backup og meta

Tìm hiểu về bệnh ung thư gan nguyên phát

Tìm hiểu về bệnh ung thư gan nguyên phát

Ung thư gan là căn bệnh nan y có tỷ lệ tử vong đứng thứ 2 trong số các bệnh ung thư. Trong đó, ung thư gan nguyên phát chiếm đa số các trường hợp và là nguyên nhân chính khiến bệnh nhân tử vong.

Bạn đã biết gì về loại ung thư gan nguy hiểm này? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về ung thư gan nguyên phát trong bài viết này nhé!

1. Bệnh ung thư gan nguyên phát là gì?

Ung thư gan nguyên phát là ung thư gan bắt đầu khi các tế bào gan phát triển vượt quá tầm kiểm soát và lấn át các tế bào bình thường khác. Điều này gây hủy hoại gan và làm giảm chức năng của bộ phận này. Không những vậy, các tế bào ung thư gan còn có thể phát triển và lây lan sang các cơ quan khác làm ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan này.

2. Sự khác nhau của ung thư gan nguyên phát và ung thư gan thứ phát

Ung thư gan nguyên phát (Ung thư khởi phát ở gan) là loại ung thư bắt đầu tại gan, do sự phát triển bất thường của các tế bào gan. Ung thư gan nguyên phát mới chính là ung thư gan thật sự.

Ung thư gan thứ phát là loại ung thư bắt đầu từ các cơ quan khác trong cơ thể và di căn sang gan, làm ảnh hưởng đến chức năng của gan. Về bản chất, loại ung thư này không phải là ung thư gan mà là ung thư của các bộ phận khác.

3. Có bao nhiêu loại ung thư gan nguyên phát?

Ung thư gan nguyên phát thường có 4 loại, bao gồm:

  • Ung thư biểu mô tế bào gan (Hepatocellular cancer – HCC)
  • Ung thư ống mật (Bile duct cancer)
  • Sarcom mạch máu (Angiosarcoma và hemangiosarcoma)
  • Ung thư nguyên bào gan (Hepatoblastoma)

Trong 4 loại ung thư nguyên phát, ung thư biểu mô tế bào gan thường gặp nhất, chiếm từ 85 – 90% các trường hợp. Vì loại ung thư này phổ biến nên thường được nghiên cứu nhiều nhất và các phương pháp điều trị cũng thường nhắm đến dạng ung thư này. Các loại ung thư khác thường hiếm thấy hơn, chỉ chiếm từ 10 – 15% các ca mắc bệnh.

4. Ung thư biểu mô tế bào gan

a. Khái niệm

Ung thư biểu mô tế bào gan là dạng ung thư nguyên phát bắt đầu do sự phát triển bất thường của các tế bào nhu mô gan.

b. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra ung thư biểu mô tế bào gan. Tuy nhiên theo họ, một số yếu tố nguy cơ có thể tiến triển thành bệnh bao gồm:

  • Xơ gan
  • Viêm gan B hoặc viêm gan C
  • Uống nhiều rượu bia và các thức uống có cồn
  • Bệnh đái tháo đường và bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD)
  • Một số bệnh chuyển hóa và di truyền.

Tình trạng ung thư biểu mô tế bào gan thường gặp ở bệnh nhân nam trên 50 tuổi vì yếu tố nguy cơ của những người này nhiều hơn người khác, đặc biệt gặp nhiều ở những bệnh nhân bị xơ gan hoặc viêm gan vừa uống rượu vừa hút thuốc.

c. Các giai đoạn và triệu chứng của ung thư gan

Ung thư gan có 2 giai đoạn là khởi phát và toàn phát.

  • Giai đoạn khởi phát: Đây là lúc bệnh còn ở dạng tiềm tàng và thường ít biểu hiện thành triệu chứng. Rất ít bệnh nhân có thể phát hiện bệnh trong giai đoạn này.
  • Giai đoạn toàn phát: Thường đa số các trường hợp phát hiện bệnh rơi vào giai đoạn này, khi các triệu chứng thể hiện rõ ràng. Bạn có thể cảm thấy đau ở phần bụng bên phải phía trên, đầy hơi khó chịu, sụt cân liên tục, sốt. Nếu gặp các trường hợp này kèm với các yếu tố nguy cơ, bạn nên đi khám ngay để được kiểm tra và xác định bệnh kịp thời.

d. Các phương pháp phát hiện ung thư biểu mô tế bào gan

  • Siêu âm
  • Xét nghiệm định lượng AFP
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT)
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI)
  • Sinh thiết gan

e. Phương pháp điều trị ung thư biểu mô tế bào gan

  • Phương pháp phẫu thuật: Phẫu thuật cắt bỏ một phần gan, ghép gan
  • Phương pháp phi phẫu thuật: Nút mạch hóa dầu (TACE), xạ trị chọn lọc, tiêm cồn tuyệt đối (PEI), phá hủy khối u tại chỗ bằng sóng cao tần (RFA), phá hủy khối u bằng vi sóng (MWA)…
  • Liệu pháp điều trị hệ thống: Phương pháp này thường là điều trị thuốc có tác dụng toàn thân.

5. Ung thư ống mật

a. Khái niệm

Ung thư ống mật (ICC) là loại ung thư bắt đầu từ các tế bào lót ống dẫn mật (cholangiocyte). Ung thư ống mật là loại ung thư gan nguyên phát phổ biến thứ hai sau HCC. Ung thư ống mật chiếm khoảng 10% tất cả các trường hợp ung thư đường mật.

b. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nhìn chung, ung thư ống mật có yếu tố nguy cơ tương tự như ung thư biểu mô tế bào gan. Một số yếu tố có liên quan gồm:

  • Viêm xơ chai đường mật hoặc xơ gan ứ mật nguyên phát
  • Dị tật bẩm sinh của ống mật, ví dụ như u nang đường mật
  • Sỏi gan hay còn gọi là sỏi đường mật trong gan
  • Viêm gan B và viêm gan C
  • Xơ gan do rượu
  • Nhiễm ký sinh trùng, đặc biệt Opisthorchis viverrini và Clonorchis sinensis, là những yếu tố nguy cơ đáng kể.

c. Triệu chứng của ung thư ống mật

Ung thư gan nguyên phát

Hầu hết bệnh nhân ung thư ống mật có các triệu chứng không đặc hiệu, ví dụ như:

  • Đau ở phần tư bụng phía trên bên phải
  • Sụt cân bất thường
  • Nồng độ ALP huyết thanh cao
  • Một số bệnh nhân có thể bị vàng da không đau

d. Các phương pháp phát hiện bệnh

Ung thư ống mật thường được phát hiện khi sàng lọc ung thư biểu mô tế bào gan. Một số các phương pháp phát hiện ung thư ống mật là:

  • Siêu âm: Siêu âm ổ bụng thường là phương thức chẩn đoán hình ảnh đầu tiên phát hiện khối u có hoặc không có sự giãn nở của đường mật.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Mức độ tổn thương và sự ảnh hưởng đến mạch máu được xác định bằng cách sử dụng CT 2 pha đa đầu dò. Nếu thực hiện dẫn lưu đường mật thì nên thực hiện sau khi chụp CT vì sự hiện diện của stent và dẫn lưu có thể cản trở việc đánh giá mức độ phát triển của khối u.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRCP) có độ chính xác tương đối cao để chẩn đoán và đánh giá tình trạng của khối u. MRCP có độ chính xác chẩn đoán lên tới 93% và được sử dụng để xác định sự di căn của khối u trong hệ thống ống và cấu trúc mạch máu.
  • Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) được sử dụng để chẩn đoán ICC ở gan khi chụp CT hoặc MRCP bị hạn chế.

e. Phương pháp điều trị ung thư ống mật

Phương pháp hỗ trợ trước điều trị 

  • Dẫn lưu đường mật: Ung thư ống mật có thể gây tắc nghẽn đường mật khi khối u phát triển về phía gan. Vì vậy, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện dẫn lưu đường mật để khắc phục tình trạng này.
  • Thuyên tắc tĩnh mạch cửa: Đây được xem là giải pháp giúp gan tăng sinh, từ đó giúp củng cố lượng tế bào gan bình thường, giúp nâng cao hiệu quả điều trị ung thư.

Phương pháp phẫu thuật

Điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ là phương pháp điều trị cho kết quả tốt nhất ở bệnh nhân mắc ung thư ống mật. Ung thư ống mật là một loại ung thư xâm lấn, hơi khác so với các loại ung thư nguyên phát khác. Với lựa chọn phù hợp, bệnh nhân có tỷ lệ sống sót 5 năm sau khi cắt bỏ vào khoảng 30 – 40%.

Hóa trị liệu toàn thân

  • Hóa trị trước phẫu thuật (pCT): Phương pháp này được sử dụng với nhiều mục đích, tuy nhiên cũng ít được sử dụng vì thiếu cơ sở khoa học chứng minh.
  • Hóa trị bổ trợ: Hóa trị bổ trợ nhằm mục đích giảm nguy cơ tái phát ung thư. Hóa chất sử dụng chủ yếu là các hợp chất nucleoside, phổ biến nhất là gemcitabine, đôi khi dùng kết hợp gemcitabine với cisplatin. Hiệu quả của hóa trị trong điều trị ung thư ống mật thường kém, chỉ một số ít bệnh nhân cho kết quả khả quan trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài thời gian sống.
  • Hóa trị giảm nhẹ: Cisplatin kết hợp với gemcitabine là một trong các liệu pháp tiêu chuẩn được sử dụng cho các bệnh nhân bị ung thư ống mật di căn. Dùng kết hợp 2 loại hóa chất này cho kết quả tốt hơn trong việc kéo dài thời gian sống so với chỉ dùng gemcitabine đơn lẻ.

Phương pháp điều trị khu vực

Các phương pháp điều trị khu vực thường được xây dựng dựa trên nguồn cung cấp máu kép của gan. Trong đó, tĩnh mạch cửa chịu trách nhiệm cung cấp máu nuôi các tế bào gan bình thường và động mạch gan chủ yếu cung cấp máu cho các khối u.

  • Tiêm truyền động mạch gan (HAI): Đối với phương pháp này, các bác sĩ sẽ tiến hành tiêm thuốc (thường là floxuridine) xuyên qua da vào bể chứa của bơm. Lượng thuốc này sẽ được bơm giải phóng chầm chậm và đều đặn theo thời gian vào động mạch gan.
  • Nút mạch hóa dầu (TACE): Hóa trị được cân nhắc sử dụng như một phương pháp tiền hỗ trợ trị liệu, giúp giảm thể tích khối u và đôi khi còn tác động trực tiếp đến các khối u nhỏ.
  • Xạ trị chọn lọc bằng Yttri-90 (Y-90) cũng nhằm kéo dài thời gian sống của các bệnh nhân. Kỹ thuật này truyền các hạt chứa đồng vị phóng xạ Y-90 vào động mạch gan giúp cải thiện đáng kể tình trạng của bệnh nhân.

6. Sarcom mạch máu

a. Sarcom mạch máu là gì?

Đây là dạng ung thư phát sinh các tế bào nội mô bên trong các mạch máu, có thể xuất hiện ở bất cứ khu vực nào trong cơ thể, kể cả gan. Sarcom mạch máu là một bệnh rất hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 2% các trường hợp ung thư gan nguyên phát.

Có hai loại sarcom là angiosarcoma và hemangiosarcoma, tuy nhiên angiosarcoma thường hay gặp ở người hơn hemangiosarcoma. Angiosarcoma thường gặp nhiều ở da và gan còn hemangiosarcoma thường xuất hiện ở lá lách và tim.

b. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Ung thư gan nguyên phát

Trong hầu hết các trường hợp, nguyên nhân gây nên sarcom mạch máu thường không rõ ràng. Nguyên nhân gây nên sarcom được các nhà khoa học biết đến nhiều nhất là phù bạch huyết, sưng một số vùng trong cơ thể do tích tụ các chất lỏng. Sarcom mạch máu có thể xảy ra do phơi nhiễm hoặc điều trị bằng phóng xạ.

Những người tiếp xúc nhiều với các chất hóa học như vinyl clorua, asen và thori dioxide cũng có nhiều nguy cơ mắc sarcom mạch máu.

c. Triệu chứng của sarcom mạch máu

Các triệu chứng của sarcom mạch máu thường không đặc hiệu như đầy bụng, khó chịu, mệt mỏi. Do nồng độ bilirubin tăng nên đôi khi có thể gây vàng da.

d. Các phương pháp phát hiện

Siêu âm và xác định nồng độ AFP trong máu không được sử dụng để phát hiện sarcom mạch máu do AFP thường không tăng trong phần lớn các trường hợp mắc bệnh.

Xét nghiệm hình ảnh như chụp cắt lớp CT và chụp cộng hưởng từ MRI là những phương thức được sử dụng để xác định tổn thương ở mạch máu và theo dõi sự phát triển của các khối u.

Chụp cắt lớp phát xạ (PET) được sử dụng để phát hiện các di căn của khối u.

e. Phương pháp điều trị

Việc điều trị loại bệnh ung thư gan này thường phụ thuộc vào giai đoạn chẩn đoán khối u. Nếu tổn thương có thể hồi phục thì việc phẫu thuật cắt bỏ khối u và cắt bỏ một phần là lựa chọn điều trị được sử dụng nhiều nhất.

Xạ trị thường không được sử dụng vì sarcom mạch máu không nhạy cảm với các tia phóng xạ. Tuy nhiên có thể áp dụng liệu pháp xạ trị nội bộ có chọn lọc (SIRT) để điều trị sarcom mạch máu. Trong phương pháp này, Yttri-90 được tiêm truyền vào động mạch nội mô để tiêu diệt các tế bào ung thư. Các phương pháp tiêm truyền qua động mạch khác cũng được sử dụng.

Thông người, các bác sĩ sẽ sử dụng hóa trị giảm nhẹ cho bệnh nhân với các chất thông dụng là 5-FU, carboplatin, doxorubicin, ifosfamide…

7. Ung thư nguyên bào gan (hepatoblastoma)

a. Khái niệm

Ung thư gan nguyên phát

Ung thư nguyên bào gan (HBL) thường gặp ở trẻ em, thường là các trẻ dưới 4 tuổi. Các tế bào của u nguyên bào gan tương tự như tế bào gan của thai nhi.

b. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Trẻ sinh non có cân nặng dưới 1kg có nguy cơ phát triển ung thư nguyên bào gan rất cao.

c. Triệu chứng của ung thư nguyên bào gan

Triệu chứng phổ biến nhất của ung thư nguyên bào gan là trướng bụng hoặc xuất hiện khối u vùng bụng. Một số trẻ em có biểu hiện khó chịu ở bụng, mệt mỏi toàn thân và chán ăn. Trẻ bị các khối u vỡ cũng có thể bị nôn mửa và thiếu máu trầm trọng. Trong một số trường hợp hiếm gặp, trẻ có biểu hiện dậy thì sớm vì sự tiết chorionic gonadotropin (hCG) quá nhiều do khối u.

d. Các phương pháp phát hiện

  • Siêu âm
  • Xác định nồng độ alpha – fetoprotein (AFP) trong máu
  • Phương thức chẩn đoán hữu ích nhất là chụp cắt lớp vi tính (CT) và chụp cộng hưởng từ (MRI)
  • Sinh thiết gan: Sinh thiết gan thường không cần thiết đối với trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 3 tuổi. Ngoài ra, việc sinh thiết gan thường có nguy cơ cao gây ra rủi ro lây lan khối u sang nhiều cơ quan khác.

e. Phương pháp điều trị ung thư nguyên bào gan

  • Cắt bỏ: Các bệnh nhân có một khối u cục bộ duy nhất có thể tiến hành phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn.
  • Ghép gan thường được chỉ định để điều trị cho các bệnh nhân ung thư nguyên bào gan di căn.
  • Đối với các bệnh nhân có tình trạng phức tạp, bác sĩ có thể sử dụng phương pháp cắt bỏ kết hợp với hóa trị liệu.
  • Một số phương pháp khác:
    • Thuyên tắc qua da (TAE) được sử dụng để kiểm soát xuất huyết phúc mạc ở bệnh nhân có khối u vỡ vì việc cắt bỏ thường kém hiệu quả đối với các khối u này.
    • Nút mạch hóa dầu (TACE): Đây là một phương pháp hiệu quả để điều trị khối u gan ở trẻ em. Tuy nhiên, việc điều trị cho trẻ em bằng TACE thường khó khăn và đòi hỏi phải gây mê toàn thân.

Ung thư gan nguyên phát là nguyên nhân chính gây tử vong đối với các bệnh nhân bị ung thư gan. Căn bệnh này rất nguy hiểm, do đó bạn cần đi tầm soát ung thư gan định kỳ để phát hiện ra những bất thường của gan để điều trị kịp thời.

Phương Quỳnh / HELLO BACSI

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

What Is Liver Cancer?

https://www.cancer.org/cancer/liver-cancer/about/what-is-liver-cancer.html

Ngày truy cập: 18/06/2019

Intrahepatic cholangiocarcinoma: current perspectives

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5328612/#b6-ott-10-1131

Ngày truy cập: 18/06/2019

Angiosarcoma of the Liver: Imaging of a rare salient entity

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4242144/

Ngày truy cập: 18/06/2019

Pediatric hepatoblastoma: diagnosis and treatment

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4728840/

Ngày truy cập: 18/06/2019

Phiên bản hiện tại

03/12/2019

Tác giả: Phương Quỳnh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

HỎI ĐỂ KHỎE HƠN - Các phương pháp chẩn đoán ung thư đại trực tràng | Hello Bacsi x SANOFI

HỎI ĐỂ KHỎE HƠN - Các lựa chọn phẫu thuật điều trị ung thư vú | Hello Bacsi x SANOFI


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 03/12/2019

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo