Nếu bạn bị tiểu đường tuýp 2, nước tiểu sẽ có tính axit cao nên làm tăng nguy cơ phát triển sỏi thận do biến chứng bệnh tiểu đường.
Tiểu đường là tình trạng cơ thể không sản xuất đủ lượng insulin hoặc không thể sử dụng insulin đúng cách. Insulin đóng vai trò rất quan trọng để điều hòa nồng độ đường trong máu. Lượng đường trong máu cao có thể gây ra vấn đề ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, thậm chí gây bệnh sỏi thận do biến chứng bệnh tiểu đường tuýp 2.
Sỏi thận là gì?
Theo Healthline, sỏi thận hình thành khi bạn có nồng độ cao của vài loại chất trong nước tiểu. Một số loại sỏi thận hình thành từ calcium oxalate dư thừa. Các loại khác hình thành từ struvite, acid uric hay cysteine.
Những viên sỏi có thể di chuyển từ thận của bạn thông qua đường tiết niệu. Những viên sỏi nhỏ có thể di chuyển trong cơ thể và thải ra ngoài qua nước tiểu mà ít gây đau đớn hoặc không gây đau. Những viên sỏi lớn hơn có thể gây đau nhiều. Sỏi thậm chí có thể mắc kẹt trong đường tiết niệu. Tình trạng này có thể làm tắc nghẽn dòng nước tiểu và gây ra nhiễm trùng hay chảy máu.
Các triệu chứng khác của bệnh sỏi thận bao gồm:
- Đau lưng hay đau bụng
- Buồn nôn
- Nôn mửa
Nếu bạn gặp các triệu chứng nghiêm trọng của bệnh sỏi thận, hãy đi khám bác sĩ. Bác sĩ có thể chẩn đoán sỏi thận dựa trên các triệu chứng của bạn. Tổng phân tích nước tiểu, xét nghiệm máu, hình ảnh học có thể cần thiết để xác định chẩn đoán.
Các yếu tố nguy cơ khác của bệnh sỏi thận?
Bất cứ ai cũng có thể bị sỏi thận. Ngoài bị sỏi thận do biến chứng bệnh tiểu đường, các yếu tố nguy cơ khác gây ra bệnh sỏi thận bao gồm:
- Béo phì
- Ăn nhiều protein động vật
- Tiền sử gia đình bị sỏi thận
- Bệnh và tình trạng sức khỏe có ảnh hưởng đến thận
- Bệnh và tình trạng sức khỏe ảnh hưởng đến hàm lượng canxi và vài loại axit trong cơ thể
- Rối loạn đường tiết niệu hoặc viêm đường ruột mãn tính
Một số loại thuốc cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh sỏi thận, bao gồm:
- Thuốc lợi tiểu
- Thuốc kháng axit chứa canxi
- Thực phẩm bổ sung chứa canxi
- Topiramate (topamax, qudexy xr), một loại thuốc chống động kinh
- Indinavir (crixivan), một loại thuốc dùng trong điều trị nhiễm HIV
Đôi khi không xác định được nguyên nhân của bệnh.
Làm thế nào để điều trị sỏi thận?
Viên sỏi thận kích thước nhỏ thì không nhất thiết cần phải điều trị. Bạn sẽ được tư vấn nên uống nước để đẩy sỏi ra. Nếu bạn đang uống đủ nước thì nước tiểu của bạn có màu nhạt hoặc trong. Nước tiểu sẫm màu có nghĩa là bạn không uống đủ nước.
Thuốc giảm đau không kê toa có thể giúp xoa dịu cơn đau gây ra do sỏi nhỏ. Nếu không, bác sĩ có thể kê toa một loại thuốc mạnh hơn. Trong một số trường hợp, bác sĩ kê toa thuốc chặn alpha để giúp bạn đào thải sỏi nhanh hơn.
Viên sỏi lớn có thể cần đến thuốc giảm đau mạnh và can thiệp nhiều hơn. Sỏi có thể gây chảy máu, nhiễm trùng đường tiết niệu, hoặc thậm chí làm tổn thương thận của bạn.
Phương pháp điều trị thông thường là tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung, sử dụng sóng xung để phá vỡ sỏi. Nếu sỏi ở niệu quản, bác sĩ có thể phá vỡ sỏi bằng ống soi niệu quản. Nếu viên sỏi rất lớn và bạn không thể tự đào thải, có thể cần phải phẫu thuật.
Làm thế nào để giảm nguy cơ bị sỏi thận?
Một khi bạn đã có một viên sỏi thận, bạn có nguy cơ có thêm một viên khác cao hơn. Bạn có thể giảm nguy cơ bị sỏi nói chung bằng cách duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh và kiểm soát cân nặng của bạn. Bạn cũng nên uống nhiều nước mỗi ngày. Uống khoảng tám ly nước hoặc đồ uống không chứa calo. Bạn cũng nên uống nước trái cây họ cam.
Dù bạn bị sỏi thận do biến chứng bệnh tiểu đường hay vì các bệnh khác thì bạn cũng cần xác định nguyên nhân gây ra sỏi thận để ngăn chặn sỏi thận sau này. Một cách để tìm ra nguyên nhân sỏi thận là phân tích mẫu sỏi của bạn. Khi bạn được chẩn đoán là bị sỏi thận, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thu thập mẫu nước tiểu và sỏi khi đẩy được chúng ra ngoài. Phân tích trong phòng thí nghiệm có thể giúp xác định được thành phần của viên sỏi.
Xác định loại sỏi sẽ giúp bác sĩ điều chỉnh lại chế độ ăn uống cho bạn.
Một số loại sỏi thận hình thành từ canxi oxalate, nhưng như vậy không có nghĩa là bạn nên tránh hấp thụ canxi. Hấp thụ quá ít canxi có thể làm tăng lượng oxalate. Tốt nhất là bạn nên bổ sung canxi hàng ngày từ các loại thực phẩm. Bạn cũng sẽ cần một lượng vitamin D thích hợp để hấp thụ canxi đúng cách.
Dư thừa natri có thể làm tăng lượng canxi trong nước tiểu của bạn. Hạn chế các thức ăn mặn sẽ giúp ích.
Ăn quá nhiều protein động vật có thể làm tăng hàm lượng axit uric, thúc đẩy hình thành sỏi. Vì thế, bạn nên giảm nguy cơ này bằng cách ăn ít thịt đỏ.
Các loại thực phẩm khác cũng có thể gây ra sỏi thận. Hãy hạn chế chocolate, trà và soda.
[embed-health-tool-bmi]