Tìm hiểu chung
Gãy xương vùng chậu là gì?
Vùng chậu là một khung xương chắc chắn nằm ở đáy cột sống, gồm nhiều xương hợp thành. Gãy xương vùng chậu không phải là loại gãy xương phổ biến, chỉ chiếm khoảng 3% trường hợp gãy xương ở người trưởng thành.
Hầu hết trường hợp gãy xương chậu xảy ra là do chấn thương, va chạm mạnh như tai nạn xe hơi. Do vùng chậu nằm gần với các mạch máu và cơ quan chính trong cơ thể nên gãy xương tại đây có thể khiến chảy máu lan rộng và gây ra nhiều tổn thương khác cần phải điều trị khẩn cấp.
Một số trường hợp, các cú va chạm không mạnh lắm (như té ngã) vẫn có thể gây gãy xương vùng chậu ở người cao tuổi – đối tượng có xương yếu hơn.
Các phương pháp điều trị cho gãy xương vùng chậu cũng sẽ khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Trong khi gãy xương chậu do tác động ngoại lực thấp thường chỉ cần điều trị bảo tồn, gãy xương do tác động ngoại lực mạnh sẽ cần phải phẫu thuật tái tạo xương chậu và khôi phục lại tính ổn định cho cơ quan này để người có khả năng sinh hoạt bình thường.
Phân loại các dạng gãy xương vùng chậu
Do các xương ở vùng chậu có cấu trúc như một vòng tròn lớn nên khi có nứt, gãy ở một phần cấu trúc nào đó thường đi kèm với đứt hay tổn thương dây chằng ở một phần khác. Bác sĩ sẽ xác định một số kiểu gãy xương vùng chậu phổ biến, phụ thuộc vào hướng bị gãy và lực tương thích gây ra tình trạng đó.
Gãy xương vùng chậu có thể được mô tả là gãy xương “ổn định’ (stable) hoặc “không ổn định’ (unstable), dựa trên mức độ toàn vẹn của cấu trúc vùng chậu sau khi có chấn thương.
- Gãy xương ổn định: Trong kiểu gãy xương này, người bệnh thường chỉ có một vết gãy ở khung xương chậu và các đầu xương bị gãy vẫn nằm đúng vị trí. Gãy xương do tác động ngoại lực thấp thường là gãy ổn định.
- Gãy xương không ổn định: Ở kiểu gãy này thường có hai hoặc nhiều vết gãy ở khung xương chậu và đầu xương gãy bị dịch chuyển lệch khỏi vị trí đúng của nó. Các tác động ngoại lực mạnh có khả năng gây ra kiểu gãy xương này.
Ngoài ra, gãy xương vùng chậu có thể được phân chia thành gãy xương “mở’ hoặc “kín’. Trong đó, gãy xương “mở’ là tình trạng xương bị gãy cùng với vết thương hở ngoài da.
Ngược lại, gãy xương “kín’ là trường hợp xương bị gãy bên trong nhưng ngoài da lại không có vết thương nào. Gãy xương “mở’ nghiêm trọng hơn vì vết thương hở ngoài da có nguy cơ bị nhiễm trùng và lan vào bên trong xương. Do đó, bạn cần được điều trị ngay lập tức khi gặp phải dạng gãy xương này.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng gãy xương vùng chậu
Gãy xương vùng chậu sẽ khiến bạn cảm thấy đau đớn, khó chịu ở háng, hông hay thắt lưng. Cơn đau sẽ trở nên tồi tệ hơn khi di chuyển hông hoặc cố gắng đi lại.
Thông thường, người bệnh sẽ cố gắng tìm một tư thế để cơn đau được giảm nhẹ nhất có thể, chẳng hạn như cong đầu gối hay hạ thấp hông xuống.
Một số người còn nhận thấy tình trạng sưng và bầm tím ở vùng hông.
Một số triệu chứng khác bao gồm:
- Đau ở vùng bụng
- Cảm thấy tê hoặc đau nhói ở háng, chân
- Chảy máu từ âm đạo, niệu đạo hay trực tràng
- Khó tiểu
- Gặp khó khăn khi đi lại hoặc đứng
Gãy xương do mỏi (stress fracture) xảy ra trong khi chạy bộ có thể gây đau ở đùi hoặc mông.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gãy xương vùng chậu là gì?
Chấn thương mạnh
Gãy xương vùng chậu có thể xảy ra sau một chấn thương mạnh, chẳng hạn như trong các trường hợp sau:
- Va chạm trong tai nạn giao thông
- Tai nạn lao động
- Rơi từ độ cao tương đối cao (như té thang)
Tùy thuộc vào hướng và độ lớn của lực tác động, chấn thương có thể gây đe dọa tính mạng và cần điều trị bằng phẫu thuật ngay.
Xương yếu
Khi xương đã suy yếu, đặc biệt là ở người cao tuổi bị loãng xương thì gãy xương vùng chậu rất dễ xảy ra. Nguyên nhân thường là do té, ngã khi đi đứng hoặc các hoạt động thường ngày (như ra vào bồn tắm, lên xuống cầu thang).
Chấn thương trong trường hợp này thường là gãy xương ổn định, không gây ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của cấu trúc khung xương chậu nhưng có thể làm gãy các xương riêng lẻ.
Nguyên nhân khác
Một lý do ít phổ biến hơn là một mảnh xương chậu bị gãy và kéo ra khỏi vị trí mà cơ gân khoeo bám vào xương. Đây là loại gãy xương do giật (avulsion fracture) và xảy ra nhiều ở những vận động viên trẻ tuổi (độ tuổi phát triển). Gãy xương do giật thường là kiểu gãy xương không ổn định hoặc làm tổn thương đến các cơ quan nội tạng khác.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán gãy xương vùng chậu?
Trường hợp có chấn thương mạnh như tai nạn giao thông, bác sĩ sẽ kiểm tra khả năng bạn bị gãy xương vùng chậu nhờ vào kết quả chụp X-quang. Bác sĩ cũng nghi ngờ xương chậu bị gãy nếu bạn cảm thấy đau vùng chậu, đi lại khó khăn hoặc mất cảm giác ở phần dưới cơ thể.
Những xét nghiệm hình ảnh giúp chẩn đoán gãy xương vùng chậu gồm:
- Chụp X-quang: cho thấy hầu hết các chấn thương ở khung xương chậu dù không hiển thị chi tiết được các chấn thương của cơ quan bên trong khu vực này.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): sử dụng nhiều tia X chiếu xuyên qua khung xương chậu để tạo nên hình ảnh ba chiều cho các tổn thương bên trong. Xét nghiệm này được thực hiện trong những trường hợp chấn thương phức tạp để thu được kết quả hình ảnh rõ ràng hơn.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): thay thế cho chụp CT và có thể cho kết quả hình ảnh về tổn thương rõ hơn. Người bệnh thường không cần phải thực hiện xét nghiệm này, trừ trường hợp gãy xương do mỏi vì sẽ nhìn được rõ hơn khi chụp MRI nhưng lại không nhìn thấy trên kết quả chụp X-quang hay CT.
- Siêu âm và sử dụng chất cản quang: bác sĩ tiêm chất cản quang vào cơ thể để thu được hình ảnh rõ nét về các cơ quan nội tạng và cấu trúc khác.
- Xạ hình xương (radioisotope bone scan): thường được dùng để xác định gãy xương do mỏi, đặc biệt ở những người bệnh không thể chụp MRI (như đối tượng đang sử dụng máy tạo nhịp tim).
Nếu gãy xương xảy ra dễ dàng, bác sĩ có thể nghi ngờ bạn bị loãng xương. Khi đó, bạn sẽ được chỉ định đi quét xương để kiểm tra mật độ xương. Quá trình này gọi là đo hấp thụ tia X năng lượng kép (DEXA).
Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một vài xét nghiệm khác như xét nghiệm máu để đánh giá mức độ mất máu và xem chức năng gan, thận hay xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra chức năng bàng quang.
Những phương pháp điều trị gãy xương vùng chậu
Phương pháp điều trị sẽ dựa trên một số yếu tố, bao gồm:
- Kiểu gãy xương hiện có
- Có bao nhiêu xương bị lệch khỏi vị trí
- Tình trạng sức khỏe chung và các chấn thương liên quan khác
Điều trị không phẫu thuật
Bác sĩ có thể đề nghị không cần thực hiện phẫu thuật cho tình trạng gãy xương ổn định, khi mà xương bị gãy không bị di chuyển hay lệch khỏi vị trí quá nhiều.
Các phương pháp điều trị không phẫu thuật gồm có:
- Dụng cụ hỗ trợ đi lại. Để tránh dồn trọng lượng lên chân, bác sĩ sẽ cho bạn sử dụng nạng hoặc xe tập đi trong tối đa 3 tháng hoặc cho đến khi xương lành lại hoàn toàn. Nếu bị chấn thương ở cả hai chân, bạn có thể dùng xe lăn trong một thời gian để tránh tạo áp lực lên cả hai chân.
- Sử dụng thuốc. Bác sĩ sẽ kê toa thuốc giảm đau, thuốc chống đông máu để làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông bên trong tĩnh mạch chân và khung chậu.
Phẫu thuật
Người bị gãy xương vùng chậu không cố định có thể cần phải trải qua một hoặc nhiều cuộc phẫu thuật để điều chỉnh lại xương ở đây.
- Cố định lại xương với hỗ trợ từ bên ngoài. Bác sĩ phẫu thuật cố định các xương ở trong vùng chậu bằng thanh nẹp kim loại hoặc ốc, vít đưa vào qua vết mổ nhỏ xuyên qua da và cơ. Các thanh nẹp và ốc vít này sẽ nhô ra ngoài da ở hai bên xương chậu và gắn với các thanh sợi carbon ở ngoài. Bộ cố định bên ngoài sẽ như một bộ khung để giữ xương gãy nằm đúng vị trí phù hợp.
- Phẫu thuật mở và cố định bên trong. Trong quá trình phẫu thuật, các mảnh xương bị lệch khỏi vị trí sẽ được định vị lại về đúng vị trí vốn có. Sau đó, chúng được cố định với nhau bằng ốc vít hay tấm kim loại gắn ở mặt ngoài xương.
Phẫu thuật sẽ luôn tiềm ẩn những rủi ro và biến chứng sau này. Bác sĩ sẽ thông báo cho bạn những khả năng có thể xảy ra để biết cách xử lý, chữa trị.
Các biến chứng có thể xảy ra bao gồm:
- Nhiễm trùng
- Tổn thương dây thần kinh hoặc mạch máu
- Hình thành cục máu đông
- Thuyên tắc phổi
Sau khi phẫu thuật, bạn sẽ cảm thấy khá đau đớn nhưng đó là một phần của quá trình chữa lành vết thương. Bác sĩ sẽ cố gắng giúp bạn giảm đau và giúp bạn hồi phục sau phẫu thuật nhanh nhất có thể.
Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.
[embed-health-tool-bmi]