quá trình chữa lành.

Hy vọng với những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu rõ vỡ xương hốc mắt là gì và có nguy hiểm hay không nhé.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Eye Socket Fracture (Fracture Of The Orbit). https://www.drugs.com/health-guide/eye-socket-fracture-fracture-of-the-orbit.html. Ngày truy cập: 09/08/2018

Broken Eye Socket. https://www.healthline.com/health/broken-eye-socket. Ngày truy cập: 09/08/2018

Broken eye socket: Symptoms, surgery, and recovery. https://www.medicalnewstoday.com/articles/322011.php. Ngày truy cập: 09/08/2018

Eye Socket Fracture (Fracture Of The Orbit). https://www.health.harvard.edu/a_to_z/eye-socket-fracture-fracture-of-the-orbit-a-to-z. Ngày truy cập: 27/01/2022

Eye Socket Fracture (Orbital Fracture). https://hhma.org/healthadvisor/aha-eyefract-oph/. Ngày truy cập: 27/01/2022

Eye Socket Fracture. https://www.childrenshospital.org/conditions-and-treatments/conditions/e/eye-socket-fracture. Ngày truy cập: 27/01/2022

What Is an Orbital Fracture? https://www.aao.org/eye-health/diseases/what-is-orbital-fracture. Ngày truy cập: 27/01/2022

A blow to the eye: Ocular and orbital trauma. https://www.mayoclinic.org/medical-professionals/trauma/news/a-blow-to-the-eye-ocular-and-orbital-trauma/mac-20429287. Ngày truy cập: 27/01/2022

Phiên bản hiện tại

12/10/2023

Tác giả: Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

Bí quyết giữ đôi mắt khỏe mạnh và cách làm sáng mắt cho người già

10 Cách bảo vệ mắt khi dùng máy tính nhiều bạn cần biết


Tác giả:

Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng

Đa khoa · Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội


Ngày cập nhật: 12/10/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo