Ung thư gan là một trong các loại bệnh ung thư phổ biến và chiếm tỷ lệ tử vong cao hàng đầu trên thế giới. Chính vì vậy, có rất nhiều câu hỏi xoay quanh việc tầm soát và chẩn đoán phát hiện bệnh như siêu âm có phát hiện ung thư gan không. Hãy cùng Hello Bacsi đi tìm lời giải đáp để hiểu rõ hơn về vai trò của siêu âm trong chẩn đoán và theo dõi điều trị ung thư gan nhé!
Siêu âm có phát hiện ung thư gan không?
Ung thư gan là loại ung thư phổ biến đứng hàng thứ 6 và tỷ lệ tử vong liên quan đến ung thư xếp hàng thứ 4 trên thế giới. Mỗi năm, có hơn nửa triệu trường hợp mắc bệnh mới được chẩn đoán trên toàn thế giới. Trong đó, ung thư biểu mô tế bào gan nguyên phát (hepatocellular carcinoma – HCC) là dạng ung thư gan phổ biến nhất, chiếm 80% trường hợp. Nhìn chung, siêu âm ổ bụng được biết đến là một phương pháp bước đầu giúp sàng lọc ung thư gan nguyên phát.
Siêu âm ổ bụng có phát hiện ung thư gan không?
Để hỏi “Siêu âm có phát hiện ung thư gan không?” thì câu trả lời là CÓ. Siêu âm ổ bụng là phương pháp chẩn đoán hình ảnh thường được chỉ định thực hiện đầu tiên khi nghi ngờ mắc ung thư gan. Bởi nó cung cấp hình ảnh chi tiết bên trong ổ bụng, giúp bác sĩ quan sát và xác định khối u mà không cần xâm lấn. Siêu âm không chỉ quan trọng trong việc giám sát mà còn quan trọng trong việc xác định đặc điểm của ung thư biểu mô tế bào gan.
Hầu hết bệnh nhân bị ung thư gan đều có biểu hiện xơ gan với chức năng gan kém và tỷ lệ tái phát cao. Vì vậy, việc siêu âm phát hiện sớm bệnh rất quan trọng để điều trị kịp thời, giúp giảm thiểu tổn thương và bảo tồn chức năng gan. Bên cạnh đó, phương pháp này cũng có thể được lặp lại nhiều lần và không sử dụng bức xạ nên rất phù hợp với bệnh nhân cao tuổi bị suy giảm chức năng thận.
Tuy nhiên, quá trình này có thể gặp nhiều khó khăn. Bởi tác động di chuyển và biến dạng của cấu trúc bụng do áp lực từ đầu dò hay nhịp thở, sự vôi hóa,… cũng ảnh hưởng đến quá trình ghi nhận sóng âm. Siêu âm ổ bụng vì thế cũng khó phát hiện được những khối u nhỏ hoặc những khối u nằm ở vị trí khó nhìn thấy được. Vì vậy, siêu âm ổ bụng có thể giúp phát hiện ung thư gan, tuy nhiên, trong một số trường hợp, chỉ siêu âm ổ bụng là chưa đủ và bạn cần làm thêm các xét nghiệm khác.
Siêu âm có phát hiện ung thư gan không với siêu âm Doppler?
Siêu âm Doppler màu và Doppler năng lượng chủ yếu được ứng dụng để kiểm tra lưu lượng máu bên trong và ở rìa khối u. Trong chẩn đoán ung thư gan nguyên phát, kết quả siêu âm Doppler thường thay đổi dựa trên kích thước và loại khối u:
- Đối với khối u nhỏ dưới 2cm, lưu lượng máu thường thấp và xuất hiện dưới dạng các đường hoặc điểm, bên trong hoặc xung quanh khối u.
- Đối với khối u lớn trên 2cm, lưu lượng dòng máu lưu thông sẽ tăng lên và quan sát thấy lưu lượng máu theo hình giỏ. Mô hình này đại diện cho một mạng lưới mạch máu mịn bao quanh khối u.
Siêu âm tăng cường chất tương phản (CEUS) chẩn đoán ung thư gan
Siêu âm gan có phát hiện ung thư không? Một trong các công nghệ được ứng dụng trong chẩn đoán ung thư gan bổ sung tại Hoa Kỳ, nhiều nước châu Âu và châu Á hiện nay là siêu âm tăng cường chất tương phản (CEUS).
Siêu âm tăng cường chất tương phản (CEUS) được sử dụng để xác nhận sự hiện diện của các tổn thương gan khu trú nghi ngờ là ung thư biểu mô tế bào gan sau các xét nghiệm chẩn đoán trước đó như siêu âm ổ bụng hoặc xét nghiệm máu alpha-fetoprotein (AFP) hoặc cả hai.
Theo hướng dẫn, chỉ cần thực hiện siêu âm tăng cường chất tương phản, không cần kết hợp chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI), cũng có thể cho thấy các dấu hiệu ung thư biểu mô tế bào gan điển hình ở những người bị xơ gan, đủ điều kiện để chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào gan.
Một số lượng đáng kể các trường hợp ung thư biểu mô tế bào gan có đặc điểm hình ảnh không điển hình và thường bị bỏ sót khi chụp MRI hay CT. Hình ảnh CEUS động thu được tương tự như hình ảnh CT và MRI nhưng CEUS thể hiện được hình ảnh tưới máu cơ quan, phân biệt giữa động mạch và tĩnh mạch cửa, từ đó biểu hiện các dấu hiệu đặc trưng của ung thư biểu mô tế bào gan trên siêu âm.
Ưu điểm của CEUS so với CT và MRI bao gồm hình ảnh thời gian thực, sử dụng chất tương phản không chứa iốt và không gây độc cho thận, đồng thời thời gian thực hiện xét nghiệm cũng diễn ra rất nhanh chóng. Bên cạnh những ưu điểm trên, việc sử dụng CEUS trong phác đồ chẩn đoán ung thư gan vẫn còn gây tranh cãi, với sự bất đồng về các hướng dẫn y khoa liên quan. Vì vậy, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để biết siêu âm có phát hiện ung thư gan không và nên thực hiện loại siêu âm nào để chẩn đoán chính xác nhất.
Chủ động tầm soát sớm ung thư gan
Vậy là, những thông tin trên đã giúp bạn phần nào giải đáp được câu hỏi “Siêu âm có phát hiện ung thư gan không?”. Nhìn chung, ung thư gan thường khó được phát hiện sớm vì không biểu hiện các dấu hiệu và triệu chứng rõ rệt cho đến khi bệnh đã tiến triển vào giai đoạn sau. Các khối u gan thường nhỏ và cũng rất khó phát hiện khi khám thực thể vì phần lớn gan được bao phủ bởi khung xương sườn bên phải. Vào thời điểm có thể nhìn thấy rõ và phát hiện khối u, nó có thể đã khá lớn.
Cho đến hiện nay, không có xét nghiệm sàng lọc ung thư gan nào được khuyến nghị rộng rãi ở những người có nguy cơ trung bình. Sàng lọc có nghĩa là xét nghiệm ung thư ở những người không có triệu chứng hoặc tiền sử ung thư. Tuy nhiên, một số xét nghiệm có thể được khuyến nghị đối với một số người có nguy cơ cao hơn.
Bác sĩ thường khuyến cáo thực hiện xét nghiệm hay chẩn đoán hình ảnh tìm ung thư gan nếu bệnh nhân bị xơ gan lâu năm và có dấu hiệu bệnh nặng hơn mà không có lý do rõ ràng.
Đối với những người có nguy cơ mắc ung thư gan cao hơn vì họ bị xơ gan (do bất kỳ nguyên nhân nào), bệnh nhiễm sắc tố sắt mô di truyền hoặc nhiễm viêm gan B hay viêm gan C mạn tính (ngay cả khi không bị xơ gan), một số bác sĩ cũng khuyên rằng nên sàng lọc ung thư gan bằng xét nghiệm máu alpha-fetoprotein (AFP) và siêu âm định kỳ 6 tháng một lần. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng tầm soát ung thư gan có liên quan đến việc cải thiện khả năng sống sót sau ung thư.
Qua bài viết trên đây, Hello Bacsi hi vọng đã giải đáp được cho bạn thắc mắc về việc siêu âm có phát hiện ung thư gan không. Ung thư gan là một bệnh lý nguy hiểm, cũng một phần liên quan đến việc phát hiện và điều trị bệnh không kịp thời. Vậy nên, đặc biệt đối với nhóm đối tượng có nguy cơ cao phát triển tế bào ung thư ở gan, hãy thường xuyên thăm khám sức khỏe tổng quát, siêu âm và thực hiện các xét nghiệm tầm soát ung thư gan định kỳ nhé!
[embed-health-tool-bmi]