backup og meta

Vật lý trị liệu đau thần kinh tọa

Vật lý trị liệu đau thần kinh tọa

Theo thống kê, có đến 4 trên 10 người đã từng trải qua cơn đau thần kinh tọa hoặc dây thần kinh này bị kích thích vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Nó gây ra những cơn đau khó chịu cho người bệnh, ảnh hưởng đến sinh hoạt thường nhật và có thể để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng về vận động. Một trong những cách điều trị đau thần kinh tọa hiệu quả và an toàn phải kể đến vật lý trị liệu. Vậy bạn đã biết vật lý trị liệu đau thần kinh tọa được tiến hành như thế nào chưa?

Thần kinh tọa bắt nguồn từ hai bên của phần dưới cột sống, đi qua xương chậu và mông. Tiếp đó, dây thần kinh đi dọc theo mặt sau của đùi, đến đầu gối thì chia thành các nhánh đến bàn chân.

Bất cứ điều gì gây áp lực hoặc kích thích lên dây thần kinh tọa đều gây ra cơn đau nhói ra phía sau mông hay đùi. Cảm giác đau sẽ khác nhau, tùy từng người. Bạn có thể cảm thấy một cơn đau thần kinh tọa nhẹ thoáng qua hay đau nhói dữ dội hoặc cực kỳ khó chịu. Đau thần kinh tọa cũng có khi gây ra cảm giác ngứa ran, tê và yếu cơ.

Cơn đau thần kinh tọa thường trở nên tồi tệ hơn khi bạn ngồi lâu, đứng lên đột ngột, ho, hắt hơi, vặn người, nâng đồ vật hoặc thực hiện các động tác căng cơ. Để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh, Hello Bacsi sẽ giới thiệu cho bạn cách điều trị đau thần kinh tọa hiệu quả nhất.

Tập vật lý trị liệu đau thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa có thể khiến bạn gặp khó khăn trong các hoạt động thường ngày. Tuy nhiên, nghỉ ngơi một chỗ trên giường không phải là cách để cải thiện tình trạng này. Một số tư thế và hoạt động đúng cách sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn và kiểm soát được cơn đau thần kinh tọa.

Nếu các triệu chứng không nghiêm trọng nhưng vẫn tồn tại kéo dài sau vài tuần, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên tập vật lý trị liệu đau thần kinh tọa. Các bài tập thường được xây dựng dựa trên nguyên nhân gây đau thần kinh tọa ở mỗi người. Chuyên gia vật lý trị liệu cũng giúp bạn điều chỉnh tư thế chính xác nhất để tránh tình trạng trở nên trầm trọng hơn.

Các kỹ thuật trị liệu bằng tay hay kéo giãn cơ bằng thiết bị có thể làm giảm áp lực lên dây thần kinh tọa do những rối loạn chức năng khớp hông, co thắt cơ bắp… gây ra. Bên cạnh đó, việc tăng sức mạnh của cột sống, các dây chằng và cơ bắp hỗ trợ cũng giúp giảm đau thần kinh tọa. Cơ bắp khỏe mạnh sẽ giúp giữ cho cột sống luôn thẳng đúng tư thế, từ đó giảm nguy cơ tái phát đau thần kinh tọa trong tương lai.

Ngoài ra, bạn cũng có thể thực hiện các động tác giãn cơ vùng lưng dưới để giảm bớt các cơn đau thần kinh tọa. Hãy tham khảo 6 tư thế vật lý trị liệu đau thần kinh tọa sau đây nhé!

1. Tư thế bồ câu nằm ngửa

vật lý trị liệu đau thần kinh tọa 1

  • Nằm ngửa trên sàn, đưa chân phải lên một góc vuông. Đưa hai bàn tay xuống dưới đùi và đan các ngón tay lại với nhau, giữ chặt.
  • Chân trái gác lên chân phải, mắt cá chạm đầu gối chân phải. Dùng tay kéo chân phải lên càng sát bụng càng tốt.
  • Giữ nguyên tư thế này trong giây lát sẽ giúp kéo căng cơ hình lê vì đôi khi cơ này bị viêm và gây chèn ép lên dây thần kinh tọa.
  • Lặp lại tư thế với chân bên kia.

Nếu bạn thực hiện tư thế vật lý trị liệu đau thần kinh tọa này mà không cảm thấy đau, hãy thông báo với chuyên gia để được hướng dẫn các bài tập tiếp theo của tư thế chim bồ câu.

2. Tư thế bồ câu ngồi

  • Ngồi trên sàn và duỗi hai chân thẳng trước mặt.
  • Cong chân phải lên, đặt mắt cá chân phải lên trên đầu gối chân trái.
  • Gập người về phía trước cho phần thân trên ép sát về phía đùi.
  • Giữ nguyên tư thế trong vòng 15–30 giây sẽ giúp các cơ mông và vùng lưng dưới được kéo giãn.
  • Lặp lại tư thế với chân bên kia.

3. Vật lý trị liệu đau thần kinh tọa với tư thế bồ câu hướng về phía trước

vật lý trị liệu đau thần kinh tọa 3

  • Quỳ trên sàn nhà với hai tay, đầu gối, bàn chân đều chạm sàn.
  • Nhấn chân phải lên và di chuyển về phía trước, đặt chân phải nằm trên mặt đất, ngang với cơ thể. Bàn chân phải nằm ở phía trước đầu gối chân trái.
  • Duỗi chân trái ra hết phía sau.
  • Dần dần chuyển trọng lượng cơ thể từ hai cánh tay sang chân để nâng đỡ cơ thể. Ngồi xuống với hai tay chống thẳng.
  • Hít một hơi thật sâu. Trong khi thở ra, nghiêng phần thân trên của bạn về phía trước (như hít đất), dùng cánh tay nâng đỡ trọng lượng cơ thể càng nhiều càng tốt.
  • Đổi bên và thực hiện lại động tác.

4. Đưa đầu gối đến vai đối diện

vật lý trị liệu đau thần kinh tọa 4

  • Nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng, mở rộng.
  • Đưa chân phải lên, đan hai bàn tay lại và vòng qua đầu gối.
  • Nhẹ nhàng kéo đầu gối chân phải về phía vai trái. Giữ nguyên trong 30 giây. Lưu ý, hãy tiếp tục kéo đầu gối ép sát vào ngực nếu bạn cảm thấy thoải mái. Lúc này, bạn có thể cảm thấy các cơ được giãn ra thay vì thấy đau.
  • Đẩy đầu gối về lại vị trí ban đầu.
  • Lặp lại ba vòng rồi đổi chân.

Khi thực hiện động tác vật lý trị liệu đau thần kinh tọa này đòi hỏi lưng bạn phải thật thẳng, tránh để tổn thương cột sống.

5. Giãn cột sống khi ngồi

vật lý trị liệu đau thần kinh tọa 5

Bài tập vật lý trị liệu đau thần kinh tọa tại nhà này được thực hiện rất đơn giản:

  • Ngồi trên mặt đất, hai chân duỗi thẳng về phía trước.
  • Cong đầu gối trái lại và đặt bàn chân trái qua bên ngoài đầu gối chân phải.
  • Đặt khuỷu tay phải lên trên đầu gối chân trái để cơ thể nhẹ nhàng xoay về phía bên trái.
  • Tay trái chống xuống sàn để đỡ lấy cơ thể.
  • Giữ nguyên tư thế trong 30 giây, lặp lại ba lần và đổi bên.

6. Đứng duỗi cơ gân khoeo

vật lý trị liệu đau thần kinh tọa 6

  • Đặt bàn chân trái lên một bề mặt cao bằng hoặc dưới mức hông. Đó có thể là một cái ghế, bục hoặc bậc cầu thang. Điều chỉnh tư thế để cho chân duỗi thẳng. Nếu đầu gối có xu hướng hơi vòng xuống dưới, hãy giữ đầu gối hơi cong lên một chút.
  • Nhẹ nhàng cúi người về phía trước, hướng về các ngón chân trái. Bạn càng cúi được sâu, các cơ càng được kéo giãn. Tuy nhiên, đừng quá cố gắng đến mức cảm thấy đau.
  • Giữ tư thế trên ít nhất 30 giây, sau đó lặp lại với chân phải.

Những cơn đau thần kinh tọa dù nhẹ hay nặng cũng đều mang đến nhiều phiền toái cho người bệnh, gây khó khăn trong những hoạt động hàng ngày. Bên cạnh các bài tập vật lý trị liệu đau thần kinh tọa phối hợp với sử dụng thuốc giảm đau tại nhà, bạn vẫn cần đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để tìm ra cách điều trị hiệu quả nhất.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Điều trị đau thần kinh tọa bằng vật lý trị liệu http://benhvien115.com.vn/kien-thuc-y-khoa-/dieu-tri-dau-than-kinh-toa-bang-vat-ly-tri-lieu-/2019031712447454 Ngày truy cập 2/12/2021

Phục hồi chức năng đau dây thần kinh tọa http://bvphcnthaibinh.vn/tin-tuc/phuc-hoi-chuc-nang-benh-nhan-dau-day-than-kinh-toa-23.html Ngày truy cập 2/12/2021

Nguyên tắc điều trị và phục hồi chức năng đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm https://benhvienducgiang.com/thong-tin-chuyen-mon/nguyen-tac-dieu-tri-va-phuc-hoi-chuc-nang-dau-than-kinh-toa-do-thoat-vi-dia-dem/144-733-726.aspx Ngày truy cập 2/12/2021

Sciatica home remedies and self-care https://www.health.harvard.edu/pain/sciatica-home-remedies-and-self-care Ngày truy cập 2/12/2021

Sciatica https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/12792-sciatica Ngày truy cập 2/12/2021

Phiên bản hiện tại

02/12/2021

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Bả vai đau nhức không giơ lên cao được - dấu hiệu không nên bỏ qua

Top 4 phòng khám cơ xương khớp uy tín tại TP.HCM


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 02/12/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo