backup og meta

Bí quyết giúp bạn chăm sóc sức khỏe xương khớp tuổi 30

Bí quyết giúp bạn chăm sóc sức khỏe xương khớp tuổi 30

Để làm chậm quá trình loãng xương khi bước vào độ tuổi 30, bạn hãy chú ý chăm sóc sức khỏe xương khớp càng sớm càng tốt nhé!

Bộ xương đóng nhiều vai trò quan trọng cho cơ thể như tạo dáng cơ thể, bảo vệ cơ quan bên trong, chỗ neo bám của các bó cơ và là nguồn dự trữ canxi dồi dào. Bộ xương luôn thay đổi vì quá trình tạo xương mới và hủy xương cũ thường xuyên diễn ra cùng lúc.

Khi bạn còn trẻ thì quá trình tạo xương xảy ra nhanh hơn là sự hủy xương, nhờ vậy mà xương của bạn có thể tăng trưởng và phát triển. Thế nhưng đến 30 tuổi, quá trình tạo xương sẽ chậm lại, bạn sẽ dần mất đi khối lượng xương của mình.

Loãng xương xảy ra phụ thuộc vào khối lượng xương bạn đạt được khi đến 30 tuổi và tiến trình hủy xương diễn ra nhanh hay chậm sau đó. Vì thế nếu bạn có một khối lượng xương càng nhiều thì quá trình loãng xương của bạn sẽ xảy ra chậm hơn khi lớn tuổi.

Yếu tố tác động đến sự chắc khỏe của xương

• Lượng canxi trong chế độ ăn hàng ngày: Nếu bạn ăn ít canxi, độ chắc khỏe của xương sẽ giảm đi, xương bạn sẽ bị mất nhiều hơn khi lớn tuổi và tăng nguy cơ mắc bệnh gãy xương.

• Tập thể thao: Những người ít vận động sẽ có nguy cơ bị loãng xương cao hơn là những người thích tập thể thao.

• Hút thuốc lá và uống bia rượu: Nghiên cứu cho thấy hút thuốc lá góp phần làm xương bị yếu đi. Tương tự như vậy, uống bia rượu nhiều hơn hai ly một này sẽ tăng nguy cơ loãng xương, vì chất cồn trong bia rượu sẽ ảnh hưởng đến quá trình hấp thu canxi của cơ thể bạn.

• Giới tính: Nếu bạn là phụ nữ, bạn sẽ có nguy cơ loãng xương cao hơn so với nam giới.

• Vóc dáng: Bạn sẽ có nguy cơ cao loãng xương nếu bạn quá gầy (BMI thấp hơn 19) hay khi bạn có khung xương nhỏ nhắn vì bạn sẽ có ít khối lượng xương để mất hơn khi về già.

• Tuổi tác: Bộ xương của bạn sẽ mảnh khảnh và yếu hơn khi bạn lớn tuổi.

• Màu da và tiền căn gia đình: Bạn sẽ dễ bị loãng xương nếu bạn là người da trắng hay châu Á. Bên cạnh đó, nếu ba mẹ hay anh chị em trong gia đình bạn có người bị loãng xương, bạn cũng sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh này.

Nồng độ hormone: Quá nhiều hormone tuyến giáp cũng khiến cơ thể bạn mất nhiều khối xương hơn. Phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh thường sẽ dễ bị loãng xương vì nồng độ estrogen trong cơ thể giảm đi nhiều. Ở nam giới, nồng độ testosterone thấp cũng là nguyên nhân làm bạn mất đi lượng xương đáng kể.

Rối loạn ăn uống và những tình trạng khác: Những người mắc chứng cuồng ăn hay biếng ăn đều là nguy cơ của sự yếu xương. Bên cạnh đó, phẫu thuật dạ dày, phẫu thuật giảm béo hay Crohn (bệnh viêm mãn tính của ruột), Cushing (bệnh lý nội tiết do rối loạn chức năng vỏ tuyến thượng thận) đều ảnh hưởng đến sự hấp thu canxi của cơ thể và góp phần gây loãng xương.

• Một số loại thuốc: Sử dụng thuốc corticosteroid trong thời gian dài như prednisone, cortisone, prednisolone và dexamethasone tức là bạn đang phá hủy xương của bản thân. Những thuốc khác cũng tăng nguy cơ loãng xương như thuốc ức chế aromatase trong điều trị ung thư vú, SSRIs, methotrexate, một vài thuốc chống động kinh như phenytoin (dilantin) và phenobarbital, ức chế bơm proton trong điều trị viêm loét dạ dày.

Cách giúp bạn duy trì bộ xương chắc khỏe

1. Bổ sung nhiều canxi trong chế độ ăn

• Đối với người lớn từ 19 đến 50 tuổi, nam giới từ 51 đến 70 tuổi, lượng canxi cần thiết là 1000 mg/ngày. Đối với phụ nữ sau tuổi 50 và nam giới sau 70 tuổi, lượng canxi cần bổ sung là 1200 mg/ngày.

• Nguồn cung cấp canxi tốt dành cho bạn gồm hạnh nhân, bông cải xanh, cải xoăn, cá hồi, cá mòi và sản phẩm từ đậu nành như đậu hủ. Nếu bạn không thể bổ sung canxi bằng thực phẩm, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để uống thuốc bổ sung.

2. Hấp thu vitamin D cho cơ thể

• Cơ thể bạn cần vitamin D để hấp thu canxi. Đối với người trưởng thành từ 19 đến 70 tuổi, lượng vitamin D cần thiết mỗi ngày là 600 UI và sẽ là 800 UI cho người lớn hơn 71 tuổi.

• Nguồn cung cấp vitamin D có thể là từ dầu cá, lòng đỏ trứng gà, và sữa bổ sung vitamin D. Ánh sáng mặt trời cũng giúp cơ thể tổng hợp vitamin D. Bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ về việc bổ sung thuốc uống khi cần thiết.

3. Các thói quen sống lành mạnh

• Tập thể dục thể thao hằng ngày: Một số hoạt động như đi bộ, chạy bộ, tennis, cầu lông và leo cầu thang có thể giúp bộ xương chắc khỏe và giảm lượng xương mất khi bạn lớn tuổi.

• Hạn chế thuốc lá, bia rượu: Bạn nên bỏ thuốc lá và hạn chế sử dụng bia rượu trong chế độ sinh hoạt hằng ngày.

• Thăm khám bác sĩ thường xuyên: Đặc biệt là hãy đi khám bác sĩ ngay nếu bạn có nguy cơ bị loãng xương nhé. Bạn sẽ được yêu cầu đo mật độ xương để xác định tình trạng loãng xương và uống thuốc khi cần thiết để giảm sự phá hủy xương.

Những thói quen sống lành này sẽ giúp bạn có bộ xương chắc khỏe không chỉ trong độ tuổi 30 mà cả cho sau này khi đã lớn tuổi hơn. Đừng đợi đến khi nhức mỏi xương cốt và đi đứng khó khăn mới quan tâm đến chăm sóc sức khỏe xương khớp nhé.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Bone health: Tips to keep your bones healthy

https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/adult-health/in-depth/bone-health/art-20045060

Ngày truy cập 17.01.2018

 

5 Lifestyle Steps for Better Bone Health

https://www.webmd.com/osteoporosis/features/lifestyle-tips#1

Ngày truy cập 17.01.2018

Phiên bản hiện tại

24/04/2024

Tác giả: Thanh Thảo

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Làm thế nào để điều trị thoái hoá khớp gối an toàn, hiệu quả?

Hãy cẩn thận! Cơn đau khớp của bạn có thể là viêm cột sống dính khớp


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Thanh Thảo · Ngày cập nhật: 24/04/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo