backup og meta

Tiêm insulin sau ăn có được không và tiêm vào lúc nào là tốt nhất?

Tiêm insulin sau ăn có được không và tiêm vào lúc nào là tốt nhất?

Liệu pháp insulin thường là một phần quan trọng trong điều trị bệnh tiểu đường. Nó giúp kiểm soát lượng đường trong máu và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Việc tiêm insulin điều trị tiểu đường thường diễn ra ngay tại nhà nhưng buộc phải tuân thủ đúng liều lượng insulin và thời gian tiêm theo chỉ định của bác sĩ nếu không sẽ rất dễ dẫn đến hạ đường huyết và nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Vậy, tiêm insulin sau ăn có được không và tiêm vào lúc nào là tốt nhất? Cùng Hello Bacsi đi tìm lời giải đáp trong bài viết ngay sau đây nhé!

Vai trò của liệu pháp insulin trong điều trị tiểu đường

Liệu pháp insulin giúp giữ lượng đường trong máu của bạn ở mức mục tiêu, từ đó ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra.

Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường tuýp 1, bạn cần bắt buộc điều trị bằng insulin để giữ sức khỏe. Bởi nó sẽ thay thế insulin mà cơ thể bạn không thể tạo ra.

Tiểu đường tuýp 2 có nên chích insulin không? Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, liệu pháp insulin có thể là một phần trong quá trình điều trị bệnh. Insulin sẽ cần thiết khi những thay đổi về lối sống và các phương pháp điều trị khác không đủ để giúp kiểm soát lượng đường trong máu của bạn.

vai trò của insulin trong điều trị tiểu đường

Trước khi đi tìm lời giải đáp cho vấn đề “Tiêm insulin sau ăn có được không?”. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về phân loại insulin. Dựa vào thời gian tác dụng, các loại insulin được chia thành:

  • Insulin tác dụng nhanh (chẳng hạn như insulin lispro, insulin aspart và insulin glulisine) bắt đầu có tác dụng sau khi tiêm khoảng 5 đến 15 phút. Thời gian tác dụng kéo dài trong khoảng 3 đến 5 giờ.
  • Insulin tác dụng ngắn (hay insulin thông thường) bắt đầu có tác dụng sau khi tiêm khoảng 30 phút và tác dụng kéo dài từ 4 đến 6 giờ.
  • Insulin tác dụng trung bình (chẳng hạn như insulin NPH) sẽ bắt đầu có tác dụng sau khi tiêm từ 1 đến 3 giờ và tác dụng kéo dài từ 12 đến 20 giờ.
  • Insulin tác dụng kéo dài (chẳng hạn như insulin glargine và insulin detemir) bắt đầu có tác dụng sau khi tiêm khoảng 1 giờ và kéo dài đến 24 giờ.
  • Insulin hỗn hợp là sự kết hợp của 2 loại insulin (thường là insulin tác dụng nhanh hoặc ngắn với insulin tác dụng trung gian), bắt đầu có tác dụng sau 5 đến 30 phút và tiếp tục kéo dài tác dụng trong 10 đến 16 giờ, thậm chí đến 24 giờ.

Tiêm insulin sau ăn có được không?

Tùy vào loại insulin

Câu trả lời là CÓ THỂ ĐƯỢC tùy vào loại insulin. Cần lưu ý rằng các loại insulin khác nhau sẽ khác nhau về thời điểm chúng bắt đầu có tác dụng và thời gian kéo dài tác dụng, từ đó kéo theo thời điểm tiêm cũng khác nhau. Hãy nhớ đọc hướng dẫn đi kèm với insulin và tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.

Vậy, tiêm insulin trước hay sau ăn? Cụ thể như sau:

  • Insulin tác dụng nhanh được tiêm trước bữa ăn 5-15 phút. Hãy nhớ rằng, không nên đợi quá 15 phút mới ăn sau khi tiêm insulin loại này. Tiêm insulin sau ăn có được không với loại tác dụng nhanh? Câu trả lời là ĐƯỢC. Tiêm ngay sau khi ăn sẽ giúp đưa lượng đường trong máu về mức bình thường, hạn chế nguy cơ đường huyết tăng đột biến sau khi ăn.
  • Insulin thông thường: Tiêm trước ăn từ 30 đến 60 phút.
  • Insulin tác dụng trung gian, kéo dài được tiêm 1-2 ngày/lần tùy vào chỉ định, không phụ thuộc là trước hay sau bữa ăn.
  • Insulin hỗn hợp thường tiêm trước ăn, thời gian tùy từng loại insulin được chỉ định từ 5-30 phút.

Tiêm insulin sau ăn có được không?

Tiêm insulin sau ăn có được không và những ý kiến trái chiều

Một số nghiên cứu xung quanh vấn đề “Tiêm insulin sau ăn có được không?” đã được thực hiện và có nhiều ý kiến trái chiều, cụ thể như sau:

Một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu ở Đại học Leeds Beckett và Cơ sở nghiên cứu lâm sàng NIHR Newcastle với sự tham gia của 10 nam giới mắc tiểu đường tuýp 1 cho thấy: tiêm thêm insulin 3 giờ sau bữa ăn giúp kiểm soát tốt hơn mức đường huyết và giảm nguy cơ bệnh tim khi ăn nhiều chất béo.

Tuy nhiên, các nghiên cứu khác lại cung cấp bằng chứng lâm sàng rõ ràng về tính ưu việt và an toàn của việc sử dụng các chất tương tự insulin tác dụng nhanh trước bữa ăn 15 – 20 phút sẽ mang lại khả năng kiểm soát đường huyết sau bữa ăn tối ưu hơn. Mức đường huyết sau bữa ăn giảm gần 30% và ít bị hạ đường huyết sau bữa ăn hơn. Sử dụng các chất tương tự insulin tác dụng nhanh sau bữa ăn là phương pháp kém hiệu quả hơn trong việc kiểm soát đường huyết sau bữa ăn và làm tăng nguy cơ hạ đường huyết đáng kể.

Quên tiêm trước ăn thì tiêm insulin sau ăn có được không?

quên tiêm thì tiêm insulin sau ăn có được không?

Như đã đề cập ở trên, đa số trường hợp, việc tiêm insulin thường được chỉ định trước bữa ăn. Mức insulin cao nhất khi cơ thể bạn hấp thụ đường từ bữa ăn, tiêm insulin trước bữa ăn giúp ngăn mức đường huyết tăng quá cao sau ăn.

Nếu quên tiêm insulin trước bữa ăn thì bạn sẽ có nguy cơ bị tăng đường huyết sau ăn. Tuy nhiên, bạn cũng không nên vì lo sợ đường huyết tăng sau ăn mà lại tiêm ngay khi nhớ ra sau bữa ăn. Vì tiêm lúc đó thì insulin sẽ tác dụng không đúng lúc và bạn sẽ bị hạ đường huyết sau đó.

Nếu đã quên tiêm trước khi ăn, hãy đợi đến bữa ăn tiếp theo để tiêm mũi insulin tiếp theo theo lịch trình đã được chỉ định. Nếu còn lo lắng hoặc mức đường huyết tăng quá cao sau ăn, hãy gọi cho bác sĩ để quyết định có nên tiêm insulin hay không và tiêm liều bao nhiêu là phù hợp.

Những lưu ý khác khi dùng insulin

Bên cạnh việc hiểu rõ vấn đề: “Tiêm insulin sau ăn có được không và nên tiêm vào thời điểm nào?” thì khi điều trị bằng insulin, bệnh nhân tiểu đường cũng nên lưu ý những điều sau đây:

  • Tiêm insulin đúng liều, đúng giờ theo chỉ định, không dùng toa thuốc của người khác.
  • Tiêm insulin bao lâu một lần? Hầu hết trường hợp sẽ được chỉ định tiêm insulin ít nhất 1-2 mũi mỗi ngày để kiểm soát tốt lượng đường trong máu. Một số người cần 3 hoặc 4 mũi tiêm mỗi ngày.
  • Kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên bằng máy đo đường huyết.
  • Khi điều trị bằng insulin, lượng đường trong máu có thể xuống quá thấp nếu bạn tập thể dục nhiều hơn bình thường, không ăn đủ chất, không ăn đúng giờ hoặc dùng quá liều insulin.
  • Những người mắc bệnh tiểu đường nên luôn mang theo ít nhất 15 gram carbohydrate như kẹo, sữa, nước trái cây là một dạng đường tác dụng nhanh để phòng trường hợp hạ đường huyết hoặc bị phản ứng với insulin.
  • Hãy đến gặp bác sĩ nếu: hạ đường huyết tái phát nhiều lần khi tiêm insulin, tiêm quá liều insulin, đường huyết kiểm soát kém dù đã tiêm theo đúng chỉ định, dị ứng với insulin,… 

Hi vọng bài viết này đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc: “Tiêm insulin sau ăn có được không và nên tiêm vào thời điểm nào?”. Điều trị tiểu đường là cả một quá trình mà bạn phải theo đến suốt đời nên hãy kiên trì và phải luôn tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ nhé! Cùng tham gia cộng đồng của Hello Bacsi để tìm hiểu và chia sẻ với nhau những thông tin hữu ích nhé!

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Diabetes treatment: Using insulin to manage blood sugar. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetes/in-depth/diabetes-treatment/art-20044084. Ngày truy cập: 11/06/2024

Insulin Therapy. https://familydoctor.org/insulin-therapy/. Ngày truy cập: 11/06/2024

Diabetes: How to Use Insulin. https://www.aafp.org/pubs/afp/issues/1999/0801/p649.html. Ngày truy cập: 11/06/2024

Lưu ý khi dùng Insulin ở người bệnh đái tháo đường. http://www.benhvien108.vn/luu-y-khi-dung-insulin-o-nguoi-benh-dai-thao-duong.htm. Ngày truy cập: 11/06/2024

Tiêm insulin. https://bvnghean.vn/insulin/. Ngày truy cập: 11/06/2024

Extra insulin injection three hours after eating could lessen heart risks in type 1 diabetes. https://www.diabetes.co.uk/news/2017/jun/extra-insulin-injection-three-hours-after-eating-could-lessen-heart-risks-in-type-1-diabetes-92389396.html. Ngày truy cập: 11/06/2024

Optimal prandial timing of bolus insulin in diabetes management: a review. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5836969/. Ngày truy cập: 11/06/2024

Cách sử dụng bút tiêm insulin. https://www.mskcc.org/vi/cancer-care/patient-education/how-use-insulin-pen. Ngày truy cập: 11/06/2024

How and when to take short-acting insulin. https://www.nhs.uk/medicines/insulin/short-acting-insulin/how-and-when-to-take-short-acting-insulin/. Ngày truy cập: 11/06/2024

Phiên bản hiện tại

20/06/2024

Tác giả: Trúc Phạm

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Hà Thị Ngọc Bích

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Tìm hiểu về các loại insulin điều trị tiểu đường và cách sử dụng

4 sự thật về insulin trong điều trị đái tháo đường không phải ai cũng biết


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Hà Thị Ngọc Bích

Khoa nội tiết · Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 20/06/2024

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo