Hộp đựng thức ăn là một vật dụng không thể thiếu khi bạn mang cơm trưa theo ăn khi đi học, đi làm hay đi picnic. Các hộp này ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng thức ăn và sức khỏe của bạn nên bạn cần tìm hiểu xem mình nên chọn loại nào là tốt nhất nhé!
Hộp đựng thức ăn đa dạng về chất liệu, hình dáng và màu sắc nên đôi khi sẽ làm bạn bối rối khi lựa chọn. Mỗi chất liệu, dáng hộp đều có những ưu và nhược điểm riêng.
Chọn hộp đựng thức ăn dựa vào chất liệu
Điều đầu tiên bạn cần quan tâm khi lựa hộp đựng thức ăn là chất liệu của hộp. Chất liệu này sẽ quyết định độ an toàn và độ bền của hộp.
1. Hộp đựng thức ăn nhựa
Các hộp đựng thức ăn bằng nhựa phổ biến, đa dạng và dễ tìm mua.
– Ưu điểm của hộp nhựa:
- Nhựa nhẹ và tiện dụng nên rất phù hợp để đựng thức ăn mang ra ngoài
- Nhựa có thể bảo vệ thức ăn không bị nhiễm bẩn
- Nhựa khá chắc chắn và không dễ bể
- Nhựa rẻ hơn các loại chất liệu khác
- Nhựa còn dễ đóng mở và dễ in hình lên nên được cả khách hàng và các nhà sản xuất ưu ái
– Nhược điểm của hộp nhựa:
- Gây ô nhiễm môi trường
- Không giữ nhiệt tốt như các chất liệu khác
- Dễ bám màu và mùi từ thức ăn và cũng khó rửa sạch hơn
- Có khả năng bị biến dạng và thấm ngược vào thực phẩm dưới tác dụng của nhiệt độ
- Đặc biệt một số loại nhựa còn chứa độc chất BPA (Bisphenol A). Đây là một chất gây phá hoạt nội tiết (Endocrine disruptor), gây ra khối u ung thư, nguy cơ nhiễm Melamin, các dị tật bẩm sinh và các rối loạn phát triển khác.
Dưới đáy hộp đựng thức ăn hay chai lọ bằng nhựa thường sẽ có một con số từ 1–7. Con số này có thể tiết lộ cho bạn biết cách chọn loại nhựa an toàn cho sức khỏe cả nhà đấy.
• Số 1 – nhựa PET: Đây là loại nhựa phổ biến trong việc sản xuất các chai nước ngọt hơn là hộp đựng thức ăn. Loại nhựa này chỉ dùng 1 lần và có khả năng tái chế rất thấp.
• Số 2 – HDPE hay HDP: Loại nhựa này khá an toàn nên thường được dùng làm bình sữa, đựng dầu ăn hay một số chất tẩy rửa.
• Số 3 – Polyvinyl chloride (PVC): Đây là loại nhựa rất bền với độ ẩm, chất béo và các chất khí. PVC khá phổ biến nhưng bạn không nên dùng nhựa PVC để đựng thực phẩm trên 81 độ C.
• Số 4 – LDPE: Đây là nhựa dẻo thường được dùng để chế tạo hộp mì, hộp đồ đông lạnh hay túi đựng hàng. Bạn không nên dùng hộp nhựa PDPE trong lò vi ba.
• Số 5 – PP: Đây là loại nhựa trong suốt, thường được dùng để đựng sữa chua, si rô hay cà phê. Nhựa PP có thể chịu nhiệt nên bạn có thể dùng trong lò vi ba và tái sử dụng.
• Số 6 – Polystyrene (PS): Đây là một loại nhựa dẻo, dễ tạo hình và cũng khá rẻ. Nhựa PS thường được dùng để làm hộp đựng thức ăn nhanh, cốc nước hay các loại chén đĩa dùng một lần. Bạn không nên dùng các hộp đựng thức ăn bằng PS trong lò vi ba.
• Số 7 hoặc không có số – PC: Đây là loại nhựa thường thấy ở các thùng đựng nước 3–5 lít. Tuy nhiên, loại nhựa này rất nguy hiểm vì có thể sinh ra chất BPA gây ung thư và vô sinh.
2. Hộp đựng thức ăn kim loại
Các loại hộp bằng kim loại như thiếc, thép và nhôm được ứng dụng rộng rãi trong việc đựng thức ăn và nước đóng hộp. Loại hộp kim loại phổ biến nhất là hộp nhôm và thép bọc thiếc.
– Ưu điểm hộp kim loại:
- Kim loại chống ánh sáng tốt nên rất lý tưởng để trữ các loại thức ăn nhạy cảm với ánh sáng
- Kim loại chịu được nhiệt độ và áp suất cao
- Hộp kim loại khá nhẹ và dễ sản xuất
- Bề mặt kim loại dễ in ấn
– Nhược điểm hộp kim loại:
- Kim loại dễ bị rò rỉ vào thức ăn
- Kim loại không trong suốt nên bạn không thấy được thức ăn bên trong
Để tránh trường hợp một số kim loại như thép rò rỉ vào thức ăn, bạn hãy chọn các loại hộp bằng thép bọc thiếc. Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn hộp nhôm để tránh trường hợp rò rỉ kim loại này. Nhôm cũng nhẹ, rẻ hơn các kim loại khác mà còn có thể tái chế được.
Ngoài các loại hộp nhôm, bạn cũng có thể dùng giấy bạc để gói thức ăn. Giấy bạc gồm nhiều lớp lá nhôm mỏng, rất dẻo và có tính ứng dụng cao.
3. Hộp đựng thức ăn thủy tinh
Thủy tinh được làm từ một trong những nguyên liệu có rất nhiều trên trái đất là silica có trong cát. Đây là một nguyên liệu có thể tái chế và tái sử dụng nhiều lần.
– Ưu điểm hộp thủy tinh:
- Thủy tinh đẹp và sang trọng hơn nhựa và kim loại
- Thủy tinh là một chất liệu bảo quản thức ăn rất tốt vì chất liệu này ngăn oxy trong không khí tiếp xúc với thức ăn
- Thủy tinh an toàn cho sức khỏe
- Thủy tinh không bám màu, bám mùi và dễ lau rửa
- Thủy tinh chịu được nhiệt nên bạn có thể dùng hộp thủy tinh trong lò vi ba
– Nhược điểm hộp thủy tinh:
- Thủy tinh khá dễ vỡ và nặng nên không tiện lợi trong việc vận chuyển thức ăn
- Quá trình sản xuất thủy tinh cũng khá phức tạp
- Giá thành hộp thủy tinh mắc hơn các hộp khác
- Hộp thủy tinh không thích hợp cho em bé vì khi hộp vỡ sẽ tạo ra các mảnh sắc nhọn
Theo ước tính có hơn 75 tỷ chai, hộp, lọ thủy tinh được dùng cho việc đựng rượu, nước trái cây, đồ ăn em bé, nước ngọt…
Chọn hộp đựng thức ăn dựa vào hình dạng
Hộp đựng thức ăn thường có hai dạng: hộp tròn và hộp vuông. Mỗi dạng hộp đựng thức ăn đều có ưu điểm riêng.
- Hộp tròn: Hộp tròn sẽ giúp lưu thông không khí trong hộp tốt hơn, giúp thức ăn nguội nhanh hơn.
- Hộp vuông: Hộp vuông sẽ giúp bạn trữ được nhiều thức ăn hơn và tiết kiệm không gian hơn.
Để chọn được loại hộp thích hợp, bạn nên xem xét hai tiêu chí:
- Dung tích tủ lạnh hoặc nơi chứa thức ăn: Nếu bạn có tủ lạnh hoặc tủ đựng thức ăn nhỏ, bạn hãy ưu tiên hộp vuông.
- Sở thích cá nhân: Nếu bạn có không gian chứa thức ăn thoải mái thì bạn có thể thoải mái lựa chọn dáng hộp mình thích.
Chọn hộp đựng thức ăn dựa vào kích cỡ
Nếu bạn đã chọn được dáng hộp phù hợp, bạn sẽ cần tìm hiểu về kích cỡ hộp sao cho tiện lợi nhất cho mình.
Kích cỡ hộp đựng thức ăn rất đa dạng như: 300ml, 400ml, 450ml, 700ml, 950ml, 1l, 2l, 3.5l, 7.5l, 11l, 20l… Việc chọn kích cỡ hộp đựng thức ăn phần lớn dựa trên nhu cầu sử dụng của bạn.
• Hộp nhỏ: Nếu bạn mua hộp để đựng thức ăn cho em bé hay để đựng gia vị, thì những loại hộp từ 300–400ml là thích hợp.
• Hộp trung bình: Nếu bạn muốn chọn hộp đựng cơm để mang đi ăn trưa, những hộp từ 400–700ml sẽ phù hợp nhất.
• Hộp to: Nếu bạn muốn mua hộp để bảo quản thức ăn trong tủ lạnh hay đựng các nguyên liệu khô như gạo thì hộp trên 900ml sẽ thích hợp hơn.
Các chi tiết bạn cần quan tâm khi chọn hộp
Chọn hộp thức ăn theo chất liệu, hình dạng và kích cỡ vẫn chưa đủ. Để có được lựa chọn tối ưu nhất, bạn cần để ý thêm một số chi tiết.
1. Nắp hộp
Nắp hộp rất quan trọng trong việc giữ thức ăn được tươi mới và không đổ khi vận chuyển.
• Khóa và ron an toàn: Bạn hãy chọn loại loại nắp hộp có khóa và ron an toàn. Khóa và vòng ron này sẽ cho phép bạn vận chuyển đồ ăn thoải mái mà không lo bị đổ, ngay cả đồ ăn lỏng như canh hay súp.
Nếu bạn không cần mang đồ ăn đi xa, bạn có thể chọn loại loại hộp có nắp nhựa dẻo để tiết kiệm và dễ đóng mở hơn. Loại nắp nhựa dẻo này vẫn có thể giữ đồ ăn không tiếp xúc với không khí nhưng sẽ dễ đổ hơn loại nắp có khóa.
• Màu nắp hộp: Bạn hãy chú ý chọn những nắp hộp có nhiều màu sắc. Dùng nhiều màu sắc khác nhau khi trữ thức ăn sẽ giúp bạn dễ tìm được hộp thức ăn mình muốn hơn đấy.
2. Vạch đo trên thân hộp
Các loại hộp đựng thức ăn có sẵn vạch đo trên thân rất tiện lợi cho việc đong và trữ thức ăn lỏng. Bạn sẽ có thể đong đếm chính xác khẩu phần của mình mà không hề mất công sức.
Lưu ý khi hâm nóng thức ăn trong lò vi sóng
Việc chọn lựa hộp đựng thức ăn sao cho dễ dùng trong lò vi sóng cũng rất quan trọng. Bạn cần lưu ý một số điểm sau khi bỏ hộp đựng thức ăn vào lò.
1. Các chất liệu dùng được trong lò vi sóng
Thủy tinh là chất liệu phù hợp nhất khi hâm đồ ăn trong lò vi sóng. Bạn sẽ không phải lo lắng các chất hóa học từ hộp rò rỉ vào thức ăn hay màu từ đồ ăn dây ra hộp.
Tuy nhiên, một số loại nhựa vẫn có thể sử dụng được trong lò vi sóng. Bạn hãy kiểm tra kỹ thông tin hộp nhựa trước khi mua và chọn loại không có BPA nếu muốn dùng hộp trong lò vi sóng.
2. Canh thời gian hâm hợp lý
Từng loại đồ ăn sẽ có một thời gian hâm nóng khác nhau. Những thức ăn lỏng như súp thường sẽ nóng nhanh hơn các thức ăn đặc như thịt hay khoai.
Thời gian hâm từng loại thức ăn thường có in trên hướng dẫn cách sử dụng lò vi sóng. Bạn hãy đọc kỹ hướng dẫn này khi mua lò.
3. Đảo đồ ăn thường xuyên
Dù lò vi sóng đã tự động quay đồ ăn cho bạn, nhưng bạn vẫn cần đảo đồ ăn thường xuyên để món ăn nóng đều hơn. Bạn hãy tắt lò và đảo đồ ăn để đảm bảo nhiệt được tản đều tới mọi phần của hộp.
4. Chỉnh nhiệt độ phù hợp để hâm đồ ăn
Bạn nên hâm đồ ăn ở nhiệt độ trên 75 độ C. Nếu bạn hâm canh mà vẫn chưa thấy đồ ăn có hơi nước bốc lên thì nhiệt độ lò vi sóng vẫn chưa đạt 75 độ C.
5. Đậy đồ ăn khi hâm trong lò vi sóng
Đậy đồ ăn khi hâm sẽ giúp thức ăn giữ nhiệt lâu hơn và ít bị bắn ra thành lò hơn. Khi hâm các món đặc như cơm hay thịt, bạn có thể đậy nắp hộp hay bọc màng bọc thực phẩm khi hâm đồ ăn. Tuy nhiên, đối với những món có nhiều nước như canh thì bạn hãy dùng các nắp hộp có chỗ thoát hơi nước để tránh hơi nước tích tụ làm biến dạng nắp nhé.
6. Lau lò vi sóng thường xuyên
Bạn hãy giữ vệ sinh lò vi sóng thật tốt để hâm đồ ăn an toàn hơn. Bạn hãy chú ý lau cả mặt trên và mặt dưới của lò chứ không phải chỉ lau thành lò không nhé.
Khi lau lò, bạn chỉ cần dùng khăn giấy, nước ấm và chanh hay baking soda để loại bỏ tất cả các mảng bám hay thức ăn thừa còn dính lại trong lò.
Chọn được hộp đựng thức ăn đúng ý trong vô vàn mẫu hộp trên thị trường không hề khó nếu bạn biết rõ đặc điểm của từng loại hộp. Hộp nhựa, thủy tinh hay kim loại đều đáng cân nhắc đấy.
Như Vũ HELLO BACSI
[embed-health-tool-bmr]