Một trong những nguyên nhân khiến bệnh tiểu đường khó kiểm soát là bệnh nhân chưa thực sự hiểu về vai trò của việc dùng thuốc trị tiểu đường. Nhiều bệnh nhân dùng thuốc theo cảm tính hoặc bỏ thuốc dùng thảo dược,… Điều này khiến đường huyết tăng vọt, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Trong bài viết này, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về các nhóm thuốc điều trị tiểu đường tuýp 1, tuýp 2, cách chúng hoạt động và những lưu ý khi dùng thuốc nhé!
Thuốc trị tiểu đường tuýp 1
Bất kỳ ai bị bệnh tiểu đường tuýp 1 đều cần sử dụng insulin. Các loại insulin hiện nay được phân loại thành:
- Insulin tác dụng ngắn. Đôi khi được gọi là insulin thông thường, loại này bắt đầu hoạt động khoảng 30 phút sau khi tiêm. Nó đạt hiệu quả cao nhất sau 90 đến 120 phút và kéo dài khoảng 4 đến 6 giờ. Ví dụ như Humulin R, Novolin R và Afrezza.
- Insulin tác dụng nhanh. Loại insulin này bắt đầu hoạt động trong vòng 5-15 phút. Nó đạt hiệu quả cao nhất sau 60 phút và kéo dài khoảng 4 giờ. Loại này thường được dùng trước bữa ăn từ 5-15 phút. Ví dụ như glulisine, lispro và aspart.
- Insulin tác dụng trung bình. Còn được gọi là insulin NPH, loại insulin này bắt đầu hoạt động sau khoảng 1 đến 3 giờ sau tiêm và đạt hiệu quả cao nhất sau 6 đến 8 giờ và kéo dài 12 đến 24 giờ. Đại diện là insulin NPH.
- Insulin tác dụng kéo dài. Loại insulin này giúp ổn định mức insulin trong khoảng thời gian từ 14 đến 40 giờ. Ví dụ như glargine, detemir và degludec.
Ngoài tiểu đường tuýp 1 thì insulin còn được chỉ định cho các trường hợp tiểu đường thai kỳ hoặc tiểu đường tuýp 2 không đáp ứng với các thuốc trị tiểu đường đường uống khác. Thông thường, một số bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 sau khoảng 10 năm dùng thuốc uống sẽ có thể chuyển sang tiêm insulin.
Các loại thuốc uống điều trị tiểu đường tuýp 2 hiện nay
Có rất nhiều nhóm thuốc điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2, có thể dùng đường uống hoặc đường tiêm. Chúng hoạt động theo nhiều cơ thể khác nhau để làm giảm đường huyết. Trong từng điều kiện bệnh nhân và điều kiện tại cơ sở y tế, bác sĩ có thể chỉ định một hoặc kết hợp các loại thuốc trị tiểu đường tuýp 2 khác nhau. Các loại thuốc trị tiểu đường tuýp 2 thường gặp hiện nay bao gồm:
Sulfonylurea
Sulfonylurea là nhóm thuốc trị tiểu đường có tác dụng kích thích tế bào beta đảo tụy tiết ra insulin. Vì vậy thuốc thường được chỉ định cho bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 mà tế bào beta tuyến tụy còn khả năng sản sinh insulin. Ba loại sulfonylurea thường gặp hiện nay là glimepiride, glipizide và glyburide.
Liều khởi đầu dùng Sulfonylurea cho bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 là 30-60mg/ngày, tuỳ vào chỉ định của bác sĩ. Tác dụng kiểm soát đường huyết của Sulfonylurea gần như là ổn định ở mọi đối tượng nhưng tác dụng phụ của thuốc là tuỳ vào liều lượng cũng như phản ứng của mỗi bệnh nhân. Tăng cân và hạ đường huyết là những tác dụng phụ thường gặp khi dùng thuốc này.
Chống chỉ định dùng sulfonylurea cho bệnh nhân suy thận nặng, tiểu đường thai kỳ, tiểu đường tuýp 1,..
Metformin
Metformin là thuốc thuộc nhóm biguanid duy nhất được chỉ định đến thời điểm hiện nay. Metformin làm giảm lượng đường trong máu bằng cách ức chế quá trình tái tạo đường glucose ở gan, đồng thời kích thích các tế bào cơ sử dụng đường làm nguồn năng lượng chính.
Chống chỉ định dùng metformin cho bệnh nhân suy gan, suy thận, suy hô hấp và tiểu đường thai kỳ, tiểu đường tuýp 1
Liều dùng metformin khởi đầu là 500 – 800mg/ngày, theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Tác dụng không mong muốn có thể gặp phải khi dùng metformin:
- Miệng có vị kim loại.
- Rối loạn tiêu hoá: Nôn, buồn nôn, tiêu chảy.
- Sụt cân nếu dùng thuốc kéo dài.
Thiazolidinedione
Các thuốc trị tiểu đường thiazolidinedione (bao gồm rosiglitazone và pioglitazone) có tác dụng làm tăng độ nhạy của insulin, giúp đưa glucose từ máu vào tế bào và giảm tái tạo glucose ở gan. Từ đó, thuốc làm giảm đường huyết. Liều dùng thuốc khởi đầu 30mg/ ngày theo khuyến cáo của bác sĩ.
Nhóm thuốc trị tiểu đường này có khả năng kiểm soát tiểu đường mà không gây hạ đường huyết. Tuy nhiên, thiazolidinedione tiềm ẩn nguy cơ gây độc tính trên gan, tim. Vì vậy, thuốc chống chỉ định dùng cho bệnh nhân suy gan, suy tim hay mắc các vấn đề về tim, gan.
Nhóm thuốc ức chế men dipeptidyl peptidase-4 (DPP-4)
Thuốc ức chế men dipeptidyl peptidase-4 (DPP-4), hay còn gọi là gliptin, có tác dụng cải thiện mức HbA1C trong máu. Nhóm thuốc này có tác dụng hạ đường huyết theo cơ chế ngăn chặn DPP-4, nhờ đó làm tăng lượng hormone incretin trong máu, giúp tăng nồng độ insulin.
Thuốc được sử dụng 1 lần trong ngày, liều lượng theo chỉ định của bác sĩ, không phụ thuộc vào bữa ăn.
Tác dụng phụ của thuốc ức chế DPP-4 bao gồm:
- Rối loạn tiêu hóa: Buồn nôn, tiêu chảy và đau dạ dày
- Các triệu chứng giống cúm: Nhức đầu, sổ mũi, đau họng
- Phản ứng da: Phát ban, đỏ da, tím da và đau rát.
Thuốc trị tiểu đường nhóm ức chế men DPP-4 có liên quan đến nguy cơ viêm tuỵ. Vì vậy hãy đi khám bác sĩ ngay nếu bạn có dấu hiệu đau bụng dữ dội, nôn hoặc buồn nôn khi dùng thuốc.
Nhóm thuốc ức chế SGLT2
Kênh đồng vận chuyển natri – glucose 2 (SGLT2i) ở thận có tác dụng tái hấp thu glucose vào máu. Nhóm thuốc trị tiểu đường ức chế SGLT2 vì thế hoạt động theo cơ chế chẹn kênh này, làm ngăn chặn quá trình tái hấp thu glucose, tăng đào thải glucose theo nước tiểu. Nhờ đó, đường huyết giảm kéo theo đó huyết áp và cân nặng của bệnh nhân cũng có thể sụt giảm.
Nhóm thuốc này có hai đại diện gồm dapagliflozin và empagliflozin. Thuốc được dùng 1 lần trong ngày.
Bệnh nhân đái tháo đường type 1 hoặc bệnh nhân nhiễm toan ceton chuyển hoá do đái tháo đường không nên sử dụng thuốc nhóm SGLT2-i do thuốc này làm tăng nguy cơ nhiễm toan ceton ở bệnh nhân đái tháo đường. Phụ nữ mang thai và cho con bú cũng chống chỉ định dùng thuốc.
Thuốc thường được chỉ định để điều trị tiểu đường tuýp 2 có kèm theo bệnh tim mạch, bệnh thận. Lưu ý rằng do thuốc làm tăng đào thải đường theo nước tiểu nên khi dùng SGLT2-i bệnh nhân cũng có nguy cơ bị viêm nhiễm đường tiết niệu.
Phối hợp các thuốc điều trị tiểu đường tuýp 2
Bởi vì các loại thuốc trị tiểu đường tuýp 2 gần như hoạt động theo từng cơ chế khác nhau, làm tăng insulin hoặc tích cực vận chuyển glucose từ máu vào tế bào. Vì vậy mà bên cạnh đơn trị liệu, bác sĩ có thể chỉ định phối hợp các nhóm thuốc, mục đích là giúp bệnh nhân đạt được mục tiêu đường huyết. Metformin và thuốc ức chế men DPP-4 là một trong những phối hợp thường gặp trong điều trị tiểu đường tuýp 2. Tuy nhiên bệnh nhân không được tự ý kết hợp các loại thuốc trị tiểu đường hoặc kết hợp thuốc tiểu đường với các bài thuốc đông y khác mà không có chỉ định từ bác sĩ.