backup og meta

Hạt vi nhựa là gì và những mối nguy hại tiềm ẩn

Hạt vi nhựa là gì và những mối nguy hại tiềm ẩn

Bạn có biết ước tính trung bình mỗi người ăn phải khoảng 5g nhựa mỗi tuần, tương đương với một chiếc thẻ tín dụng (theo nghiên cứu từ Đại học New Castle, Úc năm 2018)? Lượng nhựa được cơ người hấp thu này thường tồn tại dưới dạng hạt vi nhựa có trong thực phẩm, nước uống hàng ngày. Đây là một số liệu đáng báo động đối với sức khỏe con người và cả môi trường sống xung quanh.

Nhựa (plastic) có mặt ở khắp nơi trong cuộc sống, từ quần áo với sợi nhựa tổng hợp (polyester), các loại bao bì, màng bọc thực phẩm dùng một lần đến các đồ gia dụng… Loại vật liệu này không phân hủy sinh học và theo thời gian, chúng phân rã thành những mảnh nhỏ hơn gọi là hạt vi nhựa (hay microplastic), gây ra nhiều nguy hại đến môi trường sống và cả sức khỏe con người.

Đã có nhiều nghiên cứu tập trung vào vấn đề chúng ta ăn phải bao nhiêu nhựa thông qua thực phẩm. Một trong những số mới nhất của tạp chí Khoa học và Công nghệ Môi trường công bố rằng người Mỹ hấp thu khoảng 39.000 – 52.000 hạt vi nhựa mỗi năm từ hải sản, nước, đường, muối và rượu.

Những người thường uống nước đóng chai có khả năng “ăn’ trung bình hơn 90.000 hạt vi nhựa mỗi năm so với người chỉ dùng nước máy.

Hạt vi nhựa là gì?

Hạt vi nhựa (microplastic) là những mảnh nhựa nhỏ được tìm thấy trong môi trường. Chúng được định nghĩa là các hạt nhựa có đường kính nhỏ hơn 5mm.

Hạt vi nhựa có thể được sản xuất chủ động ở kích thước nhỏ (microbeads) có trong các sản phẩm kem đánh răng, tẩy tế bào chết hoặc hình thành từ quá trình phá hủy các mảnh nhựa lớn hơn trong môi trường.

Những hạt vi nhựa này được tìm thấy ở khắp nơi trên thế giới như trong đại dương, sông, đất và nhiều môi trường khác. Sau đó, chúng được tiêu thụ bởi các loài động vật.

Với nhu cầu sử dụng nhựa ngày càng tăng, môi trường đang phải gánh chịu nhiều nhựa thải hơn bao giờ hết. Ước tính có khoảng 8,8 triệu tấn chất thải nhựa đưa vào đại dương mỗi năm. Hơn thế nữa, 276.000 tấn nhựa hiện đang trôi nổi trên bờ biển, trong khi còn những phần khác đã chìm hoặc dạt vào bờ.

Hạt vi nhựa có tồn tại trong thực phẩm hay không?

Như đã đề cập ở trên, hạt vi nhựa được tìm thấy trong nhiều môi trường khác nhau và thực phẩm cũng không ngoại lệ. Một nghiên cứu đã kiểm tra 15 nhãn hiệu muối biển khác nhau và phát hiện có đến 600 hạt vi nhựa trong mỗi kilogram muối. Vài nghiên cứu khác thì tìm thấy 600 sợi vi nhựa trên mỗi kilogram mật ong và 109 mảnh vi nhựa trong mỗi lít bia.

Tuy nhiên, hải sản là nguồn thực phẩm chứa hạt vi nhựa phổ biến nhất. Bởi vì các mảnh nhựa thường trôi nổi trên biển và bị cá cũng như những sinh vật khác ăn phải. Một số loài cá nhầm lẫn giữa nhựa và thức ăn dẫn đến tích tụ dần các chất độc bên trong gan cá.

Hạt vi nhựa

Một nghiên cứu gần đây còn cho thấy hạt vi nhựa còn hiện diện trong các sinh vật sống sâu dưới biển, ảnh hưởng đến những loài không phổ biến.

Hơn thế nữa, loài vẹm và hàu có nguy cơ nhiễm hạt vi nhựa cao hơn nhiều loài khác. Đã có nghiên cứu báo cáo rằng những con vẹm và hàu được dùng làm thực phẩm cho người có chứa đến 0,36–0,47 hạt vi nhựa mỗi gram, đồng nghĩa với việc người thường ăn động vật có vỏ có thể ăn phải 11.000 hạt vi nhựa mỗi năm.

Liệu hạt vi nhựa có ảnh hưởng đến sức khỏe con người?

Mặc dù có nhiều nghiên cứu cho thấy mức độ hiện diện của hạt vi nhựa trong thực phẩm nhưng vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng về tác hại của chúng đối với sức khỏe.

Phtalate, một hóa chất sử dụng để làm dẻo nhựa, đã được chứng minh là làm tăng sự phát triển của các tế bào ung thư. Tuy nhiên, nghiên cứu này mới được thực hiện trong ống nghiệm nên kết quả không phản ánh chính xác trên cơ thể người.

Có một thử nghiệm đánh giá tác động của hạt vi nhựa ở chuột được thực hiện gần đây cho thấy khi cho chuột ăn, các hạt vi nhựa tích lũy trong gan, thận và ruột làm tăng mức độ các chất oxy hóa trong gan. Chúng cũng khiến các phân tử gây độc cho não tăng lên.

Các vi phân tử bao gồm cả hạt vi nhựa có khả năng đi từ ruột vào máu cũng có khả năng di chuyển đến các cơ quan khác.

Ngoài ra, phân tử nhựa cũng đã được tìm thấy ở trong phổi người, 87% số người tham gia nghiên cứu có sợi nhựa trong phổi. Các nhà khoa học cho rằng hạt vi nhựa có trong không khí là nguyên nhân gây ra hiện tượng trên. Đã có nghiên cứu thực hiện trong ống nghiệm cho thấy những hạt vi nhựa trong không khí có thể làm cho tế bào phổi sản xuất các chất kháng viêm.

Một trong những thành phần thường thấy trong nhựa như hộp đựng hay bao bì nhựa là bisphenol A (BPA) có khả năng nhiễm vào thực phẩm. Nguy hiểm hơn, các nhà khoa học đã có bằng chứng cho thấy BPA có thể can thiệp vào sự sản sinh hormone sinh sản, đặc biệt là ở nữ giới.

Bài viết bạn có thể quan tâm “5 chất phụ gia có hại cho đường ruột“.

Những thành phần khác trong nhựa gây hại đến sức khỏe

Các sản phẩm từ nhựa còn chứa nhiều thành phần khác có thể gây hại đến sức khỏe con người, chẳng hạn như chất tạo màu thường chứa kim loại nặng và nhiều chất độc hại khác. Các chất chống cháy nổ có khi phá vỡ hệ thống nội tiết.

Đáng nói hơn, các hạt vi nhựa còn có khả năng hấp thu những chất độc hại xung quanh nó. Khi tồn tại trong môi trường một thời gian dài, chúng sẽ thu nhận các chất ô nhiễm khác từ đất, nước không khí. Khi đó, nếu con người lại ăn phải các vi nhựa này thì thật đáng quan ngại.

Vậy nên, trước khi có những nghiên cứu chắc chắn về tác hại của hạt vi nhựa (microplastic hay thậm chí là nanoplastic) lên sức khỏe con người thì bạn nên hạn chế tối đa khả năng tiếp xúc và hấp thu những phân tử này. Bạn có thể tránh dùng các sản phẩm nhựa dùng một lần, tìm hiểu về các loại nhựa để có thể tái sử dụng một cách khoa học và tiêu thụ những thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng.

Làm sao để hạn chế hấp thu hạt vi nhựa từ thực phẩm?

Mặc dù còn nhiều tranh cãi về những tác động của hạt vi nhựa lên cơ thể người thì chúng thực sự tồn tại trong rất nhiều nguồn thực phẩm khác nhau, đặc biệt là cá và động vật có vỏ.

Bạn có thể lựa chọn các thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng từ những nhà cung cấp uy tín để cảm thấy yên tâm hơn. Bạn cũng không cần phải cắt giảm toàn bộ những món ăn có nhiều nguy cơ nhiễm hạt vi nhựa, chỉ cần có một kế hoạch ăn uống hợp lý và chế độ sinh hoạt điều độ để tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể.

Hơn thế nữa, các phân tử nhựa có thể “rò rỉ’ từ bao bì, hộp nhựa dùng một lần vào thực phẩm. Do đó, bạn nên hạn chế sử dụng bao bì dùng một lần, vừa làm giảm lượng rác thải cho môi trường, vừa bảo vệ sức khỏe trong tương lai.

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Are Microplastics in Food a Threat to Your Health?. https://www.healthline.com/nutrition/microplastics. Ngày truy cập 11/7/2019.

Here’s What to Know About Microplastics and Your Health. https://www.healthline.com/health-news/how-dangerous-are-microplastics-to-your-health. Ngày truy câp 11/7/2019.

No Plastic in Nature: assessing plastic ingestion from nature to people. http://awsassets.panda.org/downloads/plastic_ingestion_press_singles.pdf. Ngày truy cập 11/7/2019.

Phiên bản hiện tại

28/08/2020

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Dung Nguyễn


Bài viết liên quan

Thực phẩm chứa kim loại nặng

Ô nhiễm không khí trong nhà đang gây hại cho sức khỏe như thế nào?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 28/08/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo