backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Phát hiện sớm đột quỵ để phòng biến chứng nguy hiểm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Cao Nguyen Bich Vi · Ngày cập nhật: 30/10/2020

    Phát hiện sớm đột quỵ để phòng biến chứng nguy hiểm

    Theo Tổ chức Đột quỵ châu Âu, cứ mỗi 30 phút có một bệnh nhân đột quỵ có thể được cứu sống nhưng lại tử vong hoặc tàn phế vĩnh viễn. Nguyên nhân do người thân không phát hiện sớm đột quỵ qua các dấu hiệu của bệnh để đưa bệnh nhân đến đúng bệnh viện chuyên khoa điều trị trong khoảng giờ vàng là 4 – 5 giờ từ lúc khởi phát triệu chứng.

    Hiểu được tầm quan trọng về việc phát hiện sớm và điều trị bệnh đột quỵ kịp thời, Công ty Boehringer Ingelheim International GmbH tại TP. HCM đã đồng hành với Hội Đột quỵ TP. HCM tham gia vào Hội nghị khoa học thường niên lần thứ 3 về cập nhật chẩn đoán và điều trị đột quỵ được tổ chức tại Gem Convention Center vào ngày 14 – 15/10/2017.

    Tại hội thảo, cùng với sự tham gia của gần 20 công ty dược, 500 bác sĩ đến từ các bệnh viện, phòng khám chuyên ngành, các báo cáo viên là giáo sư chuyên ngành thần kinh học đến từ Australia, Singapore, Canada, Philippines, Pháp, Thái Lan và các giáo sư, phó giáo sư bác sĩ chuyên ngành của Việt Nam đã cập nhật các phương pháp chẩn đoán mới nhất, cơ chế, liệu pháp điều trị tiên tiến và hệ quả của bệnh đột quỵ.

    Tham gia hội thảo, TS – BS. Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP. HCM, Trưởng khoa bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết đột quỵ là nguy cơ gây tử vong thứ ba trên toàn thế giới và đứng số một tại Việt Nam. Mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca đột quỵ mới, tỷ lệ tử vong do căn bệnh này gây ra tại nước ta vượt qua các bệnh lý hiểm nghèo khác như ung thư, tim mạch, tai nạn giao thông.

    Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng trên là do người nhà bệnh nhân không nhận biết được triệu chứng hoặc biết triệu chứng nhưng đưa bệnh nhân đến không đúng bệnh viện. Hiện nay, số lượng bệnh viện có đơn vị đột quỵ chưa nhiều. Tại TP. HCM có 11 đơn vị, Hà Nội có 10 đơn vị, các tỉnh thành khác có 1 – 2 đơn vị hoặc không có.

    phat-hien-som-dot-quy-hinh-anh

    Ngoài ra, nhiều báo cáo viên cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển mạng lưới đột quỵ, mạng lưới cấp cứu ngoại viện và các chương trình tuyên truyền cho cộng đồng. Trong đó, Angels – Initiative là chương trình mang tính toàn cầu được thực hiện lần đầu tiên tại châu Âu vào năm 2015. Năm 2017, bắt đầu triển khai tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Chương trình được  Hội Đột quỵ châu Âu và Hội Đột quỵ thế giới cố vấn. Tại TP. HCM, chương trình được sự phối hợp thực hiện của Hội Đột quỵ TP. HCM.

    Ông Stephen Walter, Tổng giám đốc công ty Boehringer Ingelheim tại Việt Nam, cho biết công ty đã nỗ lực đóng góp vào hoạt động giáo dục cộng đồng kiến thức về đột quỵ thông qua việc tham gia và phát triển chương trình Angels từ tháng 4/2017. Mục tiêu chương trình là xây dựng mạng lưới 100 bệnh viện điều trị đột quỵ đến năm 2021, tham gia hội thảo khoa học về đột quỵ với các chuyên gia đầu ngành, tổ chức chương trình câu lạc bộ bệnh nhân để giáo dục kiến thức về đột quỵ cho người dân trong cộng đồng.

    phat-hien-som-dot-quy-hinh-anh-1

    Boehringer Ingelheim là công ty dược phẩm hàng đầu của Đức, được thành lập năm 1885, hoạt động trên toàn cầu với 145 chi nhánh. Công ty tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu, phát triển, sản xuất và tiếp thị các loại thuốc mới có giá trị trị liệu cao về đột quỵ.

    Đột quỵ là gì?

    Bệnh đột quỵ (tai biến mạch máu não) là tình trạng bệnh lý do tổn thương mạch máu não đột ngột. Nguyên nhân có thể do sự tắc nghẽn mạch máu não làm ngừng trệ dòng máu lên nuôi não phía sau chỗ tắc hoặc do vỡ mạch máu trong não làm cho máu trong lòng mạch thoát ra bên ngoài tràn vào mô não, phá hủy và chèn ép mô não.

    Làm thế nào để nhận biết đột quỵ?

    • Đột ngột yếu, tê hay liệt mặt, tay hoặc chân (đặc biệt là ở một bên của cơ thể).
    • Không nói được hoặc khó khăn trong nói hay hiểu ngôn ngữ.
    • Đột ngột mất thị lực, đặc biệt chỉ ở một mắt.
    • Đột ngột, nhức đầu dữ dội mà không có nguyên nhân rõ ràng.
    • Chóng mặt, mất thăng bằng hoặc phối hợp vận động (đặc biệt chóng mặt đi kèm với bất kỳ các triệu chứng trên).

    Biến chứng sau đột quỵ

    1. Sốt

    Nguyên nhân

    • Nhiễm trùng: Viêm phổi thường gặp nhất, viêm phế quản, nhiễm trùng hô hấp trên, nhiễm trùng tiểu, nhiễm siêu vi.
    • Do thần kinh: Nhồi máu/xuất huyết diện rộng, thường xuất hiện sốt.

    Điều trị

    Dùng paracetamol 500 – 1.000mg qua đường uống/nhét hậu môn/sonde dạ dày (ống nuôi ăn dạ dày) mỗi 4 – 6 giờ (tối đa 4g/ngày) và chườm lạnh.

    2. Nuốt khó

    • Nuốt khó xảy ra từ 42 – 67% trong giai đoạn cấp
    • 50% bệnh nhân nuốt khó bị hít sặc
    • 33% nuốt khó bị viêm phổi cần điều trị
    • 35% chết sau đột quỵ là do viêm phổi
    • Viêm phổi là biến chứng hàng đầu và làm tăng tỷ lệ tử vong 3 lần.

    Nguyên nhân: Đột quỵ 2 bán cầu, đột quỵ tại thân não, giảm kiểm soát và cử động của lưỡi, kéo dài hay mất chức năng nuốt, giảm cử động vòm hầu, giảm tri giác, rối loạn phản xạ hầu họng, rối loạn phản xạ ho.

    Điều trị

    Tất cả bệnh nhân cần được kiểm tra chức năng nuốt trước khi bắt đầu cho ăn/uống. Sử dụng ống nuôi ăn dạ dày nếu bệnh nhân có rối loạn nuốt.

    3. Viêm phổi

    Thường xảy ra ở những bệnh nặng, bất động và không thể ho. Viêm phổi là nguyên nhân quan trọng nhất gây tử vong sau đột quỵ.

    Những lưu ý phòng viêm phổi

    • Hít sặc có thể xảy ra do trào ngược hay ăn qua ống có kèm thức ăn/nước uống. Không thể tránh được hít sặc, nhưng có thể giảm nguy cơ viêm phổi.
    • Các vi khuẩn ở vùng hầu họng là nhân tố chính góp phần tăng viêm phổi. Vệ sinh răng miệng có thể giảm thiểu vi khuẩn thường trú vùng răng miệng.

    4. Nhiễm trùng tiểu

    Nhiễm trùng tiểu là biến chứng thường gặp ở bệnh nhân nằm bất động lâu. Để dễ chăm sóc và tránh biến chứng loét da, đặt sonde tiểu lưu đối với bệnh nhân không kiểm soát được tiểu.

    5. Suy dinh dưỡng

    Nguyên nhân: Rối loạn nuốt, có thể do tình trạng chuyển hóa sau tổn thương thần kinh, trì hoãn cung cấp đủ dinh dưỡng và nước khi chăm sóc đột quỵ cấp, không có khả năng tự ăn, dinh dưỡng kém trước khi bị đột quỵ.

    Nếu ăn uống không đảm bảo, đặt sonde nuôi ăn càng sớm càng tốt. Bệnh nhân suy dinh dưỡng cần nuôi ăn qua sonde dạ dày lâu dài, có thể cân nhắc mở dạ dày ra da nuôi ăn.

    6. Rối loạn chức năng ruột

    Nguyên nhân: Không thể di chuyển vào nhà vệ sinh, không có khả năng nhận thức bị đầy, táo bón (người bệnh không hoạt động, không cung cấp đủ nước và thức ăn, rối loạn thần kinh ruột), tiêu chảy hay không tự chủ (nhiễm trùng, thuốc, cung cấp dinh dưỡng, u hay có tổn thương thành ruột).

    Cho bệnh nhân ăn thức ăn nhuận trường làm mềm phân và tập phản xạ đi cầu.

    7. Loét da

    Xảy ra khoảng 20% bệnh nhân, gia tăng trong 4 tuần đầu sau đột quỵ.

    Nguyên nhân: Bất động, loét do áp lực, dinh dưỡng kém, hôn mê, béo phì, tiêu tiểu không kiểm soát, co cứng nặng.

    Phòng ngừa: Vận động sớm, thường xuyên xoay trở bệnh nhân, cho bệnh nhân nằm nệm hơi.

    8. Té ngã

    Té ngã thường gặp sau đột quỵ và có nguy cơ gãy xương cao.

    Làm gì để tránh đột quỵ tái phát?

    Đột quỵ chắc chắn sẽ quay lại. Tỷ lệ đột quỵ tái phát 25% trong 5 năm đầu tiên. Có thể tái phát rất sớm sau vài tuần hoặc vài tháng. Để phòng tránh đột quỵ tái phát, bệnh nhân cần:

    1. Kiểm soát huyết áp

    phat-hien-som-dot-quy-hinh-anh-2

    Huyết áp bình thường ở mức 120/80 mmHg và được gọi là cao khi lớn hơn hoặc bằng 140/90 mmHg. Bệnh nhân bị cao huyết áp có nguy cơ đột quỵ cao gấp 4 – 6 lần so với người có huyết áp bình thường.

    Kiểm soát huyết áp bao gồm chế độ ăn ít muối, giảm cân, giảm stress và uống các thuốc thích hợp. Cần lưu ý rằng các thuốc huyết áp chỉ có tác dụng khi được sử dụng thường xuyên mỗi ngày. Cao huyết áp được kiểm soát tốt sẽ làm giảm 40% nguy cơ đột quỵ và tử vong gây ra do đột quỵ.

    2. Kiểm soát bệnh tim

    Rung nhĩ là tình trạng co bóp bất thường của tâm nhĩ trái. Ở bệnh nhân rung nhĩ, tâm nhĩ trái co bóp nhanh gấp 4 lần so với các buồng tim còn lại. Việc sử dụng các thuốc kiểm soát nhịp nhĩ và thuốc kháng đông lâu dài có thể giúp giảm bớt nguy cơ gây ra đột quỵ của rung nhĩ.

    3. Kiểm soát đường huyết

    Khi bệnh nhân có bệnh tiểu đường, nguy cơ mắc phải đột quỵ sẽ tăng gấp 3 lần.

    Chế độ ăn phù hợp để tiết chế lượng đường trong máu và sử dụng các thuốc điều chỉnh đường huyết có thể giúp người bệnh hạn chế tối đa biến chứng của bệnh.

    4. Một số cách khác

    Kiểm soát cholesterol máu, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu. Sử dụng rượu nồng độ cao là yếu tố nguy cơ của đột quỵ. Khi uống rượu với lượng nhỏ, có lợi cho hệ thống tiêu hóa nhưng uống nhiều có thể gây tăng huyết áp.

    Thay đổi lối sống

    • Giảm căng thẳng: Chịu áp lực thường xuyên làm gia tăng huyết áp dẫn đến đột quỵ. Do đó, cần giải tỏa bớt áp lực công việc, có cuộc sống lành mạnh bên người thân.
    • Thay đổi chế độ ăn: Tránh ăn chất béo, giảm muối, ăn nhiều rau quả và chất xơ.
    • Duy trì trọng lượng cơ thể phù hợp.
    • Tập thể dục đều đặn hàng ngày.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Cao Nguyen Bich Vi · Ngày cập nhật: 30/10/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo