Ung thư đại tràng có chữa được không là thắc mắc của rất nhiều bệnh nhân sau khi được chẩn đoán mắc phải căn bệnh này. Cũng giống như nhiều bệnh ung thư khác, cơ hội phục hồi sẽ phụ thuộc vào giai đoạn phát hiện và phương pháp điều trị. Nhìn chung, bệnh ở giai đoạn sớm, khối u còn nhỏ sẽ có nhiều hi vọng hơn.
Ung thư đại tràng có chữa được không?
Ung thư đại tràng có chữa được không và phương pháp điều trị nào sẽ mang đến hiệu quả còn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, vị trí khối u, giai đoạn của bệnh ung thư và mong muốn của người bệnh [1].
Việc phát hiện bệnh sớm, khi khối u còn nhỏ và chưa di căn sẽ nâng cao tỷ lệ điều trị thành công cũng như giúp tỷ lệ sống của người bệnh được cải thiện đáng kể [2]. Ngược lại, khi khối u đã tấn công sang các bộ phận khác thì tỷ lệ sống của người bệnh sẽ thấp hơn [3].
Các phương pháp điều trị ung thư đại tràng
Ung thư đại tràng có chữa được không bằng phẫu thuật?
Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính đối với các trường hợp ung thư đại tràng giai đoạn đầu. Tùy vào mức độ phát triển của khối u, vị trí của khối u trong đại tràng và mục tiêu của cuộc phẫu thuật mà hình thức phẫu thuật có thể khác nhau ở từng người [4].
Phẫu thuật điều trị ung thư đại tràng giai đoạn đầu
Đối với ung thư đại tràng giai đoạn đầu, khối u còn rất nhỏ, chỉ mới chỉ khu trú bên trên lớp niêm mạc hoặc xâm lấn đến lớp cơ của thành đại tràng thì hình thức phẫu thuật có thể được chỉ định là:
- Nội soi qua trực tràng: Nếu khối u nhỏ và nằm gọn trong một polyp và ở giai đoạn rất sớm, bác sĩ có thể sử dụng ống nội soi để tiếp cận chúng thông qua trực tràng rồi cắt bỏ hoàn toàn. Khi khối u lớn hơn, nó vẫn được loại bỏ thông qua nội soi, đồng thời nạo bỏ thêm một lượng nhỏ niêm mạc xung quanh khối u [1], [5].
- Nội soi ổ bụng: Dành cho những khối u lớn, không thể cắt bỏ qua nội soi đường trực tràng. Bác sĩ rạch một số đường mổ nhỏ trên thành bụng rồi đưa các dụng cụ có gắn camera vào để quan sát hình ảnh trong ổ bụng và cắt bỏ khối u [1].
Phẫu thuật điều trị ở giai đoạn nặng hơn
Ở giai đoạn nặng hơn, khi mà ung thư đã phát triển ra bên ngoài đại tràng, bác sĩ có thể chỉ định các loại phẫu thuật như:
- Cắt đoạn đại tràng: Bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt bỏ phần đại tràng có chứa khối u, và hạch bạch huyết, sau đó nối những đoạn đại tràng còn lại với nhau. Đôi khi có thể được thực hiện bằng phương pháp nội soi ổ bụng [1], [6].
- Cắt đoạn đại tràng – trực tràng và mở hậu môn nhân tạo: Nếu ung thư nằm ở phần trực tràng, người bệnh cần được cắt bỏ hẳn trực tràng và mở đại tràng ra da để phân được đưa ra ngoài thông qua lỗ trên da này (hậu môn nhân tạo). Sau phẫu thuật, đa số bệnh nhân đều trở về cuộc sống bình thường [1], [6].
Phẫu thuật điều trị ung thư đại tràng giai đoạn cuối
Lúc này, phẫu thuật được thực hiện để cắt bỏ bớt khối u trên đại tràng (nếu có thể) nhằm cải thiện triệu chứng bệnh như tắc nghẽn trong đại tràng, đau đớn, chảy máu [1]. Còn ở giai đoạn cuối, hầu hết các trường hợp ung thư đại tràng thì không chữa được nếu chỉ thông qua phẫu thuật [7].
Hóa trị
Hóa trị sử dụng hóa chất để giết chết tế bào ung thư. Ngoài mục đích tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật, kéo dài thời gian sống và giảm nguy cơ tái phát ung thư, hóa trị còn được sử dụng trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u, nhằm giúp việc phẫu thuật loại bỏ được triệt để hơn hoặc giảm nhẹ cho những trường hợp không phẫu thuật được hoặc đã di căn đến những bộ phận khác của cơ thể [1].
Ung thư đại tràng có chữa được không khi xạ trị?
Xạ trị là phương pháp sử dụng tia bức xạ ion hóa, để tiêu diệt tế bào ung thư [1]. Phương pháp này thường được sử dụng trong trường hợp khối u nằm ở trực tràng hoặc trong các trường hợp ung thư đại tràng tiến triển khi mà khối u đã di căn sang các khu vực khác [8].
Xạ trị có thể được chỉ định sau phẫu thuật nhằm giảm nguy cơ tái phát tại chỗ hoặc dùng trước phẫu thuật nhằm thu nhỏ khối u [1], [6]. Nếu không xạ trị thì nguy cơ tái phát ung thư trực tràng rơi vào khoảng 50%, còn có xạ trị thì chỉ khoảng 7% [6].
Ngoài ra, xạ trị hoặc cũng giúp giảm đau cho những bệnh nhân không thể phẫu thuật được [1].
Thuốc nhắm mục tiêu
Thuốc nhắm mục tiêu có khả năng xác định và tấn công vào những tế bào ung thư cụ thể. Do đó, phương pháp này thường ít gây hại cho các tế bào bình thường hơn so với liệu pháp hóa trị hoặc xạ trị. Thuốc nhắm mục tiêu trong điều trị ung thư đại tràng có thể là kháng thể đơn dòng gắn trực tiếp vào và tiêu diệt tế bào ung thư, thuốc ức chế tạo mạch máu mới mà khối u cần để phát triển hoặc chất ức chế protein kinase giúp ngăn chặn tế bào ung thư nhân lên [5].
Thuốc nhắm mục tiêu thường được kết hợp với hóa trị và thường được sử dụng cho những người bị ung thư đại tràng giai đoạn cuối [1].
Liệu pháp miễn dịch
Các tế bào ung thư sản xuất các protein làm mù hệ thống miễn dịch, nên cơ thể không nhận ra và tiêu diệt chúng, để chúng phát triển nhanh chóng. Liệu pháp miễn dịch hoạt động bằng cách can thiệp vào quá trình đó. Nhờ vậy mà hệ thống miễn dịch phát hiện được tế bào ung thư là “kẻ nguy hiểm” và loại bỏ [1].
Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch: Biến chứng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong cần đặc biệt quan tâm ở bệnh nhân ung thư!
Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch là một biến chứng thường gặp ở người bệnh ung thư, xảy ra khi cục máu đông (huyết khối) được hình thành trong lòng tĩnh mạch [9], [10]. Bệnh nhân ung thư có nguy cơ mắc thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch cao gấp 4 – 7 lần người bình thường, đặc biệt sau khi thực hiện các biện pháp điều trị như phẫu thuật, hóa trị và xạ trị [10].
Ở người bệnh ung thư, thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 [11]. Không những vậy, người bệnh ung thư bị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch cũng có nguy cơ tử vong cao gấp 3 lần so với người không bị ung thư gặp phải tình trạng này [12]. Dù là một biến chứng nguy hiểm nhưng bác sĩ có thể áp dụng các biện pháp dự phòng để ngăn ngừa hiệu quả tình trạng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch cho bệnh nhân ung thư.
Theo chia sẻ của Thạc sĩ – Bác sĩ. Lê Phi Long – Phó trưởng khoa Lồng Ngực – Mạch máu thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, bệnh nhân ung thư sẽ được đánh giá nguy cơ thuyên tắc dựa trên các thang điểm, đặc biệt ngay sau khi bệnh nhân ung thư nhập viện. Dựa vào kết quả đánh giá này, kết hợp với việc xem xét nguy cơ chảy máu, chống chỉ định của từng người bệnh mà bác sĩ sẽ cân nhắc có nên áp dụng biện pháp dự phòng hay không cũng như lựa chọn biện pháp và thời gian dự phòng phù hợp. Trong đó, biện pháp thường được áp dụng nhất để dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch là sử dụng thuốc kháng đông dạng tiêm đối với bệnh nhân ung thư có phẫu thuật. Với bệnh nhân ung thư nguy cơ cao chỉ điều trị nội khoa, thuốc kháng đông dạng tiêm hoặc dạng uống có thể được chỉ định. Các thuốc kháng đông thường được dùng là heparin trọng lượng phân tử thấp, fondaparinux, heparin phân đoạn.
Đặc biệt, tất cả bệnh nhân ung thư phải phẫu thuật cần được dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch một cách có hệ thống trong thời gian ít nhất 7 – 10 ngày. Đối với các loại phẫu thuật có nguy cơ cao như phẫu thuật ung thư vùng bụng và vùng chậu thì thời gian này có thể kéo dài đến 4 tuần. Tùy từng loại phẫu thuật mà biện pháp dùng thuốc kháng đông sẽ được chỉ định kết hợp với biện pháp cơ học [13].
Ngoài ra, bệnh nhân ung thư nhập viện do bệnh nội khoa cấp tính, nhập viện kèm ung thư đang tiến triển (không có yếu tố nguy cơ nào khác) hoặc bệnh nhân đi lại khó khăn cũng là những đối tượng cần được dự phòng. Trong trường hợp này, thuốc kháng đông đường tiêm thường sẽ được sử dụng nếu không có chống chỉ định [13].
Đối với bệnh nhân ung thư có tình hình ổn định hoặc được cho xuất viện điều trị ngoại trú, việc đánh giá nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch nên được thực hiện đều đặn và định kỳ. Nếu cần dự phòng, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định các biện pháp phù hợp như mang vớ y khoa, thuốc kháng đông đường tiêm hay đường uống…
Trong trường hợp bệnh nhân ung thư cần được tiếp tục dự phòng bằng thuốc kháng đông dạng tiêm, bệnh nhân và người nhà sẽ được hướng dẫn cụ thể thao tác tự tiêm như sau [14]:
- Bước 1: Bệnh nhân nằm xuống để tiến hành tiêm thuốc
- Bước 2: Lấy bơm tiêm ra khỏi bao bì, lưu ý không đẩy bọt khí khỏi bơm tiêm trước khi tiêm
- Bước 3: Xác định vùng tiêm, thường là bên phải và bên trái của bụng hoặc lưng, cách xa rốn ít nhất 5cm
- Bước 4: Véo nhẹ, kẹp nếp da giữa hai ngón tay trong suốt thời gian tiêm
- Bước 5: Đâm bơm tiêm thẳng đứng theo góc 90°
- Bước 6: Đâm dọc hết chiều dài kim vào nếp da và đảm bảo thuốc phải được tiêm vào lớp mỡ ngay dưới lớp da bụng hoặc da lưng chứ không phải vào bắp. Ấn ống bơm tiêm xuống cho thuốc chảy vào lớp mỡ. Giữ nếp da trong suốt thời gian tiêm thuốc.
- Bước 7: Vẫn giữ nếp da và rút kim bằng cách kéo thẳng ra. Lưu ý không xoa lên chỗ tiêm để tránh để lại vết thâm tím.
Nhìn chung, tất cả bệnh nhân ung thư đều cần được đánh giá nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch để tiến hành dự phòng khi cần thiết. Mỗi người bệnh nên hiểu rõ về mức độ nghiêm trọng của biến chứng này và tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ khi được chỉ định dự phòng. Ngoài ra, trong quá trình thăm khám, điều trị, người bệnh, gia đình cũng cần chủ động hỏi bác sĩ về nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch như:
- Tôi có nguy cơ mắc thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch không?
- Nguy cơ mắc thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch của tôi như thế nào?
- Có biện pháp dự phòng cho tôi khi nằm viện & sau khi xuất viện không?
Để tìm hiểu sâu hơn về biến chứng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch ở bệnh nhân ung thư cũng như cách dự phòng, mời bạn hãy cùng theo dõi thêm những chia sẻ của Thạc sĩ – Bác sĩ. Lê Phi Long – Phó trưởng khoa Lồng Ngực – Mạch máu thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM trong video bên dưới:
Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn ung thư đại tràng có chữa được không và các phương pháp điều trị bệnh phổ biến, hiệu quả. Bên cạnh đó, trong quá trình thăm khám, điều trị, người bệnh ung thư đại tràng cũng cần chủ động hỏi bác sĩ về nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch để hiểu hơn về tình trạng này và biết cách phòng ngừa hiệu quả.