Bên cạnh đó, các tế bào ung thư cũng tiết ra các chất có hoạt tính sinh lý cao như tiền hormone, hormone, các chất trung gian hóa học của quá trình viêm, các cytokine hay một số enzyme khác. Tế bào ung thư cũng sản xuất một số loại protein chỉ có trong thời kỳ bào thai mà không có ở người trưởng thành. Các protein này được coi là những kháng nguyên, những chất “chỉ điểm” ung thư. Sự tương tác giữa các yếu tố này với quá trình chuyển hóa trong cơ thể góp phần gây nên hội chứng cận ung thư. Trong một số trường hợp, hội chứng này không tìm được cơ chế bệnh sinh cụ thể nào.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán hội chứng cận ung thư?

Nhận biết sớm các hội chứng này có thể đem đến manh mối về các tình trạng sức khỏe cơ bản để tránh các chẩn đoán sai và cho phép chẩn đoán sớm hơn, từ đó áp dụng phác đồ điều trị nhanh hơn. Cần lưu ý các hội chứng có thể tiến triển sau vài tuần đến vài tháng (trong trường hợp hiếm hơn là từ 1-3 năm) và sau đó có thể ổn định, bất kể tình trạng cơ bản của người bệnh được cải thiện hay xấu đi.
Vì các hội chứng này có thể là biểu hiện đầu tiên của bệnh ung thư nên người không có bệnh ung thư nhưng mắc hội chứng cận ung thư thì cần tầm soát bệnh. Nếu không tìm thấy dấu hiệu ung thư tiềm ẩn có thể do khối u vẫn còn quá nhỏ. Vì vậy, người bệnh cần duy trì theo dõi trong ít nhất từ 3-6 tháng cho đến vài năm sau đó.
Để chẩn đoán hội chứng cận ung thư, bác sĩ sẽ cần tiến hành:
- Kiểm tra thể chất
- Chỉ định xét nghiệm (xét nghiệm máu, chọc dò tủy sống, chẩn đoán hình ảnh như chụp CT, MRI, PET)
- Sàng lọc ung thư
Những phương pháp điều trị hội chứng cận ung thư
Phương pháp điều trị sẽ tùy thuộc theo loại và vị trí bộ phận ảnh hưởng bởi hội chứng. Thông thường, có 2 sự lựa chọn điều trị chung là điều trị khối u và ức chế miễn dịch.
- Điều trị khối u tiềm ẩn. Các phác đồ điều trị được sử dụng là những phương pháp áp dụng cho bệnh ở những người bệnh không có hội chứng cận ung thư chẳng hạn như phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị, đơn lẻ hoặc kết hợp.
- Ức chế miễn dịch. Lựa chọn điều trị ở những bệnh nhân có kháng thể rõ ràng trong huyết thanh là ức chế miễn dịch. Người bệnh có thể được dùng globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch, steroid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác hoặc thay lọc huyết tương.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng sẽ được chăm sóc, theo dõi trước và sau khi xạ trị hoặc hóa trị nếu có. Can thiệp trị liệu tâm lý và phục hồi chức năng có hệ thống cũng có thể là phương pháp hữu ích.
Tiên lượng
Hội chứng cận ung thư có nguy hiểm không?
Bởi vì hội chứng cận ung thư sẽ biểu hiện khác nhau tùy từng cá nhân nên tiên lượng có thể khác nhau rất nhiều, chẳng hạn như bệnh đông máu nội mạch lan tỏa cho thấy tiên lượng xấu, trong khi đó bệnh xương khớp phì đại là một trong số ít hội chứng cận ung thư có thể cho thấy tiên lượng thuận lợi hơn. Một số rối loạn từ hội chứng cũng có thể tự hồi phục.
Trường hợp tử vong có thể do ung thư tiềm ẩn hoặc do suy yếu hệ thống không thể hồi phục, thường là suy tim cấp hoặc suy thận. Ngoài ra, nhiễm trùng cũng là một nguyên nhân chính gây tử vong đối với người mắc hội chứng cận ung thư.
Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.