backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Cách làm giò thủ tai heo giòn dai đậm vị ăn hoài không ngán

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 08/01/2024

Cách làm giò thủ tai heo giòn dai đậm vị ăn hoài không ngán

Giò thủ (giò xào, chả thủ) là món ăn khoái khẩu của nhiều người. Nếu bạn cũng thích ăn món này nhưng chưa biết cách làm giò thủ thế nào để miếng giò có độ dai, giòn, béo mềm vừa phải thì hãy tham khảo bài viết ngay sau đây.

Giò thủ là món ăn độc đáo kết hợp từ tai, mũi, mép, lưỡi heo cùng với nấm mèo, hành tỏi và các loại gia vị tạo nên miếng giò thơm ngon, dai giòn, béo nhưng không ngấy. Cách làm giò thủ tai heo cũng không phức tạp, bạn hoàn toàn có thể tự làm tại nhà để đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch, tốt cho sức khỏe cả gia đình.

Nguyên liệu làm giò thủ tai heo

  • Tai heo: 2 cái tai nhỏ khoảng 500g
  • Lưỡi heo: 1/2 cái khoảng 300g
  • Mũi và mép heo: khoảng 400g
  • Nấm mèo (mộc nhĩ) khô: 50g
  • Tiêu xay giập: 2 thìa cà phê
  • Tỏi: 1 củ
  • Hành tím: 3 – 4 củ
  • Gừng: 1 nhánh cỡ ngón tay cái hoặc 1 củ hành tây nhỏ
  • Bột ngọt (mì chính): 1/2 thìa cà phê
  • Hạt nêm: 1 thìa cà phê
  • Đường: 1 thìa súp
  • Nước mắm 40° đạm: 2 thìa súp
  • Muối: 1 ít
  • Dầu ăn
  • Lá chuối.
  • Ngoài ra, bạn cũng cần chuẩn bị trước màng bọc thực phẩm và khuôn ép giò.

    Hướng dẫn cách làm giò thủ ngon, giòn thơm  

    Sơ chế nguyên liệu làm giò thủ

    • Tai, lưỡi, mũi heo rửa sạch, dùng dao sắc cạo thật sạch lông, lớp màng bám trên lưỡi, ngâm rửa với nước muối loãng, vớt ra để ráo. Với tai heo, bạn nên khứa phần gần lỗ tai ra để dễ cạo rửa.
    • Bắc nồi nước lên bếp, nước sôi cho chút muối cùng gừng đập giập hoặc 1 củ hành tây nhỏ vào, bỏ tai, mũi, lưỡi heo vào luộc vừa chín tới. Vớt ra cho vào thau nước lạnh để nguội bớt, cạo lại cho sạch, để ráo.
    • Thái tai, mũi, lưỡi heo thành lát thật mỏng. Điều này giúp miếng giò ngon, không quá cứng khi ăn.
    Cách làm giò thủ
    Thái tai, mũi, lưỡi heo thành lát thật mỏng
    • Nấm mèo ngâm với nước ấm cho nhanh nở, cắt chân, bóp rửa thật sạch rồi thái sợi nhuyễn.
    • Nấu nước mắm với đường trên lửa nhỏ cho bay bớt mùi nước mắm.
    • Phơi lá chuối dưới trời nắng to khoảng 20 – 30 phút cho lá héo, rọc ra, dùng khăn khô lau sạch. Để nhanh hơn, bạn cũng có thể trụng lá chuối với nước sôi, vớt ra để ráo, dùng khăn khô lau sạch.
    • Khuôn ép giò rửa sạch, lau khô.
    • Hành tím bóc vỏ, rửa sạch, đập giập.

    Cách làm chả thủ ngon: Ướp hỗn hợp tai, mũi, lưỡi

    Cho tai, mũi, lưỡi heo vào thố lớn, ướp với chút nước mắm, hạt nêm, đường, bột ngọt, tiêu. Lưu ý, bạn chỉ ướp một lượng gia vị vừa phải để tránh món giò thủ bị mặn, khi xào giò sẽ nêm thêm nếu chưa vừa miệng. Bạn đảo thật kỹ để hỗn hợp thấm đều gia vị và ướp khoảng 20 – 30 phút.

    Cách làm giò thủ ngon

    Cách làm giò thủ ngon: Xào giò đúng cách

    • Bắc chảo lên bếp, chảo nóng cho dầu ăn vào phi với ít hành, tỏi băm để dậy mùi thơm. Trút nấm mèo vào xào nhanh tay với ít muối, tiêu. Sau đó, trút nấm mèo ra đĩa để riêng.
    • Thêm dầu ăn và hành tỏi vào phi đến khi dậy mùi thơm, cho hỗn hợp tai, mũi, lưỡi vào xào. Xào trên lửa vừa và đảo đều tay liên tục để nguyên liệu không bị cháy. Nêm nếm lần nữa đến khi thấy vừa vị. Khi hỗn hợp tai, mũi, lưỡi săn lại và tươm mỡ, cho nấm mèo vào đảo nhanh tay, tắt bếp. Bạn không nên xào quá chín vì giò sẽ bị khô, mất đi độ béo cần thiết của món giò thủ.

    Gói giò – bước cuối trong cách làm giò thủ ngon

    Cách gói giò bằng lá chuối

    • Trải dây buộc giò lên một mặt phẳng (bàn hoặc mâm), xếp nhiều lớp lá chuối chồng lên nhau. Đổ hỗn hợp đã xào vào chính giữa rồi gấp hai mép lá lại với nhau, gấp xuống, bẻ gấp thêm lần nữa (gói lại như gói bánh tét), kéo dây cột sơ lại.
    • Tiếp theo, bẻ một đầu cây giò lại, cho tựa xuống bàn, ấn từ từ sao cho phần giò xào nén chặt lại và tròn đều, rồi bẻ gốc gấp lại, buộc dây cho chắc, sau đó quay đầu còn lại và làm tương tự như đầu kia sao cho cây giò tròn đều. Cuối cùng, dùng dây buộc đều trên thân cây giò thật chặt. Kẹp cây giò thủ vào giữa 2 thanh gỗ dẹp có bề ngang khoảng 3 – 5cm và dùng dây buộc chặt để ép giò. Lưu ý là bạn nên dùng tô hoặc đĩa sâu lòng để hứng mỡ chảy ra từ cây giò.

    Cách làm giò thủ ngon: Gói giò bằng khuôn ép  

    Cách làm giò thủ

    Bạn đổ phần nguyên liệu làm giò thủ đã xào vào khuôn. Bạn nén giò xuống thật chặt, nhớ dùng đĩa sâu lòng hoặc tô hứng phần mỡ chảy ra từ giò. Việc ép giò bằng khuôn sẽ giúp giò chắc tay và có thể bảo quản được lâu. Đợi hỗn hợp nguội, bạn cho cây giò vào ngăn mát tủ lạnh trong khoảng 6 – 8 giờ để thịt đông kết lại với nhau, miếng giò được chắc. Sau đó, tháo cây giò ra khỏi khuôn, cất trong hộp kín hoặc dùng nilông, màng bọc thực phẩm bọc lại để bảo quản.

    Trình bày và thưởng thức giò thủ

    Cách làm giò thủ

    • Cắt giò thủ thành khoanh có độ dày vừa phải rồi thái thành từng miếng vuông nhỏ như quân cờ hoặc hình tam giác hay thanh dài tùy thích.
    • Giò thủ ăn cùng dưa hành hay dưa kiệu, dưa món sẽ rất ngon.
    Lưu ý, dù là món ăn ngon miệng nhưng bạn chỉ nên ăn một lượng giò thủ nhất định để tránh tăng cân, dư cholesterol gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

    Bạn có thể quan tâm: Cách làm mứt bí đao thơm mát, ngọt vừa lại ngon miệng.

    Mẹo hay trong cách làm giò thủ ngon

    • Nếu không biết gói giò bằng lá chuối hoặc không có sẵn khuôn ép giò, bạn có thể dùng chai nhựa có đường kính phù hợp để gói và ép giò. Để thực hiện, bạn cắt bỏ hai đầu chai, rửa sạch, hong khô. Lồng 2 bịch nilông vào nhau rồi lồng vào lòng chai, đổ thịt đã xào vào, dùng tay ấn cho thịt thật chắc. Đặt đứng chai trên mặt phẳng, dùng vật nặng đè lên chai cho giò chắc hơn nữa. Giò nguội, cất cây giò vào ngăn mát tủ lạnh để thịt đông kết với nhau.
    • Thời hạn bảo quản giò thủ cất trong ngăn mát tủ lạnh tối đa là khoảng 5 – 7 ngày. Khi thấy bề ngoài cây giò thủ có nhớt, bạn nên bỏ đi vì lúc đó giò thủ đã thiu.
    • Miếng giò thủ ngon phải đạt được các yêu cầu như gia vị nêm vừa phải, miếng giò giòn, thơm và có đủ độ béo. Về màu sắc, giò có màu hơi hồng của phần lưỡi heo xen lẫn sọc trắng của sụn tai và màu nâu đen của nấm mèo nổi bật trên phần mỡ đông màu trắng ngà.
    • Đặc trưng hương vị của ẩm thực miền Bắc là không nêm đường vào thức ăn. Do đó, nếu gói giò theo hương vị ẩm thực miền Bắc, bạn không nên nêm đường vào hỗn hợp nguyên liệu làm giò thủ.
    • Tai heo to thường là heo già, sụn cứng. Do đó, để món giò thủ ngon có độ giòn vừa phải, bạn nên chọn tai heo cỡ vừa.

    Hello Bacsi hy vọng bài viết đã giúp bạn biết cách làm giò thủ tai heo giòn ngon đậm vị. Món ăn này có thể góp mặt trong những bữa cơm thường ngày của gia đình hoặc cũng có thể trở thành món ăn ngon miệng ngày Tết. Chúc bạn thành công!

    Bạn có thể quan tâm:

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 08/01/2024

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo