Ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu có thể không biểu hiện thành bất kỳ triệu chứng nào rõ rệt. Trong nhiều trường hợp, bệnh chỉ được phát hiện khi khám sức khỏe định kỳ hoặc trong quá trình chẩn đoán các bệnh lý khác. Tuy nhiên, nếu được điều trị ở giai đoạn này, bệnh có tỷ lệ chữa khỏi rất cao.
Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu về ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu để có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời căn bệnh nguy hiểm này nhé!
Ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu là gì?
Tương tự như các bệnh ung thư khác, bác sĩ sẽ xác định giai đoạn ung thư tuyến giáp dựa trên mức độ lan rộng của tế bào, khối u ác tính đã lan đến đâu trong cơ thể và liệu chúng đã di căn đến các cơ quan khác hay chưa. Giai đoạn đầu là thời điểm bệnh mới xuất hiện.
Ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu hay ung thư tuyến giáp giai đoạn 1 là khi các khối u có kích thước nhỏ hơn 2cm, chỉ mới hình thành bên trong tuyến giáp và chưa phát triển ra bên ngoài. Tức là, khối u tuyến giáp chưa có tình trạng lây lan ra các hạch bạch huyết hay các khu vực lân cận. Vì vậy, bệnh thường chưa biểu hiện thành các triệu chứng rõ ràng và sẽ rất khó phát hiện nếu không đi khám sức khỏe định kỳ thường xuyên.
Dấu hiệu ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu dễ nhận biết
Tuy dấu hiệu ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu rất khó phát hiện nhưng nếu bạn là người thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ và theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của bản thân thì không khó để có thể nhận biết được những sự thay đổi bất thường trong cơ thể. Dưới đây là 6 dấu hiệu ung thư tuyến giáp sớm mà bạn cần lưu ý:
1. Một khối u hay nốt sần ở cổ có thể sờ thấy được qua da
Dấu hiệu đầu tiên của bệnh thường là một khối u hoặc nốt sần bất thường xuất hiện ở cổ. Bạn có thể tự mình nhìn thấy và sờ thấy khối u này dưới da. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể nhận thấy nó khi khám sức khỏe định kỳ.
Ban đầu, các khối u xuất hiện phía trước cổ thường không gây đau. Khối u này tương ứng với những khối tế bào ung thư đang phát triển bên trong tuyến giáp. Dần dần, các khối u ở cổ sẽ phát triển lớn hơn, gây sưng, đau nhức nghiêm trọng.
2. Đau nhức ở phía trước cổ, đôi khi lên đến tai
Bệnh nhân sẽ có cảm giác bị đau ở phía trước cổ một cách bất thường, không rõ nguyên nhân. Da vùng cổ cũng trở nên sậm màu hơn. Trong nhiều trường hợp, cơn đau phía trước cổ còn có thể lan rộng đến cả hàm và đôi khi lên đến tai, gây cảm giác khó chịu.
3. Khàn giọng hoặc thay đổi giọng nói
Thay đổi giọng nói cũng là một trong những dấu hiệu ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu khá dễ nhận biết. Tình trạng khàn tiếng hoặc những thay đổi trong giọng nói có thể xuất hiện và kéo dài vài tháng do các dây thần kinh ở thanh quản phía sau tuyến giáp bị ảnh hưởng. Ngoài ra, khối u tuyến giáp khi lan rộng cũng có thể gây tổn thương đến dây thanh quản.
4. Đau họng, khó nuốt
Một khối u hoặc nốt sần phát triển trong tuyến giáp có thể làm cản trở quá trình nuốt. Điều này cũng gây ra cảm giác đau ở họng. Vì vậy, bệnh nhân có thể gặp nhiều vấn đề khi uống nước, nuốt thức ăn, từ đó khiến họ có cảm giác ăn không ngon miệng, mệt mỏi kéo dài.
5. Khó thở và gặp các vấn đề về hô hấp
Bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp sẽ có cảm giác khó thở do các tế bào ung thư ở tuyến giáp chèn ép khí quản khiến đường thở bị thu hẹp. Đôi khi, bệnh nhân cũng có thể cảm thấy như bản thân đang thở bằng ống hút. Khó thở kéo dài thường là một dấu hiệu của bệnh mà bạn không nên bỏ qua.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Nếu bạn nhận thấy một khối u hoặc bị sưng dai dẳng ở tuyến giáp thì nên đi khám bác sĩ. Đặc biệt nếu các triệu chứng trùng khớp với bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:
- Khàn giọng kéo dài không rõ nguyên nhân
- Khó nuốt
- Đau họng kéo dài
- Đau nhức ở cổ không rõ nguyên nhân
Tuy nhiên, bạn hãy nhớ rằng, các triệu chứng đã đề cập ở trên cũng có thể không phải là ung thư tuyến giáp. Chúng có khả năng là biểu hiện của các vấn đề tuyến giáp khác, chẳng hạn như bướu cổ hoặc thậm chí là do một tình trạng không liên quan đến tuyến giáp như nhiễm trùng gây ra.
Các khối u ở tuyến giáp hầu hết thường lành tính. Tuy nhiên, nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào thì bạn hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra để tìm ra nguyên nhân, xác định xem đó có phải là khối u ác tính hay không và điều trị nếu cần.
Ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu sống được bao lâu?
“Ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu sống được bao lâu?” chắc hẳn là câu hỏi mà nhiều người mắc bệnh lý này quan tâm. Tỷ lệ sống của bệnh nhân ung thư tuyến giáp phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn phát hiện bệnh. Ung thư tuyến giáp giai đoạn 1 thường tiến triển chậm. Nếu được phát hiện sớm, 95% người bệnh có thể sống thêm ít nhất 5 năm sau khi chẩn đoán. Ở giai đoạn này, bệnh có tỷ lệ điều trị thành công khá cao.
Điều trị ung thư tuyến giáp ở giai đoạn đầu như thế nào?
Cũng như các loại ung thư khác, ung thư tuyến giáp được phát hiện sớm sẽ dễ điều trị hơn và có nhiều khả năng mang lại kết quả tích cực. Sau khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị ung thư tuyến giáp phù hợp dựa trên kích thước và vị trí của khối u, cũng như tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
Một số phương pháp điều trị có thể được lựa chọn trong giai đoạn này, bao gồm:
- Phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp: Ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu chưa di căn đến các hạch bạch huyết gần cổ. Vì vậy, bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật loại bỏ một phần hoặc hoàn toàn tuyến giáp có chứa tế bào ung thư. Phương pháp này thường được áp dụng trong trường hợp khối u nhỏ, chưa lan rộng và di căn ra xa.
- Bổ sung hormone tuyến giáp: Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ cần sử dụng bổ sung hormone tuyến giáp hàng ngày để duy trì quá trình trao đổi chất trong cơ thể, đồng thời làm giảm nguy cơ bệnh tái phát.
- Xạ trị: Nếu bác sĩ đánh giá ung thư tuyến giáp ở giai đoạn đầu có khả năng tái phát cao thì sẽ chỉ định bệnh nhân tiến hành xạ trị. Xạ trị giúp tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật và ngăn chặn không cho chúng có thể tái phát. Một liêu pháp có thể được sử dụng là liệu pháp i-ốt phóng xạ.
Ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu không quá nguy hiểm và vẫn có cơ hội để chữa trị. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn có thể cái nhìn tích cực và sâu rộng về căn bệnh này. Đồng thời, nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe bằng cách duy trì một lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học và thường xuyên khám sức khỏe định kỳ.
[embed-health-tool-bmi]