Ung thư tuyến giáp giai đoạn 2 được xem là giai đoạn mà tế bào ung thư đang phát triển một cách mạnh mẽ, gây nên những biểu hiện rõ ràng hơn. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ trở nên nguy hiểm, thậm chí là đe dọa đến tính mạng.
Vậy, làm sao để chữa khỏi ung thư tuyến giáp giai đoạn 2 và ngăn ngừa việc khối u có thể di căn ra xa và nguy hiểm hơn? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu thông qua bài viết này nhé!
Ung thư tuyến giáp giai đoạn 2 là gì?
Ung thư tuyến giáp giai đoạn 2 là giai đoạn tiếp theo của bệnh. Lúc này, một hoặc nhiều khối u ác tính xuất hiện ở tuyến giáp đã phát triển và có kích thước nằm trong khoảng từ 2 – 4cm. Tuy nhiên, các khối u vẫn còn nằm trong tuyến giáp và chưa lây lan đến các hạch bạch huyết ở cổ cũng như chưa di căn đến các cơ quan xa nên vẫn còn cơ hội điều trị thành công.
Ung thư tuyến tuyến giáp giai đoạn 2 nếu không được phát hiện và điều trị sớm thì tế bào ung thư sẽ nhân lên theo cấp số nhân. Từ đó, chúng dần dần lan ra bên ngoài tuyến giáp, di căn đến nhiều bộ phận khác trên cơ thể và gây nên những triệu chứng nghiêm trọng hơn. Một vài triệu chứng của ung thư tuyến giáp được biểu hiện rõ ràng hơn trong giai đoạn này như sưng cổ, khó nuốt, khó thở, khàn tiếng, mất giọng,…
Ung thư tuyến giáp giai đoạn 2 sống được bao lâu?
Theo thống kê của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS), ung thư tuyến giáp ở giai đoạn sớm này thường có tiên lượng sống sau chẩn đoán và điều trị khá tốt, đặc biệt trong trường hợp nếu ung thư chỉ được tìm thấy ở tuyến giáp và chưa lan rộng ra xa. Tỉ lệ sống sót sau 5 năm ở giai đoạn ung thư khu trú có thể lên đến trên 90%.
Tiên lượng sống của bệnh nhân ung thư tuyến giáp còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nữa như loại ung thư, tình trạng sức khỏe hiện tại của bệnh nhân và khả năng đáp ứng với phương pháp điều trị được áp dụng. Phát hiện bệnh càng sớm thì việc điều trị càng dễ dàng và tỷ lệ thành công cũng cao hơn.
Chữa khỏi ung thư tuyến giáp giai đoạn 2 như thế nào? Các phương pháp điều trị
Việc chữa khỏi ung thư tuyến giáp giai đoạn 2 là điều hoàn toàn có thể (có thể sống sót sau 5 năm). Một số phương pháp điều trị hiệu quả có thể giúp kéo dài tuổi thọ và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Cụ thể như sau:
1. Phẫu thuật
Hầu hết các trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh đều được chỉ định phẫu thuật. Một số trường hợp bắt buộc phải phẫu thuật là những bệnh nhân trên 40 tuổi, xuất hiện nhiều khối u tuyến giáp và có dấu hiệu khối u di căn ra xa.
Tuy nhiên, một vài trường hợp đặc biệt sẽ không được phẫu thuật để đảm bảo an toàn, có thể kể đến như những bệnh nhân tuổi quá cao (trên 70 tuổi), khối u tuyến giáp quá to xâm lấn sang thực quản, bệnh nhân bị suy tim hoặc suy thận nặng thì không nên phẫu thuật bởi tỷ lệ rủi ro khá cao.
Quá trình tiến hành phẫu thuật điều trị ung thư tuyến giáp giai đoạn 2 được diễn ra như sau:
- Bác sĩ gây mê tiến hành gây mê nội khí quản cho bệnh nhân.
- Bác sĩ phẫu thuật tiến hành rạch một đường hình chữ U có đáy quay xuống khu vực cổ.
- Bóc tách da đến bờ dưới sụn giáp.
- Sau khi tuyến giáp lộ ra, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp có chứa khối u.
Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ cần phải bổ sung hormone tuyến giáp trong suốt quãng đời còn lại của mình. Hormone tuyến giáp được bổ sung nhằm mục đích duy trì mức độ hormone cần thiết cho cơ thể trong trường hợp tuyến giáp không hoạt động. Đồng thời, ngăn chặn sự phát triển của bất kỳ tế bào nào có thể gây ung thư tuyến giáp về lâu dài.
2. Xạ trị
Sau khi phẫu thuật, đa số các trường hợp bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp giai đoạn 2 đều được chỉ định tiến hành xạ trị để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại. Đồng thời, giảm khả năng bệnh có thể tái phát sau mổ.
Hầu hết các bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp đều phải sử dụng phương pháp xạ trị bằng iod phóng xạ năng lượng cao để bắn phá và loại bỏ các tế bào ung thư. Vì tế bào tuyến giáp là nhóm tế bào duy nhất sử dụng i-ốt để tạo ra hormone nên phương pháp này chỉ ảnh hưởng đến tế bào tuyến giáp, bao gồm cả tế bào ung thư, chứ không gây hại đến các mô khác. Trong điều trị khối u tuyến giáp ác tính, chất phóng xạ I-131 được sử dụng khá phổ biến.
Sau khi được điều trị bằng xạ trị, bệnh nhân phải cách ly từ 3 – 7 ngày, sau đó mới được trở về nhà để đảm bảo an toàn. Bệnh nhân cũng cần hạn chế tiếp xúc với phụ nữ có thai và trẻ em để tránh làm ảnh hưởng đến những đối tượng này. Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú sẽ không được chỉ định điều trị bằng phương pháp này.
Làm gì để ngăn chặn tiến triển của bệnh ung thư tuyến giáp giai đoạn 2?
Bệnh nhân hoàn toàn có thể thay đổi thói quen sinh hoạt và chế độ ăn uống để ngăn chặn bệnh tiến triển nặng hơn, bao gồm:
1. Tránh tiếp xúc với môi trường bức xạ
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nguyên nhân gây ung thư tuyến giáp là do tiếp xúc với môi trường bức xạ liều cao trong một thời gian dài. Vì vậy, bệnh nhân cần tránh làm việc trong các môi trường có tia bức xạ cao như nhà máy sản xuất linh kiện điện tử, nhà máy điện hạt nhân,…Nếu cần thì hãy sử dụng đồ bảo hộ lao động để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, nếu phải chụp CT hay chụp X-quang để chẩn đoán bệnh thì bạn hãy cố gắng trao đổi với bác sĩ để dùng liều lượng bức xạ thấp nhất mà vẫn đảm bảo cho ra được hình ảnh rõ nét.
2. Bổ sung iod vào chế độ ăn uống
Tuyến giáp vẫn cần một lượng iod để hoạt động ổn định và tạo ra các kích thích tố, chẳng hạn như thyroxine. Việc ăn uống thiếu iod trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ khiến các tế bào ung thư phát triển mạnh mẽ hơn.
Vì vậy, bệnh nhân ung thư tuyến giáp giai đoạn 2 cần bổ sung iod vào chế độ ăn uống hàng ngày của mình thông qua các loại thực phẩm lành mạnh, có thể kể đến như cá, sò, ốc, tôm, trứng, hành tây, củ cải, khoai tây, chuối,…
Tuy nhiên, lưu ý rằng, trước các đợt điều trị bằng i-ốt phóng xạ, bác sĩ có thể khuyên bạn nên ăn theo chế độ ít i-ốt để khiến tế bào ung thư đói i-ốt và đáp ứng với phương pháp này tốt hơn.
3. Duy trì cân nặng hợp lý
Bệnh nhân ung thư tuyến giáp giai đoạn 2 cần duy trì cân nặng hợp lý với một chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh. Bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin và chất xơ như rau xanh, trái cây để tăng sức đề kháng và giúp cơ thể chống chọi lại với các tế bào ung thư đang tồn tại.
Tránh ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn, các món chiên xào nhiều dầu mỡ bởi chúng sẽ khiến bạn tăng cân, béo phì. Đồng thời, việc ăn nhiều thực phẩm kém lành mạnh còn tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập vào tuyến giáp khiến bệnh tình thêm nghiêm trọng. Ngoài ra, không uống bia rượu hay sử dụng chất kích thích làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tổng thể.
4. Kiểm tra sức khỏe tuyến giáp định kỳ
Kiểm tra sức khỏe định kỳ và theo dõi những thay đổi bất thường trên cơ thể là cách tốt nhất để phòng ngừa và điều trị bệnh thành công. Sau khi được chẩn đoán và phẫu thuật điều trị ung thư tuyến giáp giai đoạn 2, bệnh nhân vẫn nên tuân thủ theo lịch tái khám định kỳ mà bác sĩ đưa ra. Đồng thời, sử dụng thuốc bổ sung hormone tuyến giáp trong suốt quãng đời còn lại để phòng ngừa bệnh có thể tái phát.
Hy vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn thêm nhiều thông tin hữu ích về bệnh ung thư tuyến giáp giai đoạn 2. Ở giai đoạn này, bệnh vẫn có thể được điều trị hiệu quả. Vì vậy, nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào của ung thư tuyến giáp, bạn cần đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời nhé.
[embed-health-tool-bmi]