backup og meta

Củ riềng: Người bạn thân cho sức khỏe

Củ riềng: Người bạn thân cho sức khỏe

Bạn có biết củ riềng, một gia vị quen thuộc ở Việt Nam, lại có thể mang lại những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe bên cạnh việc gia tăng hương vị cho món ăn.

Củ riềng là một loại gia vị có nguồn gốc ở phía Nam châu Á. Chúng có “họ hàng” gần với gừng và nghệ, được sử dụng trong y học cổ truyền Hindu của người Ấn Độ (Ayurvedic) và Trung Quốc nhiều thế kỷ.

Riềng thuộc họ Gừng (Zingiberaceae), có tên khoa học là Alpinia docinarum. Cũng giống như gừng và nghệ, củ riềng có thể ăn tươi hoặc nấu chín và là gia vị cho nhiều món ăn ở Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và cả Việt Nam.

Loại gia vị này còn được dùng để cải thiện một số bệnh do có khả năng điều trị nhiễm trùng, giảm viêm, tăng khả năng sinh sản ở nam giới, thậm chí là chống lại nhiều loại ung thư khác nhau.

Sau đây, Hello Bacsi sẽ giới thiệu cho bạn những lợi ích và độ an toàn khi sử dụng củ riềng. Đồng thời, so sánh công dụng của chúng với gừng và nghệ.

Những lợi ích tiềm năng từ củ riềng

Củ riềng đã được sử dụng trong y học cổ truyền như là một vị thuốc dùng trong nhiều phương thuốc để trị các bệnh khác nhau. Để xác minh những công dụng đó, ngày càng có nhiều nghiên cứu khoa học được thực hiện trên loài cây này.

Giàu chất chống oxy hóa

Củ riềng là một nguồn chất chống oxy hóa dồi dào. Các hợp chất hóa thực vật này sẽ giúp cơ thể chống lại bệnh tật, bảo vệ tế bào trước những gốc tự do gây hại.

Đặc biệt, hàm lượng polyphenol (một nhóm chất chống oxy hóa) cao giúp mang đến nhiều lợi ích sức khỏe, chẳng hạn như cải thiện trí nhớ, giảm lượng đường và LDL (cholesterol xấu) trong máu.

Gừng và nghệ, những người anh em chung họ với riềng, cũng rất giàu polyphenol và mang lại các tác dụng tương tự.

Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào cho thấy mối liên hệ trực tiếp giữa củ riềng với các tác động trên sức khỏe như trên. Do đó, cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa để đưa ra kết luận đáng tin cậy.

Có thể chống lại một số loại ung thư

Các nghiên cứu thực hiện trong ống nghiệm cho thấy, hợp chất có hoạt tính trong củ riềng với tên gọi là galangin có khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư hoặc ngăn chặn chúng lây lan.

Cụ thể hơn, một nghiên cứu đã tập trung vào khả năng tiêu diệt hai chủng tế bào ung thư đại tràng ở người của loài cây này. Những nghiên cứu khác còn cho biết chúng có thể chống lại các tế bào ung thư vú, ống mật, da và gan.

Thế nhưng, các tác dụng quan sát thấy từ thử nghiệm trong ống nghiệm chưa chắc đã tương tự như trong cơ thể người. Dù có nhiều tiềm năng nhưng vẫn cần nhiều nghiên cứu xác minh hơn.

Tăng khả năng sinh sản ở nam giới

Có bằng chứng cho thấy củ riềng có thể làm tăng khả năng sinh sản ở nam giới.

Một nghiên cứu trên động vật cho thấy số lượng và độ linh hoạt của tinh trùng đã tăng lên những con chuột đực được sử dụng chiết xuất từ củ riềng.

củ riềng tăng khả năng sinh sản nam giới
Các chất có trong củ riềng có thể làm tăng khả năng di chuyển của tinh trùng

Ngoài ra, một nghiên cứu kéo dài 3 tháng trên 66 người đàn ông có chất lượng tinh trùng thấp và cho uống thực phẩm chức năng hàng ngày có chiết xuất từ củ riềng và quả lựu. Kết quả, khả năng di chuyển của tinh trùng ở nhóm này tăng 62% so với nhóm giả dược chỉ tăng 20%.

Dù đây là một phát hiện thú vị nhưng vẫn chưa rõ là tác dụng đến từ củ riềng hay chiết xuất từ quả lựu.

Vậy nên cần có nhiều nghiên cứu trên người hơn để đánh giá làm tăng khả năng sinh sản ở nam giới.

Có khả năng chống viêm và giảm đau

Củ riềng có thể giảm bớt tình trạng viêm gây ra một số bệnh. Chúng có chứa HMP, một hợp chất hóa thực vật có đặc tính chống viêm mạnh đã được nghiên cứu trong ống nghiệm và trên động vật.

Thực tế, thực vật thuộc họ gừng, bao gồm cả riềng, hầu như có tác dụng giảm đau nhẹ.

Một nghiên cứu kéo dài 6 tuần ở 261 người bị thoái hóa khớp gối cho kết quả 63% người dùng chiết xuất từ gừng và riềng đã giảm đau đầu gối khi đứng. Trong khi đó, tỷ lệ này ở nhóm dùng giả dược là 50%.

Có thể bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng

Tinh dầu chiết xuất từ củ riềng có thể chống lại nhiều loại vi sinh vật. Nhờ đó, chúng có thể kéo dài thời gian sử dụng cho một số loại thực phẩm.

Thêm củ riềng tươi vào các món ăn còn giúp làm giảm nguy mắc bệnh do vi khuẩn vibrio ở động vật thủy sản chưa được nấu chín.

Hơn nữa, nhiều nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy chiết xuất từ thân rễ của riềng có thể tiêu diệt vi khuẩn có hại, bao gồm E.coli, Staphyloccocus aureusSalmonella Typhi. Tuy nhiên, hiệu quả ức chế có vẻ khác nhau giữa các nghiên cứu.

Một vài nghiên cứu còn nhận thấy củ riềng có thể chống lại nấm, nấm men và ký sinh trùng nhưng vẫn còn tranh cãi về tác dụng này.

Củ riềng, gừng và nghệ

Cả ba cái tên này đều là những gia vị thân quen có thể dùng ở dạng tươi hoặc khô để tăng thêm hương vị cho các món ăn.

Gừng cho cảm giác vị tươi, ngọt nhưng hơi cay còn vị của riềng rõ ràng hơn, cay hơn, trong khi nghệ có vị cay nồng và đắng nhất.

Nghiên cứu về mối liên hệ giữa ba loại gia vị này với các lợi ích sức khỏe cho thấy kết quả khá tương đồng. Gừng và nghệ cũng rất giàu chất chống oxy hóa và có hoạt tính kháng viêm, giúp giảm đau và cứng khớp.

Hơn thế nữa, cả ba đều chứa những hợp chất có khả năng ngăn ngừa hoặc chống lại các dạng ung thư khác nhau.

Tuy nhiên, củ riềng là vị thuốc duy nhất trong ba loại được chứng minh có thể làm tăng khả năng sinh sản ở nam giới. Ngược lại, tác dụng chống buồn nôn và làm rỗng dạ dày của gừng vẫn chưa được xác nhận ở riềng hay nghệ.

Gừng và nghệ có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 và bệnh tim, ngăn ngừa mất trí nhớ, bảo vệ chức năng não bộ. Vì những đặc tính tương tự, riềng có khi cũng mang lại những lợi ích như hai loại gia vị trên.

Những lưu ý và tác dụng không mong muốn

Củ riềng đã được sử dụng từ lâu trong hệ thống y học cổ truyền Ayurvedic và Trung Quốc cho thấy mức độ an toàn khi dùng với lượng thông thường trong thực phẩm.

Những thông tin về liều lượng an toàn hay tác dụng phụ tiềm ẩn khi tiêu thụ một lượng lớn, chẳng hạn như dùng các thực phẩm chức năng bổ sung có thành phần này, vẫn còn hạn chế.

Một nghiên cứu trên động vật quan sát thấy khi dùng liều 2.000mg/kg trọng lượng cơ thể sẽ dẫn đến tác dụng phụ nghiêm trọng, gồm giảm năng lượng, mất khẩu vị, đi tiểu nhiều, tiêu chảy, hôn mê và thậm chí là tử vong.

Những tác dụng không mong muốn trên không xuất hiện khi dùng liều nhỏ hơn đáng kể, 300mg/kg thể trọng.

Tuy vậy, thông tin về độ an toàn và tác dụng phụ tiềm ẩn khi bổ sung thêm thực phẩm chức năng có riềng ở người vẫn chưa đầy đủ.

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Galangal Root: Benefits, Uses, and Side Effects. https://www.healthline.com/nutrition/galangal-root. Ngày truy cập 11/12/2019.

Galangal: Benefits, Composition, And How To Use. https://www.stylecraze.com/articles/amazing-benefits-of-galangal-for-skin-hair-and-health/#gref. Ngày truy cập 11/12/2019.

Galangal. https://www.drugs.com/npp/galangal.html. Ngày truy cập 11/12/2019.

Phiên bản hiện tại

28/08/2020

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Cách làm xíu mại lành mạnh cho người bệnh mạn tính

Hướng dẫn cách làm tôm sốt Thái cho người bệnh mạn tính


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 28/08/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo