Hiện nay, nhiều quan ngại về sự phổ biến của nguồn đậu nành biến đổi gen. Mặc dù chưa có nhiều bằng chứng về ảnh hưởng của các thực phẩm biến đổi gen với sức khỏe. Thế nhưng, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, bạn nên chọn đậu nành và sản phẩm từ đậu nành không biến đổi gen. Cách làm đậu hũ non tại nhà sẽ là cách tốt nhất để bạn đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Bài viết mang đến 4 công thức cách làm đậu hũ non thơm ngon dễ làm. Ngoài ra, một số mẹo bảo quản đậu hũ non cũng sẽ giúp món đậu phụ của bạn luôn ẩm mịn.
Ăn đậu hũ có tác dụng gì cho sức khỏe?
Đậu hũ (đậu phụ) được làm từ sữa đậu nành đặc, ép thành những từng khối vuông. Thông thường, có hai loại đậu hũ là: đậu hũ thường và đậu hũ non. Trước khi đi đến 4 công thức tự làm đậu hũ non tại nhà, hãy cùng tìm hiểu: ăn đậu phụ có tốt không?
Đậu phụ có hàm lượng protein cao và chứa tất cả các axit amin thiết yếu mà cơ thể cần. Đậu hũ cũng cung cấp chất béo, carbs và nhiều loại vitamin và khoáng chất. Đặc biệt, giống như các loại thực phẩm làm từ đậu nành khác, đậu phụ cũng chứa estrogen thực vật.
Lợi ích sức khỏe nổi bật của đậu phụ
Chứa isoflavone có lợi
Đậu nành có chứa các hợp chất thực vật tự nhiên được gọi là isoflavone. Những chất này hoạt động như phytoestrogen. Isoflavone trong đậu hũ có chức năng kích hoạt các thụ thể estrogen trong cơ thể.
Hàm lượng isoflavone liên quan đến những lợi ích sức khỏe của đậu phụ. Nhờ đó, ăn đậu hũ có thể:
- Giảm nguy cơ ung thư
- Ngăn ngừa bệnh tiểu đường
- Bảo vệ tim mạch
- Giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Đậu phụ cũng có thể bảo vệ và ngăn ngừa chống lại bệnh tiểu đường tuýp 2. Theo báo cáo năm 2020, những người tham gia thường xuyên ăn đậu phụ ít có nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường.
Các lợi ích tiềm năng khác
Do hàm lượng isoflavone cao, đậu phụ có thể cung cấp các lợi ích sức khỏe bổ sung, bao gồm:
- Xương chắc khỏe hơn. Nghiên cứu cho thấy isoflavone đậu nành có thể giúp hạn chế nguy cơ loãng xương. Đồng thời, món ăn từ đậu nành, điển hình như đậu hũ cũng có thể tăng mật độ khoáng chất trong xương.
- Cải thiện chức năng não. Một nghiên cứu phát hiện isoflavone đậu nành có thể cải thiện trí nhớ. Tuy nhiên, cần thêm bằng chứng khoa học để chứng minh lợi ích này.
- Giảm nhẹ các triệu chứng mãn kinh. Bổ sung đậu hũ vào chế độ ăn có thể giảm nhẹ những triệu chứng như: mệt mỏi, rối loạn tâm trạng và bốc hỏa ở phụ nữ mãn kinh.
- Tác dụng chống trầm cảm. Một nghiên cứu trên phụ nữ mang thai cho thấy ăn khoảng 49g đậu phụ mỗi ngày có thể làm giảm 28% nguy cơ phát triển trầm cảm khi mang tha.
>> Tìm hiểu thêm: Tác dụng của đậu phụ tốt cho sức khỏe của bạn thế nào?
4 cách làm đậu hũ non
Dưới đây 4 cách làm đậu hũ non tại nhà:
- Đậu hũ non truyền thống
- Đậu hũ non không cần thạch cao
- Đậu hũ non yến mạch
- Đậu hũ trứng.
Những cách làm đậu hũ non vô cùng đơn giản để bạn có thể trổ tài ngay tại nhà. Hãy cùng thực hiện để chiêu đãi gia đình.
1. Cách làm đậu hũ non mềm mịn đơn giản
Nguyên liệu làm đậu hũ non
- 350g đậu nành
- 10g bột thạch cao phi
Đây là thạch cao thực phẩm, được sử dụng trong ngành thực phẩm, ăn uống, dược phẩm… Bột thạch cao phi được tinh chế tối thiểu 98% mới có thể đảm bảo an toàn khi dùng trong ẩm thực.
Cách làm đậu hũ non nhanh gọn
Bước 1: Ngâm đậu nành
- Đậu nành mua về rửa sạch để loại bỏ bụi bẩn.
- Ngâm đậu trong nước từ 4-12 tiếng trong tủ lạnh để hạt đậu ngậm nước, và nở đều.
Bước 2: Xay đậu nành
- Sau khi hạt đậu nở đều, rửa sạch đậu dưới vòi nước.
- Để ráo nước bớt nước, rồi cho vào máy xay sinh tố. Xay nhuyễn đậu nành với 1,5l nước lọc ở tốc độ vừa.
- Khi đậu đã sệt, xay ở tốc độ nhanh trong khoảng 3 phút cho hỗn hợp mịn.
- Đối với máy xay gia đình có công suất nhỏ. Bạn nên chia đậu nành thành 2-3 mẻ để xay nhuyễn. Xay một lượng đậu nành lớn cùng lúc có thể làm hỏng cối xay.
- Đừng cho quá nhiều nước trong khi xay vì điều đó có thể làm cho đậu hũ non của bạn khó đông ở bước sau.
Bước 3: Lọc lấy sữa đậu nành
- Đặt rây lọc lên trên thau/ nồi đựng sữa đậu nành. Tiếp tục phủ lên trên một lớp vải xô sạch.
- Từ từ đổ sữa đậu nành qua lớp vải xô. Vặn và bóp cho đến khi bã đậu nành bên trong mảnh vải khô ráo.
- Lọc lại phần sữa đậu nành một lần nữa. Phần sữa đậu của bạn càng ít bã, đậu hũ của bạn sẽ càng mềm mịn.
Bước 4: Nấu đậu nành
- Nấu sữa đậu nành trên bếp lửa vừa. Đun trong 10-15 phút, thỉnh thoảng khuấy đều tay để sữa không bị khét đáy. Hớt bọt khỏi bề mặt nếu cần.
- Sau khi sữa sôi, tắt bếp để sữa nguội. Dừng lại tại bước này, bạn đã có ngay món sữa đậu nành nhà làm an toàn và thơm ngon.
- Dùng một tô lớn, pha loãng 10g bột thạch cao phi với 60ml nước. Khi sữa đậu còn ấm, cho hỗn hợp thạch cao vào khuấy đều. Sau đó để yên cho đậu nành lắng lại.
Bước 5: Ủ đậu hũ non
- Bọc kín khuôn đậu hũ non của bạn bằng màng bọc thực phẩm.
- Đợi cho đến khi hỗn hợp nguội, tiếp tục cho vào ngăn mát tủ lạnh từ 15-25 phút để đậu phụ tự làm đông lại.
Sau khoảng 25 phút, bạn đã hoàn thành cách làm đậu hũ non truyền thống vô cùng đơn giản. Đậu hũ non đạt chuẩn sẽ đông mềm, thơm ngậy mùi đậu nành. Bề mặt mịn màng, khi cắt sẽ miếng đậu hũ non nõn nà, không lợn cợn bên trong.
2. Cách làm đậu hũ non không dùng thạch cao
Nếu không tìm mua được bột thạch cao phi đạt chất lượng, cách làm đậu hũ non tại nhà với chanh sẽ là giải pháp tối ưu dành cho bạn.
Nguyên liệu làm đậu hũ non không dùng thạch cao
- Đậu nành: 200g
- Nước lọc: 1,2l (dùng để nấu sữa đậu nành)
- Nước cốt chanh: 25ml
Cách lựa chọn đậu nành sạch và tươi
- Ưu tiên đậu nành không biến đổi gen. Hiện nay, nhiều loại đậu nành trên thị trường là đậu biến đổi gen (GMO). Mặc dù cần thêm nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng sức khỏe lâu dài của GMO. Vẫn tồn tại lo ngại về tác động của chúng đối với sức khỏe con người.
- Chọn hạt có vỏ láng. Bạn nên chọn loại hạt đậu nành bóng mẩy, trơn đều nhau.
- Đừng chọn hạt đậu nành xỉn màu, có lốm đốm. Những hạt này đang có dấu hiệu bị mốc.
Cách làm đậu hũ không dùng thạch cao
Đối với cách làm đậu hũ non bằng nước cốt chanh, các bước thực hiện cũng tương tự với cách làm đậu hũ non truyền thông bên trên. Những bước làm cơ bản gồm có:
Bước 1: Ngâm đậu nành
- Rửa sạch đậu trước khi ngâm.
- Tốt nhất bạn nên ngâm đậu qua đêm để hạt đậu nở đều
Bước 2: Xay đậu nành
- Sau khi ngâm, nhớ rửa lại đậu để loại bỏ lớp nhớt của quá trình ngâm. Để đậu ráo nước, nhưng không cần khô hoàn toàn.
- Xay 200g đậu với 1,2 lít nước.
Bước 3: Lọc lấy sữa đậu nành
- Như hướng dẫn bên trên, lọc lấy phần sữa đậu.
- Phần bã đậu nành bạn có thể tận dụng để làm món thịt viên, hoặc làm nhân chả giò cũng rất ngon.
Bước 4: Nấu đậu nành
- Đun sôi sữa đậu ở lửa vừa. Sau khi sữa sôi, tắt bếp để nguội dần.
Bước 5: Ủ đậu hũ non
- Khi sữa còn ấm, bạn nước cốt chanh đã chuẩn bị vào, khuấy đều và đợi đậu hũ đông lại.
- Sau khi hỗn hợp nguội, cho hỗn hợp vào tủ lạnh.
Sự khác biệt khi làm đậu hũ bằng nước chanh và thạch cao
- Cách làm đậu hũ non làm bằng thạch cao sẽ cho thành phẩm mịn hơn, kết dính với nhau chắc chắn hơn.
- Cách làm đậu hũ non với nước cốt chanh sẽ có độ đông đặc ít hơn. Ngoài ra, nếu bạn làm bằng nước chanh, đậu phụ thành phẩm nhìn có vẻ hơi vón cục. Nhưng đừng quá lo lắng. Đậu hũ non thành phẩm vẫn sẽ tan trong miệng.
3. Cách làm đậu hũ non yến mạch
Không nhất thiết đậu hũ luôn phải được làm từ đậu nành. Món đậu hũ non yến mạch sẽ là một lựa chọn hay ho cho món tráng miệng lành mạnh. Cách làm đậu hũ non yến mạch cũng đơn giản và tiết kiệm thời gian hơn so với đậu hũ non truyền thống. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu cách làm.
Nguyên liệu đậu hũ yến mạch
- Yến mạch nguyên chất: 60g
- Nước lọc: 300ml
Món đậu hũ non yến mạch này có thể dùng kèm với nước gừng truyền thống. Ngoài ra, bạn có thể sáng tạo với các loại nước sốt, hoặc trái cây. Một số lựa chọn cho bạn là: sốt xoài, mứt dâu, mứt thanh long,…
Cách làm đậu hũ yến mạch
Bước 1: Ngâm yến mạch
- Ngâm 60g yến mạch trong 20 phút. Sau đó dùng rây, lọc lấy yến mạch đã nở đều, đổ bỏ phần nước ngâm đi.
- Tiếp tục ngâm yến mạch thêm 10 phút. Tương tư, đổ bỏ phần nước ngâm, để yến mạch ráo bớt nước.
Bước 2: Xay nhuyễn và nấu sữa yến mạch
- Cho yến mạch vào máy xay sinh tố, xay nhuyễn cùng 300ml nước lọc.
- Tương tự cách nấu sữa đậu nành bên trên, lọc lấy sữa yến mạch qua rây mịn.
- Nấu hỗn hợp sữa yến mạch trên bếp lửa vừa. Khuấy đều tay để tránh khét đáy. Nấu cho đến khi hỗn hợp sệt đặc lại rồi tắt bếp.
Bước 3: Đổ khuôn cho đậu hũ non yến mạch
- Khác với cách làm đậu hũ non từ sữa đậu nành, đậu hũ non yến mạch sẽ tự đông lại.
- Bạn chỉ cần đổ hỗn hợp sữa yến mạch đã nấu chính vào khuôn tùy thích.
- Sau khi hỗn hợp nguội, cho vào ngăn mát tủ lạnh trong khoảng 20 phút để đậu hũ yến mạch đông lại hoàn toàn.
Thành phẩm đậu hũ yến mạch sẽ vô cùng mềm min, tan ngay trong miệng. Đây sẽ là món tráng miệng dễ làm dành cho cả gia đình từ trẻ nhỏ đến người lớn tuổi.
4. Cách làm đậu hũ trứng
Đậu hũ trứng mềm mịn thơm béo là món ăn mà ai cùng thích. Cách tự làm đậu hũ trứng tại nhà sẽ giúp bạn hạn chế tiêu thụ những loại đậu nành biến đổi gen (GMO).
Nguyên liệu để làm đậu hũ trứng
- 6 quả trứng gà
- 1/4 muỗng cà phê muối
- 300ml sữa đậu nành (100g đậu nành và 400ml nước lọc)
Bạn có thể theo dõi cách làm sữa đậu nành ở công thức đậu hũ non truyền thống bên trên. Thực hiện theo 4 bước đầu tiên, bạn sẽ có được sữa đậu nành thơm béo tự làm.
Cách làm đậu hũ non với trứng
Bước 1: Hòa tan hỗn hợp trứng và sữa đậu nành
- Cho 6 quả trứng vào bát trộn và đánh đều. Đổ hỗn hợp qua rây mịn để trứng tan đều.
- Sau khi trứng được đánh tan, từ từ thêm 300ml sữa đậu nành vào. Đồng thời, trộn đều tay.
- Cho thêm 1/4 thìa cà phê muối vào bát để đậu hũ trứng đậm đà hơn. Không nên cho quá nhiều muối, điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của đậu hũ thành phẩm,
Bước 2: Rây mịn hỗn hợp
- Đổ hỗn hợp qua rây một lần nữa để loại bỏ tất cả phần cặn nếu có.
- Lưu ý không nên rây quá nhiều lần, những bọt khí li ti sẽ khiến đậu hũ trứng thành phẩm bị rổ.
Bước 3: Hấp đậu hũ trứng
- Đổ hỗn hợp vào khuôn và đem hấp ở lửa rất nhỏ trong 25 phút.
- Trong quá trình hấp, bạn chú ý dùng khăn sạch để lau bớt nước trên nắm xửng hấp. Nước đọng trên nắp có thể khiến bề mặt đậu hũ bị lõm, không đẹp.
Bước 4: Để nguội và thưởng thức
- Sau khi khuôn đậu hũ nguội, cho đậu hũ trứng vào tủ lạnh khoảng 15 phút để đậu đông đặc hơn.
- Lưu ý, nếu bạn muốn cắt nhỏ đậu hũ trứng để chế biến các món ngon khác. Bạn cần đợi đậu hũ trứng nguội hẳn.
Cách bảo quản đậu hũ non
Cách làm đậu hũ non vô cùng đơn giản. Bạn hoàn toàn có thể thưởng thức món ăn thơm ngon này tại nhà. Bên cạnh đó, cách bảo quản đậu hũ non cũng vô cùng quan trọng.
- Đậu hũ non tự làm không chứa chất bảo quản. Thế nên, tốt nhất bạn chỉ nên bảo quản chúng trong từ 3-5 ngày trong tủ lạnh. Sau thời gian này, đậu hũ non có thể không còn hương vị thơm ngon ban đầu.
- Đổ nước ngập đậu hũ. Nếu bạn không có ý định sử dụng ngay, việc đổ nước lọc tinh khiết trong hộp đậu hũ non sẽ giúp đậu phụ của bạn luôn mềm ẩm.
- Bảo quản đậu hũ non vào hộp kín. Chỉ dùng màng bọc thực phẩm bọc quanh đậu hũ non là chưa đủ. Đậu phụ đặc biệt dễ bị nhiễm vi khuẩn. Vì vậy, bạn hãy bảo quản đậu hũ non tự làm trong hộp kín khí.
Hy vọng bài viết đã giúp bạn biết cách làm đậu hũ non tại nhà. Đậu hũ non không chỉ dễ ăn, dễ chế biến mà nó còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Hãy trổ tài thực hiện ngay hôm nay!
[embed-health-tool-bmi]