backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Huyết áp 140/90 mmHg có cao không, nguy hiểm không và khi nào cần uống thuốc?

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương · Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 2 ngày trước

Huyết áp 140/90 mmHg có cao không, nguy hiểm không và khi nào cần uống thuốc?

Huyết áp là một trong các chỉ số sức khỏe được nhiều người quan tâm. Tình trạng huyết áp cao hay huyết áp thấp là tùy người, tùy từng độ tuổi và có thể tìm ẩn gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Nếu bạn thường xuyên đo được huyết áp 140/90 mmHg tại nhà thì bài viết này là dành cho bạn đấy!

Huyết áp 140/90 mmHg có cao không?

huyết áp 140/90 có phải là cao không?

Huyết áp được định nghĩa là áp lực của máu tác động lên thành động mạch khi tim bơm máu, được thể hiện thông qua chỉ số huyết áp tâm thu (số đứng trước) và huyết áp tâm trương (số đứng sau).

Huyết áp cao là bao nhiêu? Theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp tại Việt Nam, huyết áp cao (hay tăng huyết áp) được định nghĩa là khi đo được chỉ số huyết áp tâm thu từ trên 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương từ trên 90 mmHg.

Vậy, nếu bạn thắc mắc “Huyết áp 140/90 mmHg có phải là cao không?”, “Huyết áp 140/90 mmHg là cao hay thấp?” hay “Huyết áp 140/90 mmHg là sao?”, câu trả lời là nếu bạn đo huyết áp nhiều lần đều cho kết quả từ trên 140/90 mmHg; đồng nghĩa bạn có thể đã mắc bệnh huyết áp cao độ 1 (dựa theo phân độ tăng huyết áp tại Việt Nam). Lúc này, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị nếu cần dù cho chưa xuất hiện triệu chứng bất thường nào rõ rệt.

Huyết áp 140/90 mmHg có nguy hiểm không?

huyết áp 140/90 có nguy hiểm không?

Thật không may, câu trả lời là . Huyết áp 140/90 mmHg tức là áp lực đẩy máu vào thành động mạch luôn ở mức quá cao. Điều này gây thêm căng thẳng cho tim, làm tổn thương mạch máu cũng như các cơ quan đích như não, mắt và thận.

Theo thời gian, huyết áp cao sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm sau đây:

  • Đau tim
  • Đột quỵ
  • Suy tim
  • Bệnh tim
  • Bệnh động mạch vành
  • Bệnh động mạch ngoại vi
  • Phình động mạch chủ
  • Bệnh thận mạn tính
  • Giảm thị lực
  • Chứng mất trí nhớ, đặc biệt là ở người lớn tuổi.

Huyết áp 140 90 mmHg có phải uống thuốc?

Điều trị huyết áp cao là giúp đưa huyết áp về mức mục tiêu và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm vừa đề cập ở trên. Đối với những người đã được chẩn đoán bị huyết áp cao, mục tiêu là giữ huyết áp dưới 140/90 mmHg. Đối với những người mắc bệnh tiểu đường hoặc bệnh thận mạn tính, mục tiêu huyết áp nên giữ dưới 130/80 mmHg.

Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân thay đổi lối sống trước tiên và kiểm tra huyết áp định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe trước khi có những chỉ định cần phải dùng thuốc.

huyết áp 140/90 và những thay đổi lối sống

Những thay đổi lối sống mà bệnh nhân huyết áp từ trên 140/90 mmHg nên áp dụng bao gồm:

  • Ăn nhạt, giảm lượng muối ăn không quá 6 gam mỗi ngày (khoảng 1 thìa cà phê).
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng, ít chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa
  • Bổ sung nhiều trái cây, rau quả, ngũ cốc nguyên hạt và sữa ít béo
  • Bổ sung kali thông qua thực phẩm bao gồm chuối, bơ và khoai tây (cả vỏ)
  • Cắt giảm lượng rượu bia, cà phê và nước ngọt
  • Uống nhiều nước, lượng nước khuyến nghị là 40 ml/kg cân nặng/ngày, trường hợp cao tuổi hơn thì cần 30 – 35 ml/kg cân nặng/ngày
  • Giảm cân nếu đang thừa cân để duy trì cân nặng hợp lý
  • Luyện tập thể dục đều đặn ít nhất khoảng 30 phút mỗi ngày, 5 ngày/tuần
  • Giảm căng thẳng, thư giãn và nghỉ ngơi hợp lý
  • Bỏ thuốc lá nếu có thói quen hút thuốc.

Huyết áp 140 90 mmHg có phải uống thuốc không còn phụ thuộc vào tuổi tác, chỉ số huyết áp và nguy cơ phát triển các biến chứng khác như đau tim hoặc đột quỵ. Bệnh nhân có thể cần dùng thuốc để hạ huyết áp nếu thay đổi lối sống không đủ để ổn định huyết áp về mức mục tiêu. Một số người bị huyết áp cao có thể cần dùng một hoặc kết hợp cùng lúc nhiều loại thuốc để ngăn huyết áp tăng quá cao.

Các loại thuốc hạ huyết áp thường được chỉ định bao gồm:

  • Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE)
  • Thuốc ức chế thụ thể angiotensin-2 (ARB)
  • Thuốc chẹn kênh canxi
  • Thuốc lợi tiểu.

Bạn có thể quan tâm:

Bệnh nhân huyết áp 140/90 mmHg có thể phải dùng thuốc huyết áp trong suốt quãng đời còn lại. Tuy nhiên, bác sĩ có thể giảm hoặc ngừng điều trị nếu huyết áp đã được kiểm soát tốt trong vài năm và chỉ với các biện pháp thay đổi lối sống đơn thuần. Trong hầu hết các trường hợp, việc thay đổi liều lượng thuốc hoặc thời điểm dùng thuốc có thể giúp giảm tác dụng phụ có thể xảy ra. Tuy nhiên, tuyệt đối không tự ý thay đổi liều lượng hoặc ngừng dùng thuốc mà không có sự đồng ý của bác sĩ. Như vậy, điều quan trọng để ổn định huyết áp là phải dùng thuốc đúng theo chỉ dẫn.

Hi vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về chỉ số huyết áp 140/90 mmHg để biết tình trạng sức khỏe của mình đang đứng trước những nguy cơ gì và cần điều trị ra sao. Huyết áp cao là một căn bệnh mạn tính và cần điều trị suốt đời. Do đó, bệnh nhân cần nhận biết sớm, hiểu về các số đo huyết áp để chủ động điều trị sớm, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra trong tương lai.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 2 ngày trước

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo