Ung thư mũi xoang là một loại ung thư đầu cổ hiếm gặp nhưng vô cùng nguy hiểm. Ở đa số bệnh nhân, triệu chứng bệnh phát triển muộn nên điều trị muộn, thời gian sống còn lại rất ngắn.
Cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn trong bài viết này nhé!
Tìm hiểu chung
Ung thư mũi xoang là gì?
Ung thư mũi xoang là một loại ung thư đầu cổ rất hiếm gặp, xảy ra khi các tế bào ác tính hình thành trong hốc mũi và các xoang cạnh mũi. Theo thời gian, các tế bào ác tính từ mũi xoang có thể lan tràn sang hạch bạch huyết và các bộ phận khác của cơ thể (di căn).
ADVERTISING
Phân loại
Trên thực tế, chưa đến 5% trường hợp ung thư đầu cổ xảy ra ở hốc mũi và các xoang cạnh mũi. Các khối u có nhiều khả năng bắt đầu ở hốc mũi hơn là ở xoang. Khi khối u phát triển trong xoang, chúng có xu hướng hình thành ở xoang hàm trên.
Có nhiều loại ung thư khác nhau có thể hình thành tại các vị trí này. Chúng bao gồm:
- Ung thư biểu mô tế bào vảy
- Ung thư biểu mô tuyến
- Ung thư biểu mô nang tuyến
- Ung thư biểu bì niêm mạc
- U nguyên bào thần kinh khứu giác
- Ung thư biểu mô không biệt hóa xoang (SNUC)
- Ung thư hắc tố
- U lympho
- Sarcoma
Ung thư mũi xoang khác với ung thư vòm mũi họng.
Giai đoạn bệnh
Bác sĩ cũng sử dụng hệ thống phân giai đoạn để xác định ung thư mũi xoang đã lan rộng bao xa. Có 4 giai đoạn bệnh bao gồm:
- Giai đoạn I: Khối u chỉ nằm giới hạn ở 1 bên có hoặc không có xâm lấn xương, chưa di căn hạch và cũng chưa di căn xa.
- Giai đoạn II: Khối u xâm lấn 2 bên xoang tại một vùng duy nhất hoặc bao gồm xâm lấn đến gần vùng mũi sàng có hoặc không có xâm lấn xương, chưa di căn hạch và cũng chưa di căn xa.
- Giai đoạn III: Khối u đã xâm lấn ra các vùng da ngoài mật, sàn hoặc thành trong ổ mắt, thành sau của xoang hàm, xoang sàng trước, chưa di căn hạch và cũng chưa di căn xa HOẶC khối u bất kỳ mức độ xâm lấn nào nhưng đã có di căn 1 hạch cùng bên, kích thước từ 3cm trở xuống, không có xâm lấn ra ngoài hạch VÀ chưa có di căn xa.
- Giai đoạn IV:
- Khối u đã xâm lấn da vùng má, mỏm chân bướm, hố dưới thái dương, lá sàng của xương sàng, xoang bướm hoặc xoang trán, chưa có di căn hạch hoặc đã di căn 1 hạch giống giai đoạn III và chưa có di căn xa; HOẶC
- Khối u bất kỳ mức độ xâm lấn nào nhưng di căn hạch có kích thước lớn hơn 3cm và không quá 6cm cũng như chưa xâm lấn ra ngoài hạch và chưa có di căn xa; HOẶC
- Khối u bất kỳ mức độ xâm lấn nào nhưng đã di căn hạch kích thước trên 6cm, chưa xâm lấn ra ngoài hạch và cũng chưa di căn xa HOẶC;
- Khối u đã xâm lấn đỉnh hốc mắt, màng cứng, hố sọ giữa, não, dây thần kinh sinh ba, vòm mũi họng, dốc nền bất kỳ có di căn hạch hay không và chưa có di căn xa HOẶC;
- Bất kỳ khối u mức độ xâm lấn như thế nào cũng như có di căn hạch hay không và đã có di căn đến các cơ quan/vị trí ở xa khác trong cơ thể.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng ung thư mũi xoang
Các dấu hiệu ung thư mũi xoang giai đoạn đầu thường không xuất hiện, hoặc giống với các triệu chứng bệnh thông thường như cảm lạnh, viêm xoang hay dị ứng nên rất dễ bị nhầm lẫn và chẩn đoán sai.
Chúng bao gồm:
- Chảy nước mắt, phù nề mi mắt
- Viêm kết mạc, viêm tuyến lệ, giảm thị lực
- Lác mắt, sụp mi mắt, đau nhức hốc mắt
- Nhãn cầu bị đẩy lồi ra ngoài hoặc ra trước
- Nghẹt mũi không khỏi và thường chỉ ảnh hưởng 1 bên mũi
- Chất nhầy chảy ra từ mũi có thể có máu, mủ hôi
- Chất nhầy chảy vào phía sau mũi và cổ họng
- Đau đầu, mặt, mũi, quanh mắt
- Chảy máu cam
- Giảm hoặc mất khứu giác không rõ nguyên nhân
- Viêm xoang mạn tính không đáp ứng với điều trị nội khoa
- Mất rãnh mũi má
- U sùi lan rộng trong hốc mũi, xoang,…
Hầu hết mọi người có xu hướng nhận thấy các triệu chứng khi khối u phát triển đủ lớn để chặn hốc mũi hoặc xoang bị ảnh hưởng hoặc khi nó lan sang các mô lân cận khác. Ở giai đoạn sau, các triệu chứng ung thư mũi xoang có thể bao gồm:
- Đau hoặc tê ở mặt, đặc biệt là ở má và môi trên, không biến mất
- Sưng hoặc biến dạng ở má, vùng mũi, quanh mắt, miệng, hàm, cổ
- Mất thị lực một phần (mờ mắt) hoặc hoàn toàn
- Nhìn đôi
- Mắt lồi
- Chảy nước mắt liên tục, nước mắt chảy thành hàng trên má
- Đau hoặc áp lực ở 1 bên tai
- Mất thính lực
- Viêm tai tái phát liên tục
- Chảy máu cam đột ngột, lặp đi lặp lại nhiều lần và rất nghiêm trọng
- Răng lung lay
- Khó mở miệng.
Khi nào bạn cần phải gặp bác sĩ?
Có một hoặc nhiều triệu chứng kể trên không chắc chắn là bạn bị ung thư mũi xoang mà phần lớn là do các tình trạng thông thường khác gây ra. Tuy nhiên, đừng bao giờ chủ quan với sức khỏe của mình. Hãy gặp bác sĩ để được thăm khám nếu nhận thấy bất kỳ triệu chứng bất thường hoặc dai dẳng nào, đặc biệt là khi nó không đáp ứng với thuốc.
Nguyên nhân
Nguyên nhân nào gây ra ung thư mũi xoang?
Nguyên nhân gây ung thư mũi xoang vẫn chưa được xác định rõ ràng. Ung thư bắt đầu khi các gen kiểm soát sự phát triển của tế bào bị hư hỏng hoặc bất thường. Từ đó, các tế bào phát triển và phân chia liên tục tạo thành khối u ác tính.
Các nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn lý do chính xác khiến những thay đổi gen xảy ra. Một số người thừa hưởng những đột biến gen từ cha mẹ làm tăng nguy cơ phát triển một số bệnh ung thư, nhưng chỉ là tăng nguy cơ chứ không chắc chắn sẽ mắc bệnh. Vì vậy, đây không được cho là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư mũi xoang.
Các yếu tố nguy cơ
Một số yếu tố được biết là làm tăng nguy cơ phát triển ung thư mũi xoang bao gồm:
- Làm những công việc nhất định tiếp xúc kéo dài với một số chất độc hại như bụi gỗ, bụi da, sợi vải, niken, crom, radium, keo, dung môi và formaldehyde…
- Nhiễm virus papillomavirus ở người (HPV), một nhóm virus ảnh hưởng đến da và niêm mạc, chẳng hạn như miệng và cổ họng
- Hút thuốc lá hoặc sống trong môi trường có khói thuốc
Nhìn chung, đàn ông có nhiều khả năng bị ung thư mũi xoang hơn phụ nữ. Độ tuổi chẩn đoán bệnh phổ biến nhất là 50 và 60.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào được dùng để chẩn đoán ung thư mũi xoang?
Đầu tiên, bác sĩ sẽ kiểm tra thể chất và hỏi chi tiết về triệu chứng. Tùy vào tình trạng cụ thể của từng người, họ sẽ chỉ định xét nghiệm, có thể bao gồm:
- Nội soi mũi: Bác sĩ sử dụng một ống dài, mỏng, linh hoạt có camera và đèn ở đầu để đưa vào mũi nhằm kiểm tra khu vực này.
- Sinh thiết: Một mẫu mô nhỏ ở khối u vùng mũi xoang được lấy ra và kiểm tra dưới kính hiển vi xem có phải ung thư không. Việc lấy mẫu mô có thể được thực hiện trong quá trình nội soi.
- Chọc hút bằng kim nhỏ: Tế bào được lấy từ hạch bạch huyết bằng kim, sau đó, xem xét để biết ung thư đã lan rộng chưa.
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra thường quy.
Các xét nghiệm hình ảnh ung thư mũi khác: Chụp Xquang, chụp CT, chụp X-quang, chụp MRI, chụp PET, xạ hình xương hoặc siêu âm có thể giúp xác định giai đoạn của bệnh.
Những phương pháp nào dùng để điều trị ung thư mũi xoang?
Nhiều trường hợp ung thư mũi xoang có thể điều trị kiểm soát được, đặc biệt nếu được phát hiện và chẩn đoán sớm. Phương pháp điều trị ung thư mũi xoang được chỉ định sẽ tùy thuộc vào giai đoạn ung thư được chẩn đoán, mức độ lan rộng và tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.
Chúng có thể bao gồm:
- Phẫu thuật cắt bỏ khối u thông qua phẫu thuật mở hoặc vi phẫu nội soi nhằm loại bỏ càng nhiều khối u càng tốt
- Xạ trị sử dụng bức xạ năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư, thu nhỏ khối u trước khi phẫu thuật hoặc tiêu diệt các tế bào khối u có thể còn sót lại sau phẫu thuật.
- Hóa trị dùng thuốc để tiêu diệt hay kìm hãm tế bào ung thư, nhằm thu nhỏ hoặc làm chậm sự phát triển của khối u, hoặc giảm nguy cơ ung thư tái phát sau phẫu thuật.
Tiên lượng
Ung thư mũi xoang sống được bao lâu?
Vì đây là căn bệnh hiếm gặp nên khi được chẩn đoán mắc bệnh, bệnh nhân sẽ hoang mang và lo sợ không biết ung thư mũi xoang sống được bao lâu hay ung thư mũi xoang có chết không?
Tiên lượng sống sẽ còn tùy thuộc vào loại ung thư mũi xoang cụ thể mà bạn mắc phải, vị trí chính xác của khối u và mức độ lan rộng của nó trước khi được chẩn đoán và điều trị cũng như tình hình sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.
Theo thống kê của Cleveland Clinic, tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với các khối u ở mũi khác nhau, tùy thuộc vào mức độ khối u đã lan rộng:
- Nếu khối u chỉ ở bên trong khoang mũi hoặc xoang cạnh mũi, tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 82% kể từ khi được chẩn đoán.
- Nếu ung thư lan đến các cấu trúc lân cận hoặc các hạch bạch huyết, tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 52% kể từ khi được chẩn đoán.
- Nếu ung thư lan đến các vùng xa trên cơ thể bạn, tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 42% kể từ khi được chẩn đoán.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là con số thống kê trung bình. Con số cụ thể sẽ khác nhau ở mỗi người.
Phòng ngừa
Những biện pháp nào giúp phòng ngừa ung thư mũi xoang?
Không có cách nào để ngăn ngừa hoàn toàn ung thư mũi xoang. Tuy nhiên, bạn có thể giảm nguy cơ bằng cách bỏ hút thuốc lá và tránh xa các chất độc hại. Nếu bạn làm việc trong môi trường có hóa chất thì hãy tuân thủ các quy tắc an toàn lao động tại nơi làm việc để bảo vệ bản thân mình.
[embed-health-tool-bmi]