Đau thắt lưng phổ biến tới mức có đến 80% mọi người sẽ gặp phải ở một thời điểm nào đó trong đời. Nó ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống và công việc của người bệnh. Phần lớn cơn đau chỉ là cấp tính, tạm thời và sẽ cải thiện mà không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, cũng có nhiều người bị đau vùng thắt lưng mạn tính với nhiều đợt tái phát trong năm.
Để nhanh chóng chấm dứt cơn đau vùng thắt lưng, bạn nên hiểu rõ về thủ phạm gây ra tình trạng này và cách để điều trị hiệu quả.
Tìm hiểu chung
Đau thắt lưng là gì?
Đau thắt lưng chỉ cơn đau ở phần lưng dưới, bao gồm 5 đốt sống (được gọi là L1 đến L5) ở vùng thắt lưng. Thắt lưng còn chứa các đĩa đệm (lớp sụn hình tròn) lót giữa các đốt sống; dây chằng giữ các đốt sống nằm tại chỗ, các gân gắn cơ vào cột sống và 31 cặp dây thần kinh bắt nguồn từ tủy sống.
Nơi đây chịu phần lớn trọng lượng của cơ thể.
Nguyên nhân
Đau thắt lưng là bệnh gì?
Bất cứ vấn đề nào xảy ra tại các bộ phận ở thắt lưng sẽ gây ra cơn đau tại đây. Ngoài ra còn có một số thủ phạm khác nằm ngoài cột sống.
Những nguyên nhân phổ biến nhất bao gồm:
1. Căng cơ
Các cơ và dây chằng ở lưng có thể căng hoặc rách do hoạt động quá mức. Các triệu chứng căng cơ gồm đau và cứng thắt lưng kèm theo co thắt cơ.
2. Chấn thương đĩa đệm
Các đĩa đệm ở cột sống rất dễ bị chấn thương, đặc biệt khi tuổi càng cao. Phía bên ngoài của đĩa có thể rách hoặc thoát vị.
- Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi phần nhân nhầy đĩa đệm cột sống thoát ra khỏi vị trí ban đầu. Điều này có thể dẫn đến chèn ép rễ thần kinh và gây đau thắt lưng dưới.
- Chấn thương đĩa đệm thường xảy ra đột ngột khi bạn nâng vật nặng hoặc xoay người. Cơn đau vùng thắt lưng thường kéo dài hơn 72 giờ.
3. Đau thần kinh tọa
Đau thần kinh tọa có thể xảy ra độc lập hay cùng với thoát vị đĩa đệm nếu đĩa đệm chèn ép lên dây thần kinh tọa. Điều này sẽ khiến bạn cảm thấy đau dọc từ mông xuống bàn chân.
4. Hẹp ống sống
Hẹp ống sống xảy ra khi cột sống bị thu hẹp, gây chèn ép lên tủy sống và dây thần kinh cột sống. Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng này là do thoát vị đĩa đệm.
Hẹp ống sống gây tê, co thắt cơ, yếu cơ ở bất cứ đâu trên cơ thể. Nhiều người thấy các triệu chứng thường nghiêm trọng hơn khi họ đứng hoặc đi bộ.
5. Cột sống cong bất thường
Vẹo cột sống, tật gù lưng, ưỡn cột sống là những tình trạng phổ biến khiến cột sống cong bất thường. Đây là những tình trạng bẩm sinh, thường được phát hiện khi trẻ mới sinh hoặc trong độ tuổi thanh thiếu niên.
Cột sống cong bất thường sẽ gây đau thắt lưng và tư thế xấu.
6. Các tình trạng sức khỏe khác
Một số tình trạng khác có thể gây đau thắt lưng như:
- Viêm khớp
- Đau cơ xơ hóa (nhức và đau ở khớp, cơ và gân trong thời gian dài)
- Viêm cột sống
- Gai cột sống
- U cột sống
- Lao cột sống
- Loãng xương
- Vấn đề về thận và bàng quang
- Mang thai
- Lạc nội mạc tử cung
- U nang buồng trứng
- U xơ tử cung
- Khối u vùng thắt lưng
- Chu kỳ kinh nguyệt.
Những ai dễ bị đau thắt lưng?
Một số yếu tố khác làm bạn dễ bị đau vùng thắt lưng như:
- Thừa cân
- Tuổi tác càng cao
- Ngồi trong thời gian dài
- Có công việc phải thường xuyên đeo trên vai hoặc nhấc vật nặng, hay xoay cột sống.
Triệu chứng
Triệu chứng đau thắt lưng là gì?
Cơn đau vùng thắt lưng có thể có nhiều mức độ, từ đau âm ỉ đến đau nhói ở thắt lưng như bị dao đâm. Có người chỉ bị đau thắt lưng nhẹ trong khi người khác lại đau đớn nghiêm trọng tới mức khó đứng thẳng hoặc đi lại.
Đau ở vùng thắt lưng cấp tính xuất hiện đột ngột, thường là sau một chấn thương do chơi thể thao hoặc nâng vật nặng. Nếu cơn đau kéo dài hơn 3 tháng thì được xem là đau mạn tính. Nhiều người lại chỉ thấy đau thắt lưng xuất hiện khi thực hiện một động tác cụ thể nào đó, chẳng hạn như cúi người, ho, hắt hơi,…
Ngoài đau, bạn còn có thể bị tê, ngứa ran ở lưng; đau và/hoặc yếu ở hông, chân hay bàn chân.
Nếu bạn bị đau lưng dữ dội sau khi té ngã hoặc chấn thương, hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được kiểm tra.
Ngoài ra, bạn cũng nên đến bệnh viện nếu có các dấu hiệu sau:
- Tiểu tiện, đại tiện mất kiểm soát hoặc khó đi tiểu
- Bị sưng hoặc biến dạng ở lưng
- Tê vùng háng hoặc mông
- Chân trở nên yếu
- Cảm thấy chân hoặc mông teo hơn
- Sốt
- Đau nặng hơn khi ho, hắt hơi hoặc đi tiểu
- Cơn đau không cải thiện khi nghỉ ngơi hoặc nặng hơn vào ban đêm
- Từng bị ung thư
- Sụt cân không rõ lý do
Đau thắt lưng có nguy hiểm không?
Cơn đau lưng thường tự hết nên nhiều người không chú trọng điều trị. Tuy nhiên, không xử lý dứt điểm thì đau thắt lưng sẽ tiến triển thành mạn tính.
Lưng bị đau nhẹ chỉ ảnh hưởng đến vận động thông thường hằng ngày như đi, đứng, cúi người,… nhưng nếu nặng và kéo dài, nó đôi khi khiến bạn bị teo cơ đùi và cẳng chân, gặp khó khăn nghiêm trọng khi vận động, thậm chí bại liệt.
Chẩn đoán và điều trị
Làm sao để chẩn đoán đau thắt lưng?
Bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử của bạn và tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng để xác định nơi bạn cảm thấy đau, cơn đau có ảnh hưởng đến chuyển động hay không.
Đôi khi họ kiểm tra phản xạ gân cơ, sức cơ của bạn với những cảm giác nhất định. Điều này giúp họ xác định đau thắt lưng có ảnh hưởng đến dây thần kinh không.
Trong một số trường hợp cần phải theo dõi tình trạng đau vùng thắt lưng trong một vài tuần trước khi cho làm xét nghiệm. Nguyên nhân là do hầu hết các cơn đau thắt lưng có thể khỏi bằng các phương pháp tự điều trị đơn giản. Nếu cơn đau vẫn tiếp tục sau khi điều trị tại nhà, bác sĩ có thể chỉ định X-quang, chụp CT, siêu âm và MRI; chụp xương hoặc kiểm tra mật độ xương; điện cơ EMG; xét nghiệm dẫn truyền thần kinh.
Một số triệu chứng cần phải xét nghiệm nhiều hơn, như ruột mất kiểm soát, yếu người, sốt, giảm cân.
Các phương pháp giúp chữa đau thắt lưng
Chăm sóc tại nhà
Phương pháp tự chăm sóc rất hữu ích trong 72 giờ đầu tiên sau khi cơn đau bắt đầu.
- Ngừng các hoạt động thể chất
- Chườm đá vào thắt lưng trong 48-72 giờ đầu tiên, sau đó tiếp tục chườm ấm để thư giãn cơ
- Dùng thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen hoặc paracetamol để giảm đau, chú ý khi dùng thuốc cho người bị bệnh gan hoặc dạ dày.
- Đeo nẹp lưng.
- Nếu thấy khó chịu khi nằm ngửa, hãy thử nằm nghiêng, co chân và kẹp một chiếc gối vào giữa hai chân. Còn nếu có thể nằm ngửa thoải mái, hãy đặt một chiếc gối bên dưới đùi để giảm áp lực lên thắt lưng.
- Tắm nước ấm hoặc massage.
Khi cơn đau không cải thiện sau 72 giờ điều trị tại nhà, bạn nên đến gặp bác sĩ.
Điều trị y tế
Bác sĩ có thể điều trị đau thắt lưng bằng:
- Thuốc giảm đau tùy loại, căn cứ theo mức độ cơn đau của bạn; thuốc giãn cơ; tiêm steroid,…
- Thiết bị y tế
- Vật lý trị liệu gồm massage, kéo duỗi cơ, bài tập tăng cường sức mạnh và độ linh hoạt của cơ
- Châm cứu
- Xoa bóp
- Nắn chỉnh cột sống
Phẫu thuật
Đối với trường hợp đau thắt lưng nghiêm trọng hoặc khi các phương pháp điều trị không thành công, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật.
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau, bác sĩ phẫu thuật có thể loại bỏ đĩa đệm thoát vị, mở rộng không gian xung quanh tủy sống hoặc nối hai đốt sống với nhau. Một số trường hợp họ sẽ kích thích thần kinh tủy sống để ngăn chặn các tín hiệu đau.
Phòng ngừa
Làm thế nào để phòng ngừa đau thắt lưng?
Một số biện pháp giúp bạn phòng ngừa đau thắt lưng như:
- Tập luyện cơ bắp ở bụng và lưng
- Giảm cân nếu bạn thừa cân
- Nâng đồ vật đúng cách
- Duy trì tư thế đúng
- Không nằm võng, ghế bố
- Tránh mang giày cao gót
- Bỏ hút thuốc vì chất nicotine trong thuốc lá có thể gây tổn thương mạch máu, làm giảm lưu lượng máu và gây thoái hóa đĩa đệm cột sống.
Có đôi khi những người bị đau thắt lưng nặng do nguyên nhân công việc cần phải thay đổi công việc khác, tránh để bệnh thêm trầm trọng.
Bên cạnh đó, chuyện chăn gối trong những ngày cơn đau thắt lưng dưới cũng được rất nhiều người quan tâm, bạn có thể tham khảo thêm tại: Các tư thế quan hệ cho người đau lưng
[embed-health-tool-bmi]