Nguyên nhân ung thư tuyến tiền liệt vẫn chưa được các nhà khoa học xác định rõ. Tuy nhiên, một số yếu tố nguy cơ có thể khiến các tế bào ở tuyến tiền liệt phát triển bất thường, tạo thành tế bào ung thư. Theo thống kê, cứ 9 người đàn ông thì có 1 người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Đây là một trong các loại ung thư phổ biến nhất ảnh hưởng đến nam giới.
Một số nam giới có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn. Vậy, nguyên nhân gây ung thư tuyến tiền liệt là gì? Các yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu và khám phá trong bài viết ngay sau đây nhé!
Nguyên nhân nào gây ung thư tuyến tiền liệt?
Ở mức độ cơ bản, nguyên nhân ung thư tuyến tiền liệt là do những thay đổi trong ADN của một tế bào tuyến tiền liệt bình thường. ADN là hợp chất hóa học trong tế bào tạo nên gen của mỗi con người, gen này kiểm soát quá trình tế bào phát triển, phân chia thành các tế bào mới và chết đi.
Trong số đó, các gen giúp tế bào phát triển bất thường, phân chia và tồn tại lâu hơn được gọi là gen sinh ung thư. Còn các gen khác chịu trách nhiệm giữ cho sự phát triển của tế bào trong tầm kiểm soát, sửa chữa những sai khác trong ADN hoặc khiến tế bào chết đúng chu kỳ được gọi là gen ức chế khối u.
Nguyên nhân gây ung thư tuyến tiền liệt có thể là do đột biến ADN (hoặc các dạng thay đổi khác) làm bật các gen sinh ung thư hoặc tắt các gen ức chế khối u ở khu vực tuyến tiền liệt. Những đột biến gen này dẫn đến các tế bào phát triển ngoài tầm kiểm soát và gây bệnh ung thư.
Đột biến ADN có thể được di truyền từ cha mẹ (đột biến gen di truyền) hoặc bất ngờ xuất hiện ở một giai đoạn nào đó trong cuộc đời của mỗi người (đột biến gen mắc phải).
Đột biến gen di truyền
Một số đột biến gen được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và có thể được tìm thấy trong tất cả các tế bào trên cơ thể. Có khoảng 10% trường hợp nguyên nhân ung thư tuyến tiền liệt là do đột biến gen di truyền. Ung thư do gen di truyền được gọi là ung thư di truyền. Một số gen đột biến di truyền có liên quan đến ung thư tuyến tiền liệt, bao gồm:
- BRCA1 và BRCA2: Những gen ức chế khối u này thường giúp sửa chữa những sai khác trong ADN của tế bào (hoặc sẽ khiến tế bào chết đi nếu không thể sữa chữa được sai khác). Những đột biến di truyền trong các gen này thường gây ra ung thư vú và ung thư buồng trứng ở phụ nữ. Tuy nhiên, một phần trăm nhỏ những đột biến gen này (đặc biệt là BRCA2) là nguyên nhân gây ung thư tuyến tiền liệt.
- CHEK2, ATM, PALB2 và RAD51D: Những đột biến trong các gen ức chế khối u này cũng có thể là nguyên nhân gây ung thư tuyến tiền liệt di truyền.
- Các gen sửa chữa lỗi ghép cặp ADN (chẳng hạn như MSH2, MSH6, MLH1 và PMS2): Những gen này thường sửa chữa các lỗi trong ADN khi một tế bào đang chuẩn bị phân chia thành 2 tế bào mới. Những người đàn ông có đột biến di truyền ở một trong những gen này sẽ mắc phải hội chứng Lynch (còn được gọi là ung thư đại trực tràng không đa polyp di truyền hoặc HNPCC), làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng, ung thư tuyến tiền liệt và một số bệnh ung thư khác.
- RNASEL (trước đây là HPC1): Chức năng bình thường của gen ức chế khối u RNASEL là giúp các tế bào chết đi khi có sự cố bất thường bên trong. Tuy nhiên, đột biến di truyền trong gen này sẽ khiến các tế bào bất thường sống lâu hơn. Điều này có thể là nguyên nhân gây ung thư tuyến tiền liệt.
- HOXB13: Gen này rất quan trọng trong sự phát triển của tuyến tiền liệt. Các đột biến trong gen này có liên quan đến ung thư tuyến tiền liệt khởi phát sớm xảy ra trong một số gia đình. May mắn thay, đột biến gen HOXB13 là rất hiếm gặp.
Ngoài ra, một số các đột biến gen di truyền khác cũng có thể là nguyên nhân gây ung thư tuyến tiền liệt di truyền và đang được các nhà khoa học nghiên cứu thêm.
Đột biến gen mắc phải có thể là nguyên nhân ung thư tuyến tiền liệt
Nguyên nhân ung thư tiền liệt tuyến cũng có thể là do các gen đột biến bất ngờ xuất hiện ở một giai đoạn nào đó trong cuộc đời của người bệnh. Chúng được gọi là đột biến gen mắc phải và không được truyền sang con cái. Hầu hết các đột biến gen liên quan đến ung thư tuyến tiền liệt thường là đột biến mắc phải chứ không phải do di truyền.
Các tế bào trong cơ thể liên tục chết đi và được thay thế bằng các tế bào mới. Mỗi khi một tế bào trong cơ thể chuẩn bị phân chia thành 2 tế bào mới, nó phải sao chép ADN. Quá trình này đôi khi xảy ra lỗi và làm xuất hiện ADN bị đột biến trong tế bào mới. Đây được cho là nguyên nhân ung thư tuyến tiền liệt thường gặp hiện nay.
Theo nhiều nghiên cứu, các tế bào tuyến tiền liệt phát triển và phân chia càng nhanh thì càng có nhiều nguy cơ phát sinh đột biến. Do đó, bất cứ yếu tố bên ngoài nào góp phần đẩy nhanh quá trình này đều có thể khiến bạn dễ mắc ung thư tuyến tiền liệt hơn.
Các yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như chế độ ăn uống kém khoa học, nồng độ nội tiết tố nam testosterone tăng cao, lười vận động, tiếp xúc nhiều với các bức xạ và chất hóa học độc hại là các yếu tố có liên quan mật thiết đến đột biến gen mắc phải.
Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc ung thư tuyến tiền liệt
Nguyên nhân ung thư tiền liệt tuyến là do đột biến gen di truyền và đột biến gen mắc phải. Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ sau đây cũng có thể làm tăng khả năng mắc bệnh:
- Tuổi tác: Nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt sẽ tăng lên khi bạn càng lớn tuổi. Bệnh xuất hiện phổ biến nhất ở những người đàn ông trên 50 tuổi. Trên thực tế, 60% trường hợp ung thư tuyến tiền liệt xảy ra ở nam giới trên 65 tuổi.
- Chủng tộc: Người da đen có nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt cao hơn những người thuộc các chủng tộc khác. Ở người da đen, ung thư tuyến tiền liệt cũng có nhiều khả năng phát triển mạnh hoặc tiến triển nặng hơn.
- Tiền sử gia đình: Nếu có một người thân cùng huyết thống, chẳng hạn như cha, anh em trai đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt, nguy cơ mắc bệnh của bạn sẽ tăng lên. Ngoài ra, nếu tiền sử gia đình có mang đột biến gen di truyền BRCA1 hoặc BRCA2 thì nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt của bạn cũng có thể cao hơn.
- Béo phì: Những người béo phì có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn so với những người có vóc dáng cân đối, sở hữu số cân nặng hợp lý. Đối với người béo phì, ung thư có nhiều khả năng bùng phát mạnh hơn và nguy cơ tái phát cao sau điều trị.
Làm cách nào để phòng ngừa nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt?
Bạn có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt bằng cách:
- Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh với đầy đủ trái cây và rau quả: Ăn nhiều loại trái cây, rau củ quả và ngũ cốc nguyên hạt để cơ thể luôn đủ dưỡng chất và khỏe mạnh.
- Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục giúp cải thiện sức khỏe tổng thể, duy trì cân nặng và cải thiện tâm trạng.
- Cố gắng duy trì cân nặng hợp lý: Nếu bạn đang bị thừa cân, hãy tập thể dục nhiều hơn và giảm lượng calo nạp vào cơ thể mỗi ngày để có thể sở hữu một cân nặng hợp lý.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ: Nếu bạn có nguy cơ cao bị ung thư tuyến tiền liệt, hãy thăm khám sức khỏe định kỳ, làm các xét nghiệm cần thiết và cân nhắc dùng thuốc hoặc áp dụng các phương pháp điều trị khác để giảm nguy cơ mắc bệnh.
Hy vọng thông qua bài viết này bạn đã hiểu hơn về nguyên nhân ung thư tuyến tiền liệt, các yếu tố nguy cơ và cách phòng ngừa hiệu quả. Hãy luôn duy trì một lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh, quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe của bản thân nhé!
[embed-health-tool-bmi]