backup og meta

Nhận biết bong gân cổ tay và cách xử trí

Nhận biết bong gân cổ tay và cách xử trí

Bong gân cổ tay là tình trạng dây chằng tổn thương khi bị căng quá mức hoặc bị rách, đứt và gây đau, giảm vận động ở các khớp. Tuy nhiên, tay bị bong gân thường bị nhầm lẫn với các chấn thương cơ xương khác chẳng hạn như gãy xương cổ tay.   

Vậy, đâu là những biểu hiện để xác định chấn thương bạn gặp phải là do bong gân cổ tay? Nếu thực sự bị bong gân cổ tay bao lâu thì khỏi, cũng như cần được điều trị và chăm sóc ra sao? Hãy cùng tìm hiểu ngay nhé!

Bong gân cổ tay là gì?

Bong gân cổ tay là một trong các chấn thương thường gặp ở các vận động viên thể thao hoặc các hoạt động và môn thể thao cần cử động tay nhiều. Tình trạng này để chỉ tổn thương trên dây chằng, không có ảnh hưởng đến xương cổ tay như khi bị gãy xương. Bong gân cổ tay được chia làm 3 cấp độ như sau: 

  • Cấp độ 1 (nhẹ): Các dây chằng bị giãn do kéo căng quá mức cho phép nhưng chưa bị rách. 
  • Cấp độ 2 (trung bình): Các dây chằng có thể bị rách một phần, dẫn đến làm gián đoạn một số chức năng vận động của cổ tay. 
  • Cấp độ 3 (nặng): Dây chằng bị rách hoàn toàn hoặc bị đứt rời ra khỏi xương. 

Dấu hiệu bong gân cổ tay 

Đau dữ dội hay âm ỉ ở cổ tay

Ở cấp độ nhẹ, bạn chỉ bị đau khi cố gắng vận động cổ tay, cơn đau này sẽ giảm dần sau vài ngày. Nhưng ở các cấp độ nặng hơn, bạn có thể đau âm ỉ hoặc đau buốt dữ dội, đặc biệt khi cầm nắm đồ vật, cho đến khi chấn thương lành hẳn. 

triệu chứng bong gân cổ tay

Sưng tấy và bầm tím

Nếu chỉ là bong gân cấp độ 1 bạn thường bị sưng nhẹ ở cổ tay. Khi dây chằng bị tổn thương nặng hơn cổ tay sẽ sưng tấy và bầm tím thấy rõ vì lúc này các mạch máu ở cổ tay cũng bị ảnh hưởng. 

Hạn chế khả năng vận động của cổ tay 

Do sưng và tổn thương dây chằng dẫn đến giảm tính linh hoạt ở các khớp cổ tay. Bên cạnh đó, lực cổ tay cũng giảm sút rõ rệt khi bị bong gân, làm bạn khó để cầm nắm hoặc nâng đồ vật lên. Cảm giác mất lực này càng nặng khi dây chằng bị chấn thương càng nhiều.  

Phân biệt bong gân và gãy xương cổ tay 

Chấn thương ở tay gây đau đớn thường được cho là gãy xương cổ tay nhưng đôi lúc, đây lại là tình trạng bong gân. Do hai loại chấn thương cổ tay này có biểu hiện tương đối giống nhau và dễ gây nhầm lẫn cho bệnh nhân. Tuy nhiên, khác với bong gân, ngoài sưng và đau ở cổ tay, gãy xương còn gây biến dạng cổ tay hoặc mảnh xương gãy có thể đâm xuyên qua da. 

Do đó, khi gặp phải bất kỳ chấn thương nào ở cổ tay, bệnh nhân cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và xử trí kịp thời. Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định bạn chụp X-quang để xác nhận xem là bong gân hay gãy xương. 

Bong gân cổ tay bao lâu thì khỏi?

Để kết luận về thời gian hồi phục cho chấn thương này còn tùy vào mức độ nghiêm trọng của bong gân, sức khỏe và khả năng hồi phục của người bệnh. Thông thường, bạn cần mất khoảng vài ngày đến một tuần sau khi thực hành biện pháp chăm sóc tại nhà đối với các chấn thương nhẹ. Tuy nhiên, thời gian này có thể kéo dài đến vài tuần thậm chí là 1 năm cho các chấn thương cổ tay nghiêm trọng cần thiết phải phẫu thuật. 

Cách điều trị khi bị bong gân cổ tay

Trước tiên, bong gân cần được được xử lý như sau: 

  • Băng ép (nẹp cổ tay) bằng băng thun hay băng vải mềm giúp giảm sưng đau và tạo điều kiện cho vùng dây chằng bị tổn thương phục hồi tốt hơn. 
  • Chườm lạnh (chườm đá) trong vài ngày đầu tiên bị chấn thương có thể giúp xoa dịu cơn đau, làm giảm sưng cổ tay. Hãy chườm 20 phút mỗi lần, 3 – 4 lần trong ngày.
  • Nghỉ ngơi và kê cao cổ tay, nếu có thể hãy hạn chế cử động cổ tay trong ít nhất 48 giờ sau chấn thương và kê tay cao hơn vị trí của tim để giảm sưng và bầm tím. 

Ngoài ra thuốc giảm đau gồm paracetamol, aspirin hay NSAIDs như ibuprofen có thể dùng giảm đau trong 48h đầu khi bị bong gân. Nhưng bạn không nên lạm dụng thuốc này mà cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ khi đau đớn kéo dài trên 48 giờ hoặc nghi ngờ chấn thương nặng.  

cách trị bong gân cổ tay

Điều trị không xâm lấn 

Đa số trường hợp bong gân không cần phẫu thuật, bác sĩ sẽ giúp bạn nẹp cố định cổ tay bị chấn thương trong ít nhất 1 tuần để các dây chằng tự chữa lành. Sau thời gian bị hạn chế vận động này, cổ tay của bạn có thể kém linh hoạt hay cứng khớp. Bác sĩ sẽ hướng dẫn thêm một số bài tập kéo giãn cơ bản để cải thiện cho hoạt động của cổ tay.

Điều trị bằng phẫu thuật

Khi bong gân được chẩn đoán ở giai đoạn 3 và có dấu hiệu rõ rệt của việc đứt dây chằng, phẫu thuật để sửa chữa hoặc tái tạo lại phần dây chằng tổn thương là phương án cần thiết. Bác sĩ sẽ trao đổi với bạn để cùng đưa ra quyết định điều trị phù hợp.

Sau phẫu thuật, dây chằng cần 8-12 tuần để lành lại. Trong thời gian này, một số bài tập vật lý trị liệu sẽ được chỉ định để giúp bạn khôi phục hoạt động bình thường của cổ tay. Để phục hồi hoàn toàn cần tới 6-12 tháng tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng tổn thương dây chằng và khả năng hồi phục của từng người. 

Hi vọng bài viết này đã cung cấp đến bạn những thông tin hữu ích về tình trạng bong gân cổ tay để bạn có cách xử trí và điều trị hiệu quả nhất.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. Wrist Sprain Exercises

https://hhma.org/healthadvisor/aha-wrisspra-rex/

Ngày truy cập: 11/11/2021

2. Sprains and strains

https://www.nhs.uk/conditions/sprains-and-strains/

Ngày truy cập: 11/11/2021

3. Wrist Sprains – OrthoInfo – AAOS

https://orthoinfo.aaos.org/en/diseases–conditions/wrist-sprains

Ngày truy cập: 11/11/2021

4. Wrist sprains – Mayo Clinic Orthopedics & Sports Medicine

https://sportsmedicine.mayoclinic.org/condition/wrist-sprains/

Ngày truy cập: 11/11/2021

5. Broken Bones, Sprains, and Strains

https://www.rchsd.org/health-articles/broken-bones-sprains-and-strains/

Ngày truy cập: 11/11/2021

Phiên bản hiện tại

18/07/2023

Tác giả: Vi Quỳnh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Phân biệt bong gân và căng cơ

Mẹo nhỏ chữa bong gân cổ tay với các bài tập đơn giản


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 18/07/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo