Canh rau mồng tơi là một món ăn quen thuộc trong nhiều bữa cơm gia đình Việt bởi công dụng giúp thanh nhiệt, giải độc, nhuận tràng vào những ngày hè nóng bức. Tuy nhiên, nếu trong gia đình có người mắc bệnh tiểu đường thì bạn sẽ băn khoăn không biết ăn rau mồng tơi với bệnh tiểu đường có tốt không, nên ăn bao nhiêu?
Mời bạn cùng Hello Bacsi đi tìm lời giải đáp trong bài viết ngay sau đây nhé!
Công dụng của rau mồng tơi với bệnh tiểu đường
Theo y học cổ truyền, mồng tơi có tính mát, vị ngọt chua, không độc. Công dụng giúp thanh nhiệt, giải độc, hóa tràng, lương huyết.
Theo y học hiện đại, rau mồng tơi có giá trị dinh dưỡng cao nhờ chứa nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể bao gồm: carbohydrate, polysaccharides, phenol, flavonoid, carotenoids, các acid amin thiết yếu như acid glutamic, glutamin, acid aspartic, asparagin, prolin, alanin …, cùng nhiều khoáng chất và vitamin cần thiết khác như canxi, photpho, kali, natri, sắt, đồng, magie, kẽm, selen, pro – vitamin A, vitamin B3, B9 (acid folic), C, E,…Đặc biệt, rau mồng tơi còn chứa chất nhầy pectin có tác dụng trong phòng và chữa nhiều bệnh lý.
Rau mồng tơi không chỉ giúp bổ sung nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể mà còn có các công dụng sau đây:
- Bổ sung rau mồng tơi hàng ngày có tác động tích cực đến lượng vitamin A dự trữ trong cơ thể.
- Hỗ trợ bảo vệ dạ dày, kháng khuẩn, chống viêm, thúc đẩy chữa lành vết thương và chống loét.
- Hỗ trợ điều trị một số bệnh viêm tiết niệu.
- Nhuận tràng, giảm táo bón, tốt cho phụ nữ mang thai và trẻ em.
- Chứa nhiều dưỡng chất tốt cho phụ nữ mang thai như acid folic, sắt,…
- Chất nhầy pectin trong rau mồng tơi giúp hấp thụ cholesterol xấu, ngăn ngừa hấp thu cholesterol vào máu nên giúp giảm nguy cơ thừa cân, béo phì, máu nhiễm mỡ.
Bệnh nhân tiểu đường ăn rau mồng tơi có tốt không? Rau mồng tơi là một trong các loại rau giúp hạ đường huyết hiệu quả và rất tốt cho người bệnh tiểu đường. Công dụng tích cực của rau mồng tơi với bệnh tiểu đường đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu khoa học.
Một nghiên cứu cho thấy dịch chiết nước của lá rau mồng tơi có tác dụng chống tiểu đường trên chuột mắc bệnh tiểu đường do alloxan gây ra.
- Các nghiên cứu dược lý học khác trên lá và thân của rau mồng tơi được thực hiện cũng đã chứng minh đặc tính chống bệnh tiểu đường hiệu quả.
- Chất nhầy có trong rau mồng tơi đã được cho là có tác dụng hạ đường huyết rất tốt nhờ khả năng làm chậm quá trình hấp thu đường vào máu sau khi ăn, ngăn ngừa nguy cơ bị tăng đường huyết đột ngột.
- Rau mồng tơi cũng chứa hàm lượng chất xơ và vitamin C cao, có đặc tính chống oxy hóa, rất tốt cho sức khỏe của bệnh nhân tiểu đường.
Cách ăn rau mồng tơi với bệnh tiểu đường
Để phát huy tối đa công dụng rau mồng tơi với bệnh tiểu đường, bạn có thể chế biến loại rau này thành các món ăn sau đây:
Rau mồng tơi xào tỏi
- Nhặt rau mồng tơi, chỉ lấy phần lá tươi và ngọn non, sau đó rửa sạch, thái miếng nhỏ vừa ăn.
- Bật bếp lên, cho dầu ăn và tỏi băm vào phi cho thơm, sau đó, cho rau mồng tơi vào xào cùng cho đến khi rau chuyển màu xanh đậm.
- Nêm nếm gia vị vừa ăn rồi chờ cho rau chín thì tắt bếp.
Canh rau mồng tơi nấu thịt băm
- Chuẩn bị 500gram rau mồng tơi, 200 gram thịt băm, 2 củ hành tím.
- Nhặt và rửa sạch rau mồng tơi, sau đó để ráo nước, thái thành từng đoạn vừa ăn.
- Băm nhuyễn thịt băm cùng hành tím rồi cho vào chảo xào trước, có thể nêm nếm gia vị.
- Chờ cho đến khi thịt băm chín thì cho khoảng 500ml nước vào.
- Khi nước sôi thì cho rau mồng tơi vào nấu cùng, chờ cho đến khi sôi lại thì nêm nếm gia vị rồi tắt bếp.
Canh rau mồng tơi nấu cua
- Chuẩn bị khoảng 300gram cua sạch, 500gram rau mồng tơi.
- Bỏ mai cua, chỉ lấy phần gạch trong mai, thân cua giã nát lấy thêm gạch và đổ nước vào đun sôi tạo nước riêu.
- Nhặt và rửa sạch rau mồng tơi rồi thái nhỏ.
- Đợi đến khi nồi riêu cua sôi thì cho rau vào nấu cùng.
- Sau khi nước sôi lần nữa thì nêm nếm lại gia vị vừa ăn rồi tắt bếp.
Canh rau mồng tơi nấu tôm
- Chuẩn bị khoảng 500 gram rau mồng tơi, 300 gram tôm đã bóc vỏ.
- Nhặt và rửa sạch rau mồng tơi, vớt ra để ráo nước.
- Cho tôm vào cối giã nhẹ, nêm nếm gia vị trong lúc giã để thấm đều vào thịt tôm.
- Cho 500ml nước vào nồi đun sôi, sau đó, cho thịt tôm vào đun sôi.
- Sau khi nước sôi, cho rau mồng tơi vào đun sôi lần nữa.
- Cuối cùng là nêm nếm lại gia vị rồi tắt bếp.
Những lưu ý cho bệnh nhân tiểu đường khi ăn rau mồng tơi
Khi hiểu rõ về công dụng của rau mồng tơi với bệnh tiểu đường, bạn cũng nên những lưu ý những điều sau đây khi bổ sung loại rau này vào thực đơn hàng ngày cho người tiểu đường:
- Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết về liều lượng và cách sử dụng rau mồng tơi với bệnh tiểu đường cho phù hợp để tránh tình trạng bị lạm dụng.
- Rau mồng tơi được thu hái quanh năm, thân và lá đem về nhặt, rửa sạch và dùng dưới dạng tươi.
- Nên nấu rau mồng tơi chín kỹ để ăn, không nên ăn sống vì dễ gây đau bụng cũng như các vấn đề tiêu hóa khác.
- Tránh kết hợp rau mồng tơi với thịt bò vì có thể gây đầy bụng, khó tiêu.
- Không nên ăn mồng tơi để qua đêm vì canh mồng tơi để lâu sẽ bị nitrat hóa thành nitrit, có thể tăng nguy cơ ung thư.
- Những đối tượng không nên ăn rau mồng tơi bao gồm: người thể hàn thấp, lạnh bụng, chân tay lạnh, sỏi thận, bệnh gout, người bị bệnh cơ xương khớp do hàn.
- Ngoài rau mồng tơi, bệnh nhân tiểu đường cũng có thể bổ sung thêm các loại rau xanh khác cũng tốt cho đường huyết như cải bó xôi, bắp cải, rau cải, đậu xanh, cần tây, mướp đắng,…
- Duy trì một chế độ ăn đa dạng các loại thực phẩm với đầy đủ dưỡng chất bao gồm rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, cá, trứng,…
- Hạn chế ăn các loại thực phẩm có chỉ số GI cao, hàm lượng đường và tinh bột cao như khoai, sắn, kẹo, sữa,…
Hi vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về công dụng của rau mồng tơi với bệnh tiểu đường để có thể lên một thực đơn lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất cho người bệnh. Tiểu đường là một căn bệnh mạn tính và cần kiểm soát lâu dài bằng một chế độ ăn uống lành mạnh và sinh hoạt điều độ. Trong đó, chế độ ăn uống đa dạng, lành mạnh và cân bằng là một phần vô cùng quan trọng giúp bệnh nhân tiểu đường kiểm soát tốt đường huyết và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.