Bạn đọc hỏi
Chào Bác sĩ! Tôi rất thích ăn sầu riêng. Nhiều người khuyên tôi không nên bỏ hạt sầu riêng đi mà nên luộc chín để ăn vì nó có nhiều tác dụng cho sức khỏe. Bác sĩ cho hỏi hạt sầu riêng có ăn được không? Có nên ăn hạt sầu riêng khi nó đã nảy mầm không? Cảm ơn bác sĩ!
(Hồng Minh – Long Khánh)
Bác sĩ trả lời
Với câu hỏi hạt sầu riêng có ăn được không của độc giả Hồng Minh, Bác sĩ Lai Ngọc Hiền – hiện đang công tác tại Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Y học Cổ truyền TP.HCM trả lời cụ thể như sau:
Sầu riêng có tên khoa học là Durio Zibethinus Murray, thuộc họ bông Malvaceae. Hầu như mọi bộ phận của cây sầu riêng đều hữu ích. Lá và rễ được dùng làm thuốc. Quả được biết đến là loại trái cây với hương vị đặc biệt, chứa nhiều dinh dưỡng và năng lượng.
Vậy hạt sầu riêng có ăn được không?
Hạt sầu riêng chứa nhiều tinh bột, một dạng carbohydrate phức
Carbohydrate đóng góp nhiều nhất vào nguồn năng lượng chính của cơ thể. Ngày nay, nhiều nhà khoa học và công nghệ thực phẩm đã xem hạt sầu riêng là loại hạt chứa nhiều tiềm năng thay thế cho nhiều nguồn thực phẩm khác.
Tuy nhiên, bạn chỉ nên ăn hạt sầu riêng với 1 lượng vừa đủ. Nếu ăn quá nhiều hạt sầu riêng, hàm lượng tinh bột dồi dào có thể sẽ gây tăng cân và đầy bụng.
Hạt sầu riêng tốt cho tiêu hoá
Hạt sầu riêng ăn có tốt không? Hạt sầu riêng giàu chất xơ, tốt cho hệ tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón. Đặc biệt, chất xơ hòa tan giúp ổn định hệ khuẩn đường ruột, làm giảm hấp thu các chất gây hại cho cơ thể, giúp tổng hợp và cung cấp vitamin K.
Hạt còn chứa nhiều kẽm
Đây là một trong những khoáng chất đóng vai trò quan trọng trong cơ thể, tham gia xúc tác cho nhiều phản ứng sinh hóa trong quá trình trao đổi chất và tăng cường miễn dịch cơ thể.
Hạt sầu riêng giàu chất béo tốt
Hạt sầu riêng còn chứa cả nhiều loại chất béo tốt cho sức khỏe, bảo vệ tim mạch tương tự như quả bơ hay các loại cá béo, giúp giảm Cholesterol trong máu.
Không những thế, hạt sầu riêng còn chứa chất đạm, Phốt pho, Sắt, Natri, Kali, Canxi, Magiê, vitamin B1, B2 và vitamin C.
Tác dụng kháng viêm, chống oxy hoá
Hạt sầu riêng chứa nhiều hoạt chất có tác dụng kháng viêm và chống oxy hóa như các hợp chất phenolic, anthocyanins, carotenoid, polyphenol và flavonoid. Hàm lượng Phytochemical và đặc tính chống oxy hóa có trong hạt cao hơn so với phần thịt quả.
Những khám phá hữu ích này sẽ mang lại tiềm năng nghiên cứu cho thực phẩm dinh dưỡng y học, ứng dụng hỗ trợ trong điều trị.
Hạt sầu riêng ăn sống được không?
Lưu ý, hạt sầu riêng lúc còn sống có chứa chất độc Cyclopropane nhưng khi hạt được nấu chín, chất độc hại này sẽ bị loại trừ.. Vì vậy, bạn hãy chắc chắn đã nấu chín hạt sầu riêng trước khi ăn nhé! Bạn nên luộc sôi, để lửa từ 20 phút sau khi sôi cho hạt nứt và chín đều, mềm thì dùng được.
Hạt sầu riêng nảy mầm có ăn được không?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – nguyên cán bộ Viện Công nghệ Sinh học & Công nghệ Thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, trong các loại rau, củ, hạt dùng làm thực phẩm gần như chỉ ghi nhận khoai tây mọc mầm là độc.
Nhiều hạt nảy mầm không những không độc mà còn mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng cao như các loại đậu (đậu xanh, đậu nành làm giá), các loại hạt ngũ cốc dinh dưỡng …
Hy vọng với thông tin trên sẽ giúp bạn đọc giải đáp hạt sầu riêng có ăn được không cũng biết giá trị dinh dưỡng, tác dụng của hạt sầu riêng. Loại hạt này cũng được xem như những thức ăn bổ sung tương tự các loại hạt khác. Tuy nhiên, bạn không nên ăn quá nhiều tránh gây đầy bụng hoặc không hợp với một số người nhạy cảm.
[embed-health-tool-bmr]