backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

4 lưu ý người bệnh cần biết sau điều trị ung thư vú giai đoạn sớm

Tác giả: Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam · Ung thư - Ung bướu · BCNV


Ngày cập nhật: 2 tuần trước

    4 lưu ý người bệnh cần biết sau điều trị ung thư vú giai đoạn sớm

    Ung thư vú là loại ung thư có tỉ lệ mắc cao nhất và là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai trong các bệnh ung thư ở phụ nữ trên toàn cầu. Theo phân chia, ung thư vú được chia thành 4 giai đoạn tùy thuộc vào kích thước khối u nguyên phát, tình trạng di căn hạch và mức độ di căn xa. Ở giai đoạn đầu, tiên lượng ung thư vú thường khá tốt, với tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở giai đoạn 0 và giai đoạn 1 là 100% [1]. Với người bệnh ung thư vú giai đoạn sớm, sau khi hoàn thành phác đồ điều trị, người bệnh cần lưu ý 4 điều quan trọng sau để đảm bảo việc hồi phục được tốt nhất và giảm thiểu nguy cơ tái phát.

    1. Tuân thủ lịch khám định kỳ sau điều trị ung thư vú

    Dù thời gian sống thêm của bệnh nhân ung thư vú đã cải thiện đáng kể nhờ sự phát triển của các phương pháp điều trị mới nhưng người bệnh ung thư vú vẫn có nguy cơ tái phát tại chỗ và di căn xa và chúng thường xảy ra trong 5 năm đầu tiên sau chẩn đoán [2].

    Do đó, theo hướng dẫn của Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ, sau khi kết thúc điều trị, người bệnh cần khám lâm sàng mỗi 3 đến 6 tháng một lần trong 3 năm đầu, 6 đến 12 tháng một lần trong năm thứ 4 và 5 và hàng năm sau đó nhằm phát hiện tái phát sớm để điều trị kịp thời [3]. Ngoài ra, người bệnh cần tái khám ngay nếu có các dấu hiệu nghi ngờ tái phát như xuất hiện khối bất thường ở vú hoặc thành ngực, ho, khó thở, đau ngực, đau xương, đau đầu dai dẳng [4].

    2. Chăm sóc sức khỏe thể chất

    Các phương pháp điều trị ung thư vú có thể gây ra nhiều tác dụng phụ và khiến cơ thể suy nhược. Một số tác dụng phụ liên quan đến điều trị ung thư có thể xảy ra trong quá trình điều trị và tồn tại trong nhiều tháng hoặc nhiều năm sau khi việc điều trị kết thúc [5]. Do đó, sau điều trị ung thư vú, người bệnh cần lưu ý đến một số vấn đề sau:

    • Phù tay voi: 10-30% bệnh nhân sau vét hạch nách trong quá trình phẫu thuật có thể gặp tình trạng này. Do đó người bệnh cần có chế độ phục hồi chức năng phù hợp, tránh làm nặng cũng như bị thương, trong một vài trường hợp có thể phải phẫu thuật để điều trị biến chứng này [6].
    • Rối loạn hoạt động tình dục: Giảm ham muốn tình dục, khô âm đạo là một trong số các triệu chứng của suy giảm chức năng buồng trứng, bên cạnh đó thay đổi hình dạng cơ thể hoặc đau tại chỗ sau phẫu thuật cũng gây nên tình trạng trên. Để giải quyết vấn đề này người bệnh nên gặp chuyên gia tâm lý, sử dụng các chất bôi trơn âm đạo [6].
    • Nóng bừng thứ phát sau mãn kinh: Tình trạng này là kết quả thứ phát của suy giảm chức năng buồng trứng cũng như tác dụng phụ của các phương pháp điều trị như dùng Tamoxifen, anastrozol. Nếu tình trạng nghiêm trọng, người bệnh có thể được điều trị với Venlafaxine hoặc Gabapentin [6]. 
    • Loãng xương: Đây cũng là vấn đề thường gặp của các bệnh nhân ung thư vú. Người bệnh nên được gợi ý đo mật độ xương khi bắt đầu điều trị nội tiết cũng như bổ sung canxi và vitamin D đầy đủ, tập aerobic và bỏ thuốc lá nếu trước đó có sử dụng [6].

    Bên cạnh đó, người bệnh còn có thể phải đối mặt với một số vấn đề khác như đau khớp, thay đổi về da và cân nặng, tim mạch… [6]. Khi có bất cứ vấn đề nào khó chịu, người bệnh nên gặp các bác sĩ, nhân viên y tế điều trị để có được những lời khuyên chính xác nhất.

    Ngoài ra, theo khuyến cáo, người bệnh ung thư vú cũng cần duy trì chế độ ăn và tập luyện phù hợp. Về chế độ ăn, người bệnh được khuyến nghị nên ăn nhiều trái cây tươi, rau và các loại đậu (ít nhất hai phần trái cây mỗi ngày); giảm ăn thịt đỏ (xuống 1–2 lần mỗi tuần) và thịt chế biến sẵn. Đồng thời, chú ý ăn nhiều cá, sử dụng dầu ô liu và các thực phẩm làm từ sữa. Về chế độ tập luyện, người bệnh nên dành 150 phút hoạt động thể chất vừa phải mỗi tuần [6]. 

    3. Nâng cao sức khỏe tinh thần

    Lo lắng về việc ung thư tái phát là điều bình thường, đặc biệt trong thời gian đầu sau điều trị. Đây là một trong những nỗi sợ hãi phổ biến nhất mà mọi người gặp phải sau điều trị ung thư. Tuy nhiên, ung thư chỉ là một phần của cuộc sống và chúng ta luôn có hy vọng. [7] 

    Để vượt qua được nỗi sợ hãi này, người bệnh có thể dành thời gian tìm hiểu về ung thư cũng như những việc mình có thể làm để chăm sóc sức khỏe bản thân. Ngoài ra, người bệnh cũng nên chia sẻ, bày tỏ những cảm xúc mình đang gặp phải như giận dữ, buồn bã… với người thân, bạn bè [7]. 

    Bên cạnh đó, việc thực hiện một số biện pháp như tập thể dục, tập yoga, thiền… cũng có thể mang đến nhiều lợi ích trong việc giúp  giảm căng thẳng, lo lắng. Và cuối cùng, người bệnh có thể tham gia vào các hội nhóm, cộng đồng những người mắc ung thư vú. Việc tham gia các hội nhóm này sẽ giúp người bệnh có cơ hội chia sẻ cảm xúc, những vấn đề thực tế đang đối mặt cũng như có thêm “kinh nghiệm” để đương đầu với các tác dụng phụ do việc điều trị gây ra [7].

    4. Hạn chế những thói quen không tốt

    Ngoài những điều kể trên, sau điều trị ung thư vú, người bệnh cũng cần lưu ý một số vấn đề sau trong sinh hoạt:

    • Sử dụng thức uống có cồn như rượu, bia ở mức độ vừa phải. Trong một nghiên cứu lớn nhất trên 1897 bệnh nhân sau điều ung thư vú cho thấy những người uống >6(g) alcohol mỗi ngày (tương đương ít nhất 3 đến 4 ly rượu 1 tuần) có nguy cơ tái phát và tử vong cao hơn đáng kể so với những người uống <0,5 (g) mỗi ngày [6], [8].
    • Bỏ thuốc lá (nếu có). Hiện có một số nghiên cứu cũng đã chỉ ra mối liên hệ giữa hút thuốc lá và sự tái phát sau điều trị ung thư vú. Đối với các bệnh nhân mắc ung thư vú, tỉ lệ tái phát cao tỉ lệ thuận với mức độ hút thuốc của họ. Đặc biệt, ở các đối tượng có thụ thể nội tiết dương tính thì những người hút thuốc có tỉ lệ tái phát ở vú đối bên cao hơn [6], [9].

    Khi được phát hiện ở giai đoạn sớm, ung thư vú là bệnh có tiên lượng khá tốt [1]. Sau điều trị ban đầu, người bệnh nên tự theo dõi sức khỏe của bản thân. Khi phát hiện thấy bất thường, nên báo cho bác sĩ điều trị hoặc đến bệnh viện để được kiểm tra khẳng định tình trạng tái phát và được điều trị càng sớm càng tốt.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tác giả:

    Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam

    Ung thư - Ung bướu · BCNV


    Ngày cập nhật: 2 tuần trước

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo