“Ung thư dạ dày có lây không?” là vấn đề mà nhiều bệnh nhân và người nhà lo lắng sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư dạ dày. Tâm lý hoang mang khiến họ thường vấp phải những thông tin sai lệch hoặc không chính xác.
Vì vậy, Hello Bacsi sẽ cùng bạn đi tìm lời giải đáp trong bài viết ngay sau đây nhé! Liệu rằng bệnh ung thư dạ dày có thể lây truyền từ người này sang người khác khi tiếp xúc gần không hay ung thư dạ dày có lây qua đường ăn uống không?
Ung thư dạ dày có lây không?
Ung thư dạ dày xảy ra khi các tế bào trong niêm mạc dạ dày phát triển không kiểm soát, hình thành các khối u. Những khối u này có thể xâm lấn qua các lớp của thành dạ dày, đến các cấu trúc xung quanh và di căn sang các bộ phận khác trong cơ thể. Khoảng 90-95% ung thư dạ dày là ung thư biểu mô tuyến.
Ung thư dạ dày có lây nhiễm không khi tiếp xúc gần? Ung thư dạ dày sẽ KHÔNG LÂY khi có tiếp xúc gần gũi như chạm, hôn, dùng chung bữa ăn hoặc hít thở cùng một bầu không khí với người bệnh. Hơn thế nữa, hệ thống miễn dịch bình thường có thể tự tìm thấy và tiêu diệt các tế bào lạ xâm nhập từ bên ngoài vào cơ thể.
Ung thư dạ dày lây qua đường nào? Trường hợp duy nhất mà ung thư dạ dày có thể lây lan là trong quá trình cấy ghép nội tạng hoặc mô. Nếu bạn nhận mô của người đã từng bị ung thư trước đây (dù đã điều trị) thì những tế bào ung thư có thể phát triển trở lại trong tương lai. Tuy nhiên, nguy cơ là cực kỳ thấp, chỉ có 2/10.000 ca cấy ghép nội tạng xảy ra tình trạng lây lan ung thư. Trước khi hiến tạng, người tình nguyện cần được sàng lọc ung thư một cách cẩn thận để làm giảm nguy cơ này.
Một nguyên nhân nữa khiến ung thư dạ dày phổ biến hơn ở những người được cấy ghép nội tạng là do họ phải sử dụng thuốc chống thải ghép. Thuốc này khiến hệ thống miễn dịch suy yếu, không còn khả năng tấn công và đào thải tạng được ghép nữa. Có như vậy, tạng của người khác mới tồn tại được trong cơ thể. Khi hệ miễn dịch yếu đi cũng đồng thời giảm khả năng tìm kiếm và tấn công các tế bào bị tổn thương và có thể dẫn đến ung thư.
Vậy, bệnh ung thư dạ dày có lây không thì câu trả lời là CÓ nhưng vô cùng hiếm. Ngày nay, công tác sàng lọc trước hiến tạng ngày càng kỹ lưỡng nên hầu như không gặp phải tình trạng lây truyền ung thư.
Vì sao nhiều người vẫn lầm tưởng ung thư dạ dày có thể lây lan?
Có một số yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển ung thư dạ dày, do đó dễ khiến nhiều người lầm tưởng rằng ung thư dạ dày đã lây từ người này sang người khác. Chẳng hạn như: nhiễm vi khuẩn HP, cùng sinh hoạt trong gia đình… Cụ thể như sau:
Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori
Trong những năm gần đây, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày gấp từ 3-6 lần. Vi khuẩn HP thường được tìm thấy trong dạ dày nhưng trên một nửa số người này không gặp bất kỳ vấn đề sức khỏe nào. Tuy nhiên, đối với một số người khác thì nhiễm vi khuẩn H. pylori có thể gây viêm teo dạ dày mạn tính hoặc loét dạ dày tá tràng, lâu dần theo thời gian sẽ dẫn đến viêm teo niêm mạc dạ dày, dị sản rồi loạn sản, sau đó phát triển thành ung thư dạ dày.
Vi khuẩn H. pylori có trong nước bọt, mảng bám trên răng, phân. Do đó, nó có thể lây lan từ người này sang người khác. Chẳng hạn như khi hôn, ăn uống chung, lây truyền vi khuẩn thông qua tay nếu không rửa tay sạch sau khi đi tiêu…
Chính vì sự lây lan của vi khuẩn khiến những người cùng chung sống đồng thời bị tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày, nên có nhiều người vẫn lo ngại ung thư dạ dày có lây không. Bạn nên nhớ rằng mặc dù vi khuẩn H. pylori có thể lây, nhưng bệnh ung thư dạ dày do vi khuẩn này gây ra thì không thể lây lan từ người bệnh sang người khỏe mạnh.
Ung thư dạ dày có lây không khi phụ nữ sinh con?
Trên thực tế, rất hiếm có trường hợp phụ nữ mang thai bị ung thư dạ dày. Mặc dù đã ghi nhận trong một vài ca bệnh, tế bào ung thư có thể đi vào máu, theo dòng máu đến nhau thai nhưng thường hiếm. Đứa trẻ sinh ra vẫn hoàn toàn khỏe mạnh.
Tuy nhiên, khi người phụ nữ mang thai mắc ung thư dạ dày, có một vấn đề nan giải là có nên điều trị ung thư dạ dày hay không. Vì khi đó, bệnh nhân cân phải phẫu thuật, hóa trị hoặc xạ trị, đều gây ảnh hưởng tiêu cực đến thai nhi, bắt buộc phải đình chỉ thai trước khi điều trị. Nếu ngược lại, chờ đến sau khi sinh con mới điều trị sẽ vô hình chung làm trì hoãn thời gian, tạo cơ hội cho ung thư tiếp tục phát triển đến giai đoạn muộn, gây nên những hậu quả nặng nề. Do đó, quyết định sẽ phụ thuộc rất nhiều vào gia đình.
Phòng ngừa ung thư dạ dày bằng cách nào?
Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ung thư dạ dày một cách rõ ràng, chỉ biết được có một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ. Tuy nhiên, khi đã hiểu ung thư dạ dày có lây không, hẳn bạn cũng đã biết cách để phòng ngừa căn bệnh này. Cụ thể như sau:
- Chế độ ăn uống cân bằng: Hạn chế thực phẩm hun khói, món ăn ngâm chua, giảm thịt cá được bảo quản hoặc ướp muối nhiều. Hãy cố gắng ăn nhiều trái cây, rau xanh, nhiều vitamin, khoáng chất và đạm nạc (thịt trắng, cá, đậu các loại).
- Duy trì lối sống lành mạnh: Nghỉ ngơi và tập thể dục thường xuyên.
- Bỏ hút thuốc lá: Việc hút thuốc lá đã được chứng minh là gây ra nhiều loại bệnh ung thư.
- Hạn chế uống rượu
- Điều trị sớm khi nhiễm vi khuẩn H. pylori: Vì vi khuẩn này có liên quan đến sự phát triển của ung thư dạ dày. Khi đã được chẩn đoán xác định là nhiễm HP thì nên điều trị triệt để theo đúng phác đồ kê toa của bác sĩ và nên có chế độ ăn tách riêng với những người thân trong gia đình. Sau khi điều trị xong nên theo dõi định kỳ.
Hi vọng thông qua bài viết này, bạn đã hiểu rõ ung thư dạ dày có lây không để chủ động hơn trong điều trị, phòng ngừa và giúp đỡ bệnh nhân. Nếu người bị ung thư có mang vi khuẩn HP, các thành viên còn lại nên sử dụng riêng dụng cụ ăn uống, rửa tay sau khi đi vệ sinh, tầm soát sức khỏe thường xuyên nhằm phát hiện và điều trị sớm. Đồng thời, đừng cô lập mà hãy động viên tinh thần người bệnh để họ lạc quan hơn.
[embed-health-tool-bmi]