Viêm cơ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, đơn giản có thể do một nhóm cơ nào đó bị viêm dẫn đến sưng đau, như viêm cơ tay. Nhưng cũng có một số trường hợp viêm cơ tay là do hệ thống miễn dịch xuất hiện “lỗi” tấn công lại các mô lành của cơ thể.
Trong bài viết này, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu những thông tin chi tiết về triệu chứng, nguyên nhân cũng như cách chẩn đoán, điều trị viêm cơ tay nhé!
Viêm cơ tay là gì?
Viêm cơ có thể là một phản ứng của hệ miễn dịch tự tấn công các mô lành của cơ thể, dẫn đến tình trạng viêm mãn tính và tự thuyên giảm sau một thời gian. Tuy nhiên tình trạng này có thể khiến cơ của bạn dần yếu đi và gây đau cơ dữ dội.
Viêm cơ thường xảy ra ở các nhóm cơ phải cử động, di chuyển nhiều như cơ cánh tay, cơ vai, cơ bắp chân, hông, lưng và bụng. Ngoài ra, một số người cũng có thể bị viêm cơ mắt, cơ hoành và thực quản.
Triệu chứng của viêm cơ tay
Các triệu chứng và biểu hiện của viêm cơ tay có thể bao gồm:
- Yếu cơ.
- Đau cơ hoặc khớp.
- Mệt mỏi.
- Sưng tấy cơ tay.
- Chạm vào cơ tay thấy đau.
Các triệu chứng này cũng rất dễ nhầm lẫn với các vấn đề xương khớp khác như viêm gân, thoái hoá khớp,… Trong thời gian bị viêm cơ tay, bạn có thể gặp khó khăn trong việc cử động tay, thực hiện một số hoạt động mà bình thường bạn làm được. Cơ thể bạn cũng dễ bị mệt mỏi và và khó để kiểm soát cơ tay, khiến hoạt động sinh hoạt thường ngày gặp nhiều khó khăn.
Các loại viêm cơ khác nhau cũng có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau. Vậy nên tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ khi có dấu hiệu nghi ngờ bị viêm cơ.
Những nguyên nhân gây viêm cơ tay
Viêm cơ tay là một bệnh tự miễn nhưng cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân gây viêm cơ tay. Họ vẫn chưa tìm được nguyên nhân vì sao hệ miễn dịch lại tự tấn công các mô lành trong cơ thể.
Tuy nhiên, người mắc các bệnh tự miễn khác như lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp hay xơ cứng bì có nguy cơ cao bị viêm cơ tay hơn.
Một số người cũng có khả năng bị viêm cơ sau khi nhiễm các loại virus như:
- Cảm lạnh, cảm cúm.
- HIV.
Viêm cơ tay được chẩn đoán và điều trị như thế nào?
Chẩn đoán viêm cơ tay như thế nào?
Để chẩn đoán xác định và phân biệt viêm cơ tay với các vấn đề cơ xương khớp gây đau nhức cơ tay khác, bác sĩ thường tiến hành kiểm tra triệu chứng lâm sàng và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết. Một số xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh có thể được chỉ định gồm:
- Xét nghiệm máu giúp xác định dấu hiệu cơ bắp bị tổn thương, mức độ viêm hoặc sự hiện diện của tự kháng thể trong (những loại protein nhỏ có thể tấn công mô và tế bào khỏe mạnh của chính cơ thể).
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể giúp bạn tìm ra vị trí bị viêm, trong cơ, dây chằng hay dây thần kinh.
- Đo điện cơ đồ (EMG): Một mô hình hoạt động điện bất thường có thể là dấu hiệu cho viêm cơ.
- Sinh thiết cơ thường được chỉ định khi các biện pháp điều trị viêm cơ thông thường không cho hiệu quả như mong đợi.
Nếu đau cơ được xác định là viêm cơ tay thì thực tế không có cách chữa khỏi. Các bác sĩ có thể chỉ định một số biện pháp giúp bệnh nhân cải thiện các triệu chứng khó chịu, giúp bệnh nhân nâng cao chất lượng cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.
Các phương pháp điều trị viêm cơ tay
Một số loại thuốc thường được chỉ được để cải thiện tình trạng viêm cơ bao gồm:
Steroid
Steroid có thể được chỉ định liều khởi đầu cao, dùng để giảm viêm nhanh chóng và giải quyết các cơ đau cơ, mệt mỏi cho người bệnh.
Tuy nhiên, liều cao steroid có thể có tác dụng phụ, vì vậy bác sĩ sẽ giảm liều càng nhanh càng tốt.
Liều cao steroid trong thời gian dài sẽ khiến xương trở nên mỏng và dễ gãy hơn. Có những loại thuốc có thể được chỉ định dùng chung với steroid để làm giảm nguy cơ phát triển bệnh loãng xương, bao gồm bisphosphonates, có thể làm chậm quá trình mất xương.
Các liệu pháp điều trị khác
Đôi khi các triệu chứng của viêm cơ có thể bùng phát khi giảm liều steroid và bác sĩ thường có thể kê đơn các loại thuốc khác để giúp giảm viêm. Chúng bao gồm methotrexate, azathioprine, ciclosporin, tacrolimus và mycophenolate.
Hầu hết trong số này là các loại thuốc chống thấp khớp điều chỉnh bệnh (DMARD) và bạn sẽ cần xét nghiệm máu thường xuyên để kiểm tra các tác dụng phụ có thể xảy ra.
Đôi khi những loại thuốc này không thể kiểm soát tình trạng viêm cơ. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, một số loại thuốc có thể được chỉ định thay thế như sau:
- DMARD cyclophosphamide
- Liệu pháp sinh học rituximab
- Globulin miễn dịch.
Tập vật lý trị liệu
Bên cạnh việc dùng thuốc, bác sĩ cũng thường khuyến cáo bệnh nhân kết hợp với chế độ vật lý trị liệu giúp kéo giãn cơ, tăng sức mạnh và tính linh hoạt cho cơ bắp. Đồng thời các bài tập vật lý trị liệu này cũng giúp giúp giảm đau và giảm độ cứng khớp, hỗ trợ cho quá trình điều trị và cải thiện chức năng lâu dài cho bệnh nhân.
[embed-health-tool-bmi]