Ung thư tuyến giáp là sự phát triển tế bào ung thư hình thành khối u ác tính ở tuyến giáp. Ở giai đoạn sớm, ung thư tuyến giáp không biểu hiện dấu hiệu rõ ràng và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh phổ biến khác.
Thông thường, bệnh chỉ được phát hiện thông qua các buổi khám sức khỏe định kỳ hoặc qua quá trình chẩn đoán một bệnh lý khác.
Các dấu hiệu sớm của ung thư tuyến giáp
Dấu hiệu nhận biết sớm nhất của bệnh ung thư tuyến giáp là tình trạng sưng ở cổ hoặc xuất hiện các khối u và hạch bất thường ở cổ. Các khối u thường khá cứng, có bờ rõ và chuyển động theo nhịp nuốt của người bệnh. Trong khi đó, các hạch lại mềm, có khả năng di động và nằm cùng bên với khối u.
Các triệu chứng khác của ung thư tuyến giáp bao gồm:
- Mệt mỏi
- Khàn tiếng, giọng nói thay đổi
- Sưng các tuyến ở cổ
- Ho kéo dài nhưng không phải do cảm lạnh
- Đau cổ, vị trí đau có thể là ở trước cổ hoặc lan ra phía sau tai
- Khó thở hoặc các vấn đề về hô hấp khác
- Gặp khó khăn khi nuốt
Dấu hiệu ung thư tuyến giáp phát triển
Ung thư tuyến giáp ở giai đoạn muộn có thể có các biểu hiện nghiêm trọng, bao gồm:
- Khối u có kích thước lớn, cứng và nằm cố định ở phía trước cổ
- Khối u to dần chèn ép khí quản và dây thanh quản gây khó thở, khò khè, khàn giọng
- Cảm giác nghẹn ở cổ họng
- Gặp phải tình trạng khó nuốt
- Da vùng cổ bị thâm đỏ, thậm chí chảy máu
Dấu hiệu ung thư tuyến giáp tái phát
Các dấu hiệu và triệu chứng tái phát ung thư tuyến giáp có thể bao gồm:
- Cổ bị sưng hoặc có khối u ở cổ. Khối u này thường có xu hướng phát triển nhanh chóng
- Cảm giác đau bắt đầu ở phía trước cổ, đôi khi lan rộng đến tai
- Khó thở và khó nuốt
- Khàn tiếng, giọng nói thay đổi
- Ho liên tục và kéo dài nhưng không liên quan đến cảm lạnh
Tỷ lệ tái phát của ung thư tuyến giáp là khoảng 30%. Trong đó, tỷ lệ tái phát ung thư chỉ ở vùng cổ chiếm khoảng 80%. Số còn lại được chẩn đoán là ung thư tuyến giáp tái phát di căn xa. Ung thư di căn là tình trạng khối u hình thành ở các vị trí khác trên cơ thể, chẳng hạn như phổi, gan và xương.
Ung thư tuyến giáp nguyên phát và tái phát hoàn toàn có thể điều trị được nếu phát hiện sớm. Đối với người đã từng điều trị ung thư tuyến giáp, việc theo dõi thường xuyên tình trạng bệnh cũng như tham gia đầy đủ các buổi hẹn tái khám là vô cùng quan trọng. Điều này giúp bệnh nhân phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư tuyến giáp tái phát để ngăn ngừa khả năng ung thư quay trở lại và trở nên nghiêm trọng hơn.
Cần làm gì khi phát hiện các dấu hiệu ung thư tuyến giáp?
Ở giai đoạn đầu, các dấu hiệu ung thư tuyến giáp thường không quá rõ ràng và rất khó để nhận biết. Thông thường, bệnh chỉ vô tình được phát hiện qua các buổi khám sức khỏe tổng quát.
Khi nghi ngờ mình có các dấu hiệu ung thư tuyến giáp, bạn cần đến thăm khám ngay tại bệnh viện. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán bao gồm:
- Xét nghiệm máu để định lượng nồng độ calcitonin trong máu
- Siêu âm màu tuyến giáp giúp phát hiện các hạch ở cổ và đánh giá tính chất, số lượng các “hạt giáp”
- Xạ hình tuyến giáp để đánh giá chức năng của tuyến giáp, nhân tuyến giáp và tình trạng ung thư
- Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ giúp phân biệt nhân giáp lành tính và ác tính
- Kỹ thuật sinh thiết giúp phát hiện các tế bào ung thư trong tuyến giáp
Phòng ngừa ung thư tuyến giáp
Ung thư tuyến giáp hoàn toàn có thể được phòng ngừa nếu bạn lưu ý các vấn đề sau:
Tránh tiếp xúc sớm và thường xuyên với bức xạ
Nguy cơ mắc ung thư thường cao hơn ở những người thường xuyên tiếp xúc với bức xạ hoặc tiếp xúc với bức xạ từ khi còn nhỏ. Bức xạ có thể xuất phát từ các xét nghiệm hình ảnh trong y học. Do đó, trong trường hợp trẻ cần thực hiện các xét nghiệm này, bố mẹ cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Chú ý đến các dấu hiệu ung thư tuyến giáp sớm
Ung thư tuyến giáp có thể được biểu hiện qua các dấu hiệu sớm như đau cổ, khàn tiếng, mệt mỏi, sút cân… Do dễ nhầm lẫn với các căn bệnh thông thường khác nên người bệnh hay chủ quan và không đi kiểm tra sức khỏe. Cũng chính vì vậy mà bệnh thường được phát hiện ở giai đoạn muộn, khó điều trị.
Do đó, để ngăn ngừa căn bệnh này, bạn nên kiểm tra sức khỏe tổng quát thường xuyên, đặc biệt là khi có các dấu hiệu ung thư tuyến giáp.
Có thể bạn quan tâm: Tầm soát ung thư tuyến giáp có thực sự quan trọng?
Hạn chế chất béo trong chế độ ăn
Ăn nhiều chất béo có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp. Do đó, để phòng bệnh, bạn cần hạn chế các món ăn nhiều chất béo như đồ chiên rán, thức ăn nhanh… ra khỏi bữa ăn hàng ngày. Đồng thời, bạn cũng nên bổ sung thêm rau xanh, hoa quả, các loại thực phẩm cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất cho sức khỏe.
Cân bằng lượng iốt trong cơ thể
Thiếu hụt hoặc dư thừa iốt đều có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến tuyến giáp. Cụ thể, mất cân bằng tuyến giáp sẽ khiến cơ thể hình thành cơ chế kháng thuốc và sinh ra các tế bào ung thư.
Duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý
Cơ thể cân đối có thể góp phần ngăn ngừa các căn bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư tuyến giáp. Để có một mức cân nặng hợp lý, bạn nên xây dựng cho mình một lối sống khoa học, ngủ đủ giấc và thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao.
Tìm hiểu các yếu tố nguy cơ gây ra ung thư tuyến giáp
Nắm rõ các yếu tố nguy cơ có thể giảm thiểu khả năng mắc ung thư tuyến giáp. Trong trường hợp gia đình có người mắc ung thư tuyến giáp, bạn cần chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề bất thường nghi ngờ triệu chứng ung thư tuyến giáp.
So với nhiều loại bệnh ung thư khác, ung thư tuyến giáp có mức độ ác tính thấp hơn và tỷ lệ điều trị thành công cao hơn. Nếu được phát hiện sớm, tỷ lệ tử vong khi mắc bệnh chỉ ở mức dưới 10%. Vì vậy, bạn nên chú ý đến các dấu hiệu ung thư tuyến giáp để có kế hoạch thăm khám và điều trị kịp thời.
Dung Nguyễn / HELLO BACSI
[embed-health-tool-bmi]