Nước yến là một loại nước giải khát được nhiều người lớn tuổi và các phụ huynh khá ưa chuộng để sử dụng cho con mình. Nước yến được quảng cáo chứa tổ yến với nhiều giá trị dinh dưỡng tuyệt vời, có mùi thơm và vị ngọt. Vậy với những người cần phải hạn chế đường như người tiểu đường có uống được nước yến không? Tìm hiểu ngay nhé!
Giải đáp bệnh tiểu đường có uống được nước yến không
Trước khi kết luận tiểu đường có uống nước yến được không, hãy cùng tìm hiểu xem thức uống này có thành phần là gì, giá trị dinh dưỡng ra sao. Từ đó, bạn sẽ biết được nước yến ảnh hưởng tới đường huyết như thế nào, mang lại điều gì cho sức khỏe và liệu bạn có nên uống nó hay không.
Trên bao bì của các loại nước yến đang bày bán trên thị trường không ghi rõ hàm lượng cụ thể của từng thành phần bên trong. Thông tin chung là nước yến có chứa yến sào (0.004% – 7.6% tùy thương hiệu), nước, đường, các phụ gia khác, đôi khi có thêm ngân nhĩ.
Bạn có thể thấy dinh dưỡng mà nước yến mang lại là từ thành phần yến sào. Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, tổ yến làm từ nước bọt của con chim yến có nhiều tác động tích cực trên động vật bị tiểu đường như:
- Nghiên cứu của Dharmani Devi Murugan và cộng sự công bố năm 2020 cho thấy tổ yến có hiệu quả bảo vệ đáng kể chống lại các rối loạn chức năng nội mô do đường huyết cao. Cơ chế của tác dụng này là do thành phần trong tổ yến gây ức chế quá trình stress oxy hóa và tăng sinh khả dụng của NO. Nghiên cứu này cung cấp thêm bằng chứng cho thấy tổ yến có thể được sử dụng làm thực phẩm chức năng cho người bệnh tiểu đường với mục đích hỗ trợ ngăn ngừa các biến chứng tim mạch.
- Nghiên cứu của Ker Woon Choy và cộng sự công bố năm 2021 cho thấy chuột bị tiểu đường được điều trị bằng chiết xuất nước của tổ yến thủy phân (yến chưng) đã đảo ngược được tình trạng tăng đường huyết lúc đói, insulin huyết thanh, nồng độ cytokine gây viêm trong huyết thanh và suy giảm xét nghiệm dung nạp glucose đường uống mà không ảnh hưởng đến cân nặng của chuột. Ngoài ra, các tín hiệu oxy hóa cũng được cải thiện đáng kể, giảm viêm. Điều này cho thấy yến chưng cải thiện chức năng tế bào beta đảo tụy và tín hiệu insulin bằng cách làm giảm tình trạng viêm mạn tính qua trung gian stress oxy hóa ở chuột bị tiểu đường tuýp 2.
Ngoài ra, tổ yến là loại thực phẩm cao cấp, xa xỉ, đã có từ lâu đời trong ẩm thực Á Đông. Ngoài tác động tốt với đường huyết, tổ yến còn giàu dinh dưỡng với gần 50% chất protid (2,7% histidin, 2,7% acginin, 2,4% xystin, 1,4% tryptophan và 5,6% tyrosin), 30,55% glucid và 6,19% tro (phospho, sắt, kali và canxi, một số hoạt chất sinh học chưa được nghiên cứu rõ).
Tổ yến được dùng để chữa ho lao, sốt theo từng cơn, hen, gầy yếu, ho ra máu và là món ăn bồi bổ.
Đây là lựa chọn phổ biến cho những người suy nhược cơ thể, người mới ốm dậy, trẻ em còi cọc chậm lớn, người có bệnh mạn tính, người cao tuổi sức khỏe yếu.
Tuy nhiên, hàm lượng yến trong nước yến rất thấp. Trong khi đó, trung bình, lượng carbohydrate và đường do nước yến cung cấp cũng sẽ khác nhau tùy vào từng loại cụ thể, chẳng hạn như:
- Nước yến sào Thiên Hoàng mỗi 1 lon 240ml chứa 89 kcal, 0 chất béo, 23g carbohydrate, 22g đường
- Nước yến ngân nhĩ mỗi lon 100ml có chứa tối thiểu 28 kcal, tối thiểu 7g carbohydrate, 0 chất đạm, 0 chất béo.
Vì vậy, người tiểu đường có được uống nước yến không thì hoàn toàn được, nhưng phải tính toán lượng carbohydrate và đường vào thực đơn hằng ngày. Bạn nên hỏi bác sĩ về mức carbohydrate cụ thể của bản thân nên nạp, từ đó cân đối nước yến với những món ăn khác. Ít nhiều, nước yến cũng cung cấp cho cơ thể một hàm lượng chất dinh dưỡng nhất định nếu nó có chứa yến thật.
Chọn tổ yến thay vì nước yến
Nhìn chung, người bệnh tiểu đường không cần kiêng bất kỳ loại thực phẩm cụ thể nào, tất cả đều ăn uống được nhưng với lượng được kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh đó, bệnh nhân được khuyên không nên nạp các loại carbohydrate nhanh, trong đó có đường, sẽ làm đường huyết tăng vọt ngay sau khi ăn, khá nguy hiểm.
Thay vì suy nghĩ tiểu đường có được uống nước yến không, bạn nên tự chưng tổ yến dành cho người tiểu đường tại nhà sẽ tốt hơn. Điều này giúp bạn kiểm soát được thành phần trong món ăn, duy trì ổn định lượng đường trong máu và nhận được giá trị dinh dưỡng tuyệt vời của tổ yến. Liều dùng được khuyến cáo là 6-12g tổ yến mỗi ngày.
Bạn có thể muốn xem thêm:
Với câu hỏi tiểu đường uống nước yến được không, bạn nên lưu ý rằng vẫn có trường hợp cần thận trọng với thực phẩm này. Theo các tài liệu cổ, người biểu tà, vị hư hàn không nên dùng tổ yến.
Hi vọng bài viết này đã giải đáp thỏa đáng cho bạn việc tiểu đường có uống được nước yến không. Từ đây, bạn sẽ xây dựng cho mình được một thực đơn bổ dưỡng, không tác động tiêu cực đến đường huyết với sản phẩm từ tổ yến.