backup og meta

Ung thư tuyến giáp giai đoạn 3

Ung thư tuyến giáp giai đoạn 3

Ung thư tuyến giáp giai đoạn 3 sống được bao lâu hay có chữa được không là điều mà nhiều bệnh nhân lo lắng. Cùng Hello Bacsi tìm hiểu nhé!

Khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến giáp giai đoạn 3, bạn chắc hẳn sẽ cảm thấy hoang mang và lo lắng. Những thông tin mà Hello Bacsi cung cấp trong bài viết này sẽ giúp ích cho bạn!

Ung thư tuyến giáp giai đoạn 3 là gì?

Ung thư tuyến giáp giai đoạn 3 (hay u tuyến giáp giai đoạn 3) là thời điểm khối u ác tính có đường kính lớn hơn 4cm, đã phát triển rộng ra bên ngoài tuyến giáp, lan đến các hạch bạch huyết lân cận ở cổ nhưng chưa di căn ra xa. Dù chưa có dấu hiệu di căn đến các cơ quan khác trên cơ thể nhưng không thể phủ nhận mức độ nguy hiểm khi ung thư tuyến giáp đã tiến triển đến giai đoạn này.

Nhận biết ung thư tuyến giáp giai đoạn 3 thông qua triệu chứng nào?

Mỗi giai đoạn của ung thư tuyến giáp sẽ xuất hiện những triệu chứng đặc trưng, đánh dấu cho mức độ tấn công của các tế bào ung thư ác tính đến cơ thể người bệnh. Bên cạnh những dấu hiệu ung thư tuyến giáp xuất hiện ngay từ những giai đoạn đầu, ung thư tuyến giáp giai đoạn 3 còn xuất hiện thêm một vài triệu chứng đặc biệt nghiêm trọng như sau:

dấu hiệu ung thư tuyến giáp giai đoạn 3

  • Khó nuốt, nuốt thức ăn bị đau, mắc nghẹn,…với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn so với giai đoạn đầu.
  • Xuất hiện hạch cổ: Lúc này, tế bào ung thư đã di căn đến các hạch bạch huyết lân cận nên cổ sẽ xuất hiện các hạch và nốt sần. Các hạch có thể phát triển ở động – tĩnh mạch cảnh, cơ thanh quản phía trước hoặc cơ xương đòn trên.
  • Khối u xâm lấn sang những cơ quan lân cận: Khối u có kích thước lớn, thường cứng và nằm cố định ở phía trước cổ, gây chèn ép khí quản, dây thanh quản, khiến bệnh nhân khó thở, khò khè, khàn giọng…
  • Da vùng cổ bị thâm đỏ, thậm chí chảy máu.

Chẩn đoán

Tương tự như các giai đoạn khác, để chẩn đoán ung thư tuyến giáp giai đoạn 3, bác sĩ sẽ tiến hành một số các bước thăm khám và xét nghiệm sau:

1. Khám lâm sàng

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng đáng ngờ nào thì bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng để xem xét những thay đổi về mặt thể chất trong tuyến giáp, chẳng hạn như các nốt sần ở vùng cổ, kiểm tra kích thước và độ chắc của tuyến giáp cũng như xem xét liệu có bất kỳ hạch bạch huyết nào xuất hiện ở cổ không. Bác sĩ cũng có thể hỏi bạn về các yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như bạn đã từng tiếp xúc với bức xạ liều cao chưa hay tiền sử gia đình có người từng bị u tuyến giáp không.

2. Xét nghiệm bằng hình ảnh

  • Siêu âm tuyến giáp: Sử dụng sóng âm có tần số cao để tạo ra hình ảnh chi tiết của tuyến giáp, nhằm mục đích là xác định được tình trạng tổn thương của tuyến giáp, cũng như biết rõ kích thước và vị trí của khối u.
  • Chụp CT, X-quang hoặc MRI: Nhằm quan sát vị trí, kích thước, mức độ xâm lấn của khối u, đồng thời xác định khối u có gây chèn ép khí quản hay không.

3. Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu không được sử dụng để tìm ra tế bào ung thư tuyến giáp. Tuy nhiên, phương pháp chẩn đoán này có thể giúp bác sĩ biết được tuyến giáp của bạn có hoạt động bình thường hay không, từ đó giúp bác sĩ quyết định thực hiện thêm các xét nghiệm khác cần thiết.

  • Xét nghiệm nồng độ hormone kích thích tuyến giáp trong máu (TSH hoặc thyrotropin) nhằm kiểm tra hoạt động tổng thể của tuyến giáp. Mức TSH được tạo ra bởi tuyến yên có thể cao nếu u tuyến giáp không tạo đủ hormone như bình thường.
  • Đo nồng độ thyroglobulin (một loại protein do tuyến giáp tạo ra) trong máu không được sử dụng để chẩn đoán nhưng có thể giúp ích trong việc điều trị và đánh giá khả năng tái phát bệnh. Trong vài tuần sau khi điều trị, nồng độ thyroglobulin trong máu của bạn sẽ rất thấp. Nếu nồng độ này vẫn bình thường, điều đó có nghĩa là vẫn còn tế bào ung thư tuyến giáp trong cơ thể bạn.
  • Xét nghiệm nồng độ calcitonin (một loại hormone giúp kiểm soát nồng độ canxi) trong máu có thể giúp tìm ra ung thư tuyến giáp thể tủy và xác định khả năng tái phát bệnh sau khi điều trị.

4. Sinh thiết chẩn đoán ung thư tuyến giáp giai đoạn 3

Trong khi sinh thiết, bác sĩ sẽ đưa một cây kim dài và mỏng qua da và vào nhân tuyến giáp. Hình ảnh siêu âm trước đó thường được sử dụng để định hướng chính xác và giúp kim chọc đúng vào vị trí của nốt sần. Bác sĩ sẽ sử dụng kim để loại bỏ các mẫu mô tuyến giáp đáng ngờ. Sau đó, bác sĩ sẽ đem mẫu mô thu thập được đi phân tích trong phòng thí nghiệm để xem liệu đây là u lành tính hay ác tính.

5. Nội soi thanh quản

Nội soi thanh quản là phương pháp chẩn đoán nhằm quan sát xem các dây thanh quản có hoạt động bình thường hay không. Các khối u tuyến giáp đôi khi có thể ảnh hưởng đến dây thanh quản. Đặc biệt, nếu bạn được chỉ định phẫu thuật để điều trị ung thư tuyến giáp, nội soi thanh quản có thể sẽ được thực hiện trước tiên.

Ung thư tuyến giáp giai đoạn 3 có chữa được không?

Tùy thuộc vào kết quả chẩn đoán cũng như tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ dự đoán ung thư tuyến giáp giai đoạn 3 có chữa được không và chỉ định phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp phù hợp. Thông thường, điều trị ung thư ở giai đoạn này có thể bao gồm sự kết hợp của phẫu thuật, điều trị bằng phóng xạ iod và xạ trị bên ngoài. Kết hợp 2 hoặc nhiều phương pháp điều trị sẽ giúp tăng cơ hội chữa khỏi và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.

điều trị ung thư tuyến giáp giai đoạn 3

Phẫu thuật điều trị ung thư tuyến giáp

Phẫu thuật ung thư tuyến giáp giai đoạn 3 thường được thực hiện để loại bỏ toàn bộ tuyến giáp. Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt đi toàn bộ tuyến giáp kết hợp với loại bỏ các hạch bạch huyết lân cận bị ảnh hưởng bởi tế bào ung thư. Tác dụng phụ có thể xảy ra đối với phương pháp điều trị này là làm ảnh hưởng đến dây thần kinh thanh quản, mất giọng, khàn giọng, khó thở,…

Liệu pháp hormone

Việc cắt toàn bộ tuyến giáp có thể gây nên một tác dụng phụ nữa gọi là suy tuyến cận giáp. Nguyên nhân là do tuyến giáp không hoạt động, mức độ hormone giải phóng từ tuyến giáp để duy trì nồng độ canxi trong máu bị suy giảm. Một số triệu chứng phổ biến bao gồm yếu và chuột rút cơ bắp, ngứa ran, bỏng rát và tê ở tay.

Vì vậy, sau khi phẫu thuật bệnh nhân có thể cần dùng thuốc thay thế hormone tuyến giáp levothyroxine suốt đời. Thuốc này nhằm cung cấp hormone tuyến giáp bị thiếu hụt và ngăn chặn nguy cơ tế bào ung thư có thể phát triển trở lại.

Phóng xạ iod

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng điều trị ung thư tuyến giáp giai đoạn 3 bằng iod phóng xạ có thể giúp cải thiện khả năng sống sót cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể nhú giai đoạn 3 hoặc thể nang. Phương pháp điều trị này đặc biệt có hiệu quả đối với những bệnh nhân ung thư đã di căn đến các hạch bạch huyết lân cận hoặc ở các vị trí xa trong cơ thể.

Điều trị bằng phóng xạ iod thường được tiến hành sau khi phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn tuyến giáp. Phương pháp này sử dụng liều lượng lớn của một dạng iod có tính phóng xạ nhằm phá hủy bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại sau quá trình phẫu thuật.

Khi điều trị bằng phương pháp phóng xạ iod, bệnh nhân sẽ phải uống iod phóng xạ dưới dạng viên nang hoặc chất lỏng. Iod phóng xạ được hấp thụ chủ yếu bởi các tế bào tuyến giáp (bao gồm cả tế bào ung thư). Vì vậy, ít có nguy cơ gây hại cho các tế bào khác trong cơ thể.

Các tác dụng phụ có thể bao gồm: khô miệng, đau miệng, viêm mắt, thay đổi vị giác hoặc khứu giác, mệt mỏi, chán ăn. Hầu hết iod phóng xạ sẽ được thải ra ngoài thông qua nước tiểu trong vài ngày đầu sau khi điều trị. Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn về các biện pháp phòng ngừa cần thực hiện trong thời gian đó để bảo vệ người khác khỏi ảnh hưởng của bức xạ. Bệnh nhân sẽ được yêu cầu tạm thời tránh tiếp xúc gần gũi với người khác, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ mang thai.

Xạ trị bên ngoài

Xạ trị bên ngoài là sử dụng các chùm tia bức xạ năng lượng cao để loại bỏ các tế bào ung thư bằng cách gây tổn thương và khiến chúng không thể phát triển, phân chia được nữa. Tương tự như phẫu thuật, xạ trị là một phương pháp điều trị tại chỗ được sử dụng để loại bỏ các tế bào ung thư tại một khu vực nhất định và chưa di căn quá xa.

Xạ trị bên ngoài có thể được tiến hành nếu phẫu thuật không phải là một lựa chọn an toàn và ung thư vẫn tiếp tục phát triển sau khi điều trị bằng phóng xạ iod. Xạ trị cũng có thể được tiến hành sau khi phẫu thuật nếu có nguy cơ tái phát ung thư cao.

Người bị ung thư tuyến giáp giai đoạn 3 sống được bao lâu?

Bị ung thư tuyến giáp giai đoạn 3 sống được bao lâu là thắc mắc của rất nhiều người. Tiên lượng sống phụ thuộc vào sự phát triển của tế bào ung thư, tình trạng sức khỏe, tuổi tác, hiệu quả của phác đồ điều trị… Ung thư tuyến giáp giai đoạn 3 khi đã lan đến hạch bạch huyết hoặc các mạch máu lân cận có tiên lượng xấu hơn so với giai đoạn tế bào ung thư chỉ giới hạn trong tuyến giáp.

ung thư tuyến giáp giai đoạn 3 sống được bao lâu?

Tiên lượng sống sau 5 năm của bệnh nhân ung thư tuyến giáp giai đoạn 3 theo từng thể như sau:

  • Tỷ lệ sống sau 5 năm của ung thư tuyến giáp thể nhú giai đoạn 3: 93%
  • Tỷ lệ sống sau 5 năm của ung thư tuyến giáp thể nang: 71%
  • Tỷ lệ sống sau 5 năm của ung thư tuyến giáp thể tủy: 81%
  • Tỷ lệ sống sau 5 năm của ung thư tuyến giáp không biệt hóa chỉ đạt khoảng 7% 

Có thể thấy, ung thư tuyến giáp khi bước qua giai đoạn 3 đã khá nghiêm trọng và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tính mạng của người bệnh. Vì vậy, nếu nhận thấy các dấu hiệu của bệnh, bạn cần đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị ngay.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

STAGE III THYROID CANCER. https://www.texasoncology.com/types-of-cancer/thyroid-cancer/stage-iii-thyroid-cancer. Ngày truy cập: 07/06/2021

Thyroid Cancer Treatment (Adult) (PDQ®)–Patient Version. https://www.cancer.gov/types/thyroid/patient/thyroid-treatment-pdq. Ngày truy cập: 07/06/2021

Treatment of Thyroid Cancer, by Type and Stage. https://www.cancer.org/cancer/thyroid-cancer/treating/by-stage.html. Ngày truy cập: 07/06/2021

Tests for Thyroid Cancer. https://www.cancer.org/cancer/thyroid-cancer/detection-diagnosis-staging/how-diagnosed.html. Ngày truy cập: 07/06/2021

Thyroid cancer. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/thyroid-cancer/diagnosis-treatment/drc-20354167. Ngày truy cập: 07/06/2021

Thyroid Cancer Stages. https://www.cancer.org/cancer/types/thyroid-cancer/detection-diagnosis-staging/staging.html. Ngày truy cập: 22/09/2023

Number stages for papillary and follicular thyroid cancer. https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/thyroid-cancer/stages-types/stages-papillary-follicular. Ngày truy cập: 22/09/2023

Phiên bản hiện tại

22/09/2023

Tác giả: Trúc Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Tuyến giáp có chức năng gì? Vai trò của hormone tuyến giáp đối với cơ thể

Ung thư tuyến giáp thể nhú là gì? Có nguy hiểm không?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 22/09/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo